Sinh thời, Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của người thày, những người mở trí khai tâm cho con người. Bác đã từng nói đại ý rằng: còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khắc ghi lời Bác dặn, kế thừa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thày, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nguồn lực giáo dục, đào tạo trước hết là nguồn lực con người, trong đó thày cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nguồn lực quan trọng nhất.
Có thể khẳng định rằng, giảng viên trẻ được coi là đội ngũ kế cận, tương lai của một trường đại học, cao đẳng, là người mới vào nghề, đang trong độ tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần nghề nghiệp. Giảng viên trẻ làm việc ở trường đại học phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cao hơn so với các nhà giáo ở bậc học khác không chỉ do môi trường, hay đối tượng dạy học mà còn do chính yêu cầu tự thân người giảng viên, có khả năng độc lập nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Vì vậy, họ là lớp người vô cùng năng động, luôn luôn chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của bản thân và của quốc gia, dân tộc. Họ là những người giàu lòng yêu nước, biết xử lý hài hòa lợi ích của bản thân trong lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động giỏi và giàu nhiệt huyết sáng tạo. Tuy nhiên, giảng viên trẻ còn hạn chế về kinh nghiệm trong giảng dạy nên cũng gặp nhiều khó khăn trong cách truyền thụ tri thức. Do đó, nội dung phát triển nguồn lực giảng viên trẻ bao gồm phát triển về mặt số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực giảng viên trẻ.
Phát triển nguồn lực giảng viên trẻ là một quá trình phức tạp, lâu dài, chịu tác động từ nhiều phía, trong đó yếu tố truyền thống văn hóa dân tộc có vai trò hết sức to lớn. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học, người Việt Nam lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần luôn được đề cao và coi trọng.
Hiếu học là một trong những giá trị truyền thống quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt. Đó chính là tinh thần quả quyết, tính kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi. Sự hiếu học ấy đã tạo điều kiện sản sinh nhiều bậc lương đống, các trung thần, những anh hùng dân tộc… Dù xuất thân mỗi người tuy khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần hiếu học.
Khi lịch sử diễn ra cuộc tiếp xúc Đông - Tây, rất tiếc các thế lực phong kiến bảo thủ, chủ trương đóng cửa với bên ngoài, cùng với chiến tranh xâm lược làm cho sự học của dân mình bị chững lại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, cũng có nhiều hiền tài xuất hiện, sẵn sàng tiếp thu sự tiến bộ, kêu gọi cải cách đất nước như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh… Đặc biệt Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng và phát triển giáo dục, ngay trong chiến khu, thời kháng Pháp.
Còn biết bao những nhà giáo tiêu biểu đã cống hiến không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho cách mạng, cho khoa học kỹ thuật. Thời thực dân phong kiến, Nguyễn Mạnh Tường trong 2 năm, đỗ 2 bằng tiến sĩ bên nước Pháp, tới nay kỷ lục này chưa ai vượt qua. Thời kháng chiến chống Mỹ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cải tiến vũ khí do Liên Xô viện trợ, bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, gây ngỡ ngàng, thán phục cho 2 cường quốc Xô - Mỹ. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Chân dung các nhà giáo Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Lê Trí Viễn, Lê Hoài Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Thúc Hào... đã làm rung động biết bao thế hệ học sinh, sinh viên.
Tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên của thày giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ học sinh. Mới đây giáo sư Ngô Bảo Châu đạt huy chương Fields về Toán học (tương đương giải Nobel), làm rạng danh truyền thống hiếu học Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thày cô giáo đã truyền lý tưởng cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh. Lớp lớp chiến sĩ theo dấu chân người lính đã viết nên nhiều bản trường ca vang dội cho đất nước được tự do, độc lập. Cảm động trong câu hò kéo pháo còn vương nét bụi trường chinh của những thanh niên từ thuở mang gươm đi mở cõi, các thày đã thắp sáng niềm tin cho học trò vững bước đi tới tương lai. Biết bao thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc đã gác bút nghiên lại trên trang giấy học trò để Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai... Trong âm vang của bom đạn, dọc theo những nẻo đường kháng chiến, vẫn mơ về một dáng vóc thư sinh của thày, một lời ngọt ngào trong những áng văn của cô giáo trường quê. Ơn thày, kính trọng thày trở thành một chủ đề lớn được bổ sung vào sổ vàng truyền thống của dân tộc như một nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam xưa và nay.
