MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA SƯ PHẠM VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH HỌC VIÊN SĨ QUAN QUÂN ĐỘI

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nêu nhiệm vụ: “Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống” (1). Xây dựng môi trường văn hóa sư phạm ở các trường đại học quân sự (TĐHQS) là quá trình tạo ra môi trường trong sạch, lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu yêu cầu đào tạo. Hiện nay, hầu hết các TĐHQS đều chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm để qua đó giáo dục nhân cách, lối sống cho học viên đào tạo sĩ quan;   từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện. Đó chính là quá trình phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường, tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho quá trình phát triển nhân cách của học viên đào tạo sĩ quan ở các TĐHQS.

Học viên đào tạo sĩ quan ở các TĐHQS hiện nay có đặc điểm nổi bật là: phần lớn trong số họ là tuổi đời còn trẻ lần đầu tiên tham gia hoạt động trong môi trường sư phạm quân sự, mặt bằng học vấn cao, có nhiều tiềm năng to lớn và đang phát triển, hoàn thiện về hệ thống phẩm chất chính trị, đạo đức; có ý chí quyết tâm, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ. Với họ, môi trường sư phạm quân sự hoàn toàn mới mẻ từ ăn, ở, học tập, sinh hoạt, đi lại, lễ tiết, tác phong, xưng hô, chào hỏi... Từ những đặc điểm trên và trước yêu cầu của quá trình giáo dục, đào tạo, trong những năm qua, các TĐHQS luôn coi trọng và tăng cường xây dựng môi trường văn hóa sư phạm, từ đó tích cực giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học viên đào tạo sĩ quan. Có môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh giúp học viên đào tạo sĩ quan ở các TĐHQS làm quen với những quy định, chuẩn mực trong môi trường thực tiễn xã hội - quân sự, trên cơ sở đó để họ từng bước điều chỉnh, nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi; từng bước hình thành nhân cách, phẩm chất xã hội quân sự cần thiết của học viên sĩ quan. Do vậy, để phát triển nhân cách học viên đào tạo sĩ quan, các TĐHQS phải tạo môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, thực hiện tốt những nội dung, biện pháp cơ bản sau đây:

