Sinh kế là phương thức hoạt động kiếm sống và tổ chức cuộc sống của con người thông qua việc sử dụng các nguồn lực (con người, tự nhiên, vật chất, tài chính, xã hội…) trong một môi trường xác định, có sự quản lý của các tổ chức, các định chế chính trị, xã hội, văn hóa. Vấn đề này luôn được quan tâm, tranh luận, là chủ đề của nhiều diễn đàn, nhiều học giả trong và ngoài nước nhằm đưa ra được những nền tảng học thuật, nguyên tắc để có những giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân trong xã hội hoặc đạt được kết quả sinh kế mong muốn. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề sinh kế bền vững đô thị là vấn đề, được quan tâm, nhằm giảm khả năng bị tổn thương, tăng cường thích ứng, giảm nghèo có hiệu quả và phát triển đất nước. Do đó, khung sinh kế bền vững đô thị đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khung sinh kế bền vững có thể thay đổi linh hoạt trong các bối cảnh đa dạng ở nhiều quốc gia và các cộng đồng khác nhau do mỗi tổ chức có sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu khác nhau nên xây dựng các khung phân tích sinh kế khác nhau.
Về định nghĩa đô thị, có rất nhiều quan điểm khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, một đô thị có mật độ dân số tối thiểu cần thiết là 400 người trên một cây số vuông hay 1000 người trên một dặm vuông Anh. Các quốc gia châu Âu định nghĩa đô thị dựa trên việc sử dụng đất thuộc đô thị, không cho phép có một khoảng trống tiêu biểu nào lớn hơn 200m. Tại các quốc gia kém phát triển, ngoài việc sử dụng đất và mật độ dân số nhất định, một điều kiện nữa là trên 75% dân số không hành nghề nông nghiệp hay đánh cá (1).
Tại Việt Nam, hiện có sáu loại hình đô thị: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V. Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, một đơn vị hành chính để được phân loại là đô thị thì phải có các tiêu chuẩn cơ bản như sau: có chức năng đô thị; quy mô dân số toàn đô thị đạt 4000 người trở lên; mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị, được tính trong phạm vi nội thành, nội thị, riêng đối với thị trấn thì căn cứ theo các khu phố xây dựng tập trung; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung) phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động; đạt được các yêu cầu về hệ thống công trình hạ tầng đô thị (gồm hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật); đạt được các yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đô thị gồm các loại: thành phố, thị xã và thị trấn.
Một đô thị, một vùng đô thị không chỉ bao gồm cảnh quan đô thị mà còn bao gồm các thành phố vệ tinh cộng với vùng đất nông thôn nằm xung quanh có liên hệ về kinh tế, xã hội với thành phố đô thị cốt lõi, tiêu biểu là mối quan hệ từ công ăn, việc làm đến việc lưu lượng tham gia giao thông hàng ngày. Ở các thành phố, đô thị cốt lõi, thị trường lao động chính với các cơ hội việc tốt, mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Các vùng đô thị thường được định nghĩa bằng việc sử dụng các quận hoặc các đơn vị chính trị cấp quận làm đơn vị nền tảng. Các chuyên gia kinh tế thường thống kê tình hình kinh tế, xã hội dựa vào các vùng đô thị. Các đô thị được dùng để thống kê thích hợp hơn trong việc tính toán việc sử dụng tỷ lệ đất bình quân trên đầu người và mật độ dân cư để nghiên cứu quá trình phát triển sinh kế đô thị nhằm thỏa mãn nhu cầu sản xuất, đời sống, xã hội của con người.
Như vậy, đô thị là điểm dân cư tập trung với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có hạ tầng cơ sở tích hợp, là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của cả một miền đô thị, của một đô thị, một quận hoặc một đô thị trong huyện ở các tỉnh.
Theo khung sinh kế đô thị, tài sản sinh kế của người dân được phân ra làm 5 loại:
Nguồn vốn con người: ở mức độ cá nhân, đó là trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng, năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm trong cuộc sống và sản xuất… để đạt được thu nhập. Ở mức độ gia đình, đó là số lao động nhiều hay ít, các kỹ năng, thái độ làm việc, sức khỏe, kinh nghiệm làm việc và tương tác giữa các thành viên... Đây là nguồn vốn quan trọng nhất góp phần phát triển kinh tế gia đình. Như vậy, đô thị luôn có nguồn vốn con người to lớn, bởi đó là nơi tập trung các cá nhân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, kỹ năng cao, đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu của xã hội. Vì vậy, đây cũng là nơi nguồn vốn này có điều kiện phát triển cao khả năng của các cá nhân, góp phần tạo ra năng suất, thu nhập tốt nhất cho con người.