Đất nước độc lập, tự do, trong thời bao cấp, hình ảnh thày cô vất vả, lo toan vì miếng cơm manh áo, bươn chải cùng ruộng lúa, nuôi lợn, nuôi gà, đi chiếc xe đạp vá săm, băng lốp... đến hôm nay vẫn là những kỷ niệm khó quên. Dù khó khăn nhiều, thày cô vẫn kiên trì thắp lửa vì tất cả vì học sinh thân yêu.
Trong thời kỳ đổi mới, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội, song người thày vẫn kiên định, vững vàng bản lĩnh, giữ nguyên cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa trí tuệ, tình thương của nghề trồng người đã giúp cho thày cô vững tin đó là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Điều quan trọng, người thày có dũng cảm đổi mới hay không, đổi mới nhưng vẫn kiên định về phẩm chất đạo đức.
Giáo dục và đào tạo có tác động rất lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn lực giảng viên trẻ nói riêng. Nếu mạng lưới trường lớp phát triển, quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sẽ làm cho nguồn lực giảng viên trẻ ngày càng phát triển. Ngược lại, nếu mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục không phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cũng làm hạn chế sự phát triển của nguồn lực giảng viên trẻ.
Đặc biệt, yếu tố số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm công tác giảng dạy, quản lý, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo là yếu tố tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất đến phát triển chất lượng nguồn lực giảng viên trẻ. Đội ngũ giảng dạy, quản lý đảm bảo về số lượng, hợp lý về cơ cấu, phẩm chất đạo đức tốt, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm cùng với phương pháp dạy học hiện đại là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Có thể khẳng định rằng, đội ngũ làm công tác tổ chức và quản lý là một mắt xích quan trọng không thể thiếu của quá trình đào tạo. Chính đội ngũ này trực tiếp tạo ra môi trường thuận lợi hay khó khăn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, củng cố phát triển lòng say mê học tập, yêu nghề của đội ngũ giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo.
Nội dung chương trình đào tạo cũng tác động lớn đến quá trình đào tạo nguồn lực giảng viên trẻ. Nếu nội dung chương trình hợp lý, mang tính thời đại sẽ tác động tích cực đến sự phát triển nguồn lực giảng viên trẻ. Ngược lại, nội dung, chương trình đào tạo lạc hậu, bất hợp lý, đặc biệt trong các trường sư phạm sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển nguồn nhân lực giảng viên trẻ. Như vậy, có thể nói, sự phát triển của nguồn lực nói chung, nguồn lực giảng viên trẻ nói riêng của một quốc gia phụ thuộc rất lớn và chịu sự tác động chủ yếu từ nền giáo dục và đào tạo của quốc gia đó.
Phát triển nguồn lực nói chung và phát triển nguồn lực giảng viên trẻ nói riêng là hoạt động của con người, nó không thể tự thân vận động. Trong một quốc gia, phát triển nguồn lực giảng viên trẻ theo hướng nào, vì lợi ích của ai, phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi lập trường, quan điểm của giai cấp cầm quyền. Tuy nhiên, phải trên cơ sở tôn trọng quy luật khách quan của sự phát triển. Ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, sự phát triển nguồn lực trí thức phải dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, vì lợi ích của nhân dân, mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước định hướng sự phát triển nguồn nhân lực trí thức phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại và dân tộc.
Thông qua các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà nước có thể điều chỉnh sự phát triển nguồn lực giảng viên trẻ, định hướng sự phát triển mạnh mẽ bộ phận này, hạn chế bộ phận kia tạo ra một cơ cấu nguồn lực giảng viên trẻ hợp lý, phù hợp với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Bởi vậy, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nguồn lực giảng viên trẻ của Đảng và Nhà nước cần xác định đúng đắn, có tính chất khả thi, tức là phải phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển nguồn lực giảng viên trẻ, là kết quả của trí tuệ toàn Đảng, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân.
