Chiều ngày 26-7-2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi ra mắt tập truyện ký “Theo dấu chân Người” của GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam (65 Nguyễn Du, Hà Nội).
Toàn cảnh buổi ra mắt sách
Với rất nhiều tâm huyết, công phu và bền bỉ trong nhiều năm qua, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông đã hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc tập truyện, ký Theo dấu chân Người viết về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài. Dày gần 600 trang, cuốn sách kể về hành trình từ khi chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911, bôn ba tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam vào ngày 28-1-1941.
Không chỉ là công sức, tâm huyết, sự bền bỉ và tình cảm kính trọng đặc biệt của tác giả đối với Bác Hồ, cuốn sách cũng là lời hứa của tác giả Trình Quang Phú với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, GS, TS Trình Quang Phú cho biết, cách đây 28 năm (vào năm 1996) khi xuất bản tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, ông đã mang sách tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng nói rằng nên cố gắng viết tiếp về giai đoạn Bác Hồ ở nước ngoài tìm đường cứu nước, bởi kho tư liệu đồ sộ ấy nếu không sưu tầm và viết để lưu lại sớm thì sẽ bị mai một, sau này viết sẽ rất khó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói điều tương tự với ông Phú, khiến ông trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để tìm cách thực hiện lời hứa với hai người học trò xuất sắc của Bác Hồ.
Từ đó, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú bắt đầu hành trình thu thập tư liệu. Suốt một phần tư thế kỷ, ông đã đi đến những nơi Bác Hồ từng đến như Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Xô ngày trước và nước Nga ngày nay... Có nước như Pháp, Nga ông đến hàng chục lần để sưu tầm, ghi chép, đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác bằng ký và truyện ký - thể loại vốn là thế mạnh của tác giả. Điều xúc động và thôi thúc ông là cả thế giới dù thể chế chính trị nào cũng đều tôn trọng, dành sự trân quý với Bác, họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Người...
GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú phát biểu tại buổi ra mắt sách
GS, TS Trình Quang Phú cũng cho biết, sở dĩ ông có thể tìm được những tài liệu quý, mới mẻ và chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhờ ông từng làm công tác tình báo của ngành an ninh. Tại buổi ra mắt sách, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, người có nhiều năm công tác cùng GS, TS Trình Quang Phú trong ngành an ninh đánh giá cao tính thận trọng, tỉ mỉ, khoa học trong cuốn sách Theo dấu chân Người. Ông cho biết, những tài liệu ông Phú thu thập được "hết sức xác thực", mà chỉ những người có nghề tình báo mới có thể tìm được.
Phát biểu tại buổi ra mắt tác phẩm Theo dấu chân Người, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, những năm gần đây đã có nhiều nhà văn viết về những nhân vật lịch sử đặc biệt, nhà văn Trình Quang Phú là một trong số đó. Với nghệ thuật kể chuyện chân thật, giản dị, bằng tình yêu và lòng kính trọng với Bác Hồ, nhà văn Trình Quang Phú đã vượt qua những rào cản khi một nhà văn cầm bút viết về một nhân vật lịch sử vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một cuốn truyện ký tư liệu hòa vào chất văn chương, kể chuyện đầy chân thực mà gần gũi. Chính vì vậy, khi đọc cuốn sách này chúng ta như được sống trong thời đại đó, được sống cạnh vĩ nhân đó và đây chính là phép màu của văn học. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng, những người đang sống hôm nay và cả thế hệ mai sau sẽ biết ơn các nhà văn đã viết về những nhân vật lịch sử của dân tộc, trong đó có nhân vật đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt sách
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng vĩ đại trong sáng tạo văn học nghệ thuật, đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bác nên để viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ là rất khó. Nhưng tác giả Trình Quang Phú đã thành công, bởi ông đã có được một khối lượng tư liệu rất đặc biệt. Bên cạnh đó, ông có dịp đi nhiều và tiếp xúc nhiều với những học trò và những người cộng sự của Bác. Các tư liệu của tác giả hoàn toàn đáng tin cậy, có tư liệu chỉ là một câu đối thoại của Bác nhưng cũng được tác giả dẫn nguồn lại cẩn thận. Nhà văn không những tham khảo nguồn tài liệu ở trong nước, mà còn của cả nước ngoài và của mật thám Pháp.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi vốn dĩ thích đọc Trình Quang Phú vì ông viết ngắn hoặc dài, viết khảo cứu hoặc ký sự đều đem đến cho tôi nhiều thông tin mới. Thành công quan trọng nhất của cuốn sách Theo dấu chân Người là đã dựng lên chân dung của Bác Hồ từ một nhà yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản và lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Để làm được điều đó, tác giả đã đồng thời làm hai công việc cùng một lúc, đó là công việc của một nhà sử học và công việc của một nhà văn”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Viết văn học về lịch sử đã khó, viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ càng rất khó. Rất là bền bỉ, bền bỉ một cách tự thân, tôi rất thích cái từ là can đảm bền bỉ. Và có thể nói rằng ông đã bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian, thậm chí bỏ cả tiền bạc để tìm kiếm tư liệu và tìm được những tư liệu cũng như tìm được những cảm giác chính xác nhất về Hồ Chí Minh. Điều này không phải nhà văn nào cũng làm được và có điều kiện làm được. Nhà văn Trình Quang Phú đã làm được điều ấy”. Từng đồng hành cùng ông Phú trong chuyến công tác Trung Quốc tìm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết cuốn sách đã được viết từ những tư liệu rất chính xác về Bác Hồ mà có lẽ chỉ ông Phú mới tìm thấy. Từ những tư liệu ấy, nhà văn suy đoán tâm lý nhân vật và cho chúng ta được thấy một Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sống động, giản dị, rất con người và đúng là một vĩ nhân của nhân loại.
Tập truyện ký "Theo dấu chân Người"
Phát biểu tại buổi ra mắt tác phẩm, GS Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định, viết về Bác Hồ rất khó, phải có sự dũng cảm, chân thành và thật lòng mới viết được. Giá trị của cuốn sách nằm ở chỗ, độc giả sẽ được biết thêm nhiều chi tiết mới về Bác Hồ, thay vì những thông tin đã biết trên sách báo. Hơn nữa, đây lại là những thông tin chính xác. GS Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh: "Tôi đặc biệt cảm ơn tác giả, qua tác phẩm cho chúng ta biết rất nhiều tình tiết sinh động, mới, hấp dẫn như xem một cuốn phim quay chậm kể về các hoạt động sôi nổi, không ngừng nghỉ của Bác ở Quốc tế Cộng sản".
TS Đinh Xuân Dũng thì cảm nhận rằng: “Qua cuốn sách, tôi cảm thấy Hồ Chí Minh xuất hiện trong tác phẩm của Trình Quang Phú là con người rất thật và cái thật đó được kể lại rõ nét trong những chi tiết đời thường của Bác. Tôi nghĩ rằng, ngoài những tư liệu hiếm hoi qua những câu chuyện này, ta thấy hiện lên chân dung của một con người bình thường, giản dị và ta cũng sẽ thấy, sự trưởng thành của nhân vật như một sự tất yếu của lịch sử để dẫn tới sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhà báo Phan Thanh Bình - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên cho biết, GS, TS Trình Quang Phú đã chọn lựa đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường dài, xuyên suốt trong sự nghiệp văn chương của mình. Ông đã viết về Bác Hồ từ khi còn rất trẻ, cho tới nay đã có 6 cuốn sách bao gồm: Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng và Theo dấu chân Người. Trong đó nhiều cuốn sách được tái bản nhiều lần, có cuốn tái bản 22 lần như cuốn Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN