Năng lực chủ thể trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch địa phương

Thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu K’ho coffee - hợp tác xã của các gia đình người dân tộc K’ho (Cơ ho) tại cao nguyên Langbiang, tỉnh Lâm Đồng với tiêu chí phát triển bền vững chất lượng cà phê arabica, chúng tôi tập trung phân tích quá trình kiến tạo và sử dụng năng lực chủ thể của cộng đồng địa phương để phát triển sản phẩm mang đậm dấu ấn tộc người.

 

     Phát triển bền vững là một khái niệm thường xuyên được nhắc đến trong nhiều diễn đàn, cuộc trao đổi thảo luận ở nhiều cấp độ từ vi mô đến vĩ mô trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội, văn hóa… Các nhà nghiên cứu, chính sách, người thực thi cho rằng ba yếu tố chính của phát triển bền vững chính là xã hội - kinh tế - môi trường và xác định phát triển bền vững không phải là phát triển đạt bền vững mà là một quá trình, một mục tiêu cần hướng tới. Liên Hợp quốc đã đề ra 17 mục tiêu về phát triển bền vững (gồm 169 chỉ tiêu), thực hiện từ năm 2015 - 2030 và Việt Nam nằm trong số 193 quốc gia ký đồng thuận tham gia vào mục tiêu này. Tuy nhiên, từ việc ký kết đến thực hiện và đạt được kết quả là hành trình dài, nhất là trong bối cảnh nước ta vẫn còn nhiều thách thức: kinh tế tăng trưởng chưa ổn định, chênh lệch giữa các khu vực, nhóm người về thu nhập, giáo dục, tiếp cận các nguồn lực… Chính vì vậy, để phát triển bền vững bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc trao quyền bình đẳng cho người dân được hưởng các quyền lợi (đôi khi chưa thật sự đầy đủ và kịp thời), thì sự tự vận động để phát triển từ chính năng lực của cộng đồng/người dân theo đúng mong muốn, nhu cầu của mình là rất cần thiết. Hay nói cụ thể hơn phát triển bền vững là gắn với trao quyền, được lựa chọn dựa trên mong muốn và năng lực.

     Năng lực chủ thể

     AgentAgency (nhân tố và năng lực) là hai khái niệm có liên quan chặt chẽ nhất với quyền lực, thường được đề cập trong các cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa các cá nhân và cấu trúc xã hội. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng Agent thiên về hành động còn Agency là khả năng, sức mạnh, nguồn gốc khởi xướng các hành vi. Weber cho rằng khoa học xã hội nên là một nghiên cứu diễn giải về ý nghĩa của hành động con người và những lý do để lựa chọn hành động; Durkheim hướng đến tìm cách khám phá các giới hạn về năng lực cá nhân để hành động độc lập với các ràng buộc về cấu trúc; Pierre Bourdieu với thuyết hành xử đề cập đến cấu trúc xã hội khách quan tạo ra thói quen, thói quen lâu dần sẽ hình thành văn hóa hay nói ngắn gọn hơn là các cấu trúc xã hội tạo ra văn hóa, từ đó, tạo ra các thực hành mà cuối cùng là tái tạo các cấu trúc xã hội. Các cá nhân được sinh ra trong một số tình huống văn hóa xã hội nhất định, trong một số điều kiện lịch sử nhất định và bản thân phải chịu trách nhiệm về ý nghĩa họ (tiếp tục) tạo ra: ý nghĩa trao cho họ (quyền lực), cách họ đánh giá (dựa trên kiến thức, kinh nghiệm) và hành động (thực hành). Trong phạm vi bài viết, chúng tôi phân tích dựa trên ý tưởng về Agency - năng lực chủ thể thông qua thương hiệu K’ho coffee, mô hình hướng tới phát triển bền vững. Khái niệm năng lực chủ thể được hiểu là khả năng của các cá nhân hành động độc lập và tự lựa chọn. Khả năng này được hình thành bởi niềm tin nhận thức mà cá nhân đã hình thành qua kinh nghiệm, nhận thức được tổ chức bởi xã hội và cá nhân, về cấu trúc, hoàn cảnh môi trường và vị thế xã hội của từng cá nhân, trong đó nhấn mạnh đến tính chủ động, năng lực chủ động, tính tự quyết, tự ra quyết định biểu hiện qua ba nhân tố là: kiến thức - thực hành - quyền lực.

