Nâng cao năng lực giảng dạy lý luận Mác - Lênin ở học viện, trường sĩ quan quân đội

Năng lực giảng dạy lý luận Mác - Lênin của giảng viên trẻ ở học viện, trường sĩ quan quân đội là tổng hòa các yếu tố về tri thức, phương pháp tư duy và kỹ năng sư phạm, được huy động trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở học viện, trường sĩ quan quân đội. Đây là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay.

1. Nhận thức về vai trò các môn lý luận Mác - Lênin và năng lực giảng dạy lý luận Mác - Lênin của giảng viên trẻ ở học viện, trường sĩ quan quân đội

Giảng dạy, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin ở học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay có chức năng cơ bản là trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị khoa học, hiện đại và có định hướng lý tưởng rõ ràng; đồng thời, cung cấp các phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, ứng dụng vào thực tiễn một cách tích cực và hiệu quả. Các môn lý luận Mác - Lênin còn góp phần hình thành ở người học tư duy lý luận, đóng vai trò hết sức to lớn trong nhận thức và cải tạo thế giới. Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận” (1).

Giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin ở học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay, ngoài những tính chất chung còn có tính chất đặc thù bởi hệ thống tri thức của các môn học này có tính khái quát và trừu tượng cao, nội dung các nguyên lý, phạm trù, quy luật của nó luôn chứa đựng ý nghĩa thế giới quan, phương pháp luận trong xem xét, cải tạo thực tiễn; “định rõ cho anh em một phương hướng đi cho khỏi lầm đường và thêm nữa gợi lòng ham muốn nghiên cứu của anh em” (2). Mặt khác, giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin còn bị chi phối rất lớn bởi cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận cùng những tác động của những thành tựu và hạn chế trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn là sự kết tinh những thành tựu văn hóa, khoa học của nhân loại và dân tộc, nên muốn giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải am tường các môn khoa học chuyên ngành khác nhau. Tính đặc thù này phải được thể hiện trong hệ thống tri thức cần trang bị, trong định hướng phương pháp nghiên cứu, hệ vấn đề cần giải quyết và vận dụng vào thực tiễn. Năng lực giảng dạy là một loại năng lực chuyên biệt, tổng hòa các yếu tố kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, phẩm cách, phương pháp, tác phong và tư chất của nhà giáo, hợp thành khả năng, điều kiện nội tại, bảo đảm cho hoạt động giảng dạy đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ còn chịu sự quy định của đặc thù hoạt động quân sự. Quá trình giáo dục, đào tạo là quá trình chuẩn bị con người cho hoạt động quân sự; không chỉ thuần túy trang bị kiến thức, mà còn kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, phục vụ chiến đấu… Điều đó đòi hỏi giảng viên trẻ trước hết phải có phẩm chất của người quân nhân cách mạng, nhất là yếu tố bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật…, đồng thời, phải có năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy bộ đội và trải nghiệm thực tiễn quân sự. Như vậy, muốn nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ các môn lý luận Mác - Lênin, bên cạnh nâng cao kiến thức chuyên ngành, khả năng sư phạm, cần phải chú trọng bồi dưỡng về nhận thức chính trị, đạo đức, ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, phong cách nhà giáo.

Hiện nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, “các học viện, trường sĩ quan quân đội đã không ngừng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo” (3); thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ giảng dạy lý luận Mác - Lênin nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”(4), thì năng lực giảng dạy ở một số giảng viên trẻ còn hạn chế, kiến thức chưa toàn diện, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động thực tiễn… Một số nội dung bài giảng nặng về lý luận, thiếu liên hệ thực tiễn, chưa sát nội dung, đối tượng đào tạo. Bên cạnh khả năng tư duy khoa học, do đặc thù của môn học mang tính lý luận cao, giảng viên trẻ còn cần đến kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết xã hội rộng lớn… cũng là một khó khăn của rất nhiều giảng viên trẻ. Trước thực trạng đó, cần thiết phải nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ, lực lượng kế tục trực tiếp và cơ bản quyết định hiệu quả công tác giảng dạy các môn lý luận này.

2. Giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin của giảng viên trẻ ở học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ. Các học viện, trường sĩ quan quân đội phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thường xuyên; có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp, sát thực, tính khả thi cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tổ chức, lực lượng và đội ngũ giảng viên trẻ nắm vững những quan điểm, chủ trương, phương châm, phương pháp giáo dục, đào tạo; nhất là, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo, xây dựng các thế hệ giảng viên có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Đồng thời, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên trẻ, bảo đảm họ thật sự là người thày, người chỉ huy, người đồng chí gương mẫu, tấm gương sáng của bộ đội Cụ Hồ.

