Nho giáo thời Lê sơ, nguồn luật của bộ "Quốc triều hình luật"

Việc nghiên cứu các nội dung tư tưởng Nho giáo thể hiện trong Quốc triều hình luật không chỉ đưa ra những lý giải sâu sắc về nhiều lĩnh vực pháp luật, chế định, quy phạm pháp luật mà còn mô tả được diện mạo Nho giáo Việt Nam TK XV; đồng thời còn minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa triết học với pháp luật. Mặt khác, nó còn góp phần quan trọng để bổ sung những cơ sở lý luận cần thiết đối với quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.

    Đặc điểm Nho giáo thời Lê sơ        

    Sự du nhập của Nho giáo vào Việt Nam gắn liền với sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc với tư cách là công cụ đồng hóa dân Nam Việt. Trong hơn hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam (từ thời Bắc thuộc cho tới năm 1919), với gần 500 năm được coi là hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng của xã hội phong kiến, Nho giáo đã bám rễ, có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam. Nho giáo trong quá trình du nhập vào Việt Nam đã kết hợp với văn hóa bản địa, vừa có sự đồng điệu, vừa có sự khác biệt qua từng thời kỳ. Chính vì vậy, ở thời Lê sơ, chúng ta có một hệ tư tưởng Nho giáo mà cụ thể là Tống Nho, mang trong mình những đặc điểm riêng, do điều kiện kinh tế xã hội thời kỳ này quy định.

    Thứ nhất, vì tôn sùng Nho giáo nên nền giáo dục, khoa cử Nho học cũng được coi trọng, phát triển. Đặc biệt, dưới triều Lê Thánh Tông, khoa cử được đề cao, trở thành con đường lựa chọn nhân tài, quan chức cho bộ máy hành chính các cấp.

   Thứ hai, nếu nhìn vào nền giáo dục khoa cử Nho học giai đoạn này để đánh giá thì có thể thấy Nho giáo phát triển cực thịnh; nhưng nếu nhìn vào đời sống tinh thần, tâm tinh của xã hội thì đạo Phật kết hợp với Đạo giáo vẫn giữ địa vị quan trọng.

   Thứ ba, Tống Nho giai đoạn này được tiếp thu một cách phiến diện. Ở đây nó chỉ được phát triển theo hướng học từ chương, khoa cử, còn phần học vấn sâu xa về nghĩa lý của kinh sách mang tính triết học thì rất ít người nghiên cứu chuyên sâu.

   Thứ tư, sự mềm dẻo linh hoạt của Nho giáo thời kỳ này do thẩm thấu yếu tố văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Việt. Các tư tưởng nhân nghĩa, an dân, chủ nghĩa dân tộc trong sáng, quan niệm đề cao người phụ nữ… là những yếu tố truyền thống của dân tộc Việt Nam được hòa trộn trong tư tưởng Nho giáo đương thời. Chính điều này đã làm cho Nho giáo thời Lê sơ trở nên nhân văn, vị dân hơn nhiều so với những quy định có phần khắt khe, khô cứng, bảo thủ áp đặt của Tống Nho bên Trung Hoa.

   Như vậy, khi nghiên cứu đặc điểm kinh tế chính trị thời Lê sơ, đặc điểm Nho giáo, lập pháp giai đoạn này, chúng ta sẽ thấy được tại sao lại có sự ảnh hưởng của Nho giáo tới các quy định của pháp luật Lê sơ mà cụ thể là bộ Quốc triều hình luật.

   Giới thiệu bộ Quốc triều hình luật

   Quốc triều hình luật là thành tựu pháp luật có giá trị đặc biệt gắn liền với triều đại Lê sơ, thời kỳ huy hoàng của nhà nước phong kiến Việt Nam. Từ yêu cầu tất yếu của lịch sử là sự phát triển cao độ của chế độ phong kiến tập quyền thời Lê sơ cần phải có một bộ luật hoàn chỉnh để duy trì trật tự xã hội có lợi cho giai cấp thống trị, bảo vệ nền chuyên chính của giai cấp phong kiến, do đó Quốc triều hình luật đã ra đời. Bộ luật đã trải qua một quá trình xây dựng lâu dài từ thời Lê Thái Tổ đến thời Lê Thánh Tông mới được hoàn thành.

