“Nhà và người” - cuốn sách đầu tay của họa sĩ Lê Thiết Cương

Sáng ngày 8-8-2024, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), họa sĩ Lê Thiết Cương đã giới thiệu với độc giả cuốn sách “Nhà và người”. Sách dày 340 trang, tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua. Đây là cuốn sách đầu tay của họa sĩ Lê Thiết Cương và cũng là cuốn đầu tiên trong bộ ba cuốn sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc. Tác giả cho biết, tiếp theo sẽ là hai tác phẩm “Trò chuyện với hội họa” và “Trong hạt thóc có hạt gạo” (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).

Phát biểu tại buổi ra mắt sách Nhà và người (Nxb Hội Nhà văn và Liên Việt xuất bản năm 2024), họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, ông muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, từ nhà thấy người, từ người thấy nhà. Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà, chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà đều có dấu ấn của thời gian.

Tác giả cùng khách mời giao lưu tại buổi ra mắt sách

Trước khi nói chuyện nhà, chuyện người, họa sĩ dành một phần ba cuốn sách để nói chuyện về những vùng đất với những câu chuyện và cảm nhận, ngẫm nghĩ sâu sắc. Mỗi đề từ của mỗi bài viết vừa như một gợi ý, vừa như một đúc kết. Trong 36 phố - Một Hà Nội, Lê Thiết Cương đưa ra một yếu tính của Hà Nội cho thấy sự nhìn nhận vừa bao quát vừa tinh tế của anh: "Không phải là không có những văn nhân sinh ra ở đây, cha sinh mẹ dưỡng, nhưng cái chất thủy thổ của Hà Nội có xu hướng dưỡng (chất âm) nhiều hơn sinh (chất dương). Anh cũng đưa ra những nhận định then chốt: Hà Nội là văn hóa làng - làng trong phố và chất chợ - sông".

Anh cho rằng, Hà Nội là đô thị trong sông, Huế là đô thị trong vườn, còn Sài Gòn là kiểu đô thị kênh rạch. Sự cắt nghĩa thực tế và đầy hình tượng này đã khắc họa được rõ nét cái chất của mỗi vùng, từ đó mà ra chất của con người, ra câu chuyện của văn hóa, văn minh mỗi nơi. Bên cạnh đó, những trang viết cũng đưa đến nhiều lý giải về những vùng miền khác với sự đặc trưng của nó như: tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp; tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”; tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới; tại sao chất đất - chất người của Thăng Long - Hà Nội lại thiên về âm thổ…

Giống như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người, đó là những câu chuyện về các vùng đất mà tác giả đã đi qua. Tác giả bộc bạch, ông viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chẳng là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.

Với ý tưởng ấy, Lê Thiết Cương viết về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh… Những bài viết về chuyện nhà lại chứng tỏ Lê Thiết Cương là người tinh tường, kỹ lưỡng và luôn đi đến cùng tận mọi vấn đề. Là một nghệ sĩ, anh có mối quan hệ thân tình với nhiều nghệ sĩ khác trong nhiều lĩnh vực. Đó cũng là cơ hội để anh được cặn kẽ "chuyện nhà" của những bạn bè, đồng nghiệp. Cuốn sách cho biết tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của anh, chỉ quê mới là nhà, nhà - quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà “thích khách”? Tại sao nhà của thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa “sơn lâm” nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác?

Tác phẩm "Nhà và người" của họa sĩ Lê Thiết Cương

Đánh giá về cuốn sách Nhà và người của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, cuốn sách này viết về một không gian mà ai cũng đã sống trong đó từ khi sinh ra nhưng lại không phát hiện ra những vẻ đẹp, những bí mật trong không gian đó. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã có những tản văn đẹp về ngôn ngữ, về hình ảnh, về không khí và một cảm xúc đầy tính huyền ảo bao trùm cùng những phát hiện chưa ai từng biết. Họa sĩ đã mở cánh cửa những ngôi nhà Việt và mở ra một thế giới tâm hồn tinh tế, thẳm sâu của người Việt.

“Đấy là những cánh cửa bị khóa kín lâu nay. Lê Thiết Cương đã tìm thấy chìa khóa và lặng lẽ mở những cánh cửa đó. Phát hiện ra “nhà” là phát hiện ra “người” và ngược lại. Những vẻ đẹp của “nhà” và “người” đã làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt... - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về cuốn sách.

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, giai điệu văn xuôi của Lê Thiết Cương là giai điệu đẹp. Một cách kể mà không kể. Lúc nồng ấm, lúc thoáng lạnh. Theo ông, tản văn của Lê Thiết Cương đưa người đọc đi một chuyến du lịch xuyên Việt bằng chữ nghĩa. Ông đánh giá: Đóng góp của Cương với tản văn là anh đã “văn xuôi hóa” bao đúc rút văn hóa để đưa vào trang viết của mình. Phần văn xuôi ấy thường được để sau một đoạn kể ngắn. Nó như cách về các trung âm hoặc át âm sau một câu nhạc. Giai điệu thì cổ điển, nhưng cách dẫn dắt câu này sang câu khác lại rất hiện đại. Thật thích thú khi Cương viết: “Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất cởi mở, phóng khoáng, bộc trực của người Sài Gòn làm cho mọi người ở khắp nơi tự đến với Sài Gòn”. Hay: “Người Hà Nội là người của đô thị trong sông, người Huế là người của đô thị vườn, người Sài Gòn là người của đô thị kênh rạch”.

Theo nhà văn Thái Chí Thanh, với Nhà và người, Lê Thiết Cương thành nhà sưu tập, đi khắp mọi miền xứ sở, từ thành thị, nông thôn, làng quán, đi sâu vào cội nguồn văn hóa, cái đẹp, nhân tình từ ngàn xưa…60 bài tản văn bài nào cũng mới, cũng không trùng lặp với bất cứ ai, với bài cũ của chính mình, cho dù cùng một đề tài... 60 tác phẩm hoàn chỉnh nhưng lại được tác giả sắp xếp theo từng cụm bài liên hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau, cái trước làm tiền đề cho cái sau, cái sau giải quyết tiếp những cái trước đặt ra. Hơn thế, tổng thể, tác giả dù viết về nhà cửa, bếp núc, phố phường, làng xóm, đình chùa, đều hội tụ về một điểm: con người. Con người là chủ thể thế giới xung quanh, chủ thể của nội tâm, kể cả tâm linh...

NGÔ HỒNG VÂN

;