Hai là, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức cho giảng viên trẻ. Thực tiễn cho thấy, tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng việc giảng dạy vẫn nặng về thuyết trình, kỹ năng sử dụng phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa thành thục, chủ yếu là trình chiếu thay bảng viết… dẫn đến hạn chế tính tích cực của người học. Do vậy, cần coi trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập trung vào kỹ năng nghiên cứu tài liệu, biên soạn bài giảng, thực hành bài giảng, điều khiển thảo luận, nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh… để giảng viên cập nhật, làm cho bài giảng vừa phong phú, sâu sắc, vừa không lạc hậu với tình hình. Bên cạnh đó, khi dạy các môn lý luận Mác - Lênin, cần chú ý việc đưa thực tiễn vào bài học sao cho hợp lý, những yếu tố thực tiễn phải điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, có thực, không thêm bớt, liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với những vấn đề lý luận mà giảng viên muốn chứng minh.

Ba là, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác trong tự học, tự rèn của giảng viên trẻ. Muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, muốn thuyết phục được người học, thiết nghĩ, tự học, tự nghiên cứu là khâu then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt trong chuẩn bị bài giảng của bất kỳ một giảng viên nào, nhất là giảng viên trẻ. Kết quả tự học, tự nghiên cứu không chỉ góp phần hoàn thiện kiến thức, cập nhật thông tin mới, tri thức mới mà còn giúp giảng viên nghiền ngẫm sâu hơn, nhuần nhuyễn hơn để giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình truyền đạt tri thức đến người học. Hoạt động này là yếu tố cơ bản có tính chất quyết định chất lượng bài giảng và hình thành thương hiệu của giảng viên. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên trẻ phải xây dựng kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một cách cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao. Đây là một công việc khó khăn và dễ bị ngoại cảnh tác động. Do đó, ngoài việc xác định mục đích, động cơ đúng đắn, giảng viên trẻ cần phải có nghị lực, quyết tâm cao, có ý chí vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện có kết quả.

Bốn là, đổi mới nghiên cứu khoa học phục vụ cho đào tạo lý luận chính trị, đặc biệt là đào tạo chuyên ngành. Lý luận luôn xuất phát từ thực tiễn, mà thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng. Do đó, nó đòi hỏi giảng viên trẻ cũng phải trở thành nhà nghiên cứu để thường xuyên sàng lọc, cập nhật thông tin, kể cả những quan điểm trái chiều, phản diện; những kiến thức mới, thiết thực với các chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực hoạt động trong thời đại bùng nổ thông tin và có nhiều vấn đề tư tưởng phức tạp như hiện nay, đồng thời, loại bỏ những thông tin, kiến thức đã lạc hậu, không còn thiết thực với người học và đặc biệt là tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận và phát triển lý luận mới. Nghiên cứu khoa học sẽ giúp bài giảng của giảng viên trẻ thêm phong phú, sâu sắc, lý luận gắn với thực tiễn, giàu sức thuyết phục đối với người học. Tập trung hướng nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu vào một số vấn đề như xây dựng con người mới với các quan hệ xã hội mới, phát huy nhân tố, nguồn lực con người, vấn đề hệ thống chính trị nói chung, nhà nước nói riêng…

Năm là, xây dựng môi trường sư phạm quân sự lành mạnh, tạo điều kiện nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ. Thực tiễn cho thấy, môi trường văn hóa sư phạm quân sự tốt sẽ thôi thúc giảng viên tự giác học tập, rèn luyện, lĩnh hội tri thức, trau dồi kỹ năng sư phạm, trưởng thành về mọi mặt, vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Môi trường văn hóa sư phạm quân sự trực tiếp góp phần chuẩn hóa các quan hệ xã hội của người giảng viên, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết thống nhất, tập trung xây dựng các quan hệ văn hóa sư phạm, nhất là quan hệ giữa giảng viên với học viên, quan hệ giữa cán bộ quản lý với học viên.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thế giới trở nên “nhỏ bé” hơn, nhưng “bể” thông tin từ internet thì ngày càng rộng lớn, phong phú, đa chiều và hết sức phức tạp… Thực tế đó đòi hỏi giảng viên trẻ giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin phải kịp thời thích nghi với điều kiện mới; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; tích cực đổi mới, linh hoạt về phương pháp; thường xuyên bám sát, tổng hợp thực tiễn để làm sâu sắc thêm lý luận, gắn lý luận với thực tiễn nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đào tạo trong giai đoạn mới.

_______________

1. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.489.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38.

3. Ngô Xuân Lịch, “Xây dựng nhà trường thông minh, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân đội trước tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 19-11-2018.

4. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;