Rosa Luxemburg (1871-1919) là một nhà lý luận và hoạt động cách mạng có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào công nhân đầu TK XX. Bà là người Do Thái sinh ra ở thị trấn Zamosc, Ba Lan. Tuy là người Do Thái nhưng gia đình bà ít chịu ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống Do Thái, mà sớm tiếp thu nền văn hóa và tư tưởng Ba Lan, Nga và Đức. Nền tảng văn hóa này đã giúp bà dễ dàng tiếp cận chủ nghĩa quốc tế. Trong cuộc đời của mình, bà hoạt động trong các phong trào của các đảng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở cả ba nước: Ba Lan, Nga và Đức. Bà trở thành một nhà hoạt động cách mạng tích cực, một nhà lý luận Mac-xít sắc bén giai đoạn cuối TK XIX, đầu TK XX.
Rosa Luxemburg cho rằng, văn hóa tri thức (khoa học và nghệ thuật), trong mọi xã hội có giai cấp, do giai cấp thống trị tạo ra; mục đích của nền văn hóa này một phần đảm bảo thỏa mãn trực tiếp các nhu cầu của quá trình xã hội và một phần thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong giai cấp thống trị (1). Bà chia sẻ quan điểm với Karl Kautsky khi cho rằng ba yếu tố tạo nên tư tưởng một quốc gia hiện đại, đó là: thị trường hàng hóa nội địa, khát vọng tự do chính trị và văn hóa dân tộc với quần chúng (2).
Với giai cấp tư sản, sự thống trị của quốc gia này đối với quốc gia khác là một yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển quốc gia - dân tộc; với giai cấp vô sản, chính sách dân tộc của quốc gia mình phải hòa hợp với chính sách của các quốc gia khác. Với nhà nước XHCN, chính sách dân tộc không phải là sự áp đặt, thống trị của quốc gia này đối với quốc gia khác, mà nó phải được hình thành dựa trên sự hài hòa về lợi ích của các dân tộc. Nhà nước, với giai cấp tư sản, đó là bộ máy cho sự thống trị trong nước và chinh phục các quốc gia khác; với giai cấp vô sản, nó lại không có ý nghĩa gì. Giai cấp vô sản cho rằng, mỗi quốc gia cần có hòa bình và phát triển, nhưng đó là nền hòa bình và phát triển thích hợp với các quốc gia khác.
Vì vậy, trong ba “gốc rễ của tư tưởng quốc gia hiện đại” mà Kautsky đưa ra, bà cho rằng, với nhà nước XHCN của giai cấp vô sản, chỉ có hai yếu tố quan trọng, đó là tổ chức dân chủ và văn hóa, giáo dục. Bà viết: “Điều quan trọng đối với giai cấp công nhân là các điều kiện trưởng thành về chính trị và tinh thần, là quyền tự do sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, sự phát triển không bị kiểm soát và không sai lầm của văn hóa dân tộc (học tập, văn học, nghệ thuật) và giáo dục bình thường của quần chúng, không bị ảnh hưởng bởi áp lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc - cho đến nay có thể là “bình thường” trong hệ thống tư sản” (3).
Luxemburg chỉ ra, đối với chủ nghĩa tư bản (CNTB), độc lập chính trị với tư cách quốc gia - nhà nước, là yếu tố cần thiết cho chính CNTB và lợi ích giai cấp chính họ. Bởi lẽ, quốc gia - nhà nước là công cụ thống trị, kiểm soát và chinh phục. Nhưng với giai cấp vô sản, thì họ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố văn hóa và dân chủ trong vấn đề của một quốc gia. Tức là, với giai cấp vô sản, họ coi hệ thống chính trị như là đảm bảo sự phát triển tự do của văn hóa và dân chủ trong đời sống dân tộc bằng các biện pháp bảo vệ, củng cố chứ không phải bằng hình thức áp đặt. Trong chính sách quốc gia của nhà nước tư sản, không có chỗ cho tinh thần đoàn kết và hợp tác của các dân tộc khác nhau ở các quốc gia, thì nó lại là một phần bản chất của nhà nước XHCN. Với nhà nước XHCN, vấn đề biên giới quốc gia sẽ không còn là một yếu tố hàng đầu. Khi đó, tính giai cấp, tính dân tộc và tính quốc tế hòa làm một (4). Bà chỉ ra: “Bình đẳng trước pháp luật đối với các dân tộc và các tổ chức chính trị, bảo đảm phát triển văn hóa dân tộc - đó là những hình thức chung của chương trình của giai cấp vô sản, một chương trình tự nhiên xuất phát từ vị trí giai cấp của nó, trái ngược với chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản”(5).
