Lâm Đồng là một tỉnh đa dân tộc, tôn giáo, địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng của khu vực nam Tây Nguyên. Để đạt được những mục tiêu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, luôn xác định công tác dân vận là một nhân tố nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong toàn tỉnh.
Những năm qua, công tác dân vận trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng đã được các cấp Đảng bộ của tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được những thành tựu quan trọng. Thông qua công tác dân vận khéo, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc tạo sự đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đưa Lâm Đồng trở thành khu vực trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh gặp phải những khó khăn, bất cập, thể hiện ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị tụt hậu; các quan hệ dân tộc còn nhiều tiềm ẩn những mâu thuẫn có thể bùng nổ xung đột dân tộc; một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có suy nghĩ, hành vi co cụm, đố kỵ với bà con dân tộc khác, sống cô lập làm cho sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa dân tộc ngày càng trở thành rào cản cho việc tiến hành công tác dân vận trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng sự phân hóa về đời sống vật chất và tinh thần giữa các dân tộc thiểu số với các dân tộc khác để kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác dân vận. Chúng tạo cớ để can thiệp, chống phá từ bên ngoài. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã mắc mưu các thế lực thù địch và có hành vi chống đối có tổ chức, gây ảnh hưởng lớn đến công tác dân vận trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Do đó, để công tác dân vận trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Lâm Đồng đạt được kết quả cao, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số kinh nghiệm chủ yếu sau:
Cần nhận thức đúng đắn vai trò của công tác dân vận trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng
Công tác dân vận có vai trò to lớn, không có công tác dân vận thì không thể giữ vững thế trận lòng dân. Thực tiễn cho thấy khi có những sự kiện chính trị diễn ra đột ngột mới thấy vai trò của công tác dân vận là vô cùng to lớn. Vì vậy, phải quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” làm cho mỗi đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhận thức đúng đắn về vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu bức xúc của công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, từ đó toàn tâm, toàn ý chăm lo, quan tâm công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Trong Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc của Tỉnh ủy Lâm Đồng ngày 2-5-2018 đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong thời gian tới là: “Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân” (1).
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, ngành địa phương phải tạo nên sự chuyển biến rõ ràng về nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Không nên nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ của riêng Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể. Có như vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận mới được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Để thực hiện tốt công tác dân vận, vấn đề có ý nghĩa quyết định là các cấp ủy đảng phải nắm chắc các quan điểm, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân vận, từ đó vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế địa phương, kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Những quyết sách đó phải được xây dựng thành những nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể và phải coi đây là vấn đề thường trực lãnh đạo của cấp ủy.
Ban Dân vận các cấp - cơ quan tham mưu cấp ủy về công tác dân vận phải thường xuyên khảo sát, đánh giá, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, những vấn đề mới phát sinh; định kỳ tiếp xúc với đại diện mặt trận và các địa phương; ghi nhận và phản ánh đúng những ý kiến của mọi thành phần trong xã hội; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, có chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đề xuất với cấp ủy chỉ đạo kịp thời công tác mặt trận.
Công tác dân vận phải hướng về cơ sở, nhất là các thôn, buôn làng, đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung, phương pháp vận động phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý của đồng bào các dân tộc
Thực tiễn công tác dân vận với kết quả cụ thể được phản ánh chủ yếu trước hết ở cơ sở. Vì vậy, mọi hoạt động của các lực lượng làm công tác dân vận đó là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải hướng mạnh về cơ sở, coi cơ sở có ý nghĩa nền tảng quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Mặt trận và các đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, hoạt động thông qua quy chế phối hợp hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, từng dân tộc, đến từng hộ gia đình, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Vận động nhân dân và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo vượt lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, các phong trào phải có nội dung và hình thức phù hợp với điều kiện phong tục, tập quán của từng cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội có thể thu hút ngày càng nhiều hội viên vào các tổ chức. Xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng khu dân cư. Bám sát quần chúng để hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phát huy, nhân rộng những sáng kiến tích cực. Vừa làm tốt chức năng tuyên truyền giáo dục, vừa quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, công tác dân vận có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó chỉ đạt kết quả khi vận dụng đúng đường lối, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Phải thực hiện bình đẳng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, từng bước nâng cao dân trí, dân chủ, dân sinh kết hợp với tăng cường đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng những hình thức, biện pháp cụ thể, chân tình và thiết thực. Do trình độ tư duy của đồng bào còn hạn chế, đời sống kinh tế và văn hóa còn nhiều khó khăn cho nên phương thức, phương pháp dân vận có hiệu quả nhất là bằng thực tế. Vận động đồng bào tiến hành từng bước từ thấp đến cao, phải trực tiếp nghe đồng bào nói, nói cho đồng bào nghe và làm cho đồng bào thấy theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng, hướng mạnh về cơ sở, bám địa bàn, bám dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng nhân dân, kịp thời phản ánh, đề xuất chủ trương, giải pháp giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân, coi trọng đối thoại trực tiếp với nhân dân trong giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Tổ chức sâu rộng và có chất lượng, hiệu quả các phong trào quần chúng; phát huy sức mạnh, tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, ý thức và tinh thần dân chủ, tự quản của nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh tại cộng đồng dân cư trên cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước.
