Quảng Ninh được đánh giá là một trong những vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch nổi bật và đặc sắc nhất cả nước, không chỉ bởi nơi đây sở hữu vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới cùng nhiều khu di tích danh thắng nổi tiếng, mà còn bởi sự hiện diện của các lễ hội truyền thống và hiện đại được xem là sản phẩm văn hóa hấp dẫn thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế trong lộ trình phát triển du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, để có thể khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên văn hóa này, góp phần vào mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, vẫn còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới.
Lễ hội đền Bà Men - vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - Ảnh: Nguyễn Văn Trọng
Quảng Ninh - vùng đất được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, nơi chứa đựng nhiều giá trị mang tính toàn cầu trong đó nổi bật là các giá trị cảnh quan, giá trị địa chất, địa mạo đã được UNESCO hai lần tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới; và đặc biệt là các giá trị văn hóa đặc sắc với sự hiện diện của nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức hằng năm, góp phần mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Nhắc đến Quảng Ninh, thế giới thường ngợi ca vẻ đẹp ngoạn mục của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhưng có lẽ, Quảng Ninh cần được biết đến nhiều hơn nữa bởi các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch nhân văn, một trong số đó là các lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại (lễ hội mới) hàm chứa nhiều giá trị và bản sắc riêng, thể hiện những câu chuyện, thông điệp từ cộng đồng và cuộc sống. Nếu như lễ hội cổ truyền thường được biết đến là những sự kiện lịch sử - văn hóa mang tính cộng đồng, là không gian thực hành những tập tục, nghi thức, nghi lễ cùng nhiều hoạt động văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật của cộng đồng bản địa như hát, múa, diễn xướng, trò chơi dân gian... thì các lễ hội mới lại thể hiện sự sôi động, hội tụ nhiều màu sắc, mang yếu tố sáng tạo, giao thoa, hội nhập văn hóa nghệ thuật của xã hội hiện đại. Nhìn trên tổng thể, việc duy trì sự song hành cả lễ hội hiện đại với lễ hội truyền thống của du lịch của Quảng Ninh là cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có thể nói, các lễ hội đa dạng, phong phú chính là nguồn tài nguyên du lịch đầy tiềm năng, là sản phẩm văn hóa hấp dẫn thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế trong lộ trình phát triển du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa của tỉnh Quảng Ninh.
1. Duy trì và phát huy lễ hội truyền thống
Không nhiều địa phương tại Việt Nam lại duy trì và phát huy được nhiều lễ hội truyền thống có quy mô lớn, đặc sắc, hấp dẫn như vùng đất Quảng Ninh. Các lễ hội lớn như lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội Bạch Đằng… đều là những lễ hội có quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. Các số liệu thống kê cho thấy, khách hành hương, khách du lịch tâm linh, khách tham quan lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến mỗi mùa lễ hội, năm sau đều cao hơn năm trước; không chỉ du khách trong vùng, rất nhiều du khách từ miền Trung, miền Nam, thậm chí khách quốc tế cũng đã và đang quan tâm đến các sự kiện lễ hội nơi đây. Du khách thường có xu hướng kết hợp du lịch vịnh Hạ Long với các hoạt động khám phá bản sắc văn hóa tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục tập quán tại các điểm đến xung quanh di sản với mong muốn hiểu được thông điệp, ý nghĩa của mỗi lễ hội về truyền thống lịch sử địa phương, phong tục thể hiện tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng để chống giặc ngoại xâm, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, hay ước vọng về một cuộc sống an lành, tốt đẹp...
Trong câu chuyện duy trì bản sắc văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh cần có tư duy tổ chức lễ hội để hướng tới vẻ đẹp đúng nghĩa mà các thế hệ cha ông đã gây dựng và gìn giữ suốt chiều dài lịch sử. Với quan điểm vừa duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội đặc sắc, vừa phục dựng những lễ hội đã mai một, thời gian qua, Quảng Ninh đã làm tương đối tốt nhiệm vụ này. Có thể kể đến một số lễ hội lớn được quản lý, tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của du khách thập phương như: lễ hội Yên Tử, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Quan Lạn...
