Văn hóa quân sự Việt Nam là sản phẩm được kết tinh lâu dài trong lịch sử dựng nước, giữ nước, giữ vai trò nền tảng tinh thần to lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Nghiên cứu bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam, tìm ra những giá trị cốt lõi, bản chất, sự ổn định trong tổ chức, hoạt động đấu tranh vũ trang trong hàng ngàn năm của dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn. Điều này không chỉ cho thấy sức mạnh của dân tộc trong lịch sử giữ nước mà còn giúp chúng ta định hướng tăng cường sức mạnh bảo vệ tổ quốc XHCN hiện nay.
Theo cách hiểu chung nhất, bản sắc văn hóa là ý thức, thái độ, cách ứng xử, thể hiện tinh thần, cốt cách của dân tộc trong quá trình sáng tạo, giao lưu, tiếp biến, giữ gìn, phát triển văn hóa dân tộc. Đây là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi được khái quát, trừu tượng từ tất cả những giá trị văn hóa của dân tộc, đóng vai trò nền tảng, định hướng mọi giá trị vật chất, tinh thần của một dân tộc. Trong những điều kiện tự nhiên, xã hội nhất định, con người đã sáng tạo ra văn hóa, khi điều kiện đó biến đổi thì văn hóa cũng được kế thừa, biến đổi theo trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc cũng có quá trình hình thành, phát triển, làm cho bản sắc ấy ngày càng đậm đà, rõ nét, ổn định. Nếu bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ, khả biến. Theo đó, ta có thể hiểu bản sắc văn hóa quân sự là tổng hòa những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi được đúc rút từ hoạt động quân sự của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, những giá trị đó có vai trò nền tảng, định hướng các hoạt động quân sự của dân tộc Việt Nam. Như vậy, về cấu trúc, bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam bao hàm những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi nhất phản ánh mục tiêu, tính chất, sức mạnh, lực lượng, phương thức tổ chức, hoạt động đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam được biểu hiện trên những nội dung cơ bản.
Một là tự vệ, nhân đạo, hòa hiếu, tư tưởng chủ đạo trong bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam.
Xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước, mục đích chính trị trong các cuộc chiến tranh đã quy định giá trị căn bản, cốt lõi của văn hóa quân sự Việt Nam là tự vệ, thấm đậm tính nhân đạo, hòa hiếu. Điều này được quy định ngay từ mục đích của việc tổ chức, đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam là vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Do đó, trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, dân tộc Việt Nam cùng lực lượng quân sự đều sẵn sàng xả thân vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng tuyệt nhiên không ham tiêu diệt mà mở đường hiếu sinh, đánh rã ý chí xâm lược của kẻ thù. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, chúng ta đều chủ động kết thúc chiến tranh để giảm bớt sự thiệt hại cho cả hai bên, duy trì nền hòa bình lâu dài.
Dựng nước gắn liền với giữ nước đã đi suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, bao thế hệ người Việt Nam đã đoàn kết chống thiên tai, trị thủy, giặc ngoại xâm. Các cuộc đấu tranh gian khổ đó đã làm cho người Việt Nam sớm nhận thức rõ non sông này là do bàn tay, khối óc, xương máu của bao thế hệ dày công vun đắp, là tài sản vô giá truyền lại muôn đời. Là người Việt Nam, ai cũng có ý thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, cốt cách của con người Việt Nam.
Tư duy chính trị, quân sự của dân tộc Việt Nam khác với các nước lớn, những đế chế hùng mạnh trong lịch sử. Chúng ta khởi nguồn từ chiều sâu văn hóa, với khát vọng về một cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp, quan hệ thân thiện, hòa hiếu với các nước. Nền hòa bình mà chúng ta xây dựng gắn với độc lập, tự do; dân tộc ta luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng để gìn giữ nền hòa bình, độc lập, tự do đó.
Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi dựng nước cho đến nay, giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, ổn định xuyên suốt của văn hóa quân sự Việt Nam là sử dụng các biện pháp chính đáng để ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh, đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm lược của các thế lực thù địch. Trong hoạt động đối ngoại quốc phòng luôn quán triệt chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè tin cậy của các nước, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, phát triển, chống chiến tranh dưới mọi hình thức. Việc tổ chức, đấu tranh vũ trang, củng cố quốc phòng của dân tộc ta đều nhằm mục đích tự vệ, thấm đậm tính chất nhân đạo, hòa hiếu sâu sắc.
