Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại Ninh Thuận: Sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn

Chiều ngày 9-9-2024, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi họp báo giới thiệu các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy – Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên - Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên chủ trì buổi họp báo

9 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 đến 29-9-2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Ngày hội do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM tổ chức.

Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành phố (Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu tại buổi họp báo

Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Đồng thời, góp phần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.

Ninh Thuận khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội

Theo Ban tổ chức, các hoạt động của Ngày hội được tổ chức trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của tỉnh Ninh Thuận; đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội, đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. Các chương trình tham gia Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại.

Điểm nhấn là lễ Khai mạc được tổ chức vào 20 giờ ngày 27-9, tại Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với chủ đề “Lung linh sắc màu văn hóa Chăm” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận.

Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 29-9 tại Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với chủ đề “Sắc màu văn hóa Chăm tỏa sáng” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Thuận và tiếp sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh trong khu vực.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại buổi họp báo

Đặc biệt, phong phú các hoạt động văn hóa hấp dẫn công chúng và du khách sẽ được tổ chức: Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội của các địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.

Bên cạnh đó còn diễn ra các hoạt động thể dục thể thao truyền thống: thi đấu 6 môn Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), Đội nước (nữ), Việt dã (nam, nữ). Đồng thời, tổ chức Hội thảo về du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”.

Buổi họp báo đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các phóng viên báo chí

Tại buổi họp báo, Ban tổ chức đã trao đổi, giải đáp những vấn đề của các phóng viên báo chí quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên thông tin thêm về công tác chuẩn bị và tổ chức Ngày hội: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các nội dung đều đảm bảo theo tiến độ kế hoạch đề ra. Tỉnh tiếp tục khẩn trương hoàn thành nốt các công việc còn lại theo kế hoạch, khẩn trương triển khai, đảm bảo yêu cầu các công việc đặt ra, đặc biệt là đêm tổ chức khai mạc. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, thông qua Ngày hội nhằm quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng của dân tộc Chăm, những phong phú và đa dạng của mỗi vùng, miền khi hội tụ, tổng hòa vào trong Ngày hội.

2 bảo vật quốc gia thuộc di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận sẽ được trao bằng công nhận tại lễ khai mạc

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trong lễ Khai mạc sẽ công bố, trao bằng công nhận 2 bảo vật quốc gia là bia ký Phước Thiện niên đại cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận và tượng thờ Vua Pô Klong Garai niên đại thế kỷ XVI-XVII, hiện đang thờ tại Tháp Pô Klong Garai (Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng gợi ý thêm các chủ đề để báo chí khai thác thêm ngoài những nội dung chính của Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận đến với đông đảo công chúng, người dân trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận tại buổi họp báo

Thứ nhất, nhấn mạnh hơn nữa về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa dân tộc Chăm nói riêng.

Thứ hai, thông qua các nội dung của Ngày hội, khai thác về các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm trong đó có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất là đặc sắc, tiêu biểu, phong phú và đa dạng trên các lĩnh vực như nghệ thuật gốm, âm nhạc, kiến trúc, nghề thủ công truyền thống, nhạc cụ dân tộc, hệ thống tháp Chăm… Đặc biệt, những giá trị văn hóa tốt đẹp về tín ngưỡng của đồng bào Chăm đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ ba, khai thác sâu thêm về những nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp và của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Chăm trong dòng chảy văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung.

Thứ tư, khai thác khía cạnh tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Chăm trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống. Đại đoàn kết trong bảo tồn những giá trị tốt đẹp các tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm trong cuộc sống đương đại, phát huy đời sống văn hóa cơ sở, phát huy xây dựng nông thôn mới, phát huy giá trị truyền thống tích cực “sống tốt đời, đẹp đạo” của các chức sắc tôn giáo người Chăm trong tổng thể các hoạt động ở địa phương.

Thứ năm, khai thác những tấm gương điển hình của đồng bào Chăm trên khắp mọi miền đất nước đặc biệt là ở 9 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cũng như những đóng góp tích cực của từng cá nhân, từng địa phương đối với việc nâng cao vị trí vai trò của cộng đồng người dân, đặc biệt là của người Chăm ở địa phương trong việc xây dựng những mô hình hay, những cách làm hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trật tự ở địa phương, trong việc xây dựng đại đoàn kết ở địa phương.

VĂN CHÍNH - Ảnh: TUẤN MINH

;