     Kiến thức

     Đồng bào các tộc người thiểu số thường ở vùng sâu vùng xa, lạc hậu, kinh tế khó khăn và gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, vì thế khi phân tích về năng lực chủ thể trong xây dựng và phát triển thương hiệu K’ho coffee cần lưu ý bối cảnh văn hóa xã hội mà nó đang tồn tại. Để hình thành một thương hiệu cho sản phẩm không chỉ đơn thuần là chất lượng hay giá thành mà còn là bản sắc, sự độc đáo của sản phẩm (identity) - điều này chỉ được hình thành khi người xây dựng thương hiệu có sự am hiểu nhất định về văn hóa cộng đồng và có lựa chọn hợp lý để khai thác, tạo nên dấu ấn thương hiệu cho sản phẩm. Theo thông tin chúng tôi phỏng vấn, vào những năm 1950, người K’ho tại khu vực buôn Bonuer C, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng ngoài số ít tự trồng cà phê, thì đa số người dân đi làm thuê cho người Kinh trong các vườn cà phê, rau củ… Chính quá trình tham gia canh tác đã giúp họ có thêm những kinh nghiệm để bắt đầu tự trồng cà phê từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Với lối canh tác sử dụng nhiều phân bón hóa học để thúc cây ra nhiều trái, càng về sau, sản lượng càng thấp do đất bị thoái hóa dần, nhiều hộ gia đình đã bán, cho thuê đất để trồng hoa màu với thời gian thuê ít nhất là 5 năm. Trong bối cảnh đó, Rolanh Co Liêng cùng chồng đã khởi xướng việc trồng cà phê sạch từ quá trình trồng trọt đến sơ chế dựa trên kinh nghiệm truyền thống của gia đình - kiến thức đến từ kinh nghiệm, truyền thống gia đình là một lợi thế để Rolanh sáng tạo ra sản phẩm K’ho coffee. Đối chiếu với phát biểu của J.Peter Brosius trong bài viết Rừng nguy cấp, con người nguy cấp: những tường thuật của các nhà bảo vệ môi trường về tri thức bản địa: “Theo cách dùng của các nhà sinh thái học tộc người, từ tri thức thường được áp dụng khi bàn tới những hiểu biết bản địa về thế giới tự nhiên: các hệ thống phân loại, cách nhiều xã hội khác nhau nhận thức hay lý giải các quy trình tự nhiên, những điều các dân tộc đó hiểu về các nguồn tài nguyên mà họ đang khai khác” (1). Rolanh Co Liêng có nhận thức về môi trường và từ đó được nhiều người trong cộng đồng chấp thuận làm theo. K’ho coffee hình thành bởi nhận thức về môi trường phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thưởng thức cà phê sạch, nguyên chất. Có thể thấy khái niệm sạch là khái niệm nổi bật và xuyên suốt của thương hiệu này: Rolanh luôn nhắc đến khái niệm sạch - sạch từ trồng cho đến lúc chế biến và người dân trong cộng đồng cũng đã được nhập tâm khái niệm sạch này gắn liền với cà phê của Rolanh. Dần dần, sản xuất cà phê sạch từ một sáng kiến cộng đồng, đã trở thành diễn ngôn cho một thương hiệu. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của Joshua Guikema (kỹ sư nông nghiệp người Mỹ, chồng của Rolanh), cả hai cùng áp dụng tri thức địa phương của Rolanh cộng với kiến thức nông nghiệp của Joshua và chiến lược marketing thông minh để tạo nên đặc trưng cho thương hiệu. Điều này có thể thấy qua việc sử dụng phân bón từ phân động vật, bã cà phê…; phổ biến kiến thức trồng cây hữu cơ organic mang lại giá trị lâu dài; khai thác kiến thức của các tình nguyện viên trong xử lý những rủi ro của cây trồng, xây dựng website, giới thiệu rộng rãi K’ho coffee…

