Long Cốc (Phú Thọ): Điểm đến du lịch hấp dẫn miền trung du

Cách Hà Nội khoảng 125km và từ thành phố Việt Trì khoảng 70km, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được mệnh danh là “vịnh Hạ Long vùng Trung du”, nơi đây sở hữu những đồi chè to lớn hình bát úp, với hàng trăm quả đồi xanh mướt, nhấp nhô như những con sóng xanh uốn lượn, đan xen với nhau. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của Phú Thọ, không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn là tiềm năng để phát triển du lịch.

Hoàng hôn đồi chè

Tiềm năng du lịch sinh thái và cộng đồng

Nói đến Phú Thọ, người dân và du khách thường nghĩ ngay đến Lễ hội Đền Hùng, được diễn ra vào ngày mùng 10-3 âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hiện nay, Phú Thọ có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, đã và đang là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá để phát triển du lịch.

Ngoài ra, Phú Thọ được thiên nhiên ưu ái ban tặng, rất phù hợp với sự phát triển của cây chè và cũng là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh Phú Thọ: danh thắng đồi chè là điểm tham quan mới được du khách trong và ngoài nước đón nhận, yêu thích và thu hút giới nghệ sĩ nhiếp ảnh đến sáng tác, trải nghiệm. Điểm du lịch đồi chè Phú Thọ rất thuận lợi cho khách du lịch tham quan các tour liên kết tỉnh Phú Thọ với vùng Tây Bắc, là điểm nhấn đặc biệt có sức lôi cuốn. Khác với vẻ đẹp của nhiều vùng chè trên cả nước, đồi chè Phú Thọ có nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được của địa hình vùng đất trung du, đồi thấp chen đồi, nối tiếp nhau san sát.

Là một xã miền núi với trên 93,3% người dân tộc Mường, nguồn thu nhập chính của người dân xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực của địa phương. Những năm qua, địa phương cũng nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.

Thưởng thức sản phẩm trà Long Cốc

Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, dịch vụ du lịch cộng đồng tại Long Cốc đã hình thành hơn 4 năm qua, hiện tại có 5 hộ kinh doanh homestay phục vụ du khách các dịch vụ như: ăn uống, lưu trú, cho thuê trang phục chụp ảnh, chương trình biểu diễn văn hóa dân tộc, trải nghiệm quy trình sản xuất chè xanh, chế biến ẩm thực địa phương…

Đến với Long Cốc, du khách được về với thiên nhiên trong lành, yên bình, được thoát khỏi những lo toan, bận rộn trong cuộc sống hằng ngày. Với chương trình trải nghiệm khám phá tour du lịch (2 ngày 1 đêm), du khách sẽ được hòa mình vào với những cảnh quan thơ mộng, những đồi chè trùng điệp xanh mướt trải dài. Du khách cũng được gặp gỡ, giao lưu với người dân nơi đây, những con người hiền lành chất phác, và rất thân thiện. Đại đa số người dân nơi đây là người đồng bào dân tộc Mường.

Cách xao chè thủ công truyền thống của địa phương

Long Cốc là điểm đến mà bạn có thể ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng mùa hè là mùa đẹp nhất của đồi chè, vào những ngày đẹp trời thời tiết thuận lợi trên các đồi chè luôn nhộn nhịp các đoàn khách quay phim, chụp ảnh. Từ những bức ảnh chụp đồi chè Long Cốc, đã có nhiều tác giả đoạt các giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, qua đó, hình ảnh đồi chè trung du được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Được thiên nhiên ban tặng cùng khí hậu ôn hòa, đến với những đồi chè Long Cốc, du khách như lạc vào không gian thuần khiết của hàng trăm ha chè nằm hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ. Những con đường đất uốn lượn, quanh co bên sườn đồi và khung cảnh đẹp của các đồi chè sẽ đưa du khách đi từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Những trải nghiệm khó quên

Long Cốc là một trong những điểm đến lý tưởng, thời điểm đẹp nhất là từ tháng 3 đến tháng 12 hằng năm. Lúc này, chè lên xanh mát phủ kín cả ngọn đồi, tạo thành những tấm thảm xanh đầy sức sống.

Du khách tham gia trải nghiệm làm xôi ngũ sắc

Địa điểm đẹp nhất ở Long Cốc là đồi chè Vó Ngựa và đồi Bông. Đây là 2 đồi chè nằm ở vị trí cao nhất trong hệ thống đồi ở Long Cốc. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan đồi chè xanh tốt. Để có những bức ảnh đẹp, du khách nên đến đây vào buổi sáng sớm để đón ánh bình minh và lúc chiều tà hoàng hôn ngả bóng, mặt trời dần khuất dạng trên những đỉnh đồi xa xa. Lúc đó, toàn bộ không gian đồi chè nằm chìm trong màn sương mờ ảo, len lỏi chút nắng nhẹ buổi sớm mai hay ráng vàng chiều hôm. Trong thời khắc ấy, vạn vật xung quanh bỗng tươi đẹp và bình yên đến lạ thường. Với khung cảnh lãng mạn, thơ mộng ấy, Long Cốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhiếp ảnh gia. Họ chụp để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tạo hóa và sự tuyệt mỹ của cảnh sắc tự nhiên.