   Đây là bộ luật có thể được xem là một trong những thành tựu đặc sắc nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam vì nó chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật thời trước, đương thời, có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp lý hiện đại. Nội dung chính của bộ luật là bảo vệ quyền lợi của vua, hoàng tộc, quan lại, giai cấp thống trị, địa chủ phong kiến. Đặc biệt, bộ luật còn bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Vua Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo thực hiện việc biên soạn, ban hành bộ luật này nhằm thể chế hóa một nhà nước phong kiến Đại Việt với truyền thống nhân nghĩa, lấy dân làm gốc. Bên cạnh đó, bộ luật thể hiện nhiều quan điểm tiến bộ vì đã kế thừa được thành tựu của nền lập pháp thời Lý - Trần, tiếp thu có chọn lọc thành tựu luật pháp thời Đường, Minh của Trung Quốc, kết hợp được những yếu tố tích cực trong luật tục truyền thống của dân tộc.

   Nho giáo trở thành một trong những cơ sở của việc biên soạn bộ Quốc triều hình luật

   Để tìm ra cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa Nho giáo với cổ luật Việt Nam trong đó có bộ Quốc triều hình luật thì cần phải tìm hiểu về sự tác động qua lại giữa hai hình thái ý thức xã hội là triết học và pháp luật hay nói cách khác là đi lý giải Nho giáo với tư cách là một nguồn của cổ luật.

    Theo giáo sư Trần Quốc Vượng: “Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế” (1). Một số nguồn của cổ luật Việt Nam có thể kể đến là: luật, tục lệ, phong tục tập quán, triết học, tôn giáo...

   Việt Nam thời tiền sử, sơ sử chưa có chữ nghĩa nên chưa có luật thành văn. Nhà nước thời đại các vua Hùng là một nhà nước sơ khai, nếp sống cư dân Văn Lang, Âu Lạc còn giản dị, chất phác nên không có luật thành văn như Hình pháp bên nhà Chu, Bộ luật La Mã của văn minh Địa Trung Hải. Văn hóa, tức nếp sống, lối sống theo thói quen hằng ngày cũng chính là tập quán, được lưu truyền thành phong tục. Trật tự xã hội được duy trì bằng dư luận xã hội, luật tục (2). Chính những phong tục, tập quán hay còn gọi là luật tục mà theo nhà nghiên cứu luật học Raymond Wacks trong công trình Triết học luật pháp gọi là luật tự nhiên, sau này đã trở thành một trong những nguồn luật quan trọng của nền pháp luật phong kiến Việt Nam.

    Khi nhà nước phong kiến trung ương tập quyền được hình thành, phát triển ngày càng hoàn thiện; hệ tư tưởng chính trị, ý thức hệ phong kiến được thống nhất; luật thành văn ra đời thay cho luật tục truyền miệng, chỉ dụ, lời sai bảo, chỉ dạy của nhà vua với bộ luật thành văn đầu tiên là Hình thư của nhà Trần; lúc đó, có nhiều nhân tố khác ngoài luật tục trở thành nguồn luật phong kiến Việt Nam, trong đó, có triết học mà hẹp hơn là hệ tư tưởng Nho giáo.

    Nếu ở triều Lý - Trần với mô hình nhà nước quân chủ quý tộc mang đậm tính Phật giáo màu sắc Đông Nam Á, đạo Phật giữ vị trí quan trọng trong đời sống tư tưởng xã hội nên các văn bản luật giai đoạn này cũng mang đậm tinh thần nhân đạo của Phật giáo; thì thời Lê sơ là nền quân chủ quan liêu Nho giáo Đông Á với hệ tư tưởng Nho giáo là độc tôn nên pháp luật mang đậm dấu ấn của Nho giáo. Vậy các lý do nào khiến Nho giáo trở thành một trong những cơ sở của việc biên soạn bộ Quốc triều hình luật?

    Thứ nhất, pháp luật trong xã hội có giai cấp thì mang tính giai cấp. Ở thời kỳ phong kiến, pháp luật trở thành công cụ của giai cấp thống trị nhằm duy trì địa vị thống trị, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, đàn áp mọi sự phản kháng của các giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Lúc này, pháp luật mang ý chí, mong muốn của người đứng đầu nhà nước phong kiến là vua, đối với đội ngũ quan lại dưới quyền, với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mà các văn bản pháp luật trước hết là chiếu, lệnh, dụ, lệ, sắc của vua ban ra, sau lại được hội điển hóa, pháp điển hóa thành các bộ luật tổng hợp như Quốc triều hình luật là một ví dụ.

