Hoạt động tình nguyện có sức mạnh to lớn giúp giải quyết nhiều vấn đề và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tại Việt Nam, sau năm 1986, khi đất nước thực hiện đổi mới thì nhiều tổ chức tình nguyện ra đời và hoạt động tình nguyện cũng như phong trào thanh niên tình nguyện phát triển mạnh mẽ, đa dạng và phong phú về cả đối tượng lẫn hình thức; đã và đang đem lại những lợi ích kinh tế xã hội to lớn được xã hội quan tâm, cổ vũ.
1. Hoạt động tình nguyện của thanh niên giai đoạn 1986 - 2000
Thực hiện Chương trình xung kích, sáng tạo trên mặt trận phát triển kinh tế, hầu hết các tỉnh, thành đoàn đã xây dựng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) làm kinh tế, hướng vào giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của địa phương, cơ sở. Nhiều đơn vị TNXP làm ăn có hiệu quả, biết tự hạch toán, sản xuất kinh doanh đầu tư theo chiều sâu, đạt hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực năm 1991, đã có 33 tỉnh, thành phố, 120 quận, huyện và cơ sở tổ chức đội hình TNXP với hơn 2.000 đơn vị kinh tế, thu hút 8 vạn lao động trẻ, trong đó có 3,5 vạn tập trung thường xuyên.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ thời gian đầu, phong trào xung kích, tình nguyện trong sản xuất đã thu hút trên 9 triệu thanh niên nông thôn. Từ năm 1993 đến tháng 6-1997, có hơn 1 triệu lượt đoàn viên thanh niên được tập huấn về nghề nông. Các cơ sở Đoàn khu vực nông thôn đã xây dựng 9.286 điểm trình diễn kỹ thuật, duy trì hoạt động của 1.746 CLB khuyến nông, hoàn thành 67.173 công trình thanh niên xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện 15.137 dự án. Trong lĩnh vực công nghiệp, tháng 01-1992, Trung ương Đoàn đã phát động phong trào CKT (chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, tiết kiệm, hạ giá thành) và nhanh chóng được các cơ sở Đoàn triển khai mạnh mẽ, sôi nổi. Giai đoạn 1993 - 1997, các cấp bộ Đoàn đã đảm nhiệm 17.340 công trình, phần việc thanh niên, tham gia xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam và Công trình thủy điện Yaly cùng các công trình lớn khác (1).
Trên mặt trận bảo vệ tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: ngay sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V năm 1987, tuổi trẻ cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, gắn với thực tế tình hình an ninh, trật tự của địa phương, đơn vị. Cùng với các hoạt động tình nguyện góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, trong giai đoạn 1993 - 1997, tổ chức Đoàn các cấp cũng triển khai thực hiện nhiều tình nguyện vì an sinh xã hội như tình nguyện dạy học, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu tình nguyện và bảo vệ môi trường nhận phụng dưỡng đến hết đời 3.902 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận chăm sóc thường xuyên 5.812 mẹ, xây dựng 2.329 nhà, tặng 27.133 sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa TNXP, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong hai năm 1998, 1999, đoàn viên thanh niên cả nước đã tình nguyện xây dựng và trao tặng 573 nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình chính sách với kinh phí trị giá hơn 60 tỷ đồng.
Thông qua các chiến dịch Ánh sáng văn hóa, Mùa hè xanh, trong năm 1998, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã tổ chức được 4.604 lớp học xóa mù chữ với sự tham gia dạy học của 23.360 đoàn viên thanh niên tình nguyện, xóa mù chữ cho 87.600 người; năm 1999 tổ chức 6.367 lớp xóa mù chữ với 26.590 đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia dạy học, xóa mù chữ cho 132.250 người (2)
2. Phong trào Thanh niên tình nguyện từ năm 2000 đến nay
Hoạt động nổi bật nhất của phong trào năm 2000 là khẩu hiệu Mùa hè học sinh, sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng với nội dung, phương thức rất phong phú, đa dạng đã khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tinh thần tình nguyện của học sinh, sinh viên. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn và các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện phát triển rộng rãi. Hoạt động tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn, đặc biệt là nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV, AIDS được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2000 đã có 20.131 đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ và 260.785 đội viên được duy trì ở cơ sở.
Đối với công tác xóa đói giảm nghèo, hoạt động tình nguyện diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay trong năm 2000, tuổi trẻ cả nước đã tình nguyện nhận và hoàn thành 51.995 công trình thanh niên, triển khai được 10.845 dự án (3). Tiêu biểu như: dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi ở 125 xã nghèo, đặc biệt khó khăn; dự án tham gia xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới đồng bằng sông Cửu Long;
Phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang triển khai có hiệu quả. Thanh niên quân đội đẩy mạnh phong trào Giành 3 đỉnh cao quyết thắng, cuộc vận động Thanh niên quân đội mẫu mực xây dựng chính quy; thanh niên công an có phong trào Hai thi đua, hai tình nguyện thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được triển khai sâu rộng.