Nguồn vốn tự nhiên: bao gồm các nguồn tài nguyên có trong môi trường tự nhiên mà con người sử dụng để thực hiện các hoạt động sinh kế như: vị trí địa lý, ranh giới, đất, nước, khí hậu, sông ngòi, khoáng sản, rừng, đa dạng sinh học… Ở đô thị, nguồn vốn này luôn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư, nhân tài bởi vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nơi tập trung chủ yếu các cơ quan đầu não của chính quyền, cũng là nơi có nhiều nhất cơ hội ưu tiên phát triển. Yếu tố này góp phần quan trọng phát triển sinh kế đô thị, nâng cao đời sống người dân. Quỹ đất, nguồn nước, kể cả nước ngầm, cho tới độ trong lành của không khí ngày nay cũng trở thành những nguồn vốn tự nhiên quan trọng của tất cả các đô thị.
Nguồn vốn tài chính: bao gồm các nguồn vốn mà con người sử dụng để đạt được mục tiêu sinh kế như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản cho vay, vay mượn hay tín dụng, trợ cấp, cho hay chuyển nhượng…, có vai trò là trung gian để trao đổi.
Nguồn vốn xã hội: bao gồm các mối quan hệ trong xã hội, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, láng giềng, đây chính là chất kết dính của một cộng đồng, làm tăng sức mạnh tập thể, khơi dậy niềm tự hào thuộc về cộng đồng mà con người dựa vào để thực hiện các hoạt động sinh kế. Đây cũng là nguồn vốn sinh kế quan trọng ở các đô thị, nơi người bốn phương tụ hội trên một không gian hẹp có sự hợp tác, liên kết với nhau dưới nhiều hình thức, đóng vai trò quan trọng đặc biệt trên mọi phương diện.
Nguồn vốn vật chất: bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản hỗ trợ cho các hoạt động sinh kế như: điện, đường, trường, trạm, khu hành chính, nhà máy, phân xưởng… Ở cấp độ gia đình, đó là nhà cửa, các vật dụng trong nhà, phương tiện sản xuất, phương tiện nghe nhìn…
Khung sinh kế là một cách phân tích toàn diện về phát triển sinh kế bền vững đô thị. Cách tiếp cận này làm rõ được việc con người sử dụng các loại vốn mình có để kiếm sống, thoát nghèo, hay tránh bị rơi vào đói nghèo như thế nào, vì khung sinh kế không chỉ minh họa các chiến lược tìm kiếm thu nhập, mà nó còn phân tích và lý giải việc tiếp cận, sử dụng và phân phối các nguồn lực mà các cá thể và hộ gia đình sử dụng để biến các nguồn lực đó thành sinh kế. Khung phân tích sinh kế bền vững tỏ ra có hiệu quả hơn trong các phân tích ở cấp độ vi mô, từ dưới lên. Khi được điều chỉnh và ứng dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với bối cảnh văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và tộc người của mỗi nghiên cứu cụ thể, khung phân tích này sẽ là một cách tiếp cận hữu ích cho các nghiên cứu và can thiệp chính sách trong lĩnh vực phát triển và giảm nghèo.
Nghiên cứu về sinh kế cho thấy có 5 nguồn vốn chủ yếu chi phối và ảnh hưởng đến sinh kế mỗi đô thị cụ thể. Mỗi yếu tố đó có mức độ ảnh hưởng khác nhau, đồng thời, cũng có những mối quan hệ nhất định, tác động đến sự phát triển bền vững. Khi nhìn vào khung sinh kế, người ta có thể thấy mối quan hệ giữa các nguồn vốn, các thành phần, đồng thời sẽ thấy sự tương tác khác nhau cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn sinh kế. Ở Việt Nam, thời gian gần đây đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng dân cư chuyển đổi và nâng cao sinh kế theo hướng bền vững. Những hoạt động sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có các yếu tố về các nguồn lực tự nhiên, xã hội, con người, vật chất và cơ sở hạ tầng…
Một sinh kế được xem là bền vững khi phát huy được tiềm năng của con người để từ đó sản xuất và duy trì phương tiện kiếm sống của họ. Họ có khả năng vượt qua thách thức và áp lực cùng những thay đổi bất ngờ. Những trường hợp không được xem là phát triển bền vững khi sự phát triển đó làm ảnh hưởng đến môi trường hoặc ảnh hưởng đến các sinh kế ở hiện tại và tương lai. Vậy sinh kế bền vững phải đảm bảm nguyên tắc: lấy con người làm trung tâm, dễ tiếp cận, có sự tham gia của người dân, xây dựng dựa trên sức mạnh con người và đối phó với các khả năng dễ bị tổn thương, có tính tổng thể, thực hiện ở nhiều cấp, trong mối quan hệ với đối tác, bền vững và năng động. Nguồn vốn sinh kế không chỉ thể hiện ở trạng thái hiện tại mà còn thể hiện khả năng thay đổi trong tương lai. Chính vì thế, khi xem xét nguồn lực, con người không chỉ xem xét hiện trạng các nguồn lực sinh kế mà cần có sự xem xét khả năng hay cơ hội thay đổi của nguồn lực đó như thế nào trong tương lai.
