PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở LÂM ĐỒNG

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để phát triển nông nghiệp bền vững, dưới ánh sáng đường lối của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua 10 năm thực hiện, nông nghiệp Lâm Đồng đã có những bước phát triển mang tính đột phá, toàn diện cả về năng suất, chất lượng nông sản cũng như giá trị sản xuất của toàn ngành, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Khoa học và công nghệ thực sự là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là động lực then chốt nhằm để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất là một đòi hỏi tất yếu khách quan của mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với quá trình phát triển nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đại hội IX của Đảng đã chủ trương “tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học”. Trên cơ sở đó, ngày 18-3-2002, Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW Về đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, xác định: “Mục tiêu tổng quát và lâu dài của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu” (1).

Kế thừa và phát triển quan điểm Đại hội IX, Đại hội X của Đảng đã xác định: “Phát triển toàn diện nông nghiệp… đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương” (2). Trên cơ sở đó, ngày 05 - 8 - 2008, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chủ trương xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn. Để đạt được mục tiêu đó, Nghị quyết đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh “phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn” (3). Kế thừa quan điểm phát triển nông nghiệp bền vững và sản xuất hàng hóa lớn của Nghị quyết 26, Đại hội XI của Đảng định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, chủ trương cần phải “áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao” (4).

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa VII đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2004 - 2010 là một trong 6 chương trình trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ năm 2004. Mục đích yêu cầu chính của Chương trình là: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước (5). Trong những năm trước mắt, cần tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, dâu tây, sản xuất giống chè và phát triển vùng nguyên liệu chè; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển giống bò thịt chất lượng cao.

Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh (12 - 2005) đã đề ra phương hướng chung về phát triển nông nghiệp: “Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, lựa chọn một số ngành hàng lớn có lợi thế phát triển. Trên cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu đầu tư thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và sản xuất hàng xuất khẩu. Đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là các giống mới, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm” (6).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 trên các địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đối với thành phố Đà Lạt, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 3 - 5 - 2006 xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá là “chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; phát triển hoa, dâu tây, atisô, chè theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với dịch vụ du lịch và xuất khẩu”. Đối với thị xã Bảo Lộc, Nghị quyết số 02 - NQ/TU ngày 3-5- 2006 đã nhấn mạnh một trong năm nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá là “phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ công nghiệp chế biến, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác”. Đối với huyện Đức Trọng, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 3-5- 2006 đã xác định “chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển rau, hoa theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với xuất khẩu” là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 24-10-2008, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, ngày 7 - 1- 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 31/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định xây dựng các quy trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông xuất rau, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn là một trong bảy nội dung cần thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Các nội dung về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lồng ghép chỉ đạo cùng với các chương trình, kế hoạch về kinh tế, xã hội trong toàn tỉnh.

Tổng kết thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2004-2010, nông nghiệp Lâm Đồng đã có sự phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Đó là cơ sở để Đại hội Đảng bộ lần thứ IX (9 - 2010) tiếp tục xác định chủ trương “phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao” là một trong năm khâu đột phá trong nhiệm kỳ cần tập trung lãnh đạo. Đại hội đã xác định nhiệm vụ đối với nông nghiệp là “tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao, đưa nhanh các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao và mô hình sản xuất công nghệ cao gắn với mô hình kinh tế trang trại cho rau, hoa, dâu tây tại Đà Lạt, Lạc  Dương, Đức Trọng, Đơn Dương” (7). Ngày  10-5-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011 - 2015. Nghị quyết xác định mục tiêu “đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, bền vững. Đến năm 2015 có trên 10% diện tích canh tác nông nghiệp được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh”. Nghị quyết đã xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm là: chọn, tạo và nhân giống cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao bằng việc ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp để tạo ra các giống mới đột biến giá trị cao; lựa chọn công nghệ, thiết bị, xây dựng các quy trình, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xây dựng mô hình sản xuất và công trình điểm thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngày 22- 7-2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Báo cáo số 167-BC/TU về sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa X và Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 24 - 10 - 2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Tỉnh ủy đã xác định chủ trương áp dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao... đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế để “đưa Lâm Đồng trở thành địa phương có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”.

Qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh có 43.084 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 16% diện tích canh tác; tổng đàn bò sữa đạt 17.233 con, trong đó có 20% chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp; tổng diện tích ao cá nước lạnh đạt 50 ha, sản lượng 500 tấn/năm; có 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất khoảng 30 triệu cây giống gốc invitro và trên 200 vườn ươm sản xuất khoảng 2 tỷ cây giống thương phẩm. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng 30-50%, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 40% so với doanh thu (10). Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt 145 triệu đồng/ha, cao hơn 5 lần so với năm 2004. Trong đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho doanh thu đạt hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 450 - 500 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân từ 800 - 1.200 triệu đồng/ha (11). Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao như: Công ty Dalat Hasfarm, Công ty liên doanh Organik Đà Lạt, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Hoàng, Công ty Langbian farm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phong Thúy, Hợp tác xã Anh Đào,... cho doanh thu đạt từ 01 - 03 tỷ đồng/ha. Các công nghệ tiên tiến như công nghệ giống (của các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản), công nghệ nhà kính hiện đại (của Isarel, Pháp, Hà Lan); công nghệ thủy canh (của các nước Châu Âu, Thái Lan); công nghệ thông tin điều khiển tự động về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng (của các nước Châu Âu, Nhật Bản); các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và các công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 2004 - 2015 đạt hơn 9%  (giai đoạn 2004 - 2010 đạt 9,8%, giai đoạn 2010 - 2015 đạt 8,4%), giá trị xuất khẩu hàng nông sản chiếm khoảng 80% tổng giá trị hàng xuất khẩu toàn tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu, quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng vẫn còn hạn chế về tích tụ ruộng đất, về thực hiện chuỗi liên kết, về thị trường tiêu thụ, về huy động vốn và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Kết quả đạt được từ quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mở ra một hướng đi mới, mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp địa phương, đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để có được những thành tựu mang tính đột phá trên, trước hết là nhờ Đảng bộ địa phương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các chủ trương, cơ chế và các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đảng bộ đã lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và từng địa phương nên năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được nâng lên gấp nhiều lần. Mặt khác, thành công của chương trình còn nhờ các chính sách hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, sự chung sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và người nông dân, trong đó có cả đồng bào các dân tộc thiểu số.

Từ những kết quả đạt được sau 10 năm lãnh đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, có thể đúc rút một số kinh nghiệm cơ bản sau:

Thứ nhất, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần phải được quán triệt sâu rộng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp để vận động, hỗ trợ nhân dân thực hiện.

Thứ hai, cần ưu tiên đầu tư đúng mức công tác nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường cho nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng.

Thứ ba, chú trọng công tác quy hoạch về cơ cấu giống cây trồng vật nuôi gắn với các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh trên cơ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán sản xuất của từng địa phương.

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân cả trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, nhà nước cần chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho nông sản; hỗ trợ vốn và bao tiêu thị trường đầu ra sản phẩm cho nông dân tiến hành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

______________

1. Hội đồng biên soạn, Văn kiện đảng về phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.655.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.29.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội, 2008, tr.9.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38 - 39.

5, 7. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Lâm Đồng, 2010, tr.52, tr.192-193.

6. BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1975 -2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.315.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : NGUYỄN QUANG NAM

;