Nâng cao văn hóa giao tiếp của người đảng viên trong quân đội nhân dân Việt Nam

Đội ngũ đảng viên trong quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận đảng viên của Đảng. Phần lớn họ là các cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được đào tạo, phục vụ lâu dài, đảm nhiệm các cương vị cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, chuyên môn kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Văn hóa giao tiếp của người đảng viên trong quân đội vừa thể hiện nhân cách của người đảng viên, vừa biểu hiện phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ.

Văn hóa giao tiếp (VHGT) của người đảng viên trong quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành và phát triển qua quá trình học tập và rèn luyện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mỗi người. Đó là sự kết tinh hài hòa giữa giá trị VHGT truyền thống của dân tộc, VHGT của Đảng, văn hóa giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh hoa VHGT của nhân loại. Người đảng viên trong quân đội thực hiện giao tiếp có văn hóa chính là thước đo để đánh giá về trình độ văn hóa, năng lực công tác, tư cách đạo đức cách mạng cũng như uy tín của quân đội. Chính vì vậy, vai trò VHGT của người đảng viên trong quân đội không chỉ giúp cho mỗi người đảng viên tự hoàn thiện nhân cách bản thân theo các giá trị chuẩn mực chân, thiện mỹ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, mà còn góp phần làm cho hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ ngày thêm tỏa sáng.

Đối với người đảng viên trong quân đội, VHGT được biểu hiện trên các khía cạnh như: có phong cách, kỹ năng, ngôn ngữ giao tiếp giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi, ân cần, cởi mở, văn minh, lịch sự và chu đáo với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong đơn vị; khi thực hiện nhiệm vụ thì thể hiện giao tiếp văn minh, lịch sự, xưng hô theo quy định của điều lệnh, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; trong sinh hoạt phê bình và tự phê bình, có thái độ giao tiếp thể hiện tình cảm chân thành, khoan dung độ lượng với đồng chí, đồng đội; luôn ứng xử một cách khéo léo, hiệu quả các tình huống giao tiếp xảy ra trong nội bộ tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức và đoàn thể quần chúng, hội đồng quân nhân. Khi quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, luôn thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân. Khi hành quân dã ngoại tiếp xúc với nhân dân, luôn giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; tôn trọng phong tục tập quán của địa phương và làm tốt công tác dân vận. Khi sinh hoạt ở gia đình, nơi cư trú và những nơi khác, người đảng viên trong quân đội thể hiện sự gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết với nhân dân nơi cư trú. Trong quan hệ giao tiếp ở gia đình, phải hiếu thảo, bình đẳng, hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... Đó là những biểu hiện VHGT của người đảng viên trong quân đội. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với các đối tượng nào thì người đảng viên trong quân đội cũng phải luôn thể hiện những cách ứng xử giao tiếp cho phù hợp, có văn hóa.

Thực tế trong hoạt động quân sự từ trước đến nay, phần lớn người đảng viên trong quân đội luôn thực hiện tốt hành vi ứng xử theo những chuẩn mực VHGT của văn hóa Đảng nói chung và của bộ đội Cụ Hồ nói riêng. Mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói hay thái độ giao tiếp, ứng xử đúng mực của người đảng viên trong quân đội đã tạo nên sức truyền cảm hấp dẫn và sự cảm hóa các đối tượng. Đó cũng chính là thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta” (1). Những hành vi giao tiếp có văn hóa của người đảng viên trong quân đội đã góp phần quan trọng tôn lên những nét đẹp văn hóa của quân đội ta.

Tuy nhiên, VHGT của người đảng viên trong quân đội cũng bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế nhất định. Đó là, một bộ phận đảng viên có lúc, có nơi, chưa thực hiện đúng lễ tiết, tác phong, chào hỏi, xưng hô… trong giao tiếp với đồng chí, đồng đội, với nhân dân; trong công tác, tính tự giác học tập để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn chưa cao; trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở các tổ chức, thường phương pháp góp ý chưa có tính thuyết phục, đôi lúc giao tiếp ứng xử thiếu văn hóa, chưa thực sự làm gương cho quần chúng noi theo…

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong VHGT của người đảng viên trong quân đội, trước hết do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực của xã hội; đảng viên chưa thực sự tu dưỡng, rèn luyện, lơ là trách nhiệm trong công tác. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số tổ chức đảng chưa được coi trọng nên hiệu quả thấp; tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn hạn chế, còn có biểu hiện dĩ hòa vi quý. Việc quán triệt, vận dụng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa được coi trọng đúng mức.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nền văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt do sự tác động nhiều chiều của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và của thế giới và trong nước. Việc xây dựng và nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì vậy, để góp phần nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội hiện nay, trước hết cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử để nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội hiện nay.

Vấn đề giao tiếp, ứng xử của người đảng viên trong quân đội được nhìn nhận như là một trong những yếu tố cơ bản của văn hóa Đảng trong quân đội. Cho nên cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của người đảng viên trong quân đội. Trên cơ sở sẽ nghiên cứu, ban hành các nguyên tắc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của người đảng viên, thể hiện tính đặc thù của tổ chức đảng trong quân đội.