Điều quan trọng nhất trong quá trình bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống là phải triển khai đồng bộ, có lộ trình với sự tham gia của các bên có liên quan: chính quyền địa phương, các nhà quản lý, các nhà khoa học tạo nên một môi trường văn hóa lễ hội, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội để mỗi lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh đều mang đến cho công chúng cảm nhận về tính quy củ, chặt chẽ trong tổ chức, điều hành, song, vẫn giữ gìn, thể hiện được các giá trị truyền thống, không để các hiện tượng tiêu cực nảy sinh, len lỏi vào lễ hội.
2. Vai trò của lễ hội mới trong phát triển du lịch Quảng Ninh
Tại một số nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, tổ chức lễ hội đã trở nên chuyên nghiệp. Ở đó, tinh thần quản trị được thực hiện một cách khoa học. Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là lễ hội nào cũng giống lễ hội nào mà cần có sự phân công công việc và đi kèm với đó là trách nhiệm cụ thể. Có thể nói, chúng ta sẽ phải chuyên nghiệp hóa lễ hội hiện đại, đồng thời Việt hóa lễ hội phương Tây đã và đang du nhập vào nước ta. Đó cũng có thể xem là phương thức để truyền thống hòa nhịp với hơi thở hiện đại và để du lịch đồng hành cùng văn hóa, có như vậy mới giúp Quảng Ninh tạo nên một chuỗi giá trị du lịch văn hóa hấp dẫn mọi du khách.
Đã một thời, Hạ Long xây dựng khá thành công lễ hội mới, tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn là Carnaval Hạ Long. Sau đại dịch COVID-19, Carnaval Hạ Long trở lại năm 2023 rất ấn tượng và thành công với nhiều điểm mới, hấp dẫn. Với không gian tổ chức hoành tráng và nhiều hoạt động hấp dẫn, Carnaval Hạ Long luôn là sự kiện văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước mong chờ, có vai trò khởi động du lịch hè, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian nhiều màu sắc của những buổi diễu hành đường phố, trình diễn nghệ thuật đầy ấn tượng, đồng thời lễ hội còn là dịp để du khách trải nghiệm hành trình khám phá kỳ quan vịnh Hạ Long với cảnh sắc hùng vĩ của những hòn đảo đá vôi và làn nước xanh biếc tuyệt đẹp. Gần đây, lễ hội hoa anh đào cũng được biết đến là sự kiện văn hóa đặc sắc được du khách quan tâm. Du khách tham gia lễ hội không chỉ được trải nghiệm không gian sinh động với những hàng hoa anh đào khoe sắc ngọt ngào và vẻ đẹp rực rỡ của mai vàng Yên Tử - loài hoa đến từ miền đất Phật Quảng Ninh mà còn được thưởng thức nhiều tiết mục giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Nhật với các trò chơi dân gian và các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của hai nước.
Mặc dù những lễ hội mới nói trên đã bước đầu thu hút được du khách, song, sau khi Carnaval Hạ Long mới quay trở lại thì Quảng Ninh vẫn chưa thực sự định vị được cho mình một thương hiệu “điểm đến của lễ hội hiện đại”; trong khi đó, lễ hội hoa anh đào lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết, khí hậu. Do đó, Hạ Long, Quảng Ninh rất cần định vị thêm một vài thương hiệu festival có đẳng cấp quốc tế, duy trì được lâu dài, bền vững hơn. Và khi đó, Quảng Ninh cần phải quản lý và tổ chức các lễ hội mới một cách chuyên nghiệp để có thể phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang nhiều lĩnh vực khác. Các sự kiện văn hóa sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho các lĩnh vực liên quan, giúp quảng bá hình ảnh địa phương, đưa Quảng Ninh trở thành điểm du lịch “không thể bỏ lỡ”.
