PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TP.HCM THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG

Tiếp cận, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa là một nhu cầu có tính lịch sử, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Cùng với nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa là quá trình hình thành hệ thống xuất bản, cung ứng, kinh doanh xuất bản phẩm; sự ra đời của hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm vừa là một thành tố không thể thiếu trong thiết chế văn hóa cộng đồng, vừa làm phong phú thêm sắc thái văn hóa cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử. Với sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật, hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm không còn bị bó hẹp trong một động thái giản đơn là cung ứng sản phẩm văn hóa mà có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa mới, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Việc phát triển ngành xuất bản ở TP.HCM sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải thiện, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo ra sự phong phú, đa dạng về diện mạo văn hóa; hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Xuất bản góp phần xây dựng TP.HCM đa sắc diện trong văn hóa

 TP.HCM là thành phố đông dân nhất cả nước, đồng thời là thành phố đầu tàu về kinh tế, trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng của cả nước. Về quy mô, đây là thành phố đứng thứ nhì Việt Nam (sau Hà Nội). TP.HCM với gần 10 triệu dân, là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân cư có điểm xuất phát khác nhau, một bộ phận quan trọng dân cư thành phố là cộng đồng bản địa, một bộ phận rất lớn được bổ sung vào thành phố sau các biến cố chính trị lớn của đất nước, nhất là sau năm 1954 - 1975. Vì thế, việc xây dựng thành phố thống nhất trong đa dạng là một thử thách không nhỏ, không thể bó hẹp trên lĩnh vực chính trị, kinh tế mà cả trên phương diện văn hóa.

Ngay từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ năm 1995 đến nay, TP. HCM đã thực sự đóng vai trò là trung tâm truyền thông thứ hai của Việt Nam. Trên địa bàn thành phố có 38 đơn vị báo chí, 113 văn phòng đại diện báo chí, 4 nhà xuất bản của thành phố, hơn 20 chi nhánh nhà xuất bản trung ương, mạng lưới thông tấn xã, phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương. Đặc biệt, trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, số lượng ấn phẩm xuất bản do 4 nhà xuất bản của thành phố ấn hành chiếm tới 1/7 số đầu sách của cả nước. Ước tính có 60-70% số lượng sách của cả nước được phát hành tại TP.HCM, một khối lượng đồ sộ các ấn phẩm văn hóa ngoại nhập. Tất cả các nguồn thông tin qua xuất bản phẩm phản ánh nhịp đập đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của TP.HCM đến tay người dân trong thành phố là nhờ chủ yếu vào hệ thống các thiết chế kinh doanh xuất bản phẩm.

Hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phổ biến tri thức khoa học, góp phần trang bị kiến thức toàn diện trên tất cả các lĩnh. Thông qua hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm, độc giả ở TP.HCM có thể tiếp cận được những tri thức mới nhất của thế giới cũng như trong nước, từ đó góp phần đưa mặt bằng dân trí thành phố phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, trên thế giới. Mặt khác, hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm có khả năng thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đa sắc diện văn hóa. Chính đây là nhân tố quan trọng tạo cho đời sống tinh thần của nhân dân thành phố thêm đa sắc màu, phong phú, tiên tiến.

Có thể nói việc phát triển hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm là một nhu cầu có tính tất yếu trên con đường hướng tới việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân TP.HCM. Đồng thời đó cũng là đòi hỏi khách quan trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa có tính đặc thù, phản ánh sự thống nhất trong đa dạng, một nét nổi bật của thành phố.

Trên cơ sở nhận thức đó, với vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực văn hóa trên địa bàn, vấn đề đặt ra cho khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM là làm gì, làm như thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực cung ứng cho hệ thống thiết chế xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm. Họ phải là những người vừa có kiến thức cơ bản, vừa tích lũy được những hiểu biết sâu sắc về đặc trưng văn hóa của thành phố, thỏa mãn các yêu cầu của một hệ thống thiết chế trong lĩnh vực xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa

Trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (2015 - 2020), vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa được đánh giá là một trong những thành công của Đảng bộ trong nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng nhấn mạnh mặt hạn chế trên lĩnh vực văn hóa. Từ những nhận định đó, liên hệ vào thực tiễn hoạt động đào tạo của khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM, có thể thấy rằng trong những năm vừa qua, thiết chế văn hóa, trong đó có thiết chế xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm đã có những bước phát triển rất đáng kể nhưng chưa đủ mạnh để đẩy lùi những sản phẩm văn hóa tiêu cực, độc hại; chưa thực sự ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa hiệu quả sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, sự nhiễm độc văn hóa từ bên trong. Đó là một thực tế có thể nhận thấy được trong chính hệ thống nguồn nhân lực cho văn hóa tại thành phố.