Sự ra đời của CNTB đã làm biến đổi đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Về mặt kinh tế, đó là sự tồn tại của nhiều quan hệ và hiện tượng kinh tế như: sản xuất máy móc, công trường, chuyên môn hóa sản xuất, vô sản hóa, tích lũy tư bản, khủng hoảng công nghiệp, độc quyền, lao động phụ nữ và trẻ em... Về mặt xã hội, các dịch vụ xã hội công cộng cũng phát triển mạnh như y tế, trường học. Để nền sản xuất tư bản đó có thể vận hành được một cách thuận lợi, thì không chỉ tầng lớp quản lý được đào tạo đặc biệt mà cả nền giáo dục phổ thông cũng được chú trọng. Giáo dục sẽ góp phần nâng cao trình độ văn hóa của quần chúng nhân dân, đồng thời tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về các mặt hàng phổ thông, góp phần nâng cao kỹ năng cho các lao động phổ thông có thể tham gia vào hệ thống công nghiệp quy mô lớn.
Để nền sản xuất và kinh doanh tư bản có thể phát triển trên phạm vi lớn, liên quốc gia thì cần có sự giao lưu, tiếp xúc lẫn nhau cả về vật chất lẫn văn hóa. Ngoài việc phát triển hạ tầng vật chất để phục vụ cho giao thương thì họ cũng quan tâm hơn đến các hoạt động văn hóa. Văn hóa nghệ thuật, một mặt vừa là phương tiện để các quốc gia giao lưu với nhau, mặt khác, nó là sản phẩm của nền kinh tế thị trường. Văn hóa nghệ thuật được tạo ra để thỏa mãn nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân. Với công cụ quản lý nhà nước của giai cấp tư sản, văn hóa nghệ thuật đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trở thành một nhu cầu hằng ngày của cư dân tại các đô thị. Luxemburg viết: “Sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, trong thời kỳ kinh tế tự nhiên là độc quyền và xa xỉ đối với nhân dân lao động và nó chỉ dành cho tầng lớp có tiền, có quyền, thì trong xã hội tư sản, nó là một thể chế công cộng và là một phần của cuộc sống bình thường hằng ngày của người dân thành thị” (6). Hưởng thụ văn hóa là hình thức mà những người lao động lựa chọn sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng và mệt nhọc trong các nhà máy và công xưởng. Nhưng, sản phẩm văn hóa mà người lao động được hưởng chỉ là thứ văn hóa bình dân, rẻ tiền, có thể tìm thấy ở bất kỳ khu chợ hay quán rượu nào. Trong khi đó, giai cấp tư sản vẫn là tầng lớp sử dụng những nhà hát hạng nhất, các tác phẩm nghệ thuật mang tính hàn lâm và cả những đồ vật xa xỉ.
Trong xã hội tư sản, nhiều sản phẩm văn hóa được tạo ra và phát triển mạnh. Ban đầu, nó là thành tựu của xã hội tư bản. Nhưng về sau, nó trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội hiện đại. “Giáo dục bình dân, báo chí, khoa học, nghệ thuật - lúc đầu phát triển trong khuôn khổ của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa - tự nó trở thành nhu cầu và điều kiện tồn tại tất yếu của xã hội hiện đại”(7). Đời sống văn hóa xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội của CNTB, nhưng với sự phát triển của xã hội, đời sống văn hóa đã vượt ra khỏi mối liên hệ với điều kiện kinh tế đó, nó trở thành một nhân tố độc lập. Nói cách khác, “quá trình vật chất thô tục của chủ nghĩa tư bản tạo ra một “kiến trúc thượng tầng” về mặt tư tưởng hoàn toàn mới với sự tồn tại và phát triển ở một mức độ nào đó là sự tự trị”(8).
Ý thức xã hội của thời đại nào cũng là đặc trưng cho thời đại đó. Tuy nhiên, nó luôn là sự kế thừa của ý thức xã hội các thời đại trước đó, đồng thời, nó cũng là nền tảng cho sự phát triển của chính nó trong các xã hội hiện đại hơn. Điều dễ thấy trong các lĩnh vực như triết học, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo... Văn hóa tư bản hiện đại là sự kế thừa và tiếp nối của nền văn hóa trước đó. Sự phát triển của nó, với tư cách là tính liên tục và tổng thể, về mặt hình thức không có mối liên hệ nào với thời kỳ kinh tế tư bản chủ nghĩa và chế độ tư bản (9).
