Ra đời vào giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK - KQ) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ngược dòng lịch sử, năm 1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khi quân và dân cả nước đang trong niềm vui thắng lợi, thực dân Pháp còn chưa rút hết quân khỏi chiến trường Đông Dương. Với nhãn quan chiến lược, tầm nhìn thấu suốt, hiểu rõ bản chất kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho quân và dân ta thấy trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh xâm lược mới do đế quốc Mỹ tiến hành. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II, tháng 7-1954, Người chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ” (1). Để đối phó với kẻ thù mới của dân tộc, ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Tình hình mới, nhiệm vụ mới, chính sách mới của Đảng, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân: “Củng cố và bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở miền Nam, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước” (2). Dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc khẩn trương củng cố, sắp xếp lại lực lượng, chuẩn bị bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Từ tầm nhìn chiến lược của Đảng và sự chỉ đạo của Người, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các đơn vị pháo cao xạ, không quân vận tải, rađa trinh sát đầu tiên của quân đội lần lượt được ra đời. Tuy trang bị ban đầu còn chưa hiện đại, nhưng qua thời gian, lực lượng ấy ngày càng trưởng thành. Trước sự phát triển của cách mạng miền Nam, sự phản ứng của đế quốc Mỹ và tay sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Để công tác hiệp đồng, chỉ huy tác chiến thống nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh, Người nêu tư tưởng chỉ đạo để Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng sớm hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng Không và Cục Không quân thành Quân chủng PK - KQ, tăng thêm sức mạnh sẵn sàng đánh trả lực lượng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ. Thực hiện Nghị quyết của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Người, ngày 22-10-1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng PK - KQ trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Sự ra đời của Quân chủng PK - KQ là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam, từ một quân đội ban đầu chỉ có bộ binh, trang bị vũ khí thô sơ đã phát triển thành quân đội có đủ quân, binh chủng.
Đầu năm 1964, thăm bộ đội PK - KQ, Người căn dặn: “Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta” (3). Đúng như tiên đoán của Người, ngày 5-8-1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích, phá hoại miền Bắc, dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trên vùng biển Việt Nam, Mỹ đã huy động 64 lần chiếc máy bay của hải quân liên tiếp tập kích đánh phá miền Bắc; hòng đánh đòn bất ngờ, uy hiếp và làm lung lay ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của quân và dân ta, nâng đỡ tinh thần đang suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Song, Quân chủng PK - KQ đã sát cánh cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Ngay trong ngày 5-8-1964, Quân chủng PK - KQ đã “bắn rơi 8 máy bay Mỹ, một số chiếc khác bị thương, 1 giặc lái bị bắt sống” (4). Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về chính trị và quân sự; tạo ra tiếng vang lớn trên thế giới; củng cố thêm niềm tin đánh thắng đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước; đồng thời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của bộ đội PK - KQ. Ngày 7-8-1964, tại Hội nghị tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang lập công xuất sắc trong các trận đánh ngày 5-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc khác… Các chú đã bắt sống phi công, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, như vậy là rất tốt, nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan khinh địch” (5).
Thực tiễn chứng minh, nhận định của Người về kẻ thù là rất chính xác. Từ đầu năm 1965, để cứu vãn những thất bại ngày càng nặng nề, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân đội Mỹ và quân chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời mở rộng các hoạt động của không quân và hải quân ném bom phá hoại miền Bắc và bắt đầu sử dụng pháo đài bay B52 trên chiến trường Việt Nam. Để kịp thời xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK - KQ, ngày 19-7-1965, Bác đến thăm, làm việc với Quân chủng, Người đã động viên, căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phải có cách đánh mưu trí, sáng tạo, có trình độ kỹ thuật giỏi và hết sức chú ý giữ vững đoàn kết, hiệp đồng trong chiến đấu. Người khẳng định: “Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” (6). Thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (3-1965), Nghị quyết Trung ương 12 (12-1965) và lời dạy của Người, quân và dân miền Bắc đã đánh trả không quân Mỹ rất quyết liệt. Tính đến ngày 31-3-1965, cuộc chiến tranh “leo thang” của không quân Mỹ đối với miền Bắc đã mở rộng tới Hà Tĩnh và đã bị các lực lượng phòng không bắn rơi tới chiếc máy bay thứ 100 trên miền Bắc.
