1. Đặt vấn đề
Du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp lớn nhất toàn cầu và phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều việc làm và phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các công ty lữ hành đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này. Theo Liên đoàn các nhà điều hành tour du lịch quốc tế, các công ty lữ hành outbound chiếm 12% lượng khách quốc tế, trong khi ở châu Âu, các công ty lữ hành outbound chiếm 35% các kỳ nghỉ giải trí bằng đường hàng không. Con số này chưa tính đến những kỳ nghỉ trọn gói do các công ty lữ hành inbound hoặc các đại lý bán trực tiếp cho khách du lịch tại các điểm đến.
Tại Việt Nam, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước, trong đó doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc tạo việc làm, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách du lịch. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, du lịch Việt Nam đã đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tính đến hết năm 2022, cả nước có 2.894 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021. Trong đó có 1.024 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.839 công ty TNHH, 4 doanh nghiệp tư nhân. Cả nước có 1.302 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và khoảng gần 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, là thành phần chính giúp ngành Du lịch tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và đóng góp trên 9% GDP của cả nước (1).
Du lịch tăng trưởng mang đến giá trị to lớn về kinh tế và việc làm, song cũng gia tăng các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, từ việc tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm, phát sinh chất thải. Các hoạt động du lịch cũng có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy văn hóa địa phương. Do chiếm thị phần đáng kể, các công ty lữ hành phải chịu một phần trách nhiệm về những tác động tiêu cực này của du lịch vì họ xác định nơi có nhiều khách du lịch đến và phương tiện, thiết bị mà khách sử dụng.
Công ty lữ hành đóng vai trò trung tâm trong ngành Du lịch. Với tư cách là trung gian giữa khách du lịch và nhà cung cấp dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp lữ hành có thể tác động đến sự lựa chọn của du khách, thực hành của nhà cung cấp và mô hình phát triển của các điểm đến. Từ vị trí trung tâm này có thể khẳng định các doanh nghiệp lữ hành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường và văn hóa mà ngành Du lịch phụ thuộc vào.
Một môi trường trong lành và nguyên sơ với văn hóa địa phương đích thực và người dân thân thiện là những lý do khiến mọi người đi du lịch. Do đó, các công ty lữ hành cần quan tâm đến việc giữ gìn môi trường tại các điểm đến và thiết lập mối quan hệ tốt với cộng đồng địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và tăng sự hài lòng của du khách.
Thực tế cho thấy, phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Ngày càng có nhiều cuộc khảo sát cho thấy khách hàng phản hồi tích cực với các hành động của các công ty lữ hành nhằm cải thiện tính bền vững của doanh nghiệp. 93% độc giả của Tạp chí Conde Nast Travellers được khảo sát cho rằng, các công ty lữ hành phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, 71% thành viên của TripAdviser trong cuộc khảo sát năm 2013 cho rằng họ có kế hoạch lựa chọn các chuyến du lịch thân thiện với môi trường (2).
Bên cạnh việc tăng cường giá trị thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp lữ hành với người tiêu dùng, việc tích hợp các nguyên tắc bền vững vào thực tiễn kinh doanh của công ty lữ hành cũng có thể tạo ra mối quan hệ tốt hơn với các nhà cung cấp, nhân viên và cộng đồng địa phương, tăng sự tôn trọng của họ với tư cách là đối tác tại các điểm đến và hạn chế rủi ro xảy ra các vấn đề hoặc xung đột. Danh tiếng tích cực mạnh mẽ và ít rủi ro xung đột có thể dẫn đến tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực chính như vốn, khả năng phát triển sản phẩm trong thị trường ngày càng cạnh tranh, đội ngũ nhân viên năng động và trung thành. Từ quan điểm tài chính, các hoạt động bền vững cũng có thể tăng doanh thu và giá trị cổ đông, đặc biệt thông qua việc tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh lặp lại hơn, thu hút khách hàng mới, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tài chính yếu, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn, khiến cho sự quan tâm và đầu tư vào phát triển bền vững doanh nghiệp chưa được chú trọng. Do đó, việc nghiên cứu và chỉ ra lợi ích của việc phát triển doanh nghiệp lữ hành bền vững sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ thúc đẩy thực hành bền vững trong quá trình quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.
