Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”(1). Do vậy, vấn đề nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ có vai trò hết sức quan trọng. Nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay là hoạt động có mục đích, có tổ chức của các tổ chức, lực lượng có liên quan trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để từng bước nâng cao năng lực thực tiễn công tác cho họ đáp ứng tốt với chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an là cái phản ánh trình độ năng lực và khả năng nắm bắt giải quyết các vấn đề do thực tiễn công việc đặt ra, đó còn là sự phản ánh của bản lĩnh chính trị, của sự vững vàng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng và con đường đã lựa chọn đem lại sự bình yên cuộc sống cho nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi; rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, thực hiện nghiêm túc có hiệu quả 6 điều dạy của Người đối với lực lượng công an nhân dân. Quá trình đó đòi hỏi chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an phải không ngừng được nâng cao về mọi mặt, đặc biệt là nâng cao năng lực phát hiện ra những vấn đề mới, phức tạp, chủ động đối phó và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch, tội phạm trong xã hội để giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nghị quyết số 02-NQ/ĐU(VP) về công tác cán bộ của lực lượng công an nhân dân (CAND) trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua vấn đề nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an các cấp đã được cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, quan tâm với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt qua các thời kỳ; đã có nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp để bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác cho đội ngũ cán bộ công an như: tạo nguồn, đưa cán bộ về cơ sở, cử đi học để nâng cao trình độ, thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo bên ngoài; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ chủ chốt gắn với chức trách, nhiệm vụ được phân công để bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm ở những vị trí trong cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và tính chất nhiệm vụ đặt ra thì chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được như: một số ít cán bộ có biểu hiện thiếu bản lĩnh chính trị, vi phạm pháp luật, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống của người chiến sĩ công an nhân dân, tiếp tay cho các hoạt động làm ăn phi pháp, trái pháp luật; thiếu tính chiến đấu trong đấu tranh chống lại những bất công, mất dân chủ có biểu hiện bình quân chủ nghĩa, chạy theo lợi ích, ức hiếp nhân dân… Những biểu hiện đó tuy không nhiều nhưng cũng phản ánh những mặt trái của cơ chế thị trường, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số ít cán bộ công an hiện nay.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, thời cơ, vận hội đan xen nguy cơ, thách thức, đặc biệt là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống, chiến tranh công nghệ cao, các thế lực phản động, thù địch tăng cường chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng công an nhân dân… đặt ra những yêu cầu rất cao về năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ công an phải là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc đấu tranh giữ vững sự ổn định, bình yên cho đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.

Muốn vậy, để nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ công an

Đây là vấn đề quan trọng vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài bởi có thường xuyên làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thì năng lực trình độ chuyên môn công tác mới được nâng cao, mới giải quyết được những công việc do thực tiễn đặt ra. Trong xu thế mở cửa, hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức đỏi hỏi người cán bộ công an phải có kiến thức toàn diện không những nắm vững những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có sự tinh thông, am hiểu những kiến thức liên ngành về pháp luật, xã hội, ngoại ngữ, tin học để có thể nắm bắt và ứng phó nhanh với những tình huống có thể xảy ra. Cấp ủy đảng, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện công tác đúng đắn cho đội ngũ cán bộ các cấp, luôn tận tâm, tận tụy với công việc, yêu ngành, yêu nghề, khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; hướng dẫn các tổ chức đảng các cấp làm tốt công tác lựa chọn, tuyển chọn cán bộ công an có ý thức thái độ động cơ tốt, có ý chí phấn đấu vươn lên làm cán bộ nguồn; giáo dục các phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm khiết của người chiến sĩ công an nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các mối quan hệ với nhân dân, kiên quyết xử lý những trường hợp có biểu hiện tư lợi cá nhân, thoái thác nhiệm vụ, không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, vi phạm quan hệ ứng xử với nhân dân. Gắn việc nâng cao chất lượng công tác đội ngũ cán bộ công an với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, cần lấy 6 điều Người dạy công an nhân dân là nội dung trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an hiện nay, vì đây chính là mô hình nhân cách bao quát nhất của trình độ năng lực công tác hoạt động thực tiễn của cán bộ công an hiện nay.