     Thực hành

     Dựa trên kiến thức tổng hợp từ nhiều nguồn, Rolanh đã hành động, dám bỏ ba năm để phục hồi cải tạo đất; gửi cà phê sạch của mình đi giới thiệu tại Nhật Bản, Inodnesia, Seattle; chia nguồn phân bón sạch luân phiên đều giữa các hộ dân; thực hành việc hái từng trái chín chứ không phải tuốt cả cành…; xây dựng quán cà phê để khách tới có nơi để thưởng thức và tạo việc làm cho người dân trong làng… Điều này đã thể hiện việc tự lựa chọn, tự quyết định của người dân khi thực hiện sáng kiến cộng đồng nói chung và xây dựng thương hiệu cà phê của Rolanh nói riêng. Qua quá trình thực hiện, có thể thấy Rolanh đã tận dụng rất tốt các nguồn vốn mà P.Bourdieu đã đề cập: vốn kinh tế (economic capital), vốn xã hội (social capital), vốn văn hóa (culture capital), vốn biểu tượng (symbolic capital) (2). Từ kiến thức có được cộng với việc thực hành, cách thức thực hiện đúng, Rolanh đã biến kiến thức đơn thuần thành trí tuệ và được mọi người trong cộng đồng thừa nhận.

     Quyền lực

     Weber cho rằng khả năng của một tác nhân trong quan hệ xã hội khi ở vào một vị trí có thể thực hiện ý muốn riêng của mình cho dù có sự phản kháng (3) - quyền lực mang tính xã hội, không tự có và chỉ xuất hiện khi cá nhân đó được trao quyền. Khi phỏng vấn về cách thức lôi kéo người trong cộng đồng làm theo phương thức mới, bản thân Rolanh đã có sẵn một uy quyền xuất phát từ sức thu hút của cá nhân chứ không phải xuất phát từ tính truyền thống, tính pháp lý mà Weber có đề cập đến. Uy quyền của Rolanh được tích lũy dần từ khi là một cô bé 12 tuổi dệt thổ cẩm và được nói chuyện với ông Nông Đức Mạnh, với tính cách, sự tự tin của mình: “Khi Rolanh làm ai cũng tò mò vì người ta nghĩ đến Rolanh là nghĩ đến thành công hồi nhỏ, là muốn làm cái gì thì làm bằng được… nên khi mình trồng thì ai cũng vô, trồng bơ xen kẽ để tạo bóng mát cho cây cafe, ai vô coi là mình phát cây cho về trồng xen với cafe giống như mình, dọn con đường thì mọi người cũng làm theo” (4). Đến nay, uy quyền này càng được phát triển khi K’ho coffee dần có thương hiệu, thu hút nhiều du khách đến thưởng thức, thu nhập ổn định từ cà phê sạch cũng là một yếu tố tăng uy tín trong cộng đồng của Rolanh. Rolanh đã củng cố quyền lực được trao bằng nhiều việc làm: việc cung cấp phân bón từ vỏ cà phê luân phiên giữa các hộ gia đình, tạo việc làm cho thanh niên địa phương, cho vay vốn, thu mua với giá cao hơn thương lái… Bên cạnh uy quyền của bản thân Rolanh, phải kể đến vai trò và sự hỗ trợ của dòng họ: hiện nay có 15 nhà trong dòng họ Rolanh tham gia vào việc trồng cà phê sạch.