Ngoài ra, chúng ta cũng ra sức học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề giáo dục và đào tạo. Những năm gần đây, chính phủ các nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đã có các chính sách tạo ra môi trường hoàn hảo cho sự phát triển giáo dục và nguồn lực trí thức, tạo cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của nguồn lực giảng viên trẻ.
Bước vào TK XXI, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với những bước tiến nhảy vọt, trở thành động lực, đầu tàu của sự phát triển kinh tế xã hội, kéo theo những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người, đặc biệt đưa xã hội loài người chuyển sang một thời đại văn minh mới với nền tảng của nó là phát triển kinh tế tri thức. Cách mạng khoa học và công nghệ làm cho nhiều nghành, nghề cũ, truyền thống mất đi và cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Cơ cấu ngành, nghề trong các lĩnh vực kinh tế thay đổi nhanh chóng, có tính chất toàn cầu và chất lượng cao. Trong điều kiện mới, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lực con người là chủ yếu, thay vì dựa vào nguồn tài nguyên, vốn vật chất như trước đây. Cùng với đó là yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, do đó đào tạo lao động kỹ thuật để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp. Lúc này, đòi hỏi người lao động không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao mà còn phải có nhiều kỹ năng khác. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải đổi mới đào tạo nghề nghiệp để tạo lập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp truyền thống sang cập nhật các kỹ năng mới, nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ năng giải quyết và xử lý các sự cố phát sinh của máy móc thiết bị công nghệ cao, kỹ năng làm việc theo nhóm... Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nhưng yếu tố khoa học và công nghệ đang tác động mạnh đến đào tạo nguồn nhân lực, nhất là khi chúng ta phát triển các nghành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghệ cao, sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, chúng ta phải tập trung đổi mới phát triển giáo dục đào tạo để kịp đáp ứng yêu cầu của thời đại, đặc biệt là vấn đề trình độ giảng dạy của giảng viên trẻ hiện nay.
Nước ta đang đẩy nhanh quá trình chủ động hội nhập quốc tế và đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), điều đó tạo cơ hội cho sự phát triển đất nước trong đó có cả giáo dục đào tạo. Đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tác động mạnh đến giáo dục ở nước ta. Đây là vấn đề rất cần được nhận thức sâu sắc và đầy đủ, vì nó đã và đang tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến nền giáo dục, trong khi nước ta lại đang đi sau so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Gia nhập WTO, thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), chúng ta thừa nhận giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ khả thi và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục.
Sự giao thoa, đối thoại, hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nền giáo dục làm cho nền giáo dục của mỗi nước vừa có giá trị dân tộc, vừa có giá trị quốc tế nhân loại. Sự thắng - thua của một nền giáo dục không phải chỉ ở sự chiếm lĩnh thị phần giáo dục lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, mà còn ở chỗ biết tiếp thu, phát huy có hiệu quả những giá trị tích cực, tiên tiến hơn của các nền giáo dục khác, của nhân loại. Nắm chắc và phát huy những giá trị của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những giá trị của quốc tế để hội nhập có hiệu quả.
Những xu hướng trên đang buộc hầu như các nước phải đổi mới và hiện đại hóa giáo dục. Để thực hiện thành công Đột phá chiến lược phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới như văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu, Việt Nam không thể nằm ngoài các xu hướng này. Do đó, nguồn lực giảng viên trẻ cần phải có những bước phát triển mau lẹ, kịp thời thích ứng với điều kiện của thời đại mới nhằm đáp ứng với yêu cầu cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.
Có thể khẳng định rằng, chính những truyền thống quý báu ngàn đời của cha ông và của thế hệ đi trước đã trở thành động lực vô cùng to lớn, tác động mạnh mẽ tới ý chí và nghị lực của lớp trí thức trẻ, hun đúc lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết trong họ. Truyền thống tôn sư trọng đạo là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với các thày, cô giáo trẻ quyết tâm nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm và vai trò của mình với sự nghiệp trồng người của dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017
Tác giả : ĐẶNG KIM DUNG