    Thứ hai, Nho giáo với tư cách là một hệ thống triết học, đạo đức xã hội; khi trở thành hệ tư tưởng chính trị đã dần thẩm thấu vào nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó có nền lập pháp. Trước hết, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng trị nước, an dân của đội ngũ vua quan Lê sơ thì đồng thời trở thành một trong những nguồn nội dung của pháp luật giai đoạn này. Bởi Nho giáo đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển của đất nước, đồng thời cũng đề ra phương pháp, cách thức cơ bản để thực hiện mục tiêu đó nhằm bảo vệ chế độ quân chủ, vương quyền. Lúc này, những mục tiêu, phương hướng đó sẽ được vua, đội ngũ quan lại thể chế hóa thành pháp luật, tổ chức thực hiện chúng trong thực tế. Có thể thấy rằng, các vị vua Lê sơ, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông đều rất uyên thâm, tôn sùng Nho học, nên chịu ảnh hưởng sâu nặng của Nho giáo với các tư tưởng nổi bật là: tôn quân, tôn quân quyền, chính danh, đề cao vai trò đạo đức nhà vua, người cầm quyền. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại rằng vua Lê Thánh Tông tuổi nhỏ chỉ vui với sách vở đời xưa, nghĩa lý thánh hiền, sớm khuya không rời quyển sách, hay như khi Đông Các đại học sĩ Đỗ Nhuận nhận xét về Nho học của Thánh Tông rằng: “Lý học của nhà vua sáng tỏ, trong chỗ hồn nhiên mà phân biệt rõ ràng, tinh vi sâu sắc” (3). Cùng với đó là những vị quan tài giỏi biên soạn, hiệu đính luật đều xuất thân từ nền giáo dục khoa bảng Nho giáo đã trợ giúp vua rất nhiều trong việc nhuộm nền lập pháp bằng màu sắc Nho giáo.

    Thứ ba, phải kể đến là sự góp sức của đội ngũ Nho sĩ đông đảo trên cả nước trong việc truyền bá Nho giáo vào tận sâu đời sống làng xã. Tuy không đỗ đạt để ra làm quan, trị nước cứu đời nhưng họ cũng hành đạo bằng một con đường khác không kém phần quan trọng: thực hành đạo đức, lễ nghi Nho giáo ngay trong đời sống hằng ngày với mọi tầng lớp khác trong xã hội. Họ góp phần truyền bá, hòa trộn Nho giáo vào với phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, để rồi một số yếu tố Nho giáo trở thành nếp ăn, nếp ở, nếp suy nghĩ của người dân. Từ đó, trở thành một phần phong tục tập quán của nhân dân, rồi lại tiếp tục quay trở lại tác động tới pháp luật, bên cạnh những tác động thông qua hệ tư tưởng của tầng lớp trên.

    Như vậy, điển chế, pháp luật thời Lê sơ mà cụ thể ở đây là bộ Quốc triều hình luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội phong kiến, vừa chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng phong kiến, vừa chịu sự tác động, chi phối của các bộ phận khác của kiến trúc thượng tầng trong quá trình tương tác với nhau trong đó có yếu tố tư tưởng triết học mà cụ thể là Nho giáo.

    Nhìn lại lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc, chúng ta sẽ lý giải được vì sao Nho giáo vào Việt Nam lại có những khúc xạ lớn, có những sự biến đổi mềm dẻo, linh hoạt được thể hiện qua các quy định của bộ Quốc triều hình luật như thế. Nếu như ở Trung Quốc, tư tưởng bảo vệ vương quyền, chế độ tông tộc, tôn ti trật tự của Nho giáo được sản sinh ra từ chế độ tông tộc đặc trưng bởi đạo trung hiếu, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thì ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Từ nhu cầu chính quyền tập trung đã đòi hỏi sử dụng Nho giáo để thiết lập trật tự theo kiểu tông pháp cho xã hội Đại Việt, dùng nó như một công cụ để củng cố tinh thần tôn quân, tập quyền, có lợi cho chính quyền tập trung. Chính vì thế, các nhà làm luật cũng như các vị vua thời Lê sơ đã cởi mở, sáng tạo trong việc vận dụng các tư tưởng Nho giáo cùng với phong tục tập quán, thói quen trong sinh hoạt thường nhật của dân Việt để xây dựng các quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện đất nước, với nguyện vọng của nhân dân.

_______________

1, 2. Trần Quốc Vượng, Con người Việt Nam giữa luật và lệ, giữa tình và lý, Tạp chí Triết học, số 1, 1986, tr.29, 42.

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần Triều Lê, Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.659.

Tác giả: Vũ Thị Mai Lương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;