Trước hết, có thể khẳng định, hệ thống nguồn nhân lực văn hóa ở TP. HCM phát triển nhất toàn quốc, đã có những đóng góp nhất định trong việc phát triển văn hóa trên địa bàn. Đây là nơi góp mặt của những nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty cổ phần Văn hóa Hương Trang, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A… Những nhà xuất bản, cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm này đang sử dụng một nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm như Đại học Văn hóa TP.HCM, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, trong đó nguồn nhân lực chủ yếu được đào tạo từ khoa xuất bản của Đại học Văn hóa TP.HCM.

 Từ thực tế đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế kinh doanh xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần tạo nên diện mạo của một trung tâm văn hóa của cả nước, tạo nên một địa bàn đô thị đa sắc diện văn hóa thì ngành xuất bản, kinh doanh xuất bản nói chung, hệ thống các cơ sở xuất bản, kinh doanh xuất bản nói riêng cần tôn trọng những nét đặc thù về văn hóa của cộng đồng cư dân trên địa bàn. Ngoài những giải pháp có tính phổ biến đã được đề cập trong một số ý kiến của các nhà khoa học trước đây, cần có những giải pháp đặc thù, được rút ra từ quá trình nghiên cứu lý luận, đào tạo nguồn nhân lực tại khoa xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM.

Thứ nhất, phải đảm bảo cho hệ thống nguồn nhân lực làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, hệ thống xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm có hiểu biết sâu sắc về tính đa dạng văn hóa của thành phố, thể hiện qua sự phong phú về văn hóa, trong đó có sự đa dạng sắc thái văn hóa dân tộc, thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ người hưởng thụ văn hóa, khu vực địa lý... Để làm được điều đó thì ngoài những nguyên tắc dành riêng cho các cơ quan xuất bản thì hệ thống các thiết chế kinh doanh xuất bản phẩm phải khai thác tối đa tính đa dạng văn hóa ngay từ trong khâu đào tạo nguồn nhân lực mới có thể biến cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm thành địa chỉ văn hóa cộng đồng.

Thứ hai, phải tạo được vị thế văn hóa của khoa Xuất bản trong việc xây dựng các thiết chế xuất bản trên địa bàn thành phố. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển cho thấy muốn thành công trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa thì không có con đường nào nhanh hơn là kiến tạo một xã hội học tập. Chính những thiết chế văn hóa, trong đó có vai trò của nhà trường là môi trường kiến tạo một xã hội học tập mà khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM là một địa chỉ tin cậy.

Thứ ba, Đại học Văn hóa TP.HCM có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố thành trung tâm văn hóa vùng, là đầu mối, điểm xuất phát của các trào lưu văn hóa tiên tiến, có vai trò to lớn trong việc đẩy lùi sự xâm thực văn hóa độc hại. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các xu hướng văn hóa trong lĩnh vực văn hóa phẩm, kể cả xu hướng tích cực lẫn tiêu cực đều có điểm xuất phát từ TP.HCM, sau đó lan tỏa ra cả nước. Vì thế, nếu xây dựng được một thị trường văn hóa phẩm lành mạnh trên địa bàn thành phố thì trước hết là góp phần củng cố vị thế trung tâm văn hóa vùng của thành phố, sau đó tạo được một sức lan tỏa mạnh mẽ ra địa bàn cả nước. Như vậy, việc xây dựng được một hệ thống xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm lành mạnh cho TP.HCM thì không những đẩy lùi được các trào lưu, sự xâm thực văn hóa tiêu cực tại đây mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn cả nước. Muốn làm được điều đó thì trước hết là phải tạo một hệ thống khép kín từ đào tạo nguồn nhân lực đến việc tổ chức vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó, Đại học Văn hóa TP.HCM đóng vai trò là khâu mở đầu.

