Phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ

Dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tạo dựng nên một nền văn hiến lâu đời với những giá trị đạo đức truyền thống mang đậm tính nhân văn, đặc trưng cho văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc. Chính vì vậy, việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trở thành một nhu cầu tất yếu của sự phát triển, đặc biệt, trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ như hiện nay.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển tạo ra những thay đổi thần kỳ cho các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển đó tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc, có tính chất đảo lộn đến quan niệm đạo đức, lối sống của con người hiện đại. Điều này đã được minh chứng bằng lịch sử phát triển vài trăm năm qua của xã hội và càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi loài người bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, kỷ nguyên mà mọi nguồn lực trí tuệ của con người được phát huy tối đa. Chính vì vậy, khoa học và công nghệ hiện đại ngày càng trở nên có giá trị hàng đầu trên thước đo giá trị của xã hội văn minh hiện đại, và được thúc đẩy phát triển ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi khoa học và công nghệ được sử dụng như là một công cụ hữu hiệu nhất để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và sau đó là các lĩnh vực văn hóa xã hội khác thì cũng là lúc con người nhận ra tính hai mặt của nó. Nói cách khác, tiến bộ khoa học và công nghệ chưa đồng hành với tiến bộ đạo đức và tiến bộ xã hội. Những hậu quả phản nhân văn do khoa học và công nghệ hiện đại bị lạm dụng vì những mục đích chính trị hẹp hòi, vì thủ đoạn của các loại tội phạm, vì lợi ích kinh tế… đã để lại một mối lo ngại lớn cho loài người, trong đó nguy cơ mai một, biến dạng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là một vấn đề không thể xem nhẹ.

Từ thực tế trên đòi hỏi quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam hiện nay cần được khơi dậy để phát huy những mặt tích cực của nó trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ hiện đại hiện nay. Theo đó, có thể nói lên một vài những điểm nhấn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trên một số vấn đề chính yếu cơ bản.

Khoa học và công nghệ hiện đại góp phần nâng cao nhận thức của con người đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

Vai trò của khoa học và công nghệ đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống được thể hiện ngày càng rõ nét khi nó đã góp phần làm cho nhận thức của con người về các giá trị đạo đức truyền thống ngày càng đúng đắn, phù hợp với thời đại hơn. Những tri thức khoa học cũng như những dữ liệu khoa học được phát hiện đã giúp các chủ thể tư duy duy lý cao hơn trong việc nhận thức, đánh giá, lựa chọn những quan niệm, giá trị và chuẩn mực đạo đức nói chung, chuẩn mực các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng. Bằng phương pháp tư duy khoa học, tinh thần phê phán, tôn trọng hiện thực khách quan giúp con người có thể nhận thức đúng đắn hạt nhân cốt lõi của các giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời biết chọn lọc, bổ sung những giá trị mới đang được hình thành trong xã hội hiện đại nhằm hiện đại hóa các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại lịch sử mới.

Khoa học và công nghệ hiện đại góp phần mở rộng môi trường hoạt động thực tiễn, tạo ra những điều kiện và công cụ, phương tiện giúp con người hiện thực hóa lý tưởng đạo đức một cách hiệu quả hơn

Những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại góp phần hiện đại hóa các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho chúng phù hợp với điều kiện sống mới của con người, đồng thời làm khả năng lan tỏa, truyền bá những giá trị truyền thống đó đến với con người qua các thế hệ, các vùng miền, các quốc gia ngày càng được gia tăng nhiều hơn và sâu sắc hơn. Khi cái truyền thống có sự kết hợp hài hòa với cái hiện đại sẽ càng làm tăng thêm giá trị của cái truyền thống đó. Bởi khi đó, các giá trị đạo đức truyền thống dễ dàng được tiếp nhận và phát huy mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Hơn nữa, khi lồng ghép hiệu quả giữa cái truyền thống với cái hiện đại còn giúp cho nền văn hóa nói chung, các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng vừa bảo đảm tính hội nhập với xu thế chung của thời đại, vừa giữ được cái gốc rễ truyền thống, bản sắc của dân tộc, tránh nguy cơ chúng ta trở thành “cái bóng mờ” của các dân tộc, các nền văn hóa khác trên thế giới.

Khoa học và công nghệ hiện đại còn góp phần đấu tranh, cải tạo những phong tục, tập quán lạc hậu cùng những chuẩn mực giá trị đạo đức không còn phù hợp

Với những phong tục, tập quán lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại đang bị đấu tranh, loại bỏ bằng nhiều phương thức như tuyên truyền, giáo dục rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trên hệ thống thông tin đại chúng, qua việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, việc tiêu chuẩn hóa các quy định đạo đức nghề nghiệp, các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh... Không chỉ vậy, trong hoàn cảnh các thế lực thù địch, phản động ở cả trong và ngoài nước ta đang tận dụng triệt để các tiện ích của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là các phương tiện truyền thông để làm công cụ phục vụ cho âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, kích động, tập hợp quần chúng nhân dân gây rối, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân ta đã xây dựng nên, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao khả năng đấu tranh trên lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Song, bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại lại đang bị không ít cá nhân, cộng đồng lợi dụng để phục vụ lợi ích riêng và đi ngược lại với các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Điều này trở thành một lo ngại lớn khi hiện tượng suy thoái đạo đức, đề cao tới mức tuyệt đối hóa công nghệ hiện đại, chạy theo lối sống hiện đại mà coi nhẹ các giá trị đạo đức truyền thống ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trong xã hội. Do vậy, để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại trong việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.