3. Xây dựng các lễ hội mới gắn với duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa
Du lịch vốn là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính dịch vụ, liên ngành cao và chứa đựng hàm lượng văn hóa sâu sắc. Đó là sự khác biệt của ngành Du lịch với các ngành kinh tế dịch vụ khác và các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, du lịch và văn hóa luôn có mối quan hệ đặc biệt. Chắc chắn, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam cũng như Quảng Ninh, du lịch nói chung và loại hình du lịch văn hóa nói riêng sẽ có đóng góp rất nhiều cho công nghiệp văn hóa bởi những tiềm năng, lợi thế mà du lịch đang có. Du lịch văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng của các loại hình du lịch tại Việt Nam, do đó việc Chính phủ chọn đưa du lịch văn hóa mà không phải loại hình du lịch khác vào 12 lĩnh vực của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Tất nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, sẽ không chỉ có du lịch văn hóa đóng góp cho sự phát triển, mà vai trò của những loại hình du lịch khác cũng không thể bỏ qua. Và trong công nghiệp văn hóa thì du lịch văn hóa gắn với lễ hội đóng một vai trò rất quan trọng, đem lại những giá trị lớn. Theo đó, muốn du lịch văn hóa gắn với các lễ hội hiện đại song hành cùng các lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh trong thời gian tới thì việc địa phương xây dựng các chuỗi giá trị du lịch văn hóa lễ hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất. Chuỗi giá trị du lịch tại đây được gợi ý bao gồm: các giá trị do Nhà nước, doanh nghiệp tạo ra trong các hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi quốc tế và quốc gia; giá trị do các công ty lữ hành tạo ra trong các hoạt động của họ như nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình; giá trị do các cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ bổ sung… tạo ra. Với các nội dung đó trong chuỗi giá trị du lịch thì có thể nói, công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh gắn với du lịch văn hóa rất cần quan tâm đến việc làm thế nào để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa theo chuỗi giá trị du lịch, bởi chuỗi giá trị du lịch văn hóa, nếu làm tốt sẽ giúp cho kinh tế du lịch đạt được 5 tiêu chí: lượng khách tăng; chi tiêu bình quân 1 khách tăng; số lượng ngày lưu trú bình quân 1 khách tăng; thu nhập từ du lịch tăng cao hơn so với trước khi xây dựng chuỗi giá trị du lịch; tạo giá trị, nâng cao vị thế du lịch Quảng Ninh, Việt Nam và góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững.
Trên thực tế, chúng ta không nên chỉ dựa vào các giá trị văn hóa là các tài nguyên du lịch sẵn có, mà trong phát triển công nghiệp văn hóa với nền tảng du lịch văn hóa thì rất cần gia tăng giá trị nội sinh cho du lịch văn hóa, gia tăng những sáng tạo trong nghệ thuật trình diễn, sáng tạo trong các loại hình văn hóa nghệ thuật để phục vụ du khách trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ninh và Việt Nam ra thế giới, đem lại giá trị kép cả về văn hóa lẫn kinh tế, và lễ hội hiện đại chính là một trong những nhân tố thúc đẩy điều này. Những chương trình trình diễn thực cảnh như: “Tinh hoa Bắc Bộ - Hà Nội”, “Ký ức Hội An - Quảng Nam”… có thể xem là những kinh nghiệm, gợi ý cho Quảng Ninh khi những sự kiện này chính là minh chứng về việc gia tăng giá trị cho du lịch văn hóa, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa trong ngành công nghiệp văn hóa, đem lại lợi ích nhiều mặt về văn hóa, kinh tế và định vị thương hiệu du lịch địa phương và quốc gia như đã đề cập tới ở trên.
