Nâng cao văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

     Văn hóa lãnh đạo là “hệ thống những chuẩn mực, ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, với những biểu trưng khác nhau, được hình thành trong tổ chức, được các chủ thể tham gia quá trình lãnh đạo cùng đồng thuận, tạo nên phong cách lãnh đạo độc đáo của mình và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên trong tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra” (1).

     Văn hóa lãnh đạo của người lãnh đạo, quản lý phải đặt trong điều kiện của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo, thể hiện sự thống nhất dựa trên nhiều mặt, nhiều đặc điểm, phẩm chất theo tiêu chí chân, thiện, mỹ, được tổ chức hay cộng đồng xã hội thừa nhận. Văn hóa lãnh đạo được biểu hiện thông qua các quan hệ và hoạt động lãnh đạo, quản lý để tổ chức đời sống trong cộng đồng hay xã hội. Điều quan trọng đối với văn hóa lãnh đạo đó chính là phải có những phẩm chất vượt trội so với những người khác. Nói cách khác, đó chính là những người có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để định hướng, dẫn dắt, tổ chức thực hiện các mục tiêu đạt chất lượng và hiệu quả cao.

     Ở nước ta, cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là cấp thấp nhất, gần dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện việc lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương; đồng thời vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư... Do vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

     Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay đa phần đã hội tụ được các yếu tố tạo nên văn hóa lãnh đạo. Đó là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng; không có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cục bộ; có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao các mặt công tác, khơi dậy được các nguồn lực của nhân dân, nâng cao trình độ dân sinh, dân trí, dân chủ ở cơ sở, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo an ninh, chính trị, quốc phòng ở cơ sở.

     Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay, văn hóa lãnh đạo còn hạn chế, thậm chí chưa có văn hóa lãnh đạo. Điều này được biểu hiện ở việc uy tín thấp; nói không đi đôi với làm; phẩm chất, năng lực yếu kém, chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình; xa dân, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, sách nhiễu cho dân. Cá biệt còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức quyền để thu vén lợi ích cá nhân, bè cánh, quan liêu, tham nhũng, lãng phí… làm mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, với Đảng. Đề cập về tình trạng này, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm” (2).

     Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đã và đang đặt ra trên con đường phát triển của dân tộc cả thời cơ và thách thức, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng quan liêu, xa rời thực tế, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí đã và đang gây bức xúc trong nhân dân. Các thế lực thù địch không ngừng tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, mua chuộc, lôi kéo, cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế nêu trên càng đòi hỏi mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp cơ sở không ngừng bồi đắp và nâng cao văn hóa lãnh đạo để hoàn thiện phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

     Để nâng cao văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:

     Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc xây dựng và phát triển văn hóa lãnh đạo

     Nâng cao văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là vấn đề khó khăn, phức tạp đòi hỏi mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có nhận thức đúng đắn, đề cao trách nhiệm thì mới có chất lượng, hiệu quả. Thực tiễn những năm qua cho thấy, tuy có sự nỗ lực trên nhiều phương diện nhưng nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý về vấn đề này vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở về văn hóa lãnh đạo hiện nay là một đòi hỏi khách quan.

     Ở đây, nhận thức, trách nhiệm chính là nhận thức sâu sắc về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; những vấn đề cơ bản về văn hóa lãnh đạo và vai trò của nó đối với việc củng cố và phát triển phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở… từ đó đề cao trách nhiệm, tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở vững mạnh. Đây không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý mà còn là trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương trong giáo dục, rèn luyện nâng cao nhận thức về văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

     Nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở

     Phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là gốc của người cán bộ, yếu tố nền tảng để hình thành và phát triển văn hóa lãnh đạo. Bởi theo Hồ Chí Minh, “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (3). Chỉ có lập trường chính trị, tư tưởng kiên định, vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống cao đẹp mới hình thành nên cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, hiệu quả; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cách làm việc dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn; phong cách lãnh đạo sát dân, gần dân, vì nhân dân, tạo nên văn hóa lãnh đạo của người cán bộ. Vì vậy, yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); đặc biệt là Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (4)... Phải gần gũi, tận tụy, chăm lo đời sống của nhân dân, biết phát huy sức dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Phải luôn luôn tự tin, nhất quán, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào việc khó, quyết tâm vượt qua thử thách, thực hiện mục tiêu đã đặt ra, không dao động trước những khó khăn, tác động bên ngoài; lời nói và hành động đi đôi với nhau, từ đó tạo lòng tin cho cấp dưới. Phải có khả năng vượt qua những cám dỗ, tiêu cực của chức quyền và lợi lộc, giữ vững phẩm chất trong sáng của người cán bộ, đảng viên; gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; đấu tranh với lối sống thực dụng, lối sống trái với đạo đức truyền thống của dân tộc, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gắn bó với nhân dân. Đồng thời có trái tim nhân hậu, có khát vọng cống hiến. Những phẩm chất này sẽ góp phần tạo nên uy tín của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cấp dưới và hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng nhân dân.

      Bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, tri thức khoa học lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

     Trình độ lý luận chính trị, tri thức khoa học lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức… là những yếu tố góp phần tạo nên văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Do vậy cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo, quản lý cấp trên cần quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, nhất là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng về văn hóa lãnh đạo và vai trò của nó đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong hoạt động lãnh đạo, quản lý; tri thức về khoa học lãnh đạo, quản lý; những vấn đề tâm lý trong công tác cán bộ và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; phong cách lãnh đạo; nghệ thuật lãnh đạo; những kỹ năng cần thiết của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển văn hóa lãnh đạo.

     Việc bồi dưỡng, rèn luyện này được tiến hành thông qua bình xét phân loại đảng viên, nhận xét, đánh giá cán bộ; thông qua đóng góp, phê bình của tổ chức quần chúng như công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên; thông qua các lớp tập huấn; hoặc cán bộ cấp trên trực tiếp bồi dưỡng cán bộ cấp dưới… để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.

     Đẩy mạnh việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

     Việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trước hết là công việc của bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do vậy, để đẩy mạnh được hoạt động tự bồi dưỡng, tự rèn luyện đạt kết quả cao thì điểm khởi đầu là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải có thái độ, động cơ đúng đắn đối với việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện; bởi động cơ đúng đắn sẽ tạo ra cho họ lòng đam mê với nhiệm vụ đặt ra. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng cho mình phương pháp tự bồi dưỡng, tự rèn luyện văn hóa lãnh đạo một cách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi; học ở mọi đối tượng, cả cấp trên, cấp dưới, học ở nhân dân, trong thực tiễn công tác.

     Nâng cao văn hóa lãnh đạo là quá trình khó khăn, vất vả. Ngoài việc đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải hết sức kiên trì, khổ luyện để phát triển, hoàn thiện văn hóa lãnh đạo thì cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo cấp trên cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục động cơ tự bồi dưỡng, tự rèn luyện văn hóa lãnh đạo; bồi dưỡng phương pháp tự học, tự rèn; đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả tự học, tự rèn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở góp phần nâng cao văn hóa lãnh đạo cho họ, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

______________

1. Phạm Ngọc Thanh, Đổi mới văn hóa lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.36.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.292.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

 

Tác giả: Nguyễn Đắc Việt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

 

;