Tối ngày 24-8-2024, Nhà hát Chèo Hà Nội đã công diễn vở chèo “Người hát ả đào” tại rạp Đại Nam, Hà Nội. Đây là vở diễn chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội ngày 10-10 của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Vở chèo của tác giả Bùi Vũ Minh do NSND Trần Hoài Thu đạo diễn; mỹ thuật: họa sĩ Đặng Minh Tuấn; hướng dẫn chèo: NSND Thanh Hoài; chủ nhiệm chương trình: NSƯT Lê Tuấn; chỉ đạo nghệ thuật: NSND Thu Huyền. Vở diễn quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng và tài năng của Nhà hát Chèo Hà Nội như: NSND Thanh Loan, NSƯT Quốc Phòng; các nghệ sĩ: Quỳnh Trang, Xuân Trường, Quang Biên, Hồng Thắm, Thúy Nga, Thanh Huyền…
Vờ chèo chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội 10-10 - Ảnh: Liên Hương
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Thủ đô không kể già trẻ gái trai, không kể sang hèn đã đứng lên chống giặc. Vở chèo Người hát ả đào kể về câu chuyện của những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, những nghệ sĩ trí thức… đã đồng lòng đi theo Việt Minh, hoạt động bí mật trong lòng thành phố bị tạm chiếm. Đó là tấm gương của những con người bình dị không chịu kiếp sống nô lệ, quyết đứng lên sống chết vì Hà Nội thân yêu.
NSND Thu Huyền - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội đã dày công dàn dựng một vở diễn độc đáo để chào mừng sự kiện trọng đại này. Đây cũng là một trong số những vở Nhà hát sẽ gửi đi dự thi Liên hoan sân khấu Thủ đô sắp tới. Thông qua vở diễn này, chúng tôi muốn mang đến cho khán giả không khí hào hùng những ngày tháng lịch sử của Thủ đô qua những nhân vật hết sức bình dị của Hà Nội, đi vào lòng người xem và để tất cả mọi người thấy được sự chiến đấu của từng người dân Thủ đô, từ những người bán hoa, từ những cô đào hát đến các anh thợ nghề, cùng chung tay để làm nên một chiến thắng lịch sử”.
Vở chèo tái hiện hình ảnh những cô đào hát phố Khâm Thiên xưa- Ảnh: Liên Hương
Những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, những nghệ sĩ trí thức… đã đồng lòng đi theo Việt Minh, hoạt động bí mật trong lòng thành phố bị tạm chiếm- Ảnh: Liên Hương
Vở chèo đã tái hiện thành công vẻ đẹp kiêu hùng của Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ (1946-1954). Hà Nội được gợi nhớ qua những chiến lũy trên các tuyến đường phố, những ngõ nhỏ chạy dài hun hút gió heo may, những cánh đồng của làng hoa Ngọc Hà muôn sắc tỏa hương, đường Cổ Ngư mênh mang giữa đôi bờ sóng nước, những tà áo dài thướt tha của các thiếu nữ Hà thành, tiếng ca trù đàn phách ngân vang của các cô gái hát ả đào ở con phố Khâm Thiên… Và nổi bật hơn cả, gây ấn tượng mạnh cho khán giả chính là vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt Hằng (do nghệ sĩ Quỳnh Trang thủ vai), các cô gái làng hoa Ngọc Hà, tiêu biểu như nhân vật Cúc (nghệ sĩ Thúy Nga), thày giáo Trần Lâm (NSƯT Quốc Phòng), anh công nhân Thành (nghệ sĩ Xuân Trường)… sớm tham gia Việt Minh và lan tỏa lòng yêu nước, thể hiện niềm tự hào về mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. Lời hát có lúc trong sáng, đầm ấm, thiết tha, lại có lúc bừng bừng nghĩa khí, cùng sự diễn xuất “nhập thần” của đội ngũ diễn viên tài năng đã khiến lịch sử hào hùng của Hà Nội 70 năm trước lay động trái tim bao khán giả Thủ đô.
