Chủ trương của Đảng về an sinh xã hội (ASXH) đã được Đảng bộ tỉnh Nam Định quán triệt và tổ chức thực hiện trên cơ sở thực tiễn. Quá trình đó đã đạt được một số kết quả nhất định trên những mặt chủ yếu sau:
Tỉnh Nam Định đã giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tín dụng phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thông tin thị trường lao động, qua đó đã tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập và giảm nghèo bền vững cho lao động “yếu thế”. Năm 2018, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.850 lượt người.
Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, từ năm 2003 đến năm 2017, đã giải quyết các chế độ dài hạn về bảo hiểm xã hội cho 1.155.758 lượt người, với 3.218.634.740.700 đồng; trợ cấp ốm đau cho 613.958 lượt người, 2.508.630 ngày ốm, với số tiền 169.820.484.580 đồng; trợ cấp thai sản cho 143.225 lượt người, 12.880.974 ngày nghỉ thai sản, với số tiền là 1.099.632.021.400 đồng; trợ cấp phụ hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động với số tiền 44.375.272.200 đồng. Đến năm 2018, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 16% so với lực lượng lao động của tỉnh.
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng cao. Năm 2005, toàn tỉnh có 213.434 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 37% dân số, đến hết tháng 3 năm 2018, tỉnh có 1.520.118 người tham gia, đạt tỉ lệ 82,14% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, số đối tượng được trợ cấp xã hội tăng thường xuyên: 13.891 người (năm 2006), 43.777 người (năm 2010), trên 80.650 người (2018). Trong đó, có 143 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, 72 trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật (1). Công tác trợ cấp đột xuất được tổ chức thực hiện hiệu quả với hàng nghìn hộ gia đình được hỗ trợ gạo do dịch bệnh, thiên tai, hàng chục nghìn hộ gia đình được trợ cấp đột xuất vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm; hàng trăm hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai và những lý do bất khả kháng khác được hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội, đến nay, 100% người có công và gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân; 100% xã, phường, thị trấn được đánh giá thực hiện tốt chính sách ưu đãi xã hội với người có công. Những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện ASXH gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị - xã hội, nâng cao chỉ số phát triển con người ở Nam Định.
Tuy nhiên, tỉnh Nam Định chưa tạo ra được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, GDP hằng năm có tăng nhưng mức tăng và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân chung của cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng; áp lực dân số, lao động và các đối tượng trong diện thụ hưởng chính sách tương đối lớn. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, công tác đào tạo nghề còn hạn chế, số người thất nghiệp, thiếu việc làm còn nhiều, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, bệnh tật, ốm đau đang đe dọe một bộ phận người dân, kinh phí thực hiện chính sách ASXH phần lớn phụ thuộc vào T.Ư…
Những kết quả đạt được cùng với những mặt còn hạn chế của quá trình Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo thực hiện ASXH là cơ sở đúc rút những kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện ASXH ở địa phương; đồng thời góp thêm luận cứ phục vụ công tác tổng kết lãnh đạo thực hiện ASXH của Đảng.
Một là, thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về thực hiện ASXH.
Đảng bộ tỉnh nhận thức ASXH là một hệ thống các chính sách và giải pháp được sử dụng để trợ giúp các thành viên trong xã hội đối phó với những rủi ro và khó khăn gặp phải. Đối với nước ta, hệ thống ASXH phải hướng đến bao phủ toàn dân, trong đó tập trung vào những nhóm đối tượng “yếu thế” cần được sự trợ giúp của cả cộng đồng và xã hội như công nhân, nông dân, trẻ em, người có công… Đồng thời, hoàn thiện hệ thống ASXH trong xây dựng và hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở những nhận thức chung về ASXH, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Đảng bộ tỉnh xác định vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết của tỉnh là phát triển kinh tế, xã hội để giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trợ giúp xã hội cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Giải quyết được những vấn đề này sẽ góp phần ổn định chính trị, xã hội, tạo ra động lực để phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách ASXH đối với các cấp, các ngành và nhân dân. Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công tác vận động quần chúng. Tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện đến cơ sở và cán bộ, đảng viên về chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện ASXH, chủ trương của Đảng bộ tỉnh về thực hiện ASXH trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện ASXH.