Nội dung của bộ quy tắc ứng xử của người đảng viên trong quân đội cần bao quát tất cả các vấn đề về giao tiếp, ứng xử của đảng viên mà Đảng quy định, trong đó xác định rõ các nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chí đánh giá và những quy định cụ thể về thái độ, tác phong, cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ và trang phục của người đảng viên khi thực thi nhiệm vụ. Bộ quy tắc cần quy định những hành vi được phép hoặc không được phép khi người đảng viên trong quân đội giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, trong hoạt động đối ngoại, ứng xử giao tiếp với nhân dân… Bộ quy tắc ứng xử của người đảng viên trong quân đội cũng cần quy định rõ chế tài khen thưởng và mức độ xử lý khi vi phạm.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện VHGT của người đảng viên trong quân đội.

Nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng đối với thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho người đảng viên trong quân đội hiện nay. Do đó, cần có biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những chuẩn mực VHGT của người đảng viên trong quân đội để các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp trong và ngoài quân đội, cũng như nhân dân được nắm rõ để cùng đồng thuận với quân đội thực hành, không những góp phần xây dựng văn hóa Đảng mà còn góp phần tăng cường bản chất, truyền thống của bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong tổ chức thực hiện nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội, cần nâng cao trách nhiệm, tính nêu gương của cấp ủy, người chỉ huy, của đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp; gắn xây dựng văn hóa ứng xử với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên đưa nội dung giáo dục VHGT của người đảng viên vào nội dung sinh hoạt Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm VHGT.

Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về VHGT cho đảng viên.

Các quy tắc ứng xử, giao tiếp văn hóa của người đảng viên trong quân đội tuy được áp dụng với đối tượng đảng viên, song để nâng cao hiệu quả thực hiện, cần đưa nội dung VHGT của người đảng viên lồng ghép vào các hoạt động của đơn vị. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng mỗi cơ quan, đơn vị trong quân đội. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền, giáo dục và bồ dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp cho đảng viên.

Nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về VHGT cho đảng viên, trước hết cần kết hợp với các hoạt động tìm hiểu, giáo dục truyền thống VHGT của con người Việt Nam, văn hóa Đảng, nét đẹp văn hóa giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của bộ đội Cụ Hồ. Tổ chức tọa đàm, trao đổi, sân khấu hóa, viết báo cáo chuyên về VHGTứng xử, hình tượng người đảng viên trong quân đội, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng VHGT của người đảng viên trong quân đội. Cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy các cấp cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại mỗi đơn vị theo các tiêu chí văn hóa, bộ quy tắc ứng xử trong quân đội nhân dân Việt Nam; qua đó thực sự là nơi bồi dưỡng nhân cách, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và VHGT của người đảng viên trong quân đội.

Thứ tư, nêu cao tính tự tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện, gương mẫu của người đảng viên trong thực hiện VHGT.

Tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học tập, tự tu dưỡng rèn luyện của người đảng viên trong quân đội giữ vai trò quyết định nâng cao văn hóa giao tiếp. Bởi vì, đội ngũ đảng viên trong quân đội chỉ có thể thực hiện tốt VHGT khi từ nhận thức đến hành động trở thành nhu cầu, thành ý thức thường trực chấp hành tốt của mỗi người. Vì vậy, mỗi đảng viên phải luôn tự ý thức rằng, mọi suy nghĩ, việc làm, hành động VHGT luôn đi trước và là tấm gương phản chiếu cho quần chúng, chiến sĩ noi theo, học tập.

Người đảng viên phải tích cực tự tu dưỡng, tự học tập, rèn luyện, gương mẫu để nâng cao trình độ chấp hành các tiêu chí về VHGT. Do đó, mỗi đảng viên cần đề ra kế hoạch phấn đấu, tự điều chỉnh hành vi giao tiếp đúng với chuẩn mực, “tự soi, tự sửa” trong quá trình thực hiện VHGT. Bên cạnh đó, để việc tự học tập, tự rèn luyện phấn đấu của người đảng viên trong VHGT, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên duy trì nền nếp công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, qua đó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm và đặt ra yêu cầu cao trong tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu thực hiện tốt VHGT của người đảng viên.

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của môi trường văn hóa quân sự để bồi dưỡng VHGT của người đảng viên trong quân đội.

Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị chính là một giải pháp hữu hiệu để bồi dưỡng nâng cao VHGT của người đảng viên trong quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững và phát huy phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Trước yêu cầu mới, việc xây dựng môi trường văn hóa cần tiếp tục được nhận thức và tổ chức thực hiện thường xuyên, trở thành một chỉnh thể trong đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, tạo động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, cấp ủy và người chỉ huy, đội ngũ chính ủy, chính trị viên ở các đơn vị cần chú trọng quan tâm xây dựng môi trường chính trị tư tưởng, môi trường đạo đức, những thiết chế văn hóa, thiết chế dân chủ và bầu không khí tâm lý tập thể trong sạch, lành mạnh; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các tổ chức, con người, nhằm tạo điều kiện để mọi đảng viên học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách của mình, trong đó có phong cách VHGT. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai trái, thiếu trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa; hoặc tách rời, biệt lập thực hiện VHGT của người đảng viên với xây dựng môi trường văn hóa quân sự ở đơn vị, sẽ làm cho việc nâng cao VHGT của người đảng viên không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Các giải pháp trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại làm tiền đề cơ sở cho nhau. Thực hiện tốt các giải pháp sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động thực hiện VHGT của người đảng viên trong quân đội, góp phần nâng cao văn hóa Đảng trong quân đội; đồng thời, nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng trong quân đội, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

_________________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.52.

 

Tác giả: Nguyễn Thế Anh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;