Dù khung phân tích này xem xét việc sử dụng 5 loại vốn của con người để kiếm sống, các nghiên cứu dường như tập trung vào phân tích một hoặc một vài loại vốn hơn là cùng một lúc đánh giá cả năm loại vốn đã nêu. Vì thế, một vấn đề đặt ra xoay quanh câu hỏi là những loại tài sản vốn nào có vai trò quan trọng hơn trong việc giúp các hộ gia đình ở đô thị có được một sinh kế bền vững.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đất đai, nhà cửa và nghề có một vị trí quan trọng đối với sinh kế hộ gia đình, vì thế, không có đất là một vấn đề lớn đối với nhiều hộ gia đình. Xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của loại vốn tự nhiên này cho thấy khung sinh kế bền vững coi đất là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế đô thị. Quyền đất đai có ý nghĩa về nhiều mặt, là cơ sở để tiếp cận các loại tài sản khác hay các sinh kế thay thế. Chẳng hạn, đảm bảo an ninh đối với tiếp cận đất đai là một mục tiêu sinh kế. Đất còn là một tài sản tự nhiên giúp con người đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, sử dụng bền vững các nguồn lực. Đặc biệt ở đô thị, vấn đề đất đai, nhà cửa, chỗ ở và việc làm cho người dân luôn là vấn đề cấp thiết, nan giải của nhiều người trước khi có ý định sinh sống, lập nghiệp.
Dưới góc nhìn phát triển bền vững, với tính cách là một đô thị, Hà Nội đang phải đương đầu với một loạt vấn đề và thách thức về sinh kế, trong đó, đáng lưu ý nhất là:
Thứ nhất, đô thị Hà Nội là nơi tập trung nhiều vấn đề về chính trị, văn hóa xã hội có tính toàn cầu. Tốc độ tăng quá nhanh về công nghiệp hóa và đô thị hóa nhất là các huyện ngoại thành, dẫn đến sự phá hủy một phần môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước… trong khi, các chủ trương, biện pháp để khắc phục các sự cố đó lại diễn ra rất chậm, không đầy đủ và thường xuyên vì nhiều nguyên nhân. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh về mặt cơ học và sinh học, theo chiều rộng và chiều sâu ở đô thị Hà Nội đang diễn ra song song, gây ảnh hưởng khá lớn đến quá trình phát triển sinh kế đô thị nói chung và người dân thủ đô nói riêng. Quy mô dân số đô thị tập trung quá lớn so với trình độ quản lý, dẫn đến không đồng đều, gây bế tắc trong tổ chức môi trường sống đô thị, mật độ dân số quá cao, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống, phá vỡ cảnh quan, kết cấu đô thị. Đô thị Hà Nội đang bị quá tải trong quá trình phát triển bền vững và trạng thái quá tải này vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng.
Thứ hai, quan hệ giữa thành thị và nông thôn ngày càng trở nên quan trọng với quá trình phát triển sinh kế của các nhóm, cộng đồng dân cư trong toàn bộ quá trình phát triển bền vững của thủ đô. Tuy nhiên, giải quyết bài toán hài hòa mối quan hệ giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị là vấn đề rất phức tạp, cần phải xem xét từ nhiều phương diện, cả trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
Thứ ba, hệ thống thị trường đô thị Hà Nội với những đặc trưng riêng biệt là một hệ thống bao gồm một hoặc nhiều địa điểm, ở đó diễn ra việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Những thị trường chủ yếu của đô thị bao gồm: thị trường lao động, thị trường đất và bất động sản, thị trường giao thông, thị trường hạ tầng đô thị, thị trường dịch vụ, thị trường lao động, thị trường tài chính và thị trường hàng tiêu dùng. Những thị trường này thường lồng ghép vào nhau, bao gồm những chuỗi giá trị khác nhau và không giới hạn trong một không gian địa lý nhất định. Có những thị trường đã kết nối tới mức toàn cầu, trong khi có những thị trường chỉ dừng lại ở mức địa phương và liên vùng.
Thứ tư, đô thị Hà Nội mang tính kế thừa của nhiều thế hệ về cơ sở vật chất, kinh tế và văn hóa. Nền văn hóa được kế thừa và phát triển với bản sắc riêng, kết tinh của các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là một nguồn lực to lớn của thủ đô trên con đường phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển để văn hóa thực sự trở thành một nguồn xung lực phát triển của Hà Nội.
Nghiên cứu về sinh kế nói chung và sinh kế đô thị Hà Nội nói riêng luôn là đề tài của nhiều diễn đàn trong những thập kỷ gần đây. Sinh kế vừa là mục tiêu, phương tiện vừa là động lực để con người hướng tới trong quá trình tồn tại và phát triển. Sinh kế bền vững là mục tiêu cần hướng tới của mỗi cộng đồng và các chương trình phát triển ở các phạm vi khác nhau. Vì vậy, để đạt được mục tiêu sinh kế, Hà Nội cần có những nỗ lực và các chiến lược thích ứng.
____________
1. Trịnh Duy Luân, Giáo trình Xã hội học đô thị, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2009.
Tác giả: Trịnh Thị Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019