Nền văn hóa mà CNTB tạo ra gắn liền với một phạm vi lãnh thổ, một môi trường xã hội, trong một cộng đồng ngôn ngữ nhất định, với những truyền thống nhất định. Hay nói cách khác, nền văn hóa đó gắn liền với quốc gia. Một mặt, nó góp phần phân biệt quốc gia này với quốc gia khác, với cộng đồng dân tộc này với dân tộc khác; mặt khác, nó tạo ra sự gắn kết đặc biệt, chặt chẽ hơn giữa các thành phần trong cộng đồng với nhau, kết nối các lợi ích tinh thần. Tuy nhiên, với tư cách là một nhân tố của ý thức xã hội, văn hóa tư sản đã vượt ra khỏi phạm vi không gian và thời gian của nó.
Luxemburg viết: “Các giá trị văn hóa và thẩm mỹ do CNTB tạo ra trong một môi trường nhất định không chỉ mang một phẩm chất dân tộc nhất định thông qua cơ quan chính là sản xuất văn hóa, tức là ngôn ngữ, mà hòa nhập với văn hóa truyền thống của xã hội lịch sử của nó trở nên bão hòa với những đặc trưng văn hóa riêng; nói một cách dễ hiểu, nền văn hóa này biến thành nền văn hóa dân tộc với sự tồn tại và phát triển của chính nó. Những nét cơ bản và nền tảng của văn hóa hiện đại ở tất cả các nước tư sản là chung, mang tính quốc tế và xu hướng phát triển đương đại là hướng tới một cộng đồng văn hóa quốc tế ngày càng lớn mạnh”(10).
Luxemburg cũng đã chỉ ra sự phát triển biện chứng của văn hóa trong mỗi giai đoạn lịch sử của nó. Văn hóa tư sản tồn tại và phát triển trong xã hội tư sản cho nên nó thấm nhuần tinh thần, nguyên tắc của xã hội tư sản nhằm phục vụ xã hội đó. Nhưng bản thân sự phát triển của xã hội tư sản cũng như các thể chế tồn tại trong xã hội đó là hiện tượng mang tính hai mặt. “Phương tiện của giai cấp và sự thống trị đồng thời là phương tiện cho sự phát triển của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ tư sản”(11).
Tự do chính trị, dân chủ đại nghị ở các nước tư bản là công cụ để xây dựng CNTB và duy trì lợi ích của giai cấp tư sản với tư cách là một giai cấp thống trị. Nhưng đồng thời, chính nền dân chủ và chủ nghĩa đại nghị đó lại trở thành môi trường cho sự trưởng thành về chính trị và giai cấp của giai cấp vô sản. Đó là điều kiện để giai cấp vô sản nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình, cơ sở cho sự hình thành đảng chính trị của giai cấp vô sản, trở thành lực lượng tiên phong trong đấu tranh giai cấp công khai.
Tính biện chứng của sự phát triển cũng thể hiện trong khía cạnh nhận thức. Môi trường văn hóa như trường học công cộng, giáo dục cơ bản là những yếu tố cần thiết cho xã hội tư bản nhằm tạo ra sức tiêu thụ của quần chúng thích hợp cũng như một lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao đáp ứng điều kiện lao động của xã hội tư bản. Nhưng trường học cũng trở thành một công cụ cơ bản của giai cấp vô sản với tư cách là một giai cấp cách mạng. Giai cấp vô sản hiểu được rằng tri thức sẽ là đòn bẩy cho đấu tranh giai cấp bởi nó là ý thức cách mạng của quần chúng lao động. Giai cấp vô sản sẽ sử dụng trường học, báo chí, hay các hình thức văn hóa khác để giáo dục cho chính giai cấp mình, cũng như vạch trần sự bóc lột của giai cấp tư bản. Thông qua việc sử dụng công cụ văn hóa, giai cấp vô sản sẽ nâng cao ý thức giai cấp và sứ mệnh lịch sử của mình và cả những hình thức đấu tranh để giành thắng lợi. Luxemburg đã nhắc lại câu nói của Lassalle: “Chỉ khi khoa học và công nhân, hai cực đối lập này của xã hội, hòa làm một, họ mới đè bẹp trong vòng tay thép của mình mọi chướng ngại vật đối với văn hóa”(12).
Để xây dựng nền văn hóa XHCN thì giai cấp vô sản phải là lực lượng thực sự nắm được sự thống trị về quyền lực chính trị. Điều đó chỉ xẩy ra khi giai cấp vô sản tiến hành cuộc cách mạng của chính mình, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản. Bởi điểm cốt lõi nhất của cách mạng chính là giành chính quyền. Và sau khi giành được chính quyền, giai cấp cách mạng mới xác lập được sự chuyên chính của mình, làm chủ về mặt chính trị, từ đó tiến tới việc đảm bảo được quyền lực của giai cấp mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, đời sống văn hóa bình thường, phổ biến và không giới hạn của một đất nước “cũng không thể thiếu đối với sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản như đối với sự tồn tại của chính xã hội tư sản”(13).
