Phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đội ngũ trí thức nữ trong quân đội đã và đang là lực lượng quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Nâng cao trình độ mọi mặt... tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng... tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội” (1). Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, trong đó có văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu.
Xét theo bình diện cá nhân, văn hóa pháp luật là tổng thể những giá trị phản ánh trình độ người theo tiêu chí chân - thiện - mỹ trong lĩnh vực pháp luật, được biểu hiện ở ý thức, hành vi, lối sống theo Hiến pháp và pháp luật. Đội ngũ trí thức nữ trong quân đội hoạt động trong môi trường đặc thù của tổ chức quân sự không những phải chấp hành tự giác pháp luật Nhà nước, mà còn tự giác chấp hành một cách vô điều kiện kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị. Do tính chất chuyên môn, nghiệp vụ của một số lĩnh vực, một bộ phận không nhỏ đội ngũ trí thức nữ không trực tiếp được đào tạo trong quân đội mà được tuyển chọn từ lực lượng bên ngoài nên thói quen, hành vi chấp hành kỷ luật còn nhiều hạn chế, một số trí thức nữ quân đội là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Với bản chất cốt lõi là sáng tạo và nhân văn, cùng với đó là tính tất yếu và phổ biến về phạm vi điều chỉnh của pháp luật các mối quan hệ trong xã hội có giai cấp, văn hóa pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với đội ngũ trí thức nữ trong quân đội.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội đã quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội và đạt được những kết quả quan trọng góp phần nâng cao ý thức, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật của đội ngũ này. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng, sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới, những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường cùng với sự xâm nhập tràn lan của các hiện tượng phản văn hóa, lối sống buông thả vô tổ chức, coi thường pháp luật trong xu thế toàn cầu hóa; chủ trương của Đảng về tăng tỷ lệ lãnh đạo, cấp ủy là cán bộ nữ đòi hỏi công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ quân đội phải được tăng cường hơn nữa để họ không chỉ tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật mà còn vận dụng có hiệu quả pháp luật, kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình.
Để tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Nâng cao sự đồng thuận về nhận thức của các tổ chức, các lực lượng đối với công tác tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội. Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phải tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đồng thuận, sâu sắc về vai trò của công tác tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội. Theo đó, cần phải làm cho các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đúng về vị trí của công tác tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật là một nội dung quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ trí thức nữ trong quân đội. Tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ là góp phần hoàn thiện nhân cách người phụ nữ quân đội, có ý thức, hành vi chấp hành pháp luật tự giác, lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Phụ nữ quân đội; đồng thời giúp họ vận dụng pháp luật có hiệu quả trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình ở các cơ quan, đơn vị quân đội và trong xây dựng gia đình văn hóa. Nâng cao sự đồng thuận về nhận thức, mở rộng dân chủ, phát huy khả năng sáng tạo của các tổ chức, các lực lượng trong quân đội đối với việc lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội. Đây là giải pháp trung tâm có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội. Bởi tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật là nhằm hình thành, nâng cao trình độ văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ, mà văn hóa pháp luật của họ chỉ được hình thành trên cơ sở có hiểu biết pháp luật sâu sắc. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với việc xác định, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục. Làm tốt công tác lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho đội ngũ trí thức nữ. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội như: Kết hợp giữa giáo dục và hướng dẫn hành động, giữa giáo dục tập trung và giáo dục riêng; trao đổi, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội; nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến về chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội trong các cơ quan, đơn vị. Tăng cường trang bị các loại sách, báo về pháp luật, kỷ luật và thực hiện có hiệu quả ngày pháp luật ở các cơ quan, đơn vị để đội ngũ trí thức nữ trong quân đội thường xuyên có điều kiện cập nhật, bổ sung những nội dung tri thức pháp luật mới.
Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ trí thức nữ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội. Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quản lý toàn diện, đánh giá đúng điểm mạnh, yếu của từng trí thức nữ, từ đó xác định biện pháp quản lý, rèn luyện, uốn nắn, chấn chỉnh, kịp thời. Quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ trí thức nữ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các hoạt động thực tiễn ở đơn vị, các đợt sinh hoạt, học tập chính trị, pháp luật, quán triệt chỉ thị, nghị quyết... Đa số trí thức nữ trong quân đội có đặc thù về nơi sinh hoạt, trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ họ đều ở nơi cư trú cùng gia đình nên mọi hoạt động của đội ngũ trí thức nữ trong những thời điểm này đều không có sự quản lý trực tiếp của tổ chức. Vì vậy, cần kết hợp tốt giữa quản lý đội ngũ trí thức nữ sinh hoạt tại các cơ quan, đơn vị với tăng cường quản lý, kiểm tra đối với những trí thức nữ sinh hoạt tại nơi cư trú. Qua đó, kịp thời nắm bắt, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những biểu hiện vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội của đội ngũ trí thức nữ. Những trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội phải được xử lý đúng quy trình, công minh, khách quan và phải thông báo rộng rãi, công khai trong toàn đơn vị và toàn quân để giáo dục răn đe đối với nữ trí thức khác.