Thứ hai, đề cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy tổ chức đảng các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an hiện nay

Công tác cán bộ là công tác của cấp ủy đảng, tổ chức đảng các cấp và người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an phải được thấu suốt và quán triệt sâu sắc theo các tiêu chuẩn, quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ của nơi công tác. Các chủ thể làm công tác cán bộ cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện, cụ thể đối với từng cán bộ, từng công việc trong suốt quá trình công tác làm việc, chứ không phải chỉ dựa vào một tiêu chí, một nội dung, một thời điểm, giai đoạn để đánh giá năng lực công tác của cán bộ. Cơ quan làm công tác cán bộ cần thông qua nhiều kênh khác nhau để tham mưu, đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị về những cán bộ có đủ tiêu chuẩn theo quy định, có ý chí, động cơ phấn đấu tốt, phương pháp tác phong công tác linh hoạt, nhạy bén để có những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý đối với từng cán bộ công tác khác nhau. Tránh tình trạng đánh giá cán bộ chung chung, áp đặt ý kiến cá nhân chủ quan, lấy một hiện tượng, sự việc để đánh giá toàn bộ quá trình công tác của họ. Tinh thần, trách nhiệm của các chủ thể làm công tác đánh giá cán bộ phải luôn coi trọng vấn đề chất lượng làm chính, lấy đó làm căn nguyên, tiêu chí trong việc sử dụng, bố trí, sắp xếp tạo nguồn cán bộ; đó còn là sự dân chủ, cởi mở trong đánh giá, trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết các mối quan hệ hài hòa giữa cơ quan cán bộ cấp trên và cán bộ cấp dưới trong việc nghiên cứu, xem xét đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của họ về các vấn đề bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ ở những vùng khó khăn, nguy hiểm.

Thứ ba, mỗi cán bộ phải tích cực, chủ động tự giác rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của người chiến sĩ công an nhân dân trong thời đại mới

Đây là những yêu cầu đặt ra rất cơ bản cho mỗi cán bộ công an hiện nay, cần phải thường xuyên phấn đấu tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống mọi lúc, mọi nơi để giữ mãi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trong lòng nhân dân. Chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ công an hiện nay phụ thuộc rất lớn vào tính tích cực, chủ động trong rèn luyện các phẩm chất của người chiến sĩ công an nhân dân của họ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, người chiến sĩ công an nhân dân cũng phải giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của mình, đó là yếu tố mang tính tiên quyết đến sinh mệnh chính trị của mình; đặc biệt là tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; học tập, nâng cao trình độ lý luận và kiến thức chuyên môn; nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, bảo đảm luôn vững vàng, kiên định, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong công tác. Quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đó phải thực sự là sự thôi thúc từ bên trong mỗi cán bộ nhưng cũng cần phải đặt dưới sự giám sát, đánh giá của tổ chức bằng những hình thức, cơ chế cụ thể, đặc biệt là biểu dương, khen thưởng kịp thời những trường hợp tu dưỡng, rèn luyện tốt để nhân rộng và động viên, khích lệ cán bộ.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và những cán bộ yếu về năng lực chuyên môn công tác

Trước những mặt trái của cơ chế thị trường đang hàng ngày tác động, chi phối đến mọi mặt đời sống của nhân dân ta, trong đó có cán bộ ngành công an, thì vấn đề nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh với những biểu hiện cá nhân, chủ nghĩa, năng lực chuyên môn thấp ở nước ta hiện nay là rất quan trọng, cấp thiết. Hội nghị Trung ương (khóa XII) nhận định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Đây là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm về đạo đức, lối sống ở nước ta hiện nay, nên cần phải nhận diễn cho rõ và đấu tranh, chấn chỉnh, loại bỏ, kiên quyết không để cho những cán bộ trong diện quy hoạch, tạo nguồn được đi học, không bổ nhiệm đối với cán bộ có năng lực hạn chế, thiếu tinh thần phấn đấu vương lên trong công việc; đồng thời xử lý thật nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với cán bộ tạo nguồn vi phạm đạo đức, lối sống, mất đoàn kết nội bộ. Có như vậy, mới nâng cao được chất lượng công tác cho đội ngũ cán bộ công an ở nước ta hiện nay, mới đảm đương được những công việc ở những vị trí khác nhau.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Vấn đề cán bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1973, tr.33.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả : Khổng Minh Tâm

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

;