Phát triển ý thức chính trị nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự

Nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự bao gồm: đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu, thực nghiệm khoa học kỹ thuật quân sự; cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự trực tiếp làm công tác kỹ thuật ở các đơn vị, cơ sở sản xuất quốc phòng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật - công nghệ quân sự; đội ngũ giảng viên, học viên, sinh viên các ngành khoa học kỹ thuật ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự phải không ngừng được xây dựng, bồi đắp vững mạnh về số lượng và chất lượng, trong đó, phát triển ý thức chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, ý thức chính trị có vai trò quan trọng trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự chính là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, là sự quán triệt và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ý thức chính trị đó giữ vị trí chủ đạo là nhân tố quan trọng hàng đầu, hạt nhân đời sống tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ khoa học kỹ thuật quân sự. Những biểu hiện ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự là trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc; lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; trách nhiệm đối với nhiệm vụ chính trị của quân đội, tình cảm đối với đồng chí, đồng bào và thái độ đối với kẻ thù.

Ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự còn là những tư tưởng, tâm lý, tình cảm chính trị phản ánh trình độ giác ngộ, thái độ, trách nhiệm chính trị của họ trước Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân; được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc và tính quốc tế xã hội chủ nghĩa của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Những thuộc tính cơ bản này có vai trò, vị trí khác nhau, song có mối liên hệ, quan hệ tác động qua lại, quy định lẫn nhau trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự.

Nội dung ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự được biểu hiện trên những nét cơ bản sau:

Một là, trình độ hiểu biết về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng và quân đội, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là truyền thống đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân trong các cuộc kháng chiến.

Hai là, những tình cảm tốt đẹp đối với Đảng, quê hương, đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; niềm tin đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, động cơ, thái độ công tác, học tập, nghiên cứu, rèn luyện đúng đắn và ý chí quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và của đơn vị.

Sự phát triển ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự luôn chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử đất nước. Trong điều kiện hiện nay, đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự tác động từ mặt trái nền kinh tế thị trường là những cản trở nhất định đến việc tăng cường và củng cố ý thức chính trị cho nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự.

Để phát triển ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước mắt, cần tập trung tăng cường hơn nữa việc giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các hoạt động có mục đích, có tổ chức, tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự. Hình thành, củng cố thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản, niềm tin lý tưởng cách mạng và những phẩm chất chính trị, đạo đức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, quân đội và các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng đối với nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự.

Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng cần toàn diện, trong đó nội dung cốt lõi là giáo dục bản chất giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức đường lối đổi mới của Đảng và xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi quân nhân; giáo dục mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, làm cho họ thực sự kiên định lập trường giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc, củng cố thế giới quan và phương pháp luận khoa học, lòng trung thành với Đảng, với chế độ, với Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, phải luôn bám sát thực tiễn cách mạng, nhiệm vụ quân đội và đơn vị, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đánh bại mọi âm mưu phá hoại, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trong mỗi giai đoạn, mục tiêu giáo dục có sự thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời, cần mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật, tăng cường đoàn kết nội bộ, thực hiện sự bình đẳng của mọi quân nhân.

Cùng với nội dung trên, cần phát huy vai trò của các tổ chức trong đơn vị đối với việc phát triển ý thức chính trị nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự. Thực chất đây là quá trình khai thác, sử dụng sức mạnh tổng hợp của các tập thể quân nhân, góp phần xây dựng thái độ, động cơ, niềm tin, ý thức trách nhiệm của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, điều này cũng nhằm tạo dựng môi trường chính trị xã hội thuận lợi ở các cơ quan, đơn vị nhà trường trong sạch vững mạnh, là cơ sở cho việc nâng cao ý thức chính trị của nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự.

Phát triển ý thức chính trị cho nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quân sự là một dạng đặc thù của quá trình phát triển nhận thức và tư tưởng của con người - xã hội. Đó là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện hơn ý thức chính trị thông qua sự hình thành, phát triển các yếu tố, các bộ phận cấu thành của nó. Đồng thời, đó còn là một quá trình đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong nhận thức, tư tưởng, tâm lý, tình cảm chính trị xã hội. Đây là một đòi hỏi khách quan, xuất phát từ yêu cầu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự cho các lực lượng vũ trang trong hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình này cần tác động trực tiếp của các chủ thể giáo dục, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường cùng với sự tự giáo dục, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, tư tưởng, tâm lý, tình cảm chính trị. Nó không chỉ diễn ra trong một sớm, một chiều, mà là quá trình lâu dài thông qua sự tác động biện chứng giữa điều kiện khách quan và tính tích cực, năng động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ khoa học kỹ thuật quân sự.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

4. Nguyễn Thanh, Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, 2005.

Tác giả: Nguyễn Cảnh Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;