Thứ tư, tạo ra một hệ thống liên kết giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa tại TP.HCM từ những kinh nghiệm rút ra được trong quá trình đào tạo tại khoa Xuất bản. Hiện nay hệ thống các cơ sở văn hóa thành phố có nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm được đào tạo từ nhiều cơ sở trong cả nước, trong đó một bộ phận lớn được đào tạo tại Đại học Văn hóa TP.HCM, bộ phận còn lại tốt nghiệp tại cơ sở đào tạo trong nước như Đại học Văn hóa Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM… Trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực văn hóa cho địa bàn các tỉnh miền Nam, trường đã thu được những thành công trên nhiều phương diện. Kinh nghiệm cho thấy để nguồn nhân lực phát huy tốt trong thực tiễn thì vấn đề quan trọng hàng đầu chính là việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo lý thuyết với đào tạo qua môi trường thực hành. Chỉ riêng trong lĩnh vực nguồn nhân lực xuất bản, trường đã tạo được mối liên kết trong đào tạo với các nhà xuất bản, các công ty nổi tiếng như: Cục Xuất bản, in, phát hành thuộc Bộ Thông tin - truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; Công ty cổ phần phát hành sách TP.HCM (FAHASA), Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, hệ thống các công ty phát hành sách tư nhân trên địa bàn thành phố. Qua môi trường kinh doanh xuất bản phẩm, ngoài phần cứng kiến thức được đào tạo trên giảng đường, sinh viên được đưa vào môi trường kinh doanh, trực tiếp tiếp cận với các kỹ năng lao động trong lĩnh vực xuất bản, lĩnh hội được cách vận dụng kiến thức thực tiễn, quan trọng nhất là nắm bắt được những đặc thù về môi trường văn hóa của thành phố. Chính sự phối hợp này đã trang bị cho sinh viên vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng. Nhờ vậy, sản phẩm do khoa đào tạo ra, khi được nhận vào làm việc tại các cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm đã thích nghi ngay với môi trường làm việc, góp phần tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các cơ sở trong ngành xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm. Chỉ riêng Công ty cổ phần phát hành sách TP.HCM (FAHASA) đã có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh xuất bản phẩm thuộc Đại học Văn hóa TP.HCM đang làm việc tại công ty, trong số này có đến gần 100 người là cán bộ quản lý từ cấp trưởng quầy trở lên. Ngoài ra, khoa Xuất bản cũng đã đào tạo riêng cho công ty 27 học viên là những cán bộ quản lý từ phó, trưởng cửa hàng sách trở lên phục vụ cho nhu cầu nhân lực có trình độ cao của công ty. Khoa cũng đã tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý, tính đến nay đã 6 khóa học với số lượng được đào tạo khoảng hơn 200 học viên. Ngoài ra, khoa Xuất bản cùng kết hợp với Văn phòng Hội xuất bản phía Nam tiến hành mở các lớp ngắn hạn như kỹ năng bán hàng hoặc quản trị doanh nghiệp xuất bản phẩm trong thời gian sắp tới. Lực lượng này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển lớn mạnh của những cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho đời sống văn hóa tinh thần của cư dân thành phố. Đường sách TP.HCM sau 2 năm hoạt động đã giúp cho khoa có một địa chỉ rất tốt trong việc thực hành nghề nghiệp của sinh viên khoa, sinh viên có môi trường thuận tiện để tham gia các hoạt động sự kiện thực tế, các hoạt động gắn với các sự kiện lớn của thành phố, ngoài ra sinh viên còn tham gia hoạt động kiến tập, thực tập tại đây cũng như trở lại làm việc ở các đơn vị tại đường sách sau khi tốt nghiệp.

Như vậy, việc khép kín chu trình đào tạo kiến thức lý thuyết với rèn luyện kỹ năng trong môi trường năng động của TP.HCM, nhìn trên sản phẩm là một kết quả kép giữa 2 môi trường đào tạo là nhà trường, xã hội, đó cũng chính là nét đặc thù trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa của Đại học Văn hóa TP.HCM. Nhờ vậy, sản phẩm đào tạo từ trường luôn mang đậm đặc trưng văn hóa thành phố. Hệ thống xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm tại đây đã vượt ra khỏi khuôn khổ những giá trị kinh tế thuần túy để vươn tới những giá trị xã hội. Muốn vậy cần phát triển các thiết chế văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm với 2 mục tiêu song hành là giá trị kinh tế, giá trị văn hóa. Làm được như thế, hệ thống xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm sẽ góp phần quan trọng vào việc chống xâm lăng văn hóa, đẩy lùi văn hóa độc hại.

Trong những năm qua, lĩnh vực xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng, phát triển văn hóa trên địa bàn TP.HCM. Những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận nhưng yêu cầu của sự phát triển đang đặt ra cho việc đào tạo ngành này những nhiệm vụ hết sức lớn lao, đòi hỏi phải có những giải pháp phát triển trong một tầm nhìn chiến lược, trong đó phải hết sức coi trọng tính đặc thù, đa dạng, đa sắc màu, vai trò trung tâm lan tỏa văn hóa. Làm được như vậy, khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM mới thực sự có vai trò xã hội, những đóng góp có ý nghĩa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên con đường xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : THÁI THU HOÀI

;