Công tác dân vận là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị các cấp
Thực tế ở Lâm Đồng cho thấy, trong đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác phát động quần chúng, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là chiến lược xuyên suốt, có vai trò đảm bảo cho việc giành thắng lợi vững chắc lâu bền. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, xác định rõ trách nhiệm của cấp cơ sở trong việc chủ động, tự lực làm công tác này, còn huyện, tỉnh là hỗ trợ. Cần củng cố, kiện toàn lại các đội công tác phát động quần chúng theo hướng mỗi xã, thị trấn trọng điểm có một đội công tác phát động quần chúng do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư làm đội trưởng; buôn trọng điểm có một tổ do đảng viên phụ trách; cán bộ tham gia đội công tác phát động quần chúng phải biết công tác quần chúng. Các đoàn thể chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh các phong trào hoạt động của quần chúng và cử cán bộ tham gia các đội công tác phát động quần chúng.
Nhiệm vụ của đội công tác phát động quần chúng là bám buôn, bám dân vừa tuyên truyền giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, vừa cùng với địa phương phát triển kinh tế, xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng chi bộ thôn, buôn, xây dựng các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn và xây dựng cốt cán trong quần chúng nhân dân; đồng thời nắm chắc thông tin, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý tình hình nhanh chóng, kiên quyết không để cho tổ chức phản động phát triển, xây dựng cơ sở ngầm. Các cấp ủy đảng xây dựng và thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, quy trình thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị. Gắn chặt công tác vận động quần chúng với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thường xuyên quan tâm kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở, vùng dân tộc, tôn giáo; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, cử cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm và uy tín với nhân dân để phụ trách công tác dân vận.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các ban, ngành nhằm khai thác và phát huy nguồn lực của nhiều lực lượng để cùng làm công tác vận động quần chúng. Coi trọng việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, khảo sát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để kịp thời có chủ trương, giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có tâm huyết, biết nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin
Tăng cường xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Cán bộ, đảng viên được phân công làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngoài phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, thật thà, trung thực, đi sâu, đi sát cơ sở, cần phải biết tiếng nói của đồng bào, am hiểu tâm tư, nguyện vọng, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Thực tế cho thấy, những cán bộ làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết nghe và nói được tiếng của đồng bào nơi mình công tác; hiểu nhiều về phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào thì được đồng bào tin yêu, luôn nói lên những tâm sự thật của mình. Khi vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia các chương trình do các ngành, các cấp phát động đều thu được kết quả cao. Ngược lại, những cán bộ, đảng viên không biết tiếng và không am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào thì gặp nhiều khó khăn, lúng túng, thậm chí là thất bại trong quá trình công tác. Điều này thường để lại ấn tượng không tốt trong đồng bào, ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Trong cơ cấu đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở tỉnh Lâm Đồng, cán bộ là người các dân tộc thiểu số tại chỗ giữ vị trí rất quan trọng. Họ là những người gắn bó với quê hương, hiểu được ngôn ngữ, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Đây là một thuận lợi lớn trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lời nói và việc làm của họ có tính thuyết phục rất lớn, tạo được sự tin tưởng trong đồng bào các dân tộc. Có những việc, vấn đề phải là người cán bộ dân tộc thiểu số giải quyết, tuyên truyền, giáo dục mới đạt kết quả cao. Chính họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc và cũng là trụ cột để giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đoàn kết dân tộc ở địa bàn chiến lược này.
Vì vậy việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc tại chỗ là yêu cầu quan trọng và cấp bách. Bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ người Kinh, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hoạt động. Đồng thời phải kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; chú trọng xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán của đoàn thể ở cơ sở đề làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các phong trào quần chúng.
_________________
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 258-BC/TU về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khỉa IX) về công tác dân tộc ngày 2-5-2018, Lâm Đồng, tr.13.
2. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X - nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tác giả: Đỗ Quang Đạt - Đặng Văn Dũng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020