Phát huy vai trò của các chủ thể trong giáo dục kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ

     Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Từ một đội quân có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ đã phát triển thành một quân đội anh hùng với những chiến thắng “Vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, đánh thắng những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất. Để trưởng thành, vững mạnh như ngày nay, một yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh của quân đội chính là kỷ luật, với bản chất kỷ luật của quân đội ta là “Kỷ luật tự giác nghiêm minh”.

     Khắc ghi lời dạy của Người, “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy kỷ luật phải nghiêm minh” (1). Trong xây dựng và phát triển quân đội, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện quân đội về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú ý đến giáo dục kỷ luật cho mọi quân nhân trong quân đội.

     Hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQBS) là lực lượng chiếm phần đông trong tổng quân số của quân đội. Đó là các đoàn viên, thanh niên có đủ phẩm chất và năng lực được tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội theo luật nghĩa vụ quân sự, có bậc quân hàm từ binh nhì đến thượng sỹ. Đây là lực lượng đông đảo được bố trí ở các tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn; là lực lượng chủ yếu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của quân đội; là nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho xã hội sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chính vì vậy, chấp hành kỷ luật và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của HSQBS quyết định tới chất lượng hoàn thành nhiện vụ của quân đội ta.

     Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt với những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, cùng với tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, đòi hỏi việc nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS trong quân đội là yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

     Để nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS ở đơn vị cơ sở trong quân đội cần phải thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp, phải có sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng. Nhưng trong đó, việc phát huy vai trò của các chủ thể trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQB là một nội dung vô cùng quan trọng và cần thiết, quyết định đến chất lượng giáo dục kỷ luật và việc chấp hành kỷ luật của HSQBS. Để phát huy cao nhất vai trò của các chủ thể trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS cần quán triệt và thực hiện tốt các nội dung sau.

     Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS

     Sự lãnh đạo của tổ chức Đảng có ý nghĩa quyết định sống còn về mục tiêu, lý tưởng, sự vững mạnh, trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam. Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” (2). Do đó, chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS trong quân đội phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Trong lãnh đạo toàn diện về mọi mặt của đơn vị, tổ chức đảng cần phải hết sức chú ý lãnh đạo về công tác giáo dục kỷ luật để nâng cao chất lượng rèn luyện và chấp hành kỷ luật của HSQBS. Coi lãnh đạo công tác giáo dục kỷ luật cho HSQBS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình lãnh đạo của mình. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lấy chất lượng chấp hành kỷ luật làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đảng thể hiện sự lãnh đạo của mình bằng các chỉ thị, nghị quyết sát đúng với tình hình đơn vị, phù hợp với biến đổi của thực tiễn, trong đó nhấn mạnh, đề cao lãnh đạo công tác giáo dục kỷ luật cho HSQBS trong đơn vị. Thường xuyên nắm bắt tình hình đơn vị, trong những giai đoạn cụ thể, những nhiệm vụ trọng tâm cần có các nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục kỷ luật cho HSQBS. Lãnh đạo tổ chức chỉ huy và các tổ chức khác trong đơn vị đoàn kết, thống nhất, vì mục tiêu chung là chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Lãnh đạo phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong giáo dục kỷ luật cho HSQBS và chấp hành kỷ luật, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu trong chấp hành kỷ luật và trong giáo dục kỷ luật cho HSQBS.

     Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước luận điệu chống phá tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, nhằm phi chính trị hóa quân đội, chúng cho rằng: Đảng không cần phải lãnh đạo quân đội, quân đội không cần phải trung thành với Đảng, vì quân đội là của nhà nước, của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không vì lợi ích của tổ chức nào cả. Đây là quan điểm hết sức tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, nếu không được giáo dục, tuyên truyền rất có thể đối tượng còn trẻ như HSQBS sẽ mắc mưu, dao động. Bởi vì trong thực tiễn, Đảng ta là đảng cầm quyền, lợi ích của Đảng hòa đồng cùng lợi ích quốc gia dân tộc, ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Quân đội ta trung thành với Đảng cũng là trung thành với quốc gia, dân tộc. Vì vậy quân đội phải luôn trung thành với Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS cũng là khẳng định vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

     Hai là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ và các tổ chức trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS

