Nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của đội ngũ Bí thư Đoàn ở tỉnh Lâm Đồng

Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn là những đảng viên, đoàn viên ưu tú được bầu cử hoặc chỉ định vào Ban chấp hành đoàn cấp xã, phường, thị trấn; là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp xã, phường, thị trấn. Bài viết này nhằm phân tích, làm rõ năng lực tổ chức thực tiễn của bí thư đoàn xã, phường, thị trấn ở tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của họ.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức một cách chặt chẽ và thống nhất theo 4 cấp từ trung ương đến cơ sở. Trong đó, tổ chức Đoàn cấp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ: đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, đòi hỏi Ban Chấp hành Đoàn xã, phường, thị trấn nói chung, người Bí thư nói riêng phải có năng lực toàn diện, trong đó năng lực tổ chức thực tiễn có vai trò quan trọng, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người Bí thư Đoàn.

Trong những năm qua, năng lực tổ chức thực tiễn của Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, năng lực tổ chức thực tiễn của một số Bí thư Đoàn còn có những hạn chế nhất định. Dưới tác động của cơ chế thị trường, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chế độ, các khoản trợ cấp, chính sách tiền lương, phụ cấp chưa hấp dẫn, một số bí thư đoàn bản lĩnh chính trị chưa thật vững vàng, chưa tích cực chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn ngại học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tri thức, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Cá biệt, có đồng chí có biểu hiện “chân trong, chân ngoài”, thái độ phấn đấu cầm chừng, thiếu gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống. Kết quả phân loại cán bộ của Bí thư Đoàn từ năm 2015-2019, hằng năm vẫn có từ 5% - 6,6% Bí thư Đoàn cấp xã, phường, thị trấn xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Về trình độ tri thức, bên cạnh phần lớn Bí thư Đoàn có trình độ đại học thì vẫn còn 8,1% số bí thư đoàn có trình độ trung cấp, 6,4% số Bí thư Đoàn chưa qua đào tạo lý luận chính trị hoặc chỉ mới qua đào tạo sơ cấp lý luận chính trị. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mặc dù hầu hết Bí thư Đoàn đều đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, tuy nhiên vẫn còn một số ít Bí thư Đoàn còn có những hạn chế nhất định trong nắm và vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, chưa hiểu và nắm bắt đầy đủ chức trách nhiệm vụ cũng như các mặt hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Một số bí thư Đoàn còn hổng về kiến thức chuyên môn, thiếu kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn do đó gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các mặt hoạt động.

Do những hạn chế về trình độ tri thức, chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên nên một số Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn còn khó khăn nhất định trong việc nắm bắt sở thích, xu hướng của đoàn viên thanh niên; trong xây dựng, triển khai kế hoạch. Bên cạnh đó, trong từng nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt, các nhiệm vụ mới, các phong trào mới, một số Bí thư Đoàn còn lúng túng trong quá trình triển khai. Công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm có nội dung còn tiến hành sơ sài, nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, thiếu tính khái quát, chưa phản ánh đầy đủ ưu khuyết điểm, nguyên nhân cũng như rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động. Hoạt động thi đua khen thưởng còn thiếu tính liên tục, nhiều tập thể, cá nhân chưa được động viên, khen thưởng kịp thời cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở các xã, phường, thị trấn.

Để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn cho Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn nói chung, Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn nói riêng; làm tốt công tác lựa chọn,quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ đoàn.

Việc thống nhất nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn nói chung, Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn nói riêng; vị trí, vai trò của công tác lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ Đoàn là một trong những vấn đề rất quan trọng. Bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn thì các chủ thể mới phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ, từ đó góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của người Bí thư Đoàn.

Cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ trì, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ nói chung, cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn cấp xã, phường, thị trấn, bảo đảm về số lượng, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đoàn cơ sở và nhiệm vụ chính trị ngày càng phát triển.

Mặt khác, công tác lựa chọn, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn phải có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển, tránh quan điểm xem xét phiến diện, chủ quan, cảm tính trong lựa chọn, tạo nguồn cán bộ Đoàn nói chung, Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn nói riêng; phải có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa đáp ứng yêu cầu lâu dài, đảm bảo tính liên tục, kế thừa và ổn định.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi là đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu mới về nhiệm vụ của địa phương, của Đoàn và phù hợp với đặc điểm, xu hướng, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thông qua đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mà phát huy hơn nữa ý thức trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, năng lực tổ chức, vận dụng thực tiễn của đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt là Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn.