Môi trường văn hóa sư phạm góp phần bồi dưỡng, xây dựng, phát triển và hoàn thiện nếp sống văn hóa sư phạm quân sự. Đây là quá trình xác lập một môi trường học tập, rèn luyện và đồng thời môi trường văn hóa sư phạm còn xác lập các hệ giá trị văn hóa chuẩn mực định hướng quá trình giáo dục, rèn luyện nhân cách học viên đào tạo sĩ quan theo các tiêu chí xác định. Thiết lập, củng cố các hệ giá trị chuẩn mực trong nhân cách học viên đào tạo sĩ quan, đồng thời lựa chọn các phương thức, biện pháp để định hướng, điều chỉnh nhằm phát huy vai trò lo lớn của nó trong giáo dục, rèn luyện của học viên, thông qua hoạt động của mỗi quân nhân để chuyển các giá trị đó thành những phẩm chất bên trong, bền vững trong mỗi nhân cách. Đó là các hệ giá trị văn hóa trong truyền thống yêu nước, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam; khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam; truyền thống trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đây là quá trình làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng không ngừng được củng cố, phát huy, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mỗi học viên đào tạo sĩ quan. Dưới tác động của văn hóa và quy luật phát triển văn hóa, các mục tiêu, các hệ tiêu chí ấy được cụ thể hóa thành những dạng kiến thức cụ thể, những giá trị văn hóa cụ thể như văn hóa yêu nước, văn hóa học tập, văn hóa kỷ luật, văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa chính quy… được mọi học viên đào tạo sĩ quan tiếp nhận một cách tự nguyện, đồng thời khơi dậy ở mỗi học viên ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, qua đó từng bước hình thành, phát triển ở họ những phẩm chất, nhân cách cần thiết góp phần thực hiện thắng lợi chức trách, nhiệm vụ được giao trước yêu cầu mới, phấn đấu vươn lên hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Môi trường văn hóa sư phạm góp phần củng cố, phát triển các quan hệ giữa giáo dục trong các TĐHQS. Củng cố và phát triển các mối quan hệ văn hóa ở các TĐHQS hiện nay cần tập trung vào củng cố, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp như: quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng; cấp trên và cấp dưới; quan hệ giữa người dạy và người học; quan hệ giữa người học với nhau và quan hệ giữa người dạy với đồng nghiệp… Trong môi trường giáo dục, đào tạo, mỗi lời nói, việc làm mô phạm của đội ngũ cán bộ, giảng viên có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và hành động của học viên đào tạo sĩ quan. Vì lẽ đó, các TĐHQS hết sức quan tâm đến việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên phát triển toàn diện, cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp và lối sống. Chú trọng rèn luyện tác phong công tác, nhất là tính khoa học, tính kế hoạch của mỗi người; đảm bảo trong mỗi công việc đều phải rõ nội dung, chỉ tiêu, thời gian hoàn thành cụ thể; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hết lòng vì sự tiến bộ của đơn vị, của học viên. Từ đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục thật sự là những nhân cách tiêu biểu có sức cảm hóa lớn. Ngoài các mối quan hệ trên, các TĐHQS còn có các quan hệ tâm lý, xã hội khác rất đa dạng và phong phú. Xây dựng các mối quan hệ trên nhằm làm cho mọi thành viên trong nhà trường có tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của xã hội và của quân đội. Các chế độ, nền nếp hoạt động giáo dục, huấn luyện và sinh hoạt được thực hiện một cách khoa học, thống nhất, đồng bộ, đúng kế hoạch. Đó là điều kiện tốt để phát triển các phẩm chất nhân cách cần thiết cho mọi học viên. Môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh còn là xây dựng cơ sở vật chất giáo dục kết hợp hài hòa với việc cải tạo cảnh quan môi trường bảo đảm xanh, sạch, đẹp có tác dụng giáo dục đạo đức, nhân cách tình cảm thẩm mỹ tốt đẹp cho mọi học viên đào tạo sĩ quan... Các quan hệ này phải được nâng lên một tầm cao mới, với chất lượng mới thấm đậm tính nhân văn, làm cho các quan hệ đó hóa thành các chuẩn mực, thói quen, hành vi của mỗi con người, trở thành văn hóa trong lãnh đạo, chỉ huy, văn hóa trong ứng xử, giao tiếp, học tập, sinh hoạt... tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Môi trường văn hóa sư phạm góp phần hướng mọi hoạt động văn hóa vào mục tiêu giáo dục nhân cách cho học viên đào tạo sĩ quan. Cùng với các hình thức hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cơ bản, cần đặc biệt quan tâm tới các hình thức hoạt động khác như kết hợp chặt chẽ việc xây dựng các thiết chế văn hóa với thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa sư phạm với xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; kết hợp xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong nhà trường với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân. Với chủ trương tự lực, tự cường, kết hợp với sự giúp đỡ, hỗ trợ của trên, nhà trường cần tích cực đầu tư xây dựng, cải tạo, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo cho quá trình giáo dục, đào tạo và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của bộ đội. Hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, nhà truyền thống, hoạt động thư viện, tuyên truyền cổ động, đọc sách báo; hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; hoạt động câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh phải thường xuyên được củng cố, duy trì hoạt động có nền nếp, hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, học viên, chiến sĩ đến học tập, nghiên cứu. Nơi ăn, ở, sinh hoạt, cảnh quan, môi trường của các đơn vị ngày càng chính quy, thống nhất, đảm bảo xanh sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu môi trường sư phạm quân sự. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho học viên vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, đặc biệt là những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ tết phải thường xuyên được tổ chức, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội ngày càng phong phú.

