Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học hiện nay là một đòi hỏi tất yếu, không chỉ góp phần tạo dựng nền tảng tư tưởng vững vàng cho người học, còn giúp học viên, sinh viên vận dụng tốt hơn kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo được đào tạo vào thực tiễn nghề nghiệp và cuộc sống. Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học đòi hỏi phải bắt nguồn từ nhận thức vị trí, vai trò của môn học, sự nỗ lực cải biến nội dung, phương pháp giảng dạy không ngừng của đội ngũ giảng viên và sự đổi mới tư duy, tích cực vận dụng tri thức, liên hệ thực tiễn của người học.
Trong lịch sử phát triển của giáo dục thế giới, việc bảo đảm tính thực tiễn dạy học là vấn đề được quan tâm từ rất sớm, cùng với sự xuất hiện của nhiều tư tưởng giáo dục khác nhau cả ở phương Đông và phương Tây; đặc biệt, phải kể đến quan điểm của các nhà triết học duy vật biện chứng. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, sự nghiệp giáo dục phải gắn với mục tiêu, sự nghiệp xây dựng, cải tạo xã hội mới. Giáo dục phải hướng vào chuẩn bị con người có đủ phẩm chất và năng lực cho các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Sản phẩm của giáo dục phải đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất của xã hội. Cơ cấu tổ chức, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phải tương thích với sự phát triển của thực tiễn lao động sản xuất, phải đi trước, đón đầu sự phát triển, có tác dụng định hướng và thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đưa ra dự báo về nền giáo dục tương lai là nền giáo dục sẽ kết hợp lao động sản xuất với giáo dục và thể dục đối với hết thảy các trẻ em ở lứa tuổi nhất định nào đó. Làm như vậy không những chỉ là phương pháp tăng thêm sản xuất xã hội, mà còn là phương pháp độc nhất và duy nhất để đào tạo ra những con người phát triển toàn diện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông... Lý luận cách mạng không phải là giáo điều, mà nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo, lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động” (1). Trong quá trình dạy học cần làm rõ thực chất các vấn đề lý luận để chỉ đạo hoạt động thực tiễn đồng thời phải luôn tổng kết kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn, để bổ sung làm phong phú lý luận và trong một chừng mực nào đó lại được chuyển hóa thành nội dung dạy học ở mức độ cao hơn.
Quan điểm về giáo dục gắn lý luận với thực tiễn của Hồ Chí Minh đã phản ánh sâu sắc truyền thống giáo dục Việt Nam, những tinh hoa giáo dục thế giới đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào giáo dục con người Việt Nam nói chung và giáo dục, rèn luyện học học viên, sinh viên đại học nói riêng. Đối với các trường đại học, tư tưởng giáo dục đó là nền tảng phương pháp luận vững chắc, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn để không ngừng đổi mới mục tiêu, chương trình nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo thế hệ trẻ có nền tảng tri thức cao của đất nước.
Cần nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở
bậc đại học - Ảnh minh họa: thegioitiepthi.vn
Nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các môn lý luận chính trị đối với việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn của mỗi học viên, sinh viên đại học sau khi ra trường, trong những năm qua, các trường đại học trong cả nước đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các khâu, các bước của quá trình giáo dục - đào tạo các môn lý luận chính trị. Trong đó, nâng cao tính thực tiễn trong dạy học là một trong những yêu cầu cấp thiết góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa lý luận giáo dục với thực tiễn giáo dục, là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị ở bậc đại học hiện nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao thì chất lượng dạy học còn có những hạn chế nhất định, chưa theo kịp sự phát triển của lý luận và thực tiễn. Nội dung dạy học các môn lý luận chính trị còn nặng về lý thuyết, biểu hiện trong từng bài giảng chủ yếu dùng lý luận để giải thích lý luận. Sử dụng các luận cứ lý thuyết như một công cụ đặc dụng để luận giải nội dung dạy học mà ít có luận cứ, dữ liệu thực tiễn, ít liên hệ vận dụng vào thực tiễn đất nước và thực tiễn nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Một số môn học chưa mang tính hướng dẫn hành động, chưa khai thác được kinh nghiệm vốn sống của sinh viên trong quá trình học tập. Nhiều chủ đề các môn lý luận còn nặng nề mang tính “hàn lâm”, dàn trải về nội dung, chưa có nhiều những gợi ý, những thiết kế tình huống để khai thác, tận dụng, phát huy kinh nghiệm, vốn sống, sở trường, thế mạnh và hiểu biết nói chung của người học trong giải quyết các vấn đề của nội dung bài học, môn học. Vì vậy, để góp phần nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học nước ta hiện nay, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung biện pháp:
Chú trọng bồi dưỡng năng lực thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học
Chủ thể giáo dục có vai trò quyết định đối với hiệu quả của quá trình giáo dục do đó chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến hiệu quả nâng cao tính thực tiễn trong dạy học các môn lý luận chính trị ở bậc đại học. Để làm tốt điều này cần phải nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ giảng viên, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Trước hết, phải làm tốt công tác tuyển chọn giáo viên tạo nguồn cung cấp, bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Nguồn giảng viên lý luận chính trị phải từ các đồng chí có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức cách mạng trong sáng, có lối sống trung thực, mẫu mực nhân văn; trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực nhận thức và khả năng tư duy nhanh nhạy, sáng tạo, có năng khiếu sư phạm, khả năng diễn thuyết, trình bày vấn đề có sức lôi cuốn, cảm hóa người nghe.