     Cuối cùng, ngoài ba yếu tố năng lực chủ thể gồm kiến thức, thực hành, quyền lực, không thể không đề cập đến bối cảnh kinh tế xã hội khi thương hiệu K’ho coffee ra đời. Đó là thời điểm làn sóng cà phê thứ ba đang lan tỏa mạnh mẽ. Thuật ngữ làn sóng cà phê thứ ba (third wave coffee) hướng đến trải nghiệm và chất lượng cà phê tốt nhất, có thể xem như một phần của phong trào cà phê đặc sản nên bị chi phối khá nhiều bởi các yếu tố từ cà phê chuẩn mực và sự thay đổi của bốn yếu tố: tập trung vào chất lượng cà phê với các chuẩn mực (specialty coffee); khai thác phẩm chất riêng của các loại cà phê bản địa (single origin coffee); chú trọng vào các kỹ thuật pha chế thủ công (manual); xu hướng thương mại trực tiếp (direct trade coffee), một bước phát triển từ Fair Trade Coffee nhằm hướng đến tính bền vững (5) đã làm dậy lên làn sóng thứ ba trong ngành cà phê. Bốn yếu tố này đã hiện diện đầy đủ không chỉ trong quá trình sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu K’ho coffee từ năng lực chủ thể văn hóa tộc người, mà còn trên trang website của K’ho coffee tại phần giới thiệu về sản phẩm: “Một nơi rang xay cà phê thủ công dựa trên một trang trại cà phê, chúng tôi có cơ hội duy nhất để mang cà phê của chúng tôi trực tiếp từ trang trại đến ly của bạn. Thông qua thương mại trực tiếp, chúng tôi làm cho cà phê của chúng tôi có sẵn để tạo ra nhiều giá trị hơn về nguồn gốc, tạo việc làm và hỗ trợ nền kinh tế nông nghiệp địa phương”.

     Bối cảnh kinh tế - xã hội đã tác động đến văn hóa tộc người, tri thức địa phương và làm nảy sinh các ý tưởng, sáng kiến cộng đồng cùng với quá trình thực hành trải nghiệm và năng lực/quyền lực của cá nhân đã hình thành nên một sản phẩm mang đậm dấu ấn, bản sắc tộc người, đồng thời tạo nguồn lực kinh tế cho cộng đồng địa phương.

     Từ sáng kiến cộng đồng, mô hình K’ho coffee cho thấy phát triển bền vững không phải là khái niệm chung chung, mà còn gắn liền với sự phát triển chung về môi trường, xã hội, kinh tế: sự ổn định về lợi nhuận (sustainable yield) thể hiện trong việc đảm bảo kinh tế và sáng tạo những giá trị cộng thêm ngoài sản phẩm chính; môi trường bền vững (environmental sustainability) thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ không ảnh hưởng đến đất đai và cây trồng; xã hội bền vững (sustainability society) biểu hiện ở việc tạo công việc cho người dân địa phương, trao quyền cho người dân trong việc lựa chọn mức độ tham gia.

     Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng các yếu tố kiến tạo nên thương hiệu K’ho coffee không chỉ đơn thuần là đầy đủ các trụ cột kiến tạo nên phát triển bền vững: kinh tế - sinh thái - xã hội mà là sự kết hợp khéo léo giữa kiến thức và thực hành, giữa thực hành và quyền lực, quyền lực và kiến thức để tạo thành năng lực chủ thể toàn diện. Có thể khẳng định, K’ho coffee tuy bắt nguồn từ sáng kiến cộng đồng nhưng đã trở thành một hoạt động kinh tế hiệu quả và cao hơn là một mô hình phát triển bền vững dựa trên quyền được lựa chọn tùy thuộc vào mong muốn, năng lực trí tuệ của chính người dân trong cộng đồng để định hình, nâng tầm sản phẩm.

____________

     1. Toàn cầu hóa văn hóa địa phương và phát triển cách tiếp cận nhân học, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.183.

     2. ihs.vass.gov.vn, ngày 23-9-2018.

     3. Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017, tr.200.

     4. Phỏng vấn Rolanh ngày 25-8-2018.

     5. primecoffe.com.

 

Tác giả: Chu Phạm Minh Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

 

;