Nhiều chi tiết hài hước cũng được lồng ghép vào trong vở diễn- Ảnh: Liên Hương
Người hát ả đào quy tụ rất nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, NSND Thu Huyền - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Nhà hát Chèo Hà Nội rất hãnh diễn vì có một dàn diễn viên trẻ vô cùng tài năng, kế cận những lớp diễn viên đã thành danh như NSND Thanh Loan, NSND Hoài Thu… Xưa nay chúng ta hay nói: “Thày già, con hát trẻ” thì Nhà hát Chèo Hà Nội luôn luôn có những lớp diễn viên trẻ kế cận, đó là chủ trương từ các lớp lãnh đạo đi trước và bây giờ chúng tôi tiếp nối, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn trẻ khi về Nhà hát, được đứng trên sân khấu, thể hiện tài năng. Các nghệ sĩ trẻ trong vở diễn hôm nay như: Thúy Nga, Quỳnh Trang, Xuân Trường… đều rất trẻ tuổi, chỉ ngoài 20 tuổi. Các bạn trẻ khi lên sân khấu, hóa thân vào các nhân vật trẻ rất tự nhiên, đó là sự thanh xuân của sân khấu. Nhà hát tuyển đầu vào rất khắt khe, chúng tôi luôn tin tưởng và trao cơ hội cho các diễn viên trẻ được đứng trên sân khấu. Bản thân diễn viên trẻ phải nỗ lực hết sức để hoàn thành vai diễn của mình. Thực tế là các diễn viên trẻ của Nhà hát rất yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành vai diễn được phân công và chính sự thanh xuân của các diễn viên trẻ đã mang đến sức sống mới, sức hấp dẫn mới cho sân khấu ngày hôm nay”.
Nghệ sĩ trẻ Quỳnh Trang đã thể hiện thành công vai diễn cô gái ả đào - Ảnh do nghệ sĩ cung cấp
Vai diễn chính - cô gái ả đào Nguyệt Hằng (do nghệ sĩ Quỳnh Trang thủ vai) đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả Thủ đô. Quỳnh Trang từng đoạt Huy chương Bạc với vai diễn Thơm trong vở Cây tre trăm đốt tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thanh thiếu niên 2024. Trong vở diễn này, Quỳnh Trang vừa hát chèo với chất giọng đằm thắm, vừa hát ca trù đầy nhạc cảm, dư âm, cùng với ngoại hình xinh đẹp của cô gái Hà thành dịu dàng mà sâu sắc. Quỳnh Trang chia sẻ: “Lần này được vào vai một cô ả đào, cũng là chủ quán hát Lầu Trăng đã giúp Quỳnh Trang hiểu hơn cuộc sống của những người Hà Nội thời chiến, thấy được sự mất mát, hy sinh của cha ông ta ngày ấy và bản thân Quỳnh Trang càng biết ơn, tự hào vì mình là người Việt Nam, lòng yêu nước của mình càng trỗi dậy. Nhân vật Nguyệt Hằng có đôi nét giống Quỳnh Trang, đều là người làm nghệ thuật, rất yêu nước và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Ở vở diễn này, Quỳnh Trang có thêm trải nghiệm mới đó là được NSND Thanh Hoài hướng dẫn cách hát ca trù để hóa thân tự nhiên vào vai cô gái hát ả đào. Là một nghệ sĩ trẻ của Nhà hát, tôi thấy tôi có nhiều thuận lợi vì các nghệ sĩ trong Nhà hát luôn sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ kế cận”.
Không chỉ Quỳnh Trang, ê-kíp vở diễn mà cả khán giả cũng đều cảm nhận được niềm tự hào dân tộc do vở diễn Người hát ả đào mang lại. Đồng thời, vở diễn còn gợi nhắc tới mọi người trách nhiệm của các thế hệ với Thủ đô Hà Nội mến yêu hiện nay và mai sau.
LIÊN HƯƠNG