Trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông, việc vận dụng năng lực hợp tác (NLHT) chính là khả năng tổ chức, quản lý nhóm, thực hiện các hoạt động trong nhóm thành thạo, linh hoạt, sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ chung một cách hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, phương pháp này đã thể hiện được những ưu điểm nổi bật trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, gắn lý thuyết với thực tế, nâng cao khả năng thực hành và đáp ứng được các mục tiêu giáo dục. Những năm gần đây, bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa, giáo dục Việt Nam đã và đang thực hiện sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp dạy học (PPDH). Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế xung quanh vấn đề này.
1. Một số vấn đề lý luận về việc vận dụng NLHT trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
Một số khái niệm về NLHT cần phát triển trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
Năng lực: theo Nguyễn Quang Uẩn, “Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy”. Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường (2005) cho rằng: “Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức”. Như vậy, năng lực là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ và vận hành chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết vấn đề đặt ra của cuộc sống.
Hợp tác: theo Từ điển tiếng Việt (1997), Hợp tác là cùng chung sức giúp nhau trong một công việc, trong một lĩnh vực hoạt động nào đó nhằm đạt được mục đích chung. Từ điển Tâm lý học (2008) định nghĩa: Hợp tác là hai hay nhiều bộ phận trong một nhóm cùng làm việc theo một cách thức để tạo ra kết quả chung. Hợp tác là một khái niệm rộng. Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi tập trung tìm hiểu về hợp tác trong học tập bộ môn lịch sử. Do đó, hợp tác trong học tập là sự kết hợp giữa hai hay nhiều học sinh vào một nhóm, trong đó, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau nhằm giải quyết nhiệm vụ học tập chung nào đó.
NLHT được hiểu là khả năng tương tác của cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể trong học tập và cuộc sống. Trong môn lịch sử, NLHT thể hiện ở việc học sinh cùng chia sẻ, phối hợp với nhau trong thực hiện các nhiệm vụ học tập. Thông qua các hoạt động nhóm, cặp, học sinh thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về những vấn đề đặt ra, đồng thời lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của nhóm để tự điều chỉnh mình.
Nội dung của NLHT cần phát triển trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
Trong hệ thống các năng lực chung, NLHT được coi là năng lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện năng lực học sinh. Muốn phát triển được năng lực, điều quan trọng, học sinh phải có các kỹ năng để hợp tác với nhau. Trước hết, đưa ra ý tưởng về nhiệm vụ học tập của nhóm, kế hoạch hoàn thành, phân công công việc cho các thành viên trong nhóm. Sau đó, mỗi thành viên phải tự hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời, biết lắng nghe sự góp ý, cũng như góp ý cho các thành viên khác để hoàn thành nhiệm vụ chung. Cuối cùng, giải quyết những bất đồng để tổng hợp, báo cáo nhiệm vụ.
Hệ thống các NLHT cần phát triển cho học sinh trong quá trình dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông như sau:
Năng lực tổ chức và quản lý là “khả năng vận dụng có kết quả tri thức, kinh nghiệm vào các hành động phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để biến các dự kiến, tính toán thành hiện thực, hoàn thành nhiệm vụ học tập”. Năng lực tổ chức và quản lý bao gồm nhiều kỹ năng như: tổ chức hợp tác, tạo môi trường hợp tác, giải quyết những bất đồng.
Năng lực hoạt động nhóm là “khả năng vận dụng có kết quả tri thức, kinh nghiệm và các hành động cần thiết của cá nhân để cùng với các thành viên khác hoàn thành mục tiêu học tập chung”. Trong nhóm hợp tác, mỗi thành viên sẽ nhận một nhiệm vụ khác nhau, nên sẽ có cơ hội để rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau như: tư duy, giải quyết vấn đề, diễn đạt, viết báo cáo, thuyết trình, đánh giá… Các kỹ năng này rất cần cho quá trình học tập cũng như cuộc sống sau này của học sinh.
Năng lực đánh giá là khả năng học sinh tự đánh giá kết quả hoạt động của nhóm mình cũng như đánh giá nhóm khác.
Như vậy, NLHT là sự tổng hợp, đan xen của nhiều thành tố có liên quan mật thiết đến nhau. Những năng lực kể trên là những năng lực cơ bản nhất để tạo nên hệ thống NLHT cho học sinh trong học tập nói chung, học lịch sử nói riêng. Khi đặt mình vào nhóm hợp tác, học sinh luôn có ý thức phấn đấu, nâng cao động cơ học tập để thể hiện bản thân, góp sức vào thành công của nhóm; tránh lại thói thụ động, ỷ lại vào người khác. Học sinh có cơ hội rèn luyện những phẩm chất tâm lý tốt, góp phần hình thành nhân cách bản thân như: biết chấp nhận, chia sẻ với người khác, tinh thần bao dung, tính lạc quan, hòa đồng, tự tin, tự trọng…
2. Một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra về việc vận dụng NLHT trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
Nhận thức của học sinh về vị trí, vai trò của môn lịch sử
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã hòa bình, đang trên bước đường phát triển, hội nhập quốc tế, việc dạy học lịch sử nói chung và dạy học lịch sử ở các trường trung học phổ thông nói riêng càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Nhưng trong thực tế hiện nay, môn lịch sử lại chưa được đặt vào vị trí xứng tầm của nó. Lịch sử là môn ít tiết nhất trong các môn học lớp 12, chứng tỏ sự quan tâm đầu tư cho môn này ở trường trung học phổ thông còn hạn chế. Thêm nữa, chỉ có một số ít học sinh thực sự thích, có khả năng theo học các ngành thuộc khối khoa học xã hội. Nhiều thí sinh còn lại chỉ chọn khối C như một giải pháp tình thế khi không có khả năng thi khối A, B, D. Thời gian dành nhiều cho những “môn chính” làm cho học sinh không còn thời gian, tâm sức để học các “môn phụ” trong đó có lịch sử, đã dẫn đến lối học thực dụng, để đối phó với các kỳ thi.
