Sáng 4-6, tại Hội trường Diên Hồng, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV bắt đầu tiến hành phiên chất vấn dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn trong 2,5 ngày
Bắt đầu từ sáng 4-6, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với thời gian trong 2,5 ngày và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Mở đầu phiên chất vấn sáng 4-6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường với 3 nhóm vấn đề: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước, giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên khoáng sản quý hiếm.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về 9 lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ rất rộng, có vai trò quan trọng trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, có tầm ảnh hưởng tới toàn cầu. Nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, có tính chất phức tạp, nhạy cảm nên luôn được sự quan tâm của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội.
Ý thức được vai trò, trọng trách đó trong thời gian qua toàn ngành tài nguyên, môi trường đã luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các nguồn tài nguyên đã được quản lý, tổng hợp, sử dụng hiệu quả, đa mục đích. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển liên vùng. Chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên nước được hoàn thiện, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển. Công tác quản lý hoạt động của ngành khoáng sản, công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách nhà nước.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời các câu hỏi đặt ra của các đại biểu
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.
“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, việc trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội ngày hôm nay là cơ hội để Bộ Tài nguyên và Môi trường và cá nhân tôi có thể trao đổi những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, thực trạng hiện nay, đồng thời nhìn rõ hơn những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ, của ngành cũng như đề ra những giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về thực trạng, định hướng và giải pháp khai thác trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ, bảo tồn môi trường biển của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay Việt Nam có một bờ biển rất dài và Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã nêu rõ việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đặt câu hỏi về thực trạng, định hướng và giải pháp khai thác trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ, bảo tồn môi trường biển
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, “việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển thì của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, có 28 địa phương có biển, với các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, và các dự án đầu tư về đô thị ở dọc 2 bên bờ biển…”. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chỉ đạo và đang trình Quốc hội quy hoạch không gian biển quốc gia trong đó có vấn đề phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển và quy hoạch, từ đó gắn với các quy hoạch các ngành, rồi quy hoạch 28 địa phương có biển. “Chúng ta thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc việc quy hoạch và trong các dự án phải đánh giá tác động môi trường, tức là vừa phát triển kinh tế mạnh về biển, giàu về biển nhưng muốn bền vững thì phải thực hiện nghiêm túc, nghiêm khắc về việc bảo vệ môi trường” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng như gây ô nhiễm an ninh môi trường được ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời, theo Luật Khoáng sản 2010, các nghị định và hướng dẫn của các bộ, ngành, hoạt động khai thác khoáng sản này được phân cấp quản lý ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, cùng với các bộ, ngành và địa phương đã tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát.
ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép
Trong thời gian 5 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, với tổng số 933 lượt giấy phép và phát hiện ra 258 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Hiện nay, qua kiểm tra, thanh tra thấy các chủ dự án về mỏ đã sai phạm về việc khai thác vượt quá công suất cho phép và khai thác ra ngoài ranh giới, khai thác nhưng không đảm bảo được các điều kiện, các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này và những sai phạm có tính liên tục, sai phạm nối tiếp, sai phạm sau khi xử phạt hành chính theo luật mà tiếp tục sai phạm nữa sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra để chúng ta thực hiện nghiêm việc vi phạm này.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường đội ngũ làm việc, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đội ngũ này phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để cùng các địa phương phối hợp thật chặt chẽ với các đơn vị, các bộ, ngành. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc vấn đề này, đồng thời các địa phương phải thực sự quan tâm, giao cho vai trò của người đứng đầu các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị cùng thanh, kiểm tra gắn với giám sát để phát hiện và xử lý sớm trong việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát nguồn tài nguyên và không để khai thác trái phép nguồn tài nguyên là tài sản của quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) chất vấn về công tác quản lý nguồn nước thải nhằm bảo vệ môi trường
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) về công tác quản lý nguồn nước thải nhằm bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận định vấn đề của đại biểu đặt ra đúng như thực trạng và trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng cho biết, hiện nay tỷ lệ xử lý nước thải rất thấp, đặc biệt là nước sinh hoạt đô thị, nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề. Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, về đảm bảo tổng thể. Chúng ta phải xây dựng một kế hoạch, một lộ trình, đầu tư đồng bộ về hạ tầng liên quan đến xử lý nước thải. Việc này đòi hỏi nguồn lực, thời gian và sự quan tâm của địa phương, của bộ, ngành tập trung trong việc thời gian tới chúng ta sẽ quan tâm đến việc xử lý.
Thứ hai, về thể chế, chính sách. Như các đại biểu cũng đã quan tâm, chúng ta phải hoàn chỉnh thể chế, chính sách, trong đó có hợp tác công - tư. Xử lý nước thải phần thu gom, phần nhà máy xử lý thì hợp tác công - tư để đảm bảo thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư.
Thứ ba, sẽ ban hành đơn giá dịch vụ về xử lý nước thải. Chúng ta phải có giá dịch vụ hợp lý, phù hợp để các doanh nghiệp tham tính được, sẽ tham gia trong việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải.
Thứ tư, về việc tăng cường công tác quan trắc, giám sát: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng đang tiếp tục đầu tư hệ thống, quan tâm giám sát các nguồn xả thải và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường, kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vừa qua, chúng tôi vừa khánh thành một trung tâm tổng hợp, xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các nguồn xả thải lớn, từng bước sẽ cập nhật và phân tích, xử lý, kiểm tra, giám sát việc này.
Thứ năm, về tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp rất tốt với địa phương, Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là việc cố tình xả thải ra môi trường...
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội