Nguyên tắc độc lập tự chủ, tự lực, tự cường
Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là không lệ thuộc, không phụ thuộc vào người khác, tự mình khắc phục khó khăn, làm chủ hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên.
Xét trong quan hệ đoàn kết với nhân dân Pháp giai đoạn 1945 - 1954, nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường được hiểu là Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta, mặc dù rất trân trọng và đề cao sự ủng hộ giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, nhưng không trông chờ, ỷ lại vào họ mà luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, thách thức để củng cố, xây dựng phát triển lực lượng cách mạng, coi đây là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong quá trình lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp (1945 - 1954), Đảng ta coi trọng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nhưng không rơi vào chủ nghĩa biệt lập, hẹp hòi. Một mặt, Đảng quán triệt, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chỉ đạo Nhà nước, các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, tinh thần chiến đấu, hy sinh, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để tạo ra sức mạnh nội sinh to lớn, từng bước đánh bại âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mặt khác, Đảng luôn kêu gọi, tranh thủ, tận dụng sự giúp đỡ của quốc tế, trong đó có sự ủng hộ to lớn của Đảng Cộng sản và nhân dân yêu chuộng tiến bộ hòa bình Pháp: “Càng kiên quyết chống phản động thực dân Pháp bao nhiêu, càng phải tăng gia việc vận động liên minh với nhân dân Pháp, với những người Pháp thành thực dân chủ và tiến bộ bấy nhiêu” (1); “Kêu gọi nhân dân Pháp, các đoàn thể và các phần tử dân chủ Pháp… đồng tình với ta chống phản động Pháp” (2) để góp phần tăng cường sức mạnh cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bằng tư duy chiến lược sáng suốt và phương pháp xem xét biện chứng, Đảng đã thể hiện rất cụ thể và sâu sắc về mối quan hệ và sự gắn kết giữa độc lập tự chủ, tự lực tự cường và đoàn kết với nhân dân Pháp. Đảng không tuyệt đối hóa một nhân tố nào, mà đề cập một cách rõ ràng, sinh động về vai trò, vị trí từng nhân tố của sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Pháp. Trong mối quan hệ biện chứng đó, tinh thần “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường” luôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng vững chắc để đoàn kết với nhân dân dân Pháp, trên cơ sở đó, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng ách xâm lược của thực dân Pháp.
Những nội dung cụ thể
Khẳng định rõ lập trường của Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do
Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ và nhân dân phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, ra sức công tác, đoàn kết hơn nữa, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới khắp mọi phương diện. Bất kỳ gái, trai, già, trẻ, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, toàn thể quốc dân phải ra sức làm việc. Làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập, tự do, không thừa nhận ta tự do, độc lập thì không được” (3).
Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết chặt chẽ, không phân biệt giới tính, tuổi tác, công việc, ngành nghề. Mỗi người Việt Nam yêu nước đều cần nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp cách mạng, để chứng minh với nhân dân Pháp và nhân dân thế giới rằng: với thực lực, sức mạnh cách mạng của mình, dân tộc Việt Nam sẽ giành được độc lập. Qua đó, củng cố niềm tin cho nhân dân Pháp, làm cho họ nhận thấy rằng, họ đang đoàn kết với một dân tộc có khát vọng độc lập, tự do mãnh liệt, và không chỉ có khát vọng, nhân dân Việt Nam với sự nỗ lực cố gắng cao độ của mình, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chắc chắn sẽ giành được độc lập.
Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh từng khẳng định ý chí, nghị lực, tinh thần tự lực, tự cường, dám vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân của dân tộc Việt Nam: “Dân tộc ta có thể chịu đựng mọi sự gian nan, cực khổ, vì chúng ta biết hy sinh, phấn đấu cho chính nghĩa, cho tương lai, vì chúng ta gian nan, cực khổ đã quen, sẵn sàng chịu mọi thử thách nặng nề hơn nữa để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ chế độ cộng hòa dân chủ, nhất quyết không chịu trở lại đời nô lệ” (4).
Trong văn kiện Hoàn thành nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công (Báo cáo ở Hội nghị toàn quốc lần thứ ba, năm 1950), Đảng tự chất vấn: “Có phải chúng ta ỷ lại vào các bạn bên ngoài không?” (5) và tự trả lời: “Quyết không. Bị bao vây trong mấy năm nay, chúng ta không ngớt chiến đấu, đem tinh thần tự lực cánh sinh ra mà đấu tranh chống thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ - Anh giúp đỡ” (6). Như vậy, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường không chỉ là phương pháp để Đảng lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, mà còn là cách thức hiệu quả để củng cố niềm tin của nhân dân Pháp trong quá trình đoàn kết với Việt Nam.
Để kháng chiến thắng lợi, phải lấy tự lực cánh sinh làm chính, nhưng không quên sự đoàn kết giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là sự giúp đỡ của nhân dân Pháp
Kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng giúp Đảng hiểu biết sâu sắc rằng: để kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công, không chỉ dựa vào sức mạnh nội sinh của đất nước, mà cần phải tranh thủ giúp đỡ từ bên ngoài, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân Pháp. Tinh thần đó được Đảng nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép tự kiêu. Nếu chúng ta chống được thực dân Pháp trong mấy năm nay cũng là nhờ dân ta hy sinh dũng cảm. Nhưng cũng gián tiếp nhờ các lực lượng dân chủ hòa bình trên thế giới ủng hộ” (7).
Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) nêu rõ: “Chúng ta hoan nghênh tất cả những cuộc vận động của Đảng Cộng sản Pháp và các nhân sĩ tiến bộ Pháp, của nhân dân Pháp và thuộc địa Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng vấn đề chủ yếu là ở nơi ta. Ta đánh cho Pháp bại thì mới có hòa bình chân chính trên đất ta. Cuộc vận động hòa bình của nhân dân Pháp cũng như của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến của ta nhiều nhưng vẫn là phụ. Sức mạnh của ta vẫn là chính” (8).
Đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Pháp nhưng không được ỷ lại, dựa dẫm vào họ
Thông tri của Ban Bí thư ngày 27-12-1953 Về lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch với nhà báo Thụy Điển xác định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam là một sức mạnh ủng hộ cuộc kháng chiến của ta. Song, ta không nên ỷ lại vào nhân dân Pháp. Cán bộ và nhân dân ta cần hiểu rằng: vì thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kiên quyết tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam, cho nên phương châm chung của ta vẫn là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh” (9).
Nguyên tắc, tôn chỉ Đảng đặt ra để thực hiện đoàn kết quốc tế trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nói chung và đoàn kết với với nhân dân Pháp nói riêng trong giai đoạn 1945 - 1954 là “không dựa dẫm, ỷ lại vào bạn” mà phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, đoàn kết để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, góp phần tăng cường lực lượng sức mạnh cách mạng là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định đưa cách mạng đến thành công. Yếu tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi là sức mạnh nội sinh của đất nước, bao gồm sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng; tinh thần đoàn kết quyết tâm chiến đấu của khối đại đoàn kết toàn dân; tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường không ngại gian khổ, hy sinh của lực lượng vũ trang, nhân dân…
Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đã tạo cơ sở và niềm tin vững chắc cho nhân dân Pháp trong thiết lập quan hệ đoàn kết với Đảng và nhân dân Việt Nam. Trong quan hệ song phương nói chung và quan hệ giữa Việt Nam và nhân dân Pháp (1945 - 1954), niềm tin là vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng mối quan hệ. Nếu không xây dựng được hay làm giảm sút niềm tin thì những giá trị tốt đẹp từ quan hệ trong quá khứ sẽ dần mất đi, những giá trị ở hiện tại (thời điểm đó) sẽ không đi vào thực chất. Chính nhờ vào tinh thần và khát vọng độc lập mãnh liệt, ý chí tự lực, tự cường cao độ, Đảng và nhân dân Việt Nam đã tạo ra niềm tin vững chắc của các lực lượng yêu dân chủ, yêu chuộng hòa bình thế giới và cả nhân nhân Pháp. Qua đó, từng bước tạo ra sự chuyển biển về chất trong quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa Việt Nam và nhân dân Pháp, góp phần tăng cường sức mạnh từ bên ngoài kết hợp với sức mạnh trong nước tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh bại ách xâm lược thực dân kiểu cũ ở Việt Nam.
Ý nghĩa của việc quán triệt, thực hiện nguyên tắc của Đảng
Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, việc quán triệt và tổ chức thực hiện quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đối với mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa… có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Chúng ta kiên quyết không để bất kỳ một thế lực hay một sức mạnh nào chi phối, can thiệp vào việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng trong trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đường lối của Đảng phải là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng qua các thời kỳ, nhận định, đánh giá chính xác diễn biến tình hình thế giới và khu vực, phân tích khách quan, khoa học thực trạng đất nước trong từng thời kỳ, trên từng lĩnh vực cụ thể.
Đảng cần phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường như đã từng có trong việc lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp, giai đoạn 1945 - 1954, để động viên, phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khắc phục khó khăn, thử thách, đoàn kết, quyết tâm cố gắng, nỗ lực hết mình cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo ra cơ sở vật chất cần thiết để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường hoàn toàn không đối lập với chủ trương mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế. Trái lại, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là bước đi tất yếu để không bị hòa tan trong quá trình hội nhập. Cần phê phán và đấu tranh với quan điểm ích kỷ, hẹp hòi, đóng cửa trong quan hệ quốc tế, đồng thời phê phán tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lệ thuộc trong quá trình hội nhập. Bởi cả hai khuynh hướng đó đều dẫn đến những bất lợi trong trong quá trình hợp tác.
_______________
1, 2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.119, 202, 136, 453.
5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.42, 559.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020