Ngày 23-6-2024, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi giao lưu, ra mắt tập thơ mới mang tựa đề “Hỗn độn và khu vườn” của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, do Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & truyền thông Nhã Nam phát hành tháng 6-2024.
Trong một không gian du dương của âm nhạc, tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, dịch giả TS Trần Ngọc Hiếu và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã trò chuyện về thi ca và chia sẻ những chiêm nghiệm về việc làm nghệ thuật cùng các khách mời như nhà văn Ngô Tự Lập, nhà báo Hữu Việt, nhạc sĩ Giáng Son, nhà thơ Vi Thùy Linh...
Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến và TS Trần Ngọc Hiếu, BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tại buổi giao lưu
Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến nguyên là Trưởng khoa Kiến trúc - Trường Đại học Chu Văn An, hiện anh vẫn tham gia các hoạt động về kiến trúc và quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai. Ở lĩnh vực âm nhạc, anh làm nên tên tuổi từ khi đoạt giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc Bà tôi. Đến nay anh đã có một gia tài ca khúc, đồng thời là người sản xuất album cho nhiều ca sĩ. Dù kiến trúc sư là nghề nghiệp chính nhưng anh nổi tiếng hơn cả với tư cách một nhạc sĩ. Nếu trong âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến từng là “hiện tượng” trong sáng tác ca khúc thì thơ của anh cũng được đánh giá là đa thể loại, có giọng điệu riêng. Anh từng xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn.
Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến độc đáo vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng. Sau hơn 20 năm kể từ khi ra mắt tập thơ đầu tay Những bình minh khác (Nxb Hội nhà văn, 2001), Nguyễn Vĩnh Tiến trở lại với thơ bằng tập Hỗn độn và khu vườn. Anh cũng tự minh họa cho tập thơ bằng các bức màu nước do chính mình vẽ.
Tập thơ Hỗn độn và khu vườn với 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời - đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, khi trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi “Tôi là gì?” và phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Tập thơ khép lại với những vần điệu tinh khôi, những triết lý về lẽ sống ở đời của một con người từng trải.
Tập thơ "Hỗn độn và khu vườn"
Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến rất đặc biệt và đa dạng. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, ta sẽ thấy được một giọng thơ riêng, hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, của vần điệu, của cũ và mới, của truyền thống và thể nghiệm để khám phá khả năng của ngôn từ. Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày...
Chính vì thế đọc thơ anh, người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, những câu kết chốt hạ độc đáo hay những liên tưởng thú vị ở mỗi bài thơ. Nguyễn Vĩnh Tiến như một “chàng thơ” đang đi băng băng trên một nẻo thơ riêng có, đôi khi dừng lại, tạt ngang, hoặc phóng vụt lên trước, khiến cho cuộc du ngoạn của người trong vườn thơ của anh có đầy sự kỳ thú. Những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách dày dặn này chỉ là một phần trong “vườn thơ” sum suê của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh.
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cũng đánh giá, có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội “Bố tôi Hoài Đức mẹ tôi Cẩm Khê”, nhớ nơi cắt rốn chôn rau của mình, vùng trung du Phú Thọ: “Tôi chỉ nên là/ Cậu bé trung du buồn/ Cặm cụi lớn/Để trôi về nguồn cơn...”. Con người nhà quê trìu mến với ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm…, và xót xa nghèn nghẹn với những phôi pha không thể nào chống đỡ. Trong khi đó con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.
TS Trần Ngọc Hiếu đồng tình: “Tôi dõi theo hành trình thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến từ khi anh còn tham gia nhóm Hương đầu mùa, trước khi anh ra mắt tập Những bình minh khác. Khi đọc thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi cảm giác anh là người có khả năng tách bản thân khỏi sự vật, nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Và trong thế giới tuổi thơ ấy, có chú bé trung du rất đặc biệt. Dù tác giả có đi đâu, có rơi vào trầm cảm nơi phố thị... mặc cho mọi sự hỗn độn, hình ảnh chú bé trung du đó giống như một hằng số trong thơ anh. Trong thơ anh có hai di sản, đúng hơn là gia sản khai thác mãi không cạn - trung du và tuổi thơ. Anh bị “mắc kẹt” trong tuổi thơ, vẫn mãi là cậu bé trung du đó…”.
Toàn cảnh buổi ra mắt tập thơ
Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa nhận định: “Nguyễn Vĩnh Tiến đến với thơ từ năm 8 tuổi và hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc - văn chương - âm nhạc, với một sức viết mạnh mẽ, rất mực tài hoa. Đó là người của những chuyến viễn du, nhưng lại không bao giờ quên mang theo chiếc vali nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở. Đọc Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe Nguyễn Vĩnh Tiến, ta dễ dàng trông thấy hồn thơ ngập tràn thành lũ, thành sông. Thấy chữ xếp thành đường làng. Thấy hồn thơ vững vàng đứng lẫn vào bóng núi, bóng trung du".
Chia sẻ về hành trình thơ của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến nói: "Sau khi ra mắt tập thơ đầu tiên Những bình minh khác, tôi bị sa đà sang âm nhạc, tôi đã hoàn toàn lãng quên nàng thơ. Tôi làm album, tổ chức nhiều live show ở trong và ngoài nước. Gần 20 năm bay lượn với âm nhạc, cho đến một ngày thơ tôi lại được Nhã Nam “khai quật”. Khi nhìn lại, tôi thấy chân dung nàng thơ của mình vẫn đẹp vẹn nguyên như thuở mười tám đôi mươi. Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi - người kiến trúc chữ - cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hòa lẫn vào màu kia, tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc. Ngay cả những vụng về, khiếm khuyết trong nét vẩy của cây cọ vẽ, cũng có thể thành một hiệu ứng lạ kỳ khiến ta nhận ra những "vết khuyết" của bức tranh chữ. Vết khuyết có sao đâu. Vết khuyết của cuộc đời có khi lại cần thơ lấp đầy...”.
NGÔ HỒNG VÂN