Phát huy tính tích cực, tự giác của bản thân trí thức nữ quân đội trong tự bồi dưỡng, nâng cao văn hóa pháp luật của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (2). Văn hóa pháp luật cũng như các phẩm chất chính trị, đạo đức không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của cả một quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện khoa học, công phu, bền bỉ, nghiêm túc của các tổ chức, các lực lượng và sự nỗ lực tích cực tự giáo dục, tự bồi dưỡng nâng cao của bản thân mỗi người. Vì vậy, mỗi trí thức nữ trong quân đội phải nhận thức tự bồi dưỡng văn hóa pháp luật là một nội dung quan trọng để tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa pháp luật của mình. Mỗi trí thức nữ trong quân đội cần có ý thức, thái độ, động cơ, trách nhiệm đúng đắn đối với việc tự học tập, rèn luyện; tích cực, chủ động, tự giác bồi dưỡng văn hóa pháp luật. Để làm được điều đó, mỗi trí thức nữ trong quân đội phải tự hình thành cho mình nhu cầu hiểu biết, tìm hiểu về văn hóa và pháp luật, kỷ luật quân đội. Từ đó, căn cứ vào nhiệm vụ, chức trách, điểm mạnh, yếu của bản thân để lập kế hoạch tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho phù hợp, cụ thể, thiết thực và phải quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Gắn tự bồi dưỡng văn hóa pháp luật của đội ngũ trí thức nữ bằng những nội dung thiết thực với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và thật sự học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy, đảng bộ, chi bộ và cán bộ chủ trì các cấp căn cứ vào quá trình thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng văn hóa pháp luật để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh và lấy đó là một trong những nội dung xem xét, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên của đội ngũ trí thức nữ hàng tháng, quý và năm.
Xây dựng và phát huy ảnh hưởng tích cực của môi trường văn hóa pháp luật lành mạnh ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội để bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ. Môi trường văn hóa pháp luật trong quân đội lành mạnh là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, tác động tích cực đến công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ. Xây dựng và phát huy vai trò tích cực của môi trường văn hóa pháp luật trong quân đội phải xây dựng đồng bộ, thường xuyên phát huy ảnh hưởng tích cực của các yếu tố cấu thành để bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ. Cấp ủy, đảng bộ, chi bộ, cán bộ chủ trì các cấp cần nắm chắc nội dung, tiêu chuẩn về xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị trong sạch, lành mạnh, để thống nhất nhận thức và cụ thể hóa kế hoạch, tổ chức thực hiện xây dựng môi trường văn hóa pháp luật. Theo đó, cần xây dựng đồng bộ các mối quan hệ văn hóa pháp luật ở cơ quan, đơn vị trong quân đội. Đó là các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo với chịu sự lãnh đạo, giữa chỉ huy và phục tùng, các mối quan hệ giữa quân nhân với quân nhân, giữa đơn vị quân đội với chính quyền địa phương nơi đóng quân. Xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa pháp luật ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội phải tiến hành đồng bộ cả hoạt động xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và các tổ chức quần chúng theo các quy chế, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động và làm việc của từng tổ chức. Gắn xây dựng với thường xuyên duy trì, tổ chức hoạt động có hiệu quả của các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa pháp luật ở các cơ quan, đơn vị nhằm phát huy vai trò tích cực của nó để công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ tri thức nữ luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, uốn nắn của các tổ chức, các lực lượng trong quân đội và toàn xã hội.
Tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ trí thức nữ trong quân đội không chỉ nhằm hình thành hành vi chấp hành theo mệnh lệnh hành chính mà còn tạo ra sự chuyển hóa ở hành vi tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của mỗi trí thức nữ. Đây thực sự là một trong những nội dung rất thiết thực để góp phần xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ trí thức nữ trong quân đội dũng cảm, sáng tạo, trung hậu, đảm đang, xứng đáng là một trong những lực lượng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới.
______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.63.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.293.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : NGUYỄN THÀNH CHUNG