Văn hóa chính trị là một bộ phận, một phương diện quan trọng của văn hóa, ra đời trong quá trình con người ứng xử với các thành tố của hệ thống chính trị, đặc biệt là nhà nước. Văn hóa chính trị có vai trò to lớn đối với sự phát triển xã hội nói chung cũng như đối với sự nghiệp xây dựng quân đội ta nói riêng. Hiện nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã và đang đặt ra tính cấp thiết cần phát huy vai trò văn hóa chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, văn hóa chính trị bắt đầu hình thành và phát triển khi xã hội loài người có sự phân hóa giai cấp, xuất hiện quyền lực chính trị, đảng chính trị và nhà nước. Văn hóa chính trị là những giá trị của tư tưởng cùng hành vi chính trị được cộng đồng thừa nhận, chia sẻ, vận dụng trong việc thiết lập và vận hành một thể chế chính trị nhất định, được biểu hiện thông qua hành vi chính trị. Là sản phẩm của tư duy lý luận và thực tiễn chính trị, văn hóa chính trị trong mỗi xã hội có vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi chính trị của các chủ thể chính trị. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật đấu tranh chính trị và thực trạng đời sống chính trị, giúp con người đánh giá chính xác tiến trình và xu thế vận động của các hiện tượng trong đời sống chính trị, từ đó lựa chọn hành vi chính trị, tham gia tích cực vào hoạt động chính trị xã hội.
Tiếp bước cha anh - Ảnh: Hà Hữu Nết
Ở nước ta, văn hóa chính trị có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng các điều kiện kinh tế, xã hội cần thiết để đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi tới thắng lợi; là phương thức để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, văn hóa chính trị góp phần hình thành và nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, khắc phục hiện tượng quan liêu, thờ ơ, lãnh đạm về chính trị - một hiện tượng đáng chú ý ở nước ta hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo; ở trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh câu kết, móc nối và chỉ đạo các phần tử cơ hội, quá khích tiến hành các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng… Trước bối cảnh đó, quân đội ta cần được xây dựng vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị.
Việc nâng cao văn hóa chính trị cho mỗi quân nhân đang được đặt ra trực tiếp và cấp bách. Điều đó được quy định bởi vai trò của văn hóa chính trị đối với việc xây dựng quân đội về chính trị. Vai trò đó được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, văn hóa chính trị góp phần xây dựng bản chất cách mạng, truyền thống chính trị tốt đẹp của quân đội và dân tộc ta. Bản chất của quân đội được quy định bởi bản chất của giai cấp, nhà nước tổ chức ra nó. Quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc. Bản chất cách mạng của quân đội thể hiện ở phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phải hướng tới, ở lý tưởng chiến đấu của mỗi quân nhân. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa. Do vậy “độc lập dân tộc” là giá trị chủ đạo trong truyền thống chính trị Việt Nam; các truyền thống yêu nước thương nòi, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, lòng vị tha nhân ái đã được xây dựng như những giá trị vĩnh hằng của văn hóa Việt Nam. Những giá trị văn hóa tiêu biểu đó được thể hiện trong văn hóa chính trị của mỗi người quân nhân cách mạng. Với thế giới quan và phương pháp luận mácxít, họ đã kế thừa, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, nâng cao và làm phong phú thêm giá trị văn hóa chính trị của dân tộc và giai cấp trong thời đại mới. Mỗi quân nhân là những người tiếp nhận, lưu giữ và truyền đạt những giá trị văn hóa chính trị truyền thống cho các thế hệ sau, trước hết ở trong quân đội.
Thứ hai, văn hóa chính trị góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta cho mỗi quân nhân trong quân đội. Ở mỗi đơn vị, quân nhân có văn hóa chính trị sẽ hiểu rõ chức trách và nhiệm vụ của mình. Họ nhận rõ niềm vinh dự cũng như trách nhiệm to lớn của mình đối với cương vị và công việc được giao; chủ động giải quyết thích hợp các mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới, với đơn vị, với chính quyền và nhân dân địa phương; sẵn sàng và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong thực tiễn công tác và chiến đấu, những tấm gương tiêu biểu, những anh hùng, quân nhân không ngại gian khổ hy sinh lập công xuất sắc đều là những điển hình có một trình độ văn hóa chính trị cao đẹp.
Thứ ba, văn hóa chính trị phát huy tính tích cực, sáng tạo, sự nhạy bén chính trị của mỗi quân nhân trong đời sống xã hội đang diễn ra quyết liệt, phức tạp và đầy biến động. Trên cơ sở thẩm thấu giá trị văn hóa chính trị, những tri thức chính trị, những kinh nghiệm đạt được trong hoạt động thực tiễn, nhất là sự giác ngộ lý tưởng chiến đấu, bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin đảm bảo cho mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam có khả năng nắm bắt những quy luật tất yếu của đời sống chính trị, mẫn cảm với cái mới và khả năng xét đoán trước diễn biến của mỗi hiện tượng trong đơn vị, kịp thời nắm bắt, phát hiện được những nhân tố mới trong thực tiễn; làm cho họ vừa tiếp thu và vận dụng nhuần nhuyễn lý luận cách mạng, vừa kế thừa có chọn lọc, có hiệu quả những tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc vào việc thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng, quân đội và đơn vị.
Thứ tư, văn hóa chính trị giúp mỗi quân nhân biến những tri thức, kinh nghiệm chính trị thành chất lượng, hiệu quả và góp phần quan trọng đối với cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay. Trong thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, từ trình độ văn hóa chính trị của mỗi người với những hiểu biết chính trị sâu sắc, những kinh nghiệm chính trị phong phú và bằng năng lực hoạt động chính trị sáng tạo sẽ biến thành những giá trị, chất lượng, hiệu quả công tác, chiến đấu và xây dựng đơn vị. Để đánh bại kẻ thù của chủ nghĩa xã hội trên mặt trận tư tưởng, lý luận, không chỉ có lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần quyết tâm cao, mà quan trọng hơn là cần có một trình độ văn hóa chính trị đủ khả năng vạch rõ tính chất phản động, phản khoa học của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, thấm nhuần văn hóa chính trị còn giúp mỗi quân nhân luôn vững tin vào tính khoa học, cách mạng và sức sống bất diệt của học thuyết Mác - Lênin, tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Có thể thấy, cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, vai trò của văn hóa nói chung và của văn hóa chính trị nói riêng ngày càng quan trọng. Trong sự nghiệp xây dựng quân đội ta hiện nay, việc nâng cao trình độ văn hóa chính trị cho mỗi quân nhân là việc làm cấp thiết để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Do vậy, phát huy vai trò của văn hóa chính trị vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong giai đoạn hiện nay tất yếu đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ văn hóa chính trị cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi trước hết phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm của mỗi quân nhân trong gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như: nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, bản lĩnh chính trị, trung thành với con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị; có ý chí, quyết tâm, niềm tin vươn lên, vượt lên chính mình; có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần có sự tác động tích cực, toàn diện của tất cả các biện pháp khác, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng công tác cán bộ trong quân đội cũng như đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho mỗi quân nhân nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ lý tưởng và hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Bính, Vai trò của văn hóa trong hoạt động chính trị của Đảng ta hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, Hà Nội, 2015.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
4. Lâm Quốc Tuấn, Nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
Tác giả: Vũ Đình Sáng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020