Các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội được đẩy mạnh. Đã có 10.395 nhà tình nghĩa được xây dựng (tăng hơn 4,2 lần so với nhiệm kỳ trước), nhiều gia đình chính sách, đồng bào bị thiên tai được giúp đỡ với số tiền, quà trị giá hàng chục tỷ đồng. Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng có chuyển biến tích cực, hỗ trợ 730.323 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thiếu nhi.
Bước sang nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, giai đoạn 2007 - 2012, Trung ương Đoàn phát động và triển khai 2 phong trào Năm xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc và Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Điểm nổi bật trong phong trào giai đoạn này là đội hình đa dạng hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên sinh viên, huy động nhiều nguồn lực, thu hút đông đảo các lực lượng xã hội cùng tham gia (4).
Qua 3 năm triển khai, các cấp bộ đoàn đã tổ chức cho 197.534 đoàn viên, sinh viên tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi, giúp đỡ được 2.569.262 lượt thí sinh và người nhà thí sinh; huy động hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí, tìm kiếm hàng trăm nghìn nhà trọ giá rẻ, nhà trọ miễn phí... với tổng số nguồn lực huy động ước tính hơn 48,2 tỷ đồng.
Các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được tổ chức với nhiều nội dung phong phú. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức thăm và tặng quà cho gần 20.000 lượt gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng trị giá gần 20 tỷ đồng; hỗ trợ, giúp đỡ trên 70.500 cá nhân, hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam với giá trị trên 40 tỷ đồng...
Các hoạt động tình nguyện mùa đông, xuân được tổ chức định kỳ hàng năm từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, đã tiếp sức nông dân ổn định sản xuất, ứng phó rét đậm, rét hại, khắc phục hậu quả lũ lụt, ứng phó với thiên tai; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ, chăm lo tết cho người nghèo, trao tặng 150.000 chăn ấm, 70.600 tấn quần áo ấm, 380 tấn lương thực, thực phẩm, 95.500 suất quà và tiền mặt, học bổng trị giá 24,5 tỷ đồng (5).
Hoạt động tình nguyện của y, bác sĩ trẻ đã trở thành hoạt động thường niên, được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với kết quả là: khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 2.366.477 người dân; tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho 44.865 giáo viên các trường mầm non, tiểu học; tổ chức ngày hội rửa tay bằng xà phòng cho 202.043 trẻ em phòng chống bệnh tay chân miệng; mổ mắt miễn phí cho 3.271 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tiếp nhận 1.653.025 đơn vị máu, thu hút sự tham gia của 14.273 thầy thuốc trẻ và hàng vạn thanh niên tình nguyện trên khắp mọi miền tổ quốc.
Hoạt động tình nguyện hiến máu nhân đạo thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Trong nửa nhiệm kỳ, đã có gần 750.000 thanh niên tham gia đăng ký hiến máu, thu được 1.554.000 đơn vị máu. Các cấp bộ đoàn đã thành lập ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu cứu chữa người bệnh khi cần. “Ngày hội thanh niên hiến máu tình nguyện, Ngày chủ nhật đỏ được mở rộng trong cả nước. Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đến nay, 95% lượng máu các bệnh viện tiếp nhận được đến từ những người hiến máu tình nguyện, trong đó 75% là thanh niên, sinh viên.
Hoạt động xung kích, tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông tập trung vào tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho thanh thiếu niên và nhân dân. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức được 85.128 đợt tuyên truyền về ATGT thu hút 6.895.474 lượt người tham gia; tổ chức 23.826 lớp tập huấn cho 1.809.753 lượt đoàn viên, hội viên về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về ATGT; cấp phát trên 4 triệu tờ gấp tuyên truyền; căng treo 250.000 pano, khẩu hiệu tuyên truyền về văn hóa giao thông…
Một số đội hình về bảo vệ môi trường như các tổ hợp tác, HTX Thanh niên thu gom rác thải, các đội xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường đã được đoàn viên thanh niên tình nguyện triển khai rộng khắp và duy trì hoạt động thường xuyên. Trong 3 năm (2013 - 2015), các cấp bộ đoàn đã tổ chức, hướng dẫn đoàn viên thanh niên tình nguyện triển khai trồng mới và chăm sóc hơn 2.000 ha rừng và 22 triệu cây xanh các loại, thu hút hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia (6).
Cùng với đó, thanh niên tình nguyện các địa phương đã có nhiều cố gắng trong tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời tổ chức các đội hình thanh niên xung kích tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tuyên truyền và tham gia phòng chống dịch bệnh, thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng trước mùa bão lũ và xây dựng chòi tránh lũ cho hộ nghèo, gia đình chính sách khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ.