Là tỉnh nằm ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, lại có Hạ Long là một trong những đô thị du lịch sôi động nhất cả nước, với nhiều thành phố vệ tinh, Quảng Ninh đang ngày càng khẳng định sự hấp dẫn qua hàng loạt lễ hội với màu sắc hiện đại, trẻ trung. Rất nhiều lễ hội mới đã được kiến tạo phù hợp với nhịp sống nơi đây, làm phong phú đời sống người dân và thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng lãm. Có thể khẳng định, lễ hội hiện đại là một trong những hoạt động cộng đồng mang tính xã hội cao, và chúng ta hoàn toàn có thể làm phép so sánh với lễ hội truyền thống để tìm ra sự khác biệt, từ đó cho phép nhận diện những đặc trưng của lễ hội hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai hình thức lễ hội đều có những ưu việt riêng. Nếu như lễ hội truyền thống có chiều sâu văn hóa, có yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và cả đức tin thì lễ hội hiện đại lại có tính pha trộn, mang màu sắc và có nhiều yếu tố gắn với giao thoa văn hóa, sử dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Lễ hội truyền thống có thể được duy trì và phát huy giá trị bởi nó đã được ăn sâu vào tiềm thức con người dù cho họ đang sống trong một xã hội hiện đại, nhưng lễ hội hiện đại lại có những yếu tố gần gũi, dễ tiếp cận, dễ được công chúng đón nhận nếu như được tổ chức tốt. Ở một khía cạnh khác, do lễ hội truyền thống thường có tính mùa vụ, hầu hết đều diễn ra vào mùa Xuân, sau Tết, trong khi Quảng Ninh có hoạt động du lịch quanh năm, du khách trong nước và quốc tế có thể hội tụ mọi thời điểm nên các lễ hội mới ra đời cùng các hoạt động giải trí khác sẽ giúp địa phương có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Như vậy rõ ràng rất cần song hành việc duy trì và phát huy lễ hội truyền thống với các lễ hội mới, cả hai sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, giúp du lịch địa phương ngày càng hấp dẫn hơn bởi tính đa dạng về sản phẩm, qua đó đóng góp đáng kể vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi trong việc phát triển các lễ hội mới thì chúng ta không quên nhìn lại những hạn chế khi tổ chức lễ hội, đồng thời cũng phải thừa nhận đó là những thách thức tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận và thích ứng trong môi trường hội nhập quốc tế. Việc tổ chức lễ hội mới là cần thiết để góp phần phát triển du lịch cũng như phát triển công nghiệp văn hóa, song, cần có sự chọn lọc, tập trung, tránh dàn trải. Cần đầu tư phát triển một số lễ hội mới mà khi nhắc đến Quảng Ninh, Hạ Long, người ta sẽ nhớ đến một thương hiệu giá trị về tổ chức lễ hội, đó là thành phố du lịch lễ hội, tương tự như trường hợp Đà Nẵng là điểm đến của lễ hội pháo hoa, Huế là điểm đến của thành phố Festival, Đà Lạt là thành phố lễ hội ngàn hoa...
Lời kết
Quảng Ninh vẫn luôn được du khách trong và ngoài nước biết đến là một điểm đến du lịch gắn với kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời mang tầm vóc thế giới là vịnh Hạ Long, tuy nhiên, bên cạnh đó, Quảng Ninh còn sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa có giá trị với hệ thống các lễ hội đặc sắc. Đến thời điểm này, Hạ Long và một số địa phương trong tỉnh đã tạo dấu ấn nhất định trong việc duy trì, phát huy các lễ hội truyền thống song hành với tổ chức các lễ hội mới gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để đạt được tầm vóc quốc tế thông qua hoạt động du lịch lễ hội trong tổng thể du lịch văn hóa, thời gian tới Quảng Ninh cần tiếp tục nỗ lực, kiên trì và sáng tạo trong đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gắn với di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội, để du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế, 13-5-2014.
2. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 9-6-2014 .
3. Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, 8-9-2016. 4
. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 16-1-2017.
5. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
6. Xem thêm Nguyễn Đức Thắng, Vai trò của du lịch văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 488, 2022.
PGS, TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG - PGS, TS NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024