Một là, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở nhận thức tính tất yếu và yêu cầu của việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại phát triển khoa học và công nghệ, Đảng ta luôn xác định rõ phát triển khoa học và công nghệ phải nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững, trong đó nhấn mạnh vai trò trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường. “Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ gắn với phát triển văn hóa và nâng cao dân trí” (1).

Đại hội XII, tiếp tục nhấn mạnh cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để khoa học và công nghệ “thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất” (2). Đây chính những định hướng quan trọng có tác dụng khuyến khích những ứng dụng của khoa học và công nghệ hiện đại có giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ lợi ích nhân văn, bền vững cho con người và cho đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định khoa học và công nghệ cùng với các nhân tố khác, như hài hòa lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy nhân tố con người tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập.

Sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của nước ta chỉ có thể đạt được những kết quả tốt đẹp khi nó được thúc đẩy từ động lực của các giá trị đạo đức truyền thống, được thúc đẩy từ lòng yêu nước, khát vọng cống hiến cho đất nước; từ lòng yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh, từ tinh thần ham học hỏi, khát vọng khám phá những tri thức mới và sự cần cù, chịu khó, tiết kiệm trong lao động để đạt kết quả tốt nhất. Không chỉ dừng lại là động lực mà những giá trị đạo đức truyền thống trên cần phải là mục tiêu mà những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại cần hướng đến và phát huy. Quan điểm trên cần được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (3).

Có thể nói việc bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ được coi là giải pháp văn hóa trong sự phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta. Nó đóng vai trò là “cơ chế kiểm soát”, “bộ lọc” nhằm ngăn chặn những phản tác dụng hay hậu quả tiêu cực mà tiến bộ khoa học và công nghệ có thể gây ra đối với đời sống xã hội nói chung và đạo đức xã hội nói riêng. Đồng thời, nó nâng cao trách nhiệm đạo đức của con người trước cộng đồng, xã hội và tự nhiên trong quá trình khai thác, sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.

Hai là, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho việc nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống.

Để nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay thì việc tạo môi trường xã hội lành mạnh là vấn đề hết sức quan trọng, bởi vì chỉ trong môi trường đó mới tạo ra những điều kiện thuận lợi để khoa học và công nghệ phát huy vai trò tích cực, đồng thời cũng ngăn chặn được trước những tác động tiêu cực của nó. Môi trường xã hội lành mạnh tạo điều kiện, động lực để cho khoa học công nghệ phát triển đem lại những hiểu biết phong phú, đa dạng cho con người về thế giới xung quanh, cũng như trong việc nhìn nhận, xem xét đánh giá các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc ở những khía cạnh khác nhau. Do đó, xây dựng môi trường dân chủ, tạo bầu không khí thoải mái, cởi mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như tạo ra những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học cũng như cho các ngành khoa học là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên xây dựng nghiên cứu những ngành khoa học ứng dụng vào việc thực hiện tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động quảng bá, giới thiệu, lưu truyền các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc không chỉ phạm vi trong nước mà còn phạm vi ngoài nước. Như vậy, có thể khẳng định, khoa học và công nghệ đã và đang gián tiếp tạo ra những tác động tích cực đối với việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay.

Trong xã hội hiện đại, khi các phương tiện thông tin và truyền thông phát triển thì việc xây dựng cơ chế dân chủ và phát huy tính dân chủ trong đời sống xã hội nói chung và trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; đồng thời tạo ra cơ chế kiểm soát từ những đánh giá của dư luận xã hội để hướng các sản phẩm nghiên cứu khoa học đến mục tiêu phục vụ sự phát triển của con người và xã hội. Dư luận xã hội biểu thị thái độ đánh giá, phán xét của quần chúng đối với các vấn đề mà xã hội quan tâm. Nó có sức mạnh to lớn trong việc làm cho phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội phát huy sức mạnh điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi của cá nhân. Vì vậy, việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh có tác dụng to lớn nhằm khuyến khích, ủng hộ cái đẹp, cái thiện, cái đúng và phê phán đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái sai trong xã hội. Về mặt này, các phương tiện thông tin đại chúng phải là nơi thể hiện nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo quần chúng, góp phần hình thành các chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị của con người Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, việc khơi dậy phong trào văn hóa toàn dân chăm lo giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, các phong tục, tập quán lành mạnh của dân tộc; đấu tranh chống lại các hành vi phản đạo đức, các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội khác có ý nghĩa tích cực trong việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống thông qua các lễ hội truyền thống và các phong trào quần chúng rộng rãi khác ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân ta. Các lễ hội, ngày lễ lớn, các nhà bảo tàng, nhà văn hóa, khu di tích lịch sử, cách mạng… ở tầm quốc gia cũng như ở từng địa phương cần phải được bảo tồn, phát huy, trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, là nơi phổ cập và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với việc duy trì và phát huy hiệu quả giáo dục đạo đức truyền thống thông qua các di sản văn hóa vật chất và tinh thần còn cần phải tăng cường phát động toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, toàn dân tham gia hỗ trợ người có công với cách mạng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người già, người tàn tật, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó… Những phong trào có ý nghĩa thiết thực trên luôn được phổ biến, tuyên truyền nhân rộng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra sức lan tỏa rất rộng lớn trong cộng đồng và trở thành phương thức giáo dục đạo đức truyền thống hiệu quả trong điều kiện đất nước hiện nay.

_____________

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.78

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.119, 120.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.78.

 

 

Tác giả : Nguyễn Thị Kiều Oanh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;