Hai là, gắn thực hiện ASXH với các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh.
Tại chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ngày 29 - 6 - 2011, Tỉnh ủy đã xác định: “Phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo ASXH”. Ngày 30 - 6 - 2011, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14 - 9 - 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, xác định phương hướng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW giai đoạn 2011 - 2015, Đảng bộ tỉnh khẳng định: “Phát triển kinh tế hài hòa, gắn kết với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường”.
Đảng bộ tỉnh đã ban hành một loạt các nghị quyết, chỉ thị để tổ chức lại sản xuất, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; phát triển ngành nghề thủ công nghiệp; phát triển làng nghề, trang trại, gia trại, qua đó tăng cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm nghèo bền vững cho lao động yếu thế, tạo ra những cơ sở vật chất cần thiết để tiếp tục thực hiện các chính sách ASXH.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ngành nghề nông thôn. Triển khai toàn diện và hiệu quả các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Tập trung các giải pháp phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Gắn thực hiện ASXH với chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh như phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới… Phát triển các vùng kinh tế theo quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và không ngừng cải thiện đời sống của người dân; tạo nguồn lực tại chỗ để thực hiện ASXH bền vững.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong thực hiện ASXH.
Đảng bộ tỉnh cũng xây dựng các chương trình hành động, chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo một số nhiệm vụ trung tâm như giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội… Vai trò tích cực trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp như UBND, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh… trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương về ASXH luôn được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, minh bạch, chính xác về thực hiện ASXH, thực hiện tiếp nhận và phân phối các nguồn ủng hộ… Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong lãnh đạo thực hiện ASXH. Tăng cường vai trò tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng trong xác định chủ trương và chỉ đạo thực hiện ASXH phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện ASXH, trực tiếp là cán bộ, đảng viên làm công tác xã hội, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ làm công tác mặt trận, công tác hội… Trong chỉ đạo thực hiện ASXH phải thường xuyên đôn đốc thực hiện các chế độ, chính sách, yêu cầu làm tốt công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo, củng cố sự tin tưởng của quần chúng nhân dân và cộng đồng. Chống lại tư tưởng chủ quan, nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn, đề ra các mục tiêu không vừa sức, không đảm bảo được các nguồn lực thực hiện. Chống lại tư tưởng không kiên quyết, thiếu triệt để, ỷ lại, trông chờ dẫn đến việc thực hiện ASXH dậm chân tại chỗ, không đem lại kết quả mong đợi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chậm được cải thiện.
Bốn là, phát huy vai trò của mọi lực lượng, nguồn lực thực hiện ASXH.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tín dụng cho nông dân, hỗ trợ họ vươn lên làm kinh tế, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho mình và cộng đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chủ động công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ hội viên về chủ trương, chính sách thực hiện ASXH của tỉnh; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo nghề, vay vốn tín dụng phát triển sản xuất; tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm, tích cực tham gia phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện. Hội Cựu chiến binh đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng huy động các nguồn vốn vay và động viên tinh thần tương thân, tương ái, phát huy nguồn lực trong nội bộ để giúp hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh. Hội Chữ thập đỏ triển khai, tổ chức hoạt động hội và phong trào chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, triển khai các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam, vận động ủng hộ nạn nhân bị tác động bởi thiên tai. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã xác định trách nhiệm của toàn xã hội trong thực hiện ASXH, phát huy các lực lượng, nguồn lực trong thực hiện ASXH trên địa bàn tỉnh, những người quê Nam Định đi làm việc tại các địa phương khác có sự hỗ trợ của cộng đồng; phát triển khả năng “tự an sinh” của các tầng lớp nhân dân, nhất là các tầng lớp yếu thế.
Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã từng bước bổ sung, phát triển chủ trương về thực hiện ASXH, tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề việc làm nhằm tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho lao động yếu thế; mở rộng, phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm; nâng cao chất lượng công tác trợ giúp xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi xã hội.
_____________
1. Số liệu được trích dẫn từ Báo cáo tổng kết năm của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định.
Tác giả: Trần Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019