     Trong giáo dục kỷ luật cho HSQBS trong đơn vị, người chỉ huy có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục kỷ luật và chất lượng chấp hành kỷ luật của HSQBS. Đặc thù đối tượng HSQBS được biên chế ở cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, đây là những tổ chức đơn vị thuộc cấp nhỏ nhất trong biên chế của quân đội, được gọi chung là đơn vị cơ sở. Đây là cấp “cầm tay chỉ việc”, mọi hoạt động từ ăn, ở, sinh hoạt, chấp hành kỷ luật và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, quân đội đều diễn ra ở cấp này. Vì vậy, chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS tốt hay không, chất lượng chấp hành kỷ luật của họ nghiêm hay không đều do đội ngũ chỉ huy cấp cơ sở đảm nhiệm và quyết định. Vì vậy, người chỉ huy trong mỗi đơn vị cần phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong chỉ huy, tổ chức cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ phải lấy chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS làm nền tảng. Bởi vì “nếu kỷ luật không nghiêm thì không những không nâng cao được sức chiến đấu của bộ đội mà nhiều khi lại làm hại đến xương máu của chiến sĩ, thậm chí đi đến thất bại” (3). Muốn vậy, người chỉ huy phải quán triệt nghiêm túc nghị quyết lãnh đạo của Đảng, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, căn cứ vào tình hình thực tiễn đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục kỷ luật cho HSQBS trong đơn vị một cách sát đúng, phù hợp với đối tượng. Tổ chức triển khai và thực hiện công tác giáo dục kỷ luật cho HSQBS nghiêm túc, theo đúng kế hoạch xác định. Tạo môi trường dân chủ, lành mạnh để hạ sĩ quan, binh sĩ phát huy được năng lực của mình trong học tập và rèn luyện, chấp hành kỷ luật. Thường xuyên theo dõi, uốn nắn, nhắc nhở, giúp đỡ hạ sĩ quan, binh sĩ trong đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật. Tích cực kiểm tra, đôn đốc; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân chấp hành tốt kỷ luật; kiên quyết phê bình, xử lý các tập thể và cá nhân vi phạm. Đồng thời nêu cao tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ đơn vị trong chấp hành kỷ luật, đây chính là biện pháp giáo dục hiệu quả nhất, bởi “trong quân đội hơn đâu hết, kỷ luật nghiêm minh và uy tín của thủ trưởng là cần thiết” (4).

     Phát huy vai trò của các tổ chức chính là phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, năng lực tổ chức điều hành của người chỉ huy và trách nhiệm của các tổ chức như: Hội đồng quân nhân, Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong đơn vị; sự phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình mỗi HSQBS trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS. Thực hiện tốt việc phối hợp giữa các tổ chức mới tạo nên môi trường đồng bộ, thuận lợi cho HSQBS rèn luyện kỷ luật. Trong đó, tổ chức đảng là hạt nhân nòng cốt, hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo phát huy vai trò của các tổ chức trong nâng cao chất lượng giáo dục cho HSQBS.

     Ba là, phát huy vai trò của HSQBS trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho bản thân

     HSQBS vừa là khách thể, vừa là chủ thể trong quá trình giáo dục kỷ luật. Để nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật, cá nhân mỗi HSQBS chính là chủ thể của quá trình tự ý thức, tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật của bản thân. Phát huy vai trò của HSQBS là yếu tố rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục kỷ luật cho HSQBS ở đơn vị cơ sở trong quân đội.

     Vai trò của HSQBS trong giáo dục kỷ luật được thể hiện bằng tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của mình trong giáo dục kỷ luật. Biểu hiện thông qua việc tích cực trong nhận thức, thái độ, động cơ, ý chí, hành vi nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật của bản thân. Điều đó đòi mỗi HSQS cần có nhận thức đúng đắn về niềm vinh dự và trách nhiệm của bản thân khi được là người quân nhân cách mạng trong quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ đó xây dựng cho mình lòng tự tôn, tự hào, tình cảm yêu thương đồng chí, đồng đội, gắn bó với đơn vị, quyết tâm cao trong nhận thức và hành động, có thái độ đúng đắn trong học tập và rèn luyện kỷ luật. Nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và của bản thân, đặc biệt trong rèn luyện kỷ luật. Ra sức khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Không ngại khó, ngại khổ trong học tập, rèn luyện, tự mình điều chỉnh hành vi, hành động cho phù hợp với điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội và mệnh lệnh người chỉ huy. Tự giác, chủ động hòa mình vào tổ chức, tích cực nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết, tôn trọng, thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội, cùng nhau phấn đấu chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

     Tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HSQBS trong nâng cao chất lượng rèn luyện, chấp hành kỷ luật của bản thân là phẩm chất tốt đẹp, luôn có trong bản thân mỗi HSQBS. Nó là phẩm chất đặc thù của người quân nhân cách mạng trong quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, phẩm chất ấy ngoài sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân mỗi HSQBS còn phải thông qua quá trình giáo dục, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của chỉ huy các cấp và các tổ chức trong đơn vị. Vì vậy, để phát huy cao nhất vai trò của HSQBS trong nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật, đòi hỏi các tổ chức và người chỉ huy phải thường xuyên quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho HSQBS, làm cho họ luôn tin tưởng vào đội ngũ cán bộ và gắn bó với đơn vị. Đồng thời phải thường xuyên trang bị những tri thức, kinh nghiệm, phương pháp cần thiết, xây dựng nhu cầu tự nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật cho bản thân HSQBS. Tiêu chuẩn hóa các định mức phấn đấu trong việc tự rèn luyện, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho HSQBS phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập và chấp hành kỷ luật. Thường xuyên nắm chắc tình hình học tập, rèn luyện, chấp hành kỷ luật của HSQBS; có các hình thức khen thưởng, xử phạt phù hợp, kịp thời để tạo động lực cho việc tự nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật của HSQBS trong đơn vị.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.525 - 530.

2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chương 6, Điều 25, khoản 1, tr.6.

3, 4. Bàn về kỷ luật trong quân đội cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr.57, 22.

 

Tác giả: Đỗ Hồng Quảng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;