Môi trường văn hóa sư phạm góp phần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, phản văn hóa xâm nhập vào đời sống học viên đào tạo sĩ quan. Mặt trận chính trị, tư tưởng giữ vai trò là thành tố, một hệ giá trị cơ bản không thể thiếu trong toàn bộ các hệ giá trị hợp thành của môi trường văn hóa sư phạm. Trong môi trường văn hóa sư phạm, các hệ giá trị văn hóa chủ đạo ấy ngày càng lan tỏa vào các thành tố của môi trường văn hóa sư phạm, thực sự giữ vai trò là nền tảng định hướng toàn bộ việc xây dựng, phát huy các hệ giá trị khác trong môi trường văn hóa sư phạm, từng bước ngăn chặn và loại bỏ hiệu quả mọi biểu hiện tiêu cực bằng cách vừa phát huy, vừa đấu tranh lọc bỏ những phản giá trị, phản văn hóa xâm nhập hoặc nảy sinh trong môi trường sư phạm của học viên đào tạo sĩ quan.

Ngày nay, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ hiện đại, hợp tác, giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang mở ra cho đất nước những điều kiện mới của sự phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, là sự tác động tiêu cực, thẩm lậu những phản giá trị, phản văn hóa, lối sống thực dụng, ích kỷ vào môi trường xã hội, đã và đang làm xói mòn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta... Làm lành mạnh môi trường văn hóa sư phạm trong các TĐHQS là sự tối ưu nhằm loại bỏ những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học viên đào tạo sĩ quan. Môi trường văn hóa sư phạm tốt đẹp, lành mạnh, phong phú là cái nôi để giáo dục cho mọi học viên đào tạo sĩ quan hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của người học viên đào tạo sĩ quan, hình thành ở họ hệ giá trị xã hội tốt đẹp, có ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, trân trọng nghĩa tình, ứng xử nhân văn, thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội; kịp thời cổ vũ, nuôi dưỡng, nhân rộng những tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tạo ra những điều kiện thuận lợi để biến quá trình giáo dục, rèn luyện thành quá trình tự rèn luyện, tự hoàn thiện các giá trị tinh thần. Thông qua sáng tạo, hưởng thụ và trao đổi văn hóa, môi trường văn hóa sư phạm tạo điều kiện để giữ gìn, phát triển các giá trị tinh thần của học viên đào tạo sĩ quan, truyền thống của nhà trường; phát huy sức mạnh của văn hóa, mà trực tiếp là thông qua các thiết chế của nó. Môi trường văn hóa sư phạm thiết lập một hành lang pháp lý - văn hóa an toàn, đủ khả năng phát hiện, tập hợp, thanh lọc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình hội nhập đồng thời đủ sức đề kháng, vô hiệu hóa sự thẩm lậu của các biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa xâm nhập vào cơ quan, đơn vị và đời sống tinh thần mỗi học viên đào tạo sĩ quan.

Môi trường văn hóa sư phạm trong các TĐHQS với những vấn đề nêu trên có vai trò to lớn, bồi dưỡng xây dựng, phát triển những giá trị văn hóa chuẩn mực trong nhân cách người học viên đào tạo sĩ quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình giáo dục, đào tạo của nhà trường hiện nay. Môi trường văn hóa sư phạm luôn tác động mạnh mẽ đến việc tạo ra các giá trị tinh thần, đạo đức, truyền thống được nâng cấp bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc và nội tâm hóa trong nhân cách thành chuẩn mực định hướng cho hành vi cũng như nhận thức, đánh giá giá trị nhân cách. Đương nhiên tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường văn hóa sư phạm đến sự hình thành, phát triển nhân cách học viên đào tạo sĩ quan còn tùy thuộc vào quan điểm, thái độ, xu hướng, năng lực và sự vận động của người học viên đào tạo sĩ quan tham gia vào việc cải biến môi trường.

____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN TUẤN LÊ

;