Đặc biệt, Người đã tiên đoán, chỉ đạo việc chuẩn bị đánh máy bay B52 từ rất sớm. Năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không, Người đã đặt câu hỏi với tân Tư lệnh Đại tá Phùng Thế Tài: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?” (7). Câu hỏi bất ngờ làm Tư lệnh Phòng không thực sự lúng túng. Người ân cần chỉ rõ: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó… Nhưng ngay từ ngày nay, là Tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này” (8). Ngày 24-3-1966, được tin Bộ đội Tên lửa phòng không bắn rơi chiếc máy bay không người lái của Mỹ ở độ cao 18km, Người đã đến tận nơi kiểm tra và chỉ thị: “Tên lửa của ta có thể bắn tới tầm cao của máy bay B52, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu”(9). Thực hiện chỉ thị của Người, Quân chủng PK - KQ đã dày công nghiên cứu về máy bay B52 và tìm cách để tiêu diệt loại máy bay mà Mỹ gọi là “siêu pháo đài bay”. Từ giữa năm 1966, Quân chủng PK - KQ đã đưa Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh máy bay B52, khi nghe Quân chủng PK - KQ báo cáo chủ trương này Người đã khuyến khích: “Đúng! Muốn bắt cọp phải vào tận hang” (10). Tuy nhiên, đã gần một năm Trung đoàn 238 vào Vĩnh Linh chiến đấu, hy sinh biết bao xương máu nhưng vẫn chưa tìm ra cách bắn rơi B52. Trước tình hình đó, Quân chủng tiếp tục cho các đơn vị không quân, rađa, “Đoàn công tác B” lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Chính ủy Đặng Tính trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo bộ đội nghiên cứu tìm cách đánh B52. Biết cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng đang trăn trở, Người động viên: “Các chú phải cố nhìn cho thật kỹ để sau này nếu nó có bay ra ngoài này là nhận được mặt nó ngay” (11). Tuy là lời động viên nhưng qua đó, Người muốn bộ đội PK - KQ phải nghiên cứu thật kỹ và hiểu biết tường tận tính năng, tác dụng, thủ đoạn tác chiến, đội hình bay, quy luật hoạt động của máy bay B52. Cũng trong thời gian này, Người đã ra chỉ thị: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (12). Nhờ dự báo sớm và dự báo chính xác, quân và dân ta đã chủ động chuẩn bị, chủ động phòng ngừa; tổ chức huấn luyện chiến đấu, nhanh chóng tăng cường vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; tìm ra nhiều cách đánh hay, độc đáo cho bộ đội PK - KQ. Đặc biệt, bộ đội PK - KQ đã kịp thời hoàn chỉnh Phương án đánh B-52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng, vì vậy, khi Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, Quân chủng PK - KQ đã hoàn toàn chủ động, làm nên chiến công “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng 12-1972. Trong chiến dịch này Quân chủng PK - KQ đã “bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52” (13), buộc đế quốc Mỹ phải “chịu thua trên bầu trời Hà Nội” như sự tiên đoán của Người.
Như vậy, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và dân miền Bắc nói chung, bộ đội PK - KQ nói riêng đã chủ động trong mọi tình huống, không bị bất ngờ trước quy mô và thủ đoạn đánh phá của kẻ thù, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký hiệp định Pari rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ quản lý và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới, bộ đội PK - KQ cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện tốt một số nội dung sau:
Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối tư tưởng quân sự của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thường xuyên quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ kiên quyết tiến công đánh thắng kẻ thù ngay từ loạt đạn đầu, trận đầu. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cần chống biểu hiện tư tưởng tiêu cực, khi có những khó khăn, vấp váp, chỉ thấy điểm mạnh, không thấy chỗ sơ hở, điểm yếu của địch; sợ tổn thất, không tin tưởng vào lực lượng, vũ khí trang bị của ta, dẫn đến do dự trước nhiệm vụ, làm hạn chế hiệu suất chiến đấu: hoặc những biểu hiện, tư tưởng nôn nóng, đánh ẩu, đánh với bất cứ giá nào do động cơ thi đua không đúng, chủ quan, dẫn đến tổn thất, không bảo toàn được lực lượng để đánh lâu dài, làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân chủng.