Để nâng cao năng lực thực hành sư phạm cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đòi hỏi mỗi trường đại học phải đặt ra yêu cầu đối với mỗi giảng viên về mặt kiến thức phải có những hiểu biết cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... có những tri thức cơ bản về tâm lý học và giáo dục học, hiểu biết cơ bản về tin học, ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu khoa học và khoa học giáo dục. Về kỹ năng, mỗi giảng viên lý luận chính trị phải có năng lực xây dựng kế hoạch dạy học; thiết kế biên soạn các bài giảng, xây dựng các tình huống dạy học, đưa người học thâm nhập vào thực tiễn; năng lực thu thập xử lý thông tin, khái quát các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn và rút ra những bài học thực tiễn; biết sử dụng thành thạo các phương pháp, hình thức và phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại; có năng lực giao tiếp, ứng xử với học viên; năng lực nghiên cứu khoa học và đánh giá kết quả dạy học.
Cùng với nội dung trên, cần đặc biệt chú ý đến hoạt động đưa giảng viên đi thực tế. Hoạt động này có chương trình kế hoạch thống nhất, chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc đúng mục đích, yêu cầu đi thực tế. Thông qua việc thâm nhập thực tế, giảng viên rút ra từ thực tiễn cuộc sống những bài học kinh nghiệm quý báu, những thông tin bổ ích để tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị đạt chất lượng tốt hơn. Sau mỗi lần đi thực tế, nhất thiết phải tổ chức báo cáo kết quả thu được, tiến hành tọa đàm, trao đổi đánh giá những thông tin thu lượm từ thực tế để mọi giảng viên trong khoa, tổ bộ môn cùng biết nhằm định hướng nhận thức, định hướng thực tiễn cho mỗi giảng viên, làm cơ sở vận dụng vào trong bài giảng của mỗi người.
Tăng cường lồng ghép các nội dung mang tính thời sự, thực tiễn đất nước và thế giới trong các bài giảng lý luận chính trị
Đó chính là thực tiễn trực tiếp, thời sự diễn ra hằng ngày của con người trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Giảng viên thu nhận được các yếu tố (số liệu, sự kiện, hình ảnh) của thực tiễn này từ các chuyến đi thực tế đến với các cơ sở; thực tiễn đa chiều đã được phản ánh chọn lọc, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, tạp chí, tin bài…; thực tiễn mang tính chính thống trong các văn bản chính thống được ban hành của Đảng và Nhà nước (các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng, các luật, bộ luật…).
Bên cạnh truyền thụ kiến thức mang tính lý thuyết người giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị cần lồng ghép vào trong bài giảng những nội dung liên quan đến chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt chú trọng đến phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xu thế khách quan của sự toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, thực tiễn vốn đa dạng, phong phú nên việc đưa yếu tố thực tiễn vào bài giảng tùy thuộc nội dung đảm nhận cũng như năng lực của giảng viên. Trong dạy học không thể đưa tất cả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn vào giảng dạy, đồng thời cũng không thể giải quyết hết mọi vấn đề do thực tiễn đặt ra. Phải lựa chọn những vấn đề thiết thực nhất theo yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của từng bộ môn, của cuộc sống xã hội, mạnh dạn loại bỏ những bộ phận không thiết thực trong dạy học các môn lý luận chính trị.