Hai là xây dựng quân đội tinh nhuệ, cốt tinh nhưng không cốt đông, thực hiện toàn dân đánh giặc.
Chúng ta chủ trương tự vệ, hòa hiếu nên sức mạnh quân sự Việt Nam là của toàn dân, trong đó lực lượng nòng cốt là quân đội tinh nhuệ. Điều này thể hiện quan điểm chính trị xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam là tư tưởng lấy dân làm gốc. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến những cuộc chiến tranh điển hình về tính chất ác liệt, sự gian khổ, hy sinh; chúng ta đã phải đương đầu với các thế lực xâm lược điển hình về tính chất hung bạo, hiếu chiến, mạnh hơn dân tộc ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quân sự. Nhưng trong các cuộc chiến đó chúng ta đều giành thắng lợi, mà sức mạnh to lớn để giành chiến thắng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dân tộc ta đã không cam chịu làm nô lệ, vùng lên đấu tranh, chống lại tham vọng bành trướng, dã tâm đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc trong suốt hơn một ngàn năm. Với sức mạnh đoàn kết, chúng ta đã giành lại được non sông đất nước, độc lập tự chủ, bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc. Trong suốt thời kỳ này, dân tộc ta đã giữ được tinh thần đoàn kết. Sức mạnh to lớn để giữ nước là ở trong dân; làng là thiết chế cơ bản, bền vững trong cấu trúc xã hội của người Việt, do người Việt làm chủ, văn hóa làng đã tạo nên nền tảng của khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều chính sách, biện pháp trong xây dựng sức mạnh quân sự của đất nước. Nhà Lý có chính sách viễn nhu đối với miền núi, vùng biên giới, phong quan tước, giao quyền quản đất, chăn dân, gả công chúa cho các tù trưởng; rồi qua vai trò của họ để tập hợp đồng bào dân tộc ít người gắn bó với nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Nhà Trần đã phát triển chính sách ngụ binh ư nông của thời Lý lên tầm cao mới, dựa vào dân để xây dựng lực lượng vũ trang; thực hiện chính sách vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Nhờ đó, liên tục trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, nhà Trần đã huy động được sức mạnh của toàn dân để đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Lê Lợi dưới sự phò tá của Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ nhân nghĩa; với tư tưởng chủ đạo là lấy dân làm gốc, đề cao sức mạnh to lớn của nhân dân với tư tưởng nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.
Hiện nay, kế thừa những giá trị văn hóa quân sự truyền thống của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc giá trị của các quốc gia trên thế giới, dựa chắc trên cơ sở lý luận khoa học của văn hóa quân sự vô sản, chúng ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đồng thời, tổ chức xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đó là quân đội của dân, do dân, vì dân, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, lực lượng thường trực hợp lý, dự bị hùng hậu, được huấn luyện, trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia cùng chế độ XHCN.
Ba là nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn.
Truyền thống của dân tộc đã hun đúc nên từ trí tuệ, bản lĩnh một nền nghệ thuật quân sự độc đáo mà cái gốc, căn bản, cốt lõi là lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn. Thực tiễn là trong tất cả các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc, chúng ta luôn ở trong điều kiện tương quan lực lượng rất chênh lệch, phải đương đầu với các thế lực xâm lược từ những nước lớn, quân đông, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần nhưng chúng ta đều giành thắng lợi. Đó là nhờ chúng ta vận dụng sáng tạo nghệ thuật khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân; nghệ thuật chuyển hóa lực lượng, nhỏ thành lớn, ít thành nhiều, yếu thành mạnh.
Thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, gắn liền với CNXH; kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, tạo nên thế lực mới mang tính tổng hợp để giữ nước. Tư tưởng xuyên suốt, nổi bật trong nghệ thuật quân sự Việt Nam là luôn giành quyền chủ động chiến lược. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Luôn luôn giữ quyền chủ động, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, kiên quyết không ngừng thế tiến công” (1). Điều này thể hiện sâu sắc trong xây dựng nền quốc phòng kiểu mới mang tính chất chính nghĩa, thực sự của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Nhà nước XHCN quản lý điều hành tập trung thống nhất.
Trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc XHCN, chúng ta đã phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại. Tập trung đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; đồng thời chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện, triệt tiêu những yếu tố bất lợi có thể dẫn đến xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch. Để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước, chúng ta chủ trương kết hợp chặt chẽ xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt coi trọng xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
____________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.389.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017
Tác giả : TRẦN HẬU TÂN