Sau khi thỏa sức sáng tạo trên những đồi chè xanh ngát, du khách tiếp tục hành trình khám phá thiên nhiên và văn hóa dân tộc Mường, Dao. Phong cảnh thiên nhiên và nhịp sống con người nơi đây vẫn còn nguyên sơ yên bình, tạo nên cảnh sắc núi rừng thơ mộng, con người được hòa quyện với thiên nhiên, được hòa mình vào nhịp sống yên bình để quên đi những ồn ào vội vã nơi thành thị. Bên nếp nhà sàn cùng nhau thưởng thức ẩm thực núi rừng, cùng cạn ly rượu nồng thơm và mộc mạc.

Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành

Du khách sẽ được trải nghiệm cách làm xôi ngũ sắc đặc trưng riêng của các dân tộc Tây Bắc. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thủy, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Xôi ngũ sắc của người Mường Long Cốc với nguyên liệu chính là những hạt gạo nếp thơm dẻo đặc sản của địa phương, được ngâm và nhuộm màu từ những nguyên liệu tự nhiên, thông thường, người dân nơi đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh: dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng: dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

Du khách có dịp trải nghiệm, tham gia với đồng bào Mường chế biến các món thịt chua, thịt nướng hạt dổi thơm ngon nổi tiếng của dân tộc Mường. Theo chị Kim Hương, người dân tộc Mường tại Long Cốc chia sẻ, trước đây thịt lợn muối chua chỉ là cách chế biến để bảo quản thịt được lâu hơn, rồi dần dần món thịt chua trở thành món ăn truyền thống của người Mường không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết và xuất hiện thường xuyên mỗi khi các gia đình đón khách.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm thịt chua cùng người Mường

Thịt chua được chế biến từ những tảng thịt ngon phần mông và bì lợn, thịt được thái miếng mỏng cùng với bì lợn được nướng vàng trên bếp than sau đó thái mỏng, đem tẩm ướp với gia vị và đặc biệt không thể thiếu vị hạt dổi nướng. Để thịt ngấm đều gia vị, cũng như quá trình lên men nhanh chóng, và một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong thịt chua đó là thính ngô. Thịt sau khi đã bóp đều với thính ngô và các gia vị, thì được cho vào các ống nứa hay hộp thủy tinh, hộp nhựa và được lót bởi các lớp lá ổi. Khâu cuối cùng là đem thịt chua để trên gác bếp (ngay phía trên bếp củi) của gia đình, ủ từ 3 đến 5 ngày là có thể dùng. Điểm khác biệt của món thịt chua là ngoài vị chua lên men tự nhiên, vị ngọt của thịt lợn, còn có vị bùi ngậy của bì lợn, vị thơm ngon của thính và hạt dổi. Thịt chua của người Mường được ăn kèm với nhiều loại lá như lá sung, lá mơ, lá đinh lăng… và đặc biệt thơm ngon hơn khi ăn cùng với lá dổi do người dân địa phương trồng.

Mâm cỗ của người Mường không thể thiếu món thịt chua hạt dổi đặc biệt thơm ngon

Đến với Long Cốc, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm cách xao chè truyền thống cùng người dân địa phương và không thể thiếu việc ẩm trà cùng người dân nơi đây. Tại Long Cốc hiện nay đang có một số sản phẩm trà được người dân chế biến để phục vụ du khách thưởng thức cũng như mua về làm quà tặng như: Hoàng trà (được lên men 45% từ trà Shan tuyết cổ thụ); Bạch trà (được thu hái một tôm từ búp trà Shan tuyết và được phơi tự nhiên, không có tạp chất); Lục trà (được thu hái 1 tôm 2 lá từ những búp trà Shan tuyết); Hồng trà (hay hồng Shan được thu hái 1 tôm 2 lá và được lên men trên 90%, rất phù hợp với chị em phụ nữ); Trà mỹ nữ (là một sản phẩm đặc biệt, được chế biến từ những lá trà bị sâu ăn, có hương vị thơm ngon) và trà đinh Bát Tiên.

Long Cốc còn hấp dẫn với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường, Dao. Hòa mình vào các sinh hoạt cộng đồng của người Mường như đâm ống, múa sạp,… và cùng thưởng thức vị chè đặc trưng, xôi ngũ sắc, thịt chua, cơm lam… Theo anh Hưng, chủ homestay Hưng Yên ở Long Cốc chia sẻ, Long Cốc được thiên nhiên ưu đãi cho không khí trong lành, cảnh sắc nên thơ với những đồi chè xanh mướt, nếu phát triển đúng hướng sẽ là tiềm năng để thu hút du khách qua hoạt động cộng đồng. 

Tiết mục văn nghệ múa đâm ống của người Mường

Du khách cùng hòa mình vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương

Trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và đầu tư của doanh nghiệp, người dân, du lịch đồi chè Phú Thọ, trong đó có Long Cốc, sẽ trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cùng với Tà Xùa, Mù Cang Chải, Bắc Hà…, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: VĂN CHÍNH

;