Về mức độ hứng thú của học sinh trung học phỏ thông với môn ịch sử
Để đánh giá đúng thực trạng, chúng tôi đã tiến hành điều tra mức độ hứng thú của 250 học sinh trường trung học phổ thông Việt Yên 2, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với môn lịch sử và kết quả cho thấy, đa số học sinh không hứng thú với môn lịch sử ở trường trung học phổ thông. Không có học sinh nào tỏ ra “rất thích” môn học này. Có 24/250 học sinh (chiếm 9,6%) “thích” học môn lịch sử, 36/250 học sinh (chiếm 14,4%) thấy “bình thường” trong khi có tới 181/250 học sinh (chiếm 72,4%) tỏ ra “không thích và 9/250 học sinh (chiếm 3,6%) “ghét” học môn lịch sử.
Khi tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên, chúng tôi nhận thấy đa số học sinh “không thích” môn lịch sử vì cho rằng đây là môn học khô khan, quá nhiều ngày tháng, sự kiện cần phải ghi nhớ. Có học sinh còn cho rằng, học lịch sử rất buồn chán vì các em phải nghe giảng ghi chép nhiều, về nhà phải học thuộc lòng gây mất thời gian. Bên cạnh đó, đa số học sinh không hứng thú với môn lịch sử còn do phương pháp giảng dạy của nhiều giáo viên quá cũ, khi vẫn “độc thoại” trong các giờ lên lớp, cùng với đó là phương pháp kiểm tra, đánh giá gây nhàm chán, căng thẳng cho học sinh, từ đó, dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong thi cử.
Về mức độ tích cực của học sinh trung học phổ thông với môn lịch sử
Chúng tôi đã khảo sát mức độ tích cực của học sinh khi học môn lịch sử và kết quả cho thấy mức độ tích cực của học sinh trong giờ học môn lịch sử tương đối thấp. Đây thực sự là những con số đáng buồn, đáng báo động. Sự trì trệ của học sinh còn được biểu hiện khi thiếu tích cực trong việc “thắc mắc những nội dung chưa rõ” với giáo viên. Không có học sinh nào “rất thường xuyên” và “thường xuyên” thắc mắc phần chưa rõ với giáo viên, chỉ có 25,6% “thỉnh thoảng” thắc mắc và 74,4% “không bao giờ” thắc mắc những nội dung chưa rõ hay chưa hiểu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải học sinh đã hiểu rõ bài nên không bao giờ thắc mắc mà do các em chưa tích cực với bài học.
Bảng 2 cũng cho thấy học sinh có biểu hiện tích cực hơn đó là khi “trao đổi ý kiến, tranh luận với bạn” và “hoàn thành các bài tập được giao”. Một điểm đáng chú ý nữa, đó là trong khi rất ít học sinh “thường xuyên” nghe giảng, giơ tay phát biểu bài, trình bày quan điểm trước lớp nhưng lại có đến 38,8% học sinh “thường xuyên” hoàn thành bài tập được giao và 6,8% học sinh “rất thường xuyên” hoàn thành bài tập được giao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân các em có biểu hiện tích cực hơn trong việc hoàn thành các bài tập là do đối phó với việc giáo viên sẽ kiểm tra cho điểm và việc thi cử. Như vậy, kết quả điều tra ở Bảng 2 là phù hợp với kết quả điều tra mức độ hứng thú của học sinh ở Bảng 1. Vì học sinh “không thích” môn lịch sử nên các em không tích cực tham gia vào bài học. Rõ ràng hứng thú có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học môn lịch sử. Giáo viên không thể ép buộc học sinh tích cực khi các em không cảm thấy say mê, thích thú với môn học.
Về mức độ hợp tác của học sinh trung học phổ thông trong quá trình học môn lịch sử
Thực tế cho thấy, học sinh còn rất yếu trong quan hệ hợp tác. Các em gần như chưa biết cách làm sao để phối hợp hoạt động với nhau nhịp nhàng, tự giải quyết các xung đột mà không cần sự giúp đỡ của giáo viên. Khi hoạt động nhóm, nhiều em có kiến thức sẽ làm tất cả phần việc cho nhóm, không biết phân chia để các bạn cùng hoạt động, ngược lại những bạn học kém hơn thì sinh tính ỷ lại, không biết nhờ sự giúp đỡ của các bạn. Chính vì vậy, tập cho các em thói quen hợp tác lẫn nhau trong quá trình học tập cũng là giúp các em hòa nhập, chủ động trong cuộc sống hiện đại.
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của việc vận dụng NLHT trong dạy học môn lịch sử. Trong đó, nổi bật một số nguyên nhân như: động cơ, thái độ của học sinh; thói quen sử dụng PPDH truyền thống, tâm lý ngại thay đổi với cái mới và năng lực của giáo viên khi vận dụng NLHT trong dạy học còn hạn chế. Tuy nhiên, những hạn chế này sẽ được khắc phục khi giáo viên được tiếp cận và nghiên cứu một cách đầy đủ về NLHT.
Có thể nói, việc phát huy NLHT hấp dẫn, mới lạ và đánh giá được đúng năng lực học tập của học sinh. NLHT là chìa khóa đem tới thành công cho mỗi người. Đồng thời thấy được khả năng làm việc hiệu quả của cá nhân trong mối quan hệ với tập thể để cùng hướng tới một mục đích chung. Chính vì vậy, việc làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc vận dụng NLHT trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông là cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Tác giả: Lê Đình Hải - Nguyễn Thu Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019