Trong thời kỳ đầu của lịch sử đấu tranh giai cấp, giai cấp đang lên có thể chuẩn bị cho sự thống trị chính trị của mình bằng cách thiết lập một sự thống trị về mặt trí tuệ, ngay khi bản thân họ vẫn còn bị khuất phục bởi giai cấp thống trị. Họ có thể thiết lập một nền tảng khoa học mới và nền văn hóa nghệ thuật mới chống lại văn hóa lỗi thời của thời kỳ suy tàn. Sự phát triển về nhận thức giúp cho giai cấp bị thống trị có lợi thế trong phát triển kinh tế, cải tạo công cụ sản xuất và phương thức sản xuất. Dần dần, họ có thể nắm được sự thống trị về kinh tế và qua đó, thống trị về mặt chính trị.
Nhưng điều này không thể áp dụng được với giai cấp vô sản. Họ không thể tạo ra khoa học và nghệ thuật của chính mình khi đang chịu sự thống trị của giai cấp tư sản. Chừng nào những nền tảng kinh tế của CNTB vẫn còn tồn tại thì không thể có nền văn hóa nào khác ngoài nền văn hóa tư sản. Và mặc dù, thực tế giai cấp vô sản là lực lượng tạo ra toàn bộ tầng lớp xã hội của nền văn hóa tư sản đó. Nhưng họ chỉ được thừa nhận thụ hưởng nó chừng nào việc chấp nhận đó là cần thiết để thực hiện thỏa đáng các chức năng của họ trong quá trình kinh tế và xã hội của xã hội tư bản (14). Bà viết: “Giai cấp công nhân sẽ không có điều kiện để tạo ra một khoa học và một nghệ thuật của riêng mình cho đến khi họ được giải phóng hoàn toàn khỏi vị trí giai cấp hiện tại” (15).
Khác với nhiều quan điểm của các nhà tư tưởng cùng thời, Luxemburg không coi chuyên chính vô sản như là sự đàn áp của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản. Mà hơn hết, đối với bà, chuyên chính vô sản là giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. Giai cấp vô sản thực hiện sự chuyên chính của mình thông qua một môi trường dân chủ với các quyền tự do về chính trị, văn hóa và xã hội. Văn hóa XHCN được xây dựng và phát triển trong điều kiện dân chủ XHCN dưới sự kiểm soát quyền lực của giai cấp vô sản.
Luxemburg là người đã kết hợp một cách hài hòa những quan điểm về quyền lực chính trị và thực hành dân chủ thực sự. Theo bà, một nền dân chủ thực sự phải là nền dân chủ thu hút được sự tham gia đông đảo nhân dân với các hoạt động chính trị. Chính thông qua sự tham gia đó, những ý kiến sáng tạo và tinh hoa cho việc xây dựng một xã hội mới được bộ lộ.
Với các tàn tích của xã hội cũ, bà cho rằng có thể dùng các biện pháp hành chính để loại trừ nó, nhưng với việc xây dựng một xã hội mới, tích cực thì không thể dùng các sắc lệnh. Nó phải là sản phẩm của chính đời sống văn hóa, chính trị của xã hội. Không có một công thức định sẵn nào để xây dựng CNXH mà thông qua hoạt động thực tiễn, con người sẽ dần định hình được đặc trưng cũng như các giải pháp xây dựng một xã hội mới. Đó cũng chính là quá trình mà con người sáng tạo ra văn hóa cho thời đại mình. Luxemburg tin rằng, một cuộc cách mạng chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu mọi người có đủ không gian để tạo ra chiến lược cách mạng của riêng mình. Đời sống chính trị tích cực, không có khuôn mẫu, tràn đầy năng lượng của đông đảo quần chúng nhân dân mới có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu cho những hạn chế của bất kỳ thể chế chính trị nào.
Mặc dù văn hóa không phải là chủ đề được trọng tâm trong các bài luận của bà cũng như trong hoạt động thực tiễn cách mạng, bà cũng đã dành sự quan tâm không nhỏ cho những lý luận về văn hóa tư sản và văn hóa XHCN. Những lý luận của bà đã góp phần bổ sung thêm vào hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác về văn hóa XHCN cũng như vấn đề văn hóa trong cách mạng XHCN.
_________________
Tác giả: Nguyễn Hồng Đức
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020