Xây dựng ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù trong mọi tình huống
Trong hoạt động tác chiến dù ở quy mô nào hay đánh với đối tượng nào cũng đòi hỏi phải có ý chí quyết đánh và quyết thắng. Bởi tác chiến là sự đối chọi quyết liệt giữa tinh thần, nghị lực, ý chí, trí tuệ và cả sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra, địch sẽ sử dụng trang thiết bị, vũ khí công nghệ cao, thực hiện các cuộc tiến công đường không quy mô lớn, tấn công bất ngờ, dồn dập. Vì vậy, để giành thắng lợi trước kẻ địch có tiềm lực lớn, vũ khí trang bị hiện đại, thì yếu tố đầu tiên để giành thắng lợi là phải có ý chí dám đánh, quyết đánh, quyết thắng. Đây là ưu thế của ta hơn hẳn kẻ thù xâm lược, vì vậy, chúng ta phải biết cách tạo được sức mạnh ý chí chiến đấu của bộ đội thành sức mạnh vật chất trong từng trận đánh.
Thường xuyên nghiên cứu nắm chắc âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch
Nghiên cứu nắm chắc địch là vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động tác chiến. Có nắm chắc được địch mới có cơ sở chuẩn bị, sử dụng lực lượng hợp lý, chọn đúng thời cơ tổ chức trận đánh để đánh thắng. Để nắm chắc địch cần kết hợp chặt chẽ nghiên cứu địch ở tất cả các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; thường xuyên theo dõi sự phát triển về lực lượng, phương tiện, âm mưu thủ đoạn hoạt động của địch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tìm ra cách đánh, biện pháp đối phó phù hợp, hiệu quả, giành thế chủ động đánh địch khi có tình huống tác chiến xảy ra.
Tổ chức bố trí lực lượng, xây dựng thế trận PK - KQ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước
Cần phải tổ chức bố trí lực lượng một cách hợp lý, cân đối trên từng vùng, miền, ưu tiên các vùng chiến lược để bảo đảm đánh địch rộng khắp, trên mọi hướng, nhưng tập trung được hỏa lực bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch của đất nước. Trong xây dựng thế trận cần phải nghiên cứu một cách khoa học, trên cơ sở thực tiễn chiến tranh để tạo lập được thế trận phòng không, bảo đảm phát huy tối đa khả năng hỏa lực của các lực lượng và tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng chi viện và yểm trợ cho nhau, thuận lợi chuyển hóa trong mọi tình huống tác chiến. Quy luật của chiến tranh là “mạnh được, yếu thua”. Vì thế, để đối phó hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong mọi tình huống, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân tạo nên sức mạnh ưu thế hơn kẻ thù, để giành thắng lợi trên mặt trận “đối không”.
Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội PK - KQ luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các lực lượng, cơ quan và nhân dân các địa phương trong khu vực tác chiến. Không chỉ đóng góp công sức mà nhân dân còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, tài sản của mình cùng bộ đội PK - KQ chiến đấu. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ quân chủng phải đặc biệt coi trọng yếu tố đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân để phát huy được sức mạnh tập thể của từng đơn vị, lực lượng; đồng thời, tăng cường đoàn kết quân dân để khai thác, tận dụng được các tiềm năng tại chỗ về nhân lực, vật chất và chính trị tinh thần của địa phương nơi đóng quân phục vụ cho các hoạt động tác chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh việc làm tốt công tác đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, bộ đội PK - KQ còn nhận được sự giúp đỡ tận tình cả về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới vì vậy, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù. Để vận dụng bài học này vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quân chủng PK - KQ phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là bài học vô cùng quý giá để bộ đội PK - KQ nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống.
_____________
1. Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.256.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng - Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.287.
3. Hồ Chủ tịch với Bộ đội PK - KQ, Bộ tư lệnh PK - KQ xuất bản, Hà Nội, 1975, tr.15.
4, 13. Lịch sử Quân chủng PK - KQ (1963 - 2013), quyển 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr.109, 755.
5. Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr.375.
6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Nguồn sức mạnh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992, tr.186, 14, 14, 187, 25, 38.
Tác giả: Nguyễn Trung Thông
Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019