Những kết quả nổi bật như trên phản ánh một thực tế là trong các hoạt động tình nguyện mà thanh niên thường tham gia thì các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật… là những hoạt động mà thanh niên tham gia tích cực nhất (7).
3. Khó khăn, thách thức và nhiệm vụ, giải pháp cho hoạt động tình nguyện của thanh niên
Sau nhiều năm hoạt động, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng, với hình thức phong phú, thu hút đông đảo các lực lượng thanh niên tham gia. Hoạt động tình nguyện đảm bảo tính rộng khắp, tính định hướng, tính dẫn dắt, tính thiết thực hiệu quả, tính bền vững, tính sáng tạo và có xu hướng phát triển sâu rộng trong thanh thiếu niên. Trong một kết quả khảo sát đã cho thấy tỉ lệ thanh niên đồng tình với ý kiến cho rằng thanh niên hiện nay thích tham gia vào các hoạt động tình nguyện lên đến 97,2% (trong đó đồng tình: 54,2%; đồng tình một phần: 43,0%). Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên cho rằng thanh niên hiện nay tham gia tình nguyện để nhằm mục đích thăng tiến (13,3%) hay để được nhiều người biết đến tên tuổi mình (10,0%) (8).
Phong trào đã tạo ra môi trường, động lực để thanh niên tự khẳng định mình, giáo dục tinh thần tương thân, tương ái và các giá trị đạo đức tốt đẹp, là cơ hội để đoàn viên thanh niên được tiếp cận với thực tế, rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, hình thành nếp sống, lối sống đẹp cho đoàn viên, thanh niên. Cán bộ Đoàn - Hội - Đội được rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác, vai trò, uy tín của tổ chức Đoàn, Hội được khẳng định trong xã hội. Phong trào đã làm thay đổi nhận thức của thanh niên về các vấn đề xã hội đồng thời cũng đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về lực lượng thanh niên.
Bên cạnh những thành tựu và đóng góp tích cực của phong trào trong thời kỳ đổi mới, thực tiễn hoạt động tình nguyện của thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn và bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là:
Các chính sách bảo vệ quyền lợi cho thanh niên khi tham gia các hoạt động tình nguyện chưa đảm bảo, từ đó chưa thúc đẩy thanh niên nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện; nhiều nơi, nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền còn chưa nhiệt tình trong tiếp nhận thanh niên tình nguyện.
Một số hoạt động tình nguyện có lúc, có nơi còn hình thức, chưa chú ý đến chiều sâu, chưa bám sát nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; sự phối hợp giữa đơn vị cung ứng và đơn vị tiếp nhận nguồn lực tình nguyện còn bất cập.
Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường thời kỳ hội nhập, một số ít thanh niên phai nhạt lý tưởng, sống thực dụng, thích hưởng thụ, có hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của thanh niên và phong trào thanh niên tình nguyện.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của phong trào thanh niên tình nguyện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội cần phải làm tốt các nhiệm vụ sau đây:
Xác định được các tiêu chí phong trào hành động cách mạng của thanh niên; phải chăm lo, không ngừng bồi dưỡng và giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Không ngừng hoàn thiện, xây dựng và củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức và đạo đức, lối sống; phải xác định nội dung đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn và khả năng hoạt động đa dạng của các đối tượng thanh niên.
Đa dạng hóa phương thức tổ chức thực hiện là nhân tố đảm bảo để phong trào ngày càng phát triển; cần triển khai có hiệu quả các nguồn lực trong thanh niên và xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp phát triển phong trào.
Sớm có những nghiên cứu, đề xuất, ban hành chính sách cụ thể đối với đoàn viên thanh niên tham gia phong trào; tổ chức Đoàn phải là chiếc cầu nối để bất cứ một thanh niên có nhu cầu tình nguyện nào, vào thời điểm nào, lĩnh vực hoạt động gì cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện.
Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào; xây dựng các đội hình tình nguyện chuyên sâu, tập trung và phát triển mạnh tình nguyện quốc tế.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức song, có thể tin rằng phong trào sẽ tiếp tục phát triển, thực sự là phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ, là môi trường tốt để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
______________
1, 2, 3. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012, tr.582, 657.
4, 5, 6. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo cáo số 376 BC/TWĐTN ngày 10-9-2012.
7. Viện nghiên cứu Thanh niên, Đánh giá tình hình thanh niên giai đoạn 2012-2016.
8. Viện nghiên cứu Thanh niên, Kết quả khảo sát đánh giá tình hình thanh niên 2016.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1-2018
Tác giả : NGUYỄN VIỆT HÙNG