Trong đổi mới giáo dục chính trị, tư tưởng, người Bí thư Đoàn cần tăng cường giáo dục nhận thức thông qua các biện pháp tuyên truyền trực quan, sử dụng tài liệu trắc nghiệm, hỏi đáp đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ. Mặt khác, cần phát huy, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống báo chí, ấn phẩm, các công cụ điện tử, trang web của Tỉnh Đoàn và tờ thông tin thanh niên; tận dụng ưu thế tích cực của các mạng xã hội trong việc tiếp cận và truyền đạt nội dung tuyên truyền, giáo dục tới đoàn viên, thanh thiếu nhi. Tích cực tiếp cận, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa, trào lưu mới thịnh hành trong giới trẻ để có nhận định và kiến nghị theo hướng khuyến khích nội dung lành mạnh, tạo dấu ấn, hình thành nên những xu hướng tích cực trong thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động về nguồn, tọa đàm, giao lưu gặp mặt truyền thống, hội thi, hội diễn; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên về âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; kịp thời nắm bắt và định hướng dư luận cho đoàn viên, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo.

Trong đổi mới tổ chức các hoạt động, các phong trào thanh thiếu nhi, người Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn cần chú trọng đẩy mạng phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Sáng tạo khởi nghiệp”, khuyến khích đoàn viên, thanh niên dăng ký, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện các đề tài, sáng kiến khoa học phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Đa dạng hóa các hình thức và đội hình thanh niên tình nguyện theo hướng chú trọng cả tình nguyện tại chỗ gắn với “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa; tình nguyện qua các đội hình chuyên nghiệp, chuyên môn hóa các lực lượng tình nguyện và mở rộng các đối tượng này tùy theo khả năng, điều kiện của từng xã, phường, thị trấn gắn với các phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Tuổi trẻ Lâm Đồng tham gia xây dựng đô thị văn minh”.

Ba là, phát huy vai trò chủ quan của Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trong việc nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của họ hiện nay.

Để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của người Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay, cần phát huy vai trò chủ quan của họ trong quá trình học tập, rèn luyện. Bản chất của giải pháp này là khẳng định, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của người Bí thư Đoàn để chuyển hóa những yêu cầu khách quan thành nỗ lực chủ quan tự học tập, tự rèn luyện nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của mình.

Mỗi Bí thư Đoàn cần xác định tốt chức năng, nhiệm vụ của bản thân, nội dung, nhiệm vụ hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể để từ đó xây dựng cho mình mục đích, động cơ học tập đúng đắn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện, thành phố cần thấy rõ vị trí, vai trò của người Bí thư Đoàn, tầm quan trọng của năng lực tổ chức thực tiễn trong quá trình hoạt động của người bí thư đoàn để thống nhất nhận thức và hành động. Cùng với đó, cần thường xuyên tạo điều kiện về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất và thời gian cần thiết để họ tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, tổ chức và giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, trên cơ sở xác định tốt động cơ, ý thức trách nhiệm, xây dựng quyết tâm, mỗi Bí thư Đoàn cần tích cực, chủ động trong xây dựng kế hoạch tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực toàn diện, trong đó có năng lực tổ chức thực tiễn. Mỗi Bí thư Đoàn cần căn cứ vào kế hoạch, nhiệm vụ cấp trên, tình hình của địa phương cũng như những hạn chế, khiếm khuyết về năng lực của mình, từ đó có kế hoạch tự giáo dục, học tập, rèn luyện, bồi dưỡng để hoàn thiện bản thân. Nội dung tự học tập, rèn luyện của người Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn cần toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, phong tục tập quán địa phương…, đặc biệt chú trọng học tập nâng cao tri thức nghiệp vụ, kỹ năng, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Ngoài ra, bí thư đoàn cần bám sát thực tiễn của địa phương để tổ chức các hoạt động thực tiễn nhằm rèn luyện và thiện các kỹ năng, kỹ xảo của mình.

Tác giả: Tô Quốc Anh - Nguyễn Văn Tú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;