Bồi dưỡng cho học viên, sinh viên kỹ năng thực hành, liên hệ, vận dụng trong học tập các môn lý luận chính trị
Đây là biện pháp có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả việc dạy và học các môn lý luận chính trị, giúp người học nắm vững những kiến thức lý luận; rèn luyện năng lực tư duy vận dụng vào thực tiễn nghề nghiệp; hình thành thái độ, hành vi và những phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Thông qua việc bồi dưỡng kỹ năng thực hành liên hệ vận dụng các môn lý luận chính trị, giúp cho học viên có năng lực và phương pháp học tập tốt, năng lực nhận thức, phê phán, sàng lọc thông tin đa chiều có hiệu quả.
Quá trình thực hành liên hệ vận dụng các môn lý luận chính trị chỉ đạt được kết quả khi có sự tự giác, tích cực, nỗ lực của từng cá nhân người học. Chủ động liên hệ các kiến thức đã học với thực tiễn đất nước và thế giới vừa là quá trình tự khám phá để mở rộng kiến thức, vừa là quá trình sàng lọc thông tin phù hợp với sự vận động, biến đổi của thực tiễn xã hội, hạn chế được sự vận dụng lý luận một cách máy móc, giúp cho học viên có cách lập luận các vấn đề một cách chặt chẽ, khoa học, kích thích tính năng động sáng tạo của học viên. Các dạng thực hành liên hệ vận dụng trong quá trình dạy học các môn lý luận chính trị bao gồm: tham gia các buổi hội thảo, thảo luận theo chủ đề do giảng viên hướng dẫn, thực hành giảng bài lý luận chính trị, xử lý các tình huống giáo dục, tổ chức đại hội, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn; làm bài tập, viết thu hoạch, nghiên cứu các đề tài lý luận chính trị... Việc liên hệ kiến thức đã học vào sự nghiệp đổi mới đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận là một yêu cầu tất yếu đối với mỗi học viên, sinh viên khi nghiên cứu các môn lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phát huy tính tích cực, tự giác, năng lực làm việc độc lập của học viên trong việc thực hành liên hệ vận dụng, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức thực hành liên hệ vận dụng, tạo ra sự cọ sát trên thực tế với nhiều góc độ, giúp học viên hứng thú phát triển toàn diện trong học tập cũng như trong ứng dụng tri thức vào thực tiễn.
Để làm tốt hoạt động bồi dưỡng cho học viên, sinh viên kỹ năng thực hành, liên hệ, vận dụng các môn lý luận chính trị, trước hết giảng viên phải đặt người học vào vị trí trung tâm, phát huy tính năng động, sáng tạo của học viên, khuyến khích học viên tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Bài giảng của giảng viên phải xây dựng sao cho phù hợp với từng đối tượng học viên, sinh viên. Giảng viên phải xác định được chính xác những nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn, thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị bài giảng, vận dụng linh hoạt các phương pháp giang dạy, các tình huống đưa ra phải sát với nội dung bài giảng, những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải điển hình, các sự kiện thực tiễn phải mang tính thời sự được xã hội đặc biệt quan tâm. Khi đưa các vấn đề thực tiễn vào bài giảng phải có sự phân tích, chứng minh sự liên hệ, sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời giảng viên phải có kết luận mang tính định hướng tư tưởng, tránh cho người học rơi vào tình trạng liên hệ thực tiễn nhiều nhưng không xác định được đâu là thông tin chính thống. Trên cơ sở đó, người học có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình, giúp cho họ trưởng thành về trình độ nhận thức, năng lực tư duy thúc đẩy quá trình học tập các môn lý luận chính trị đạt chất lượng tốt hơn.
Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học nước ta hiện nay là việc làm cấp thiết, nhằm đem đến cho học viên những hiểu biết về quy luật phát triển của xã hội, về thế giới quan, nhân sinh quan, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó vạch ra cho mình tư tưởng, lối sống, hoài bão, ý chí, nguyện vọng, những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức để gạt bỏ cái cũ, lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc cái mới. Việc gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy giúp cho các bạn học viên, sinh viên có cái nhìn khách quan vào thực tiễn mà học viên đang sống và học tập.
______________
1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.489.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 98.
3. Đỗ Ngọc Đạt, Tiếp cận hiện đại hoạt động dạy học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1997.
4. Hà Thị Đức, Giáo trình Giáo dục học đại cương, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010.
5. Lưu Xuân Mới, Lý luận dạy học đại học, Nxb Giáo dục, 2000.
Tác giả: Nguyễn Thị Nga
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020