2. Doanh nghiệp lữ hành phát triển bền vững
Phát triển bền vững
Cách tiếp cận của phát triển bền vững được coi là một cách tiếp cận toàn diện, thiết lập sự cân bằng giữa nhu cầu của con người và tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên để cho phép một chương trình phù hợp với hiện tại và trong tương lai trên cơ sở kinh tế, môi trường, xã hội, và nó lần đầu tiên được định nghĩa theo cách toàn diện này trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, do Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc soạn thảo năm 1987 (3).
Khái niệm bền vững, thường được sử dụng trong một số lĩnh vực, được định nghĩa là một quá trình có sự tham gia cho phép sử dụng cẩn thận tất cả các nguồn lực xã hội, văn hóa, khoa học, tự nhiên và con người, tạo ra quan điểm xã hội dựa trên sự nhạy cảm này (4).
Phát triển bền vững dựa trên ý tưởng rằng, phát triển kinh tế, xã hội, môi trường là một tổng thể không thể tách rời và việc thiếu bất kỳ thứ nào trong số này sẽ ngăn cản những thứ khác trở nên sống động (5).
Một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, “phát triển bền vững” có thể được định nghĩa là “việc đáp ứng các nhu cầu của ngày hôm nay mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” (6).
Tính bền vững của doanh nghiệp
Thuật ngữ tính bền vững của công ty mô tả một mô hình quản lý công ty với mục tiêu là cung cấp giá trị lâu dài cho các bên liên quan mà không ảnh hưởng đến con người, hành tinh hoặc nền kinh tế. Trong đó, nhấn mạnh đến tăng trưởng và lợi nhuận thông qua các hoạt động kinh doanh có chủ đích trong ba lĩnh vực của xã hội:
Trụ cột môi trường thường được nhắc đến nhiều nhất trong ba trụ cột của sự bền vững doanh nghiệp. Nó bao gồm những hành động khác nhau mà các công ty có thể thực hiện để giảm tác động đến môi trường và lượng khí thải carbon. Ví dụ như giảm chất thải bao bì, giảm sử dụng nước, tái chế vật liệu và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững...
Trụ cột xã hội tập trung vào một công ty đang tìm kiếm sự chấp thuận của các bên liên quan, nhân viên và cộng đồng địa phương. Một phần quan trọng của sự bền vững doanh nghiệp là sự cống hiến của công ty trong việc chăm sóc tốt mọi người bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Các thực hành trụ cột xã hội bao gồm loại bỏ lao động trẻ em, cung cấp quyền làm mẹ và nghỉ thai sản, trả lại lợi ích cho cộng đồng...
Trụ cột kinh tế liên quan đến việc thực hiện các phương thức kinh doanh bền vững để thúc đẩy lợi nhuận dài hạn. Xét cho cùng, một công ty không thể có tác động tích cực đến môi trường hoặc cộng đồng nếu nó không có lợi nhuận. Các yếu tố của trụ cột kinh tế bao gồm tuân thủ và quản trị công ty tốt. Có nghĩa là, giá trị của các bên liên quan và ban quản lý phù hợp với nhau về cách sử dụng các nguồn lực. Trụ cột kinh tế giúp một công ty có thể lập chiến lược và đầu tư vào các phương pháp phát triển bền vững mới của công ty.
Doanh nghiệp lữ hành hoạt động, phát triển theo hướng bền vững
Theo như khái niệm của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ cho Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành là một doanh nghiệp cung cấp các chương trình du lịch, được kết hợp từ các dịch vụ của những nhà cung cấp riêng biệt để tạo thành các chương trình du lịch trọn gói (hoặc từng phần), được bán trực tiếp cho khách du lịch hoặc thông qua đại lý lữ hành. Doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp và thực hiện các dịch vụ (từ các nhà cung cấp) được xác định trong một chương trình du lịch trọn gói nhất định. Họ cũng có thể là nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp, khi một số doanh nghiệp lữ hành kinh doanh có cả dịch vụ vận chuyển và lưu trú hoặc các dịch vụ khác liên quan đến du lịch (7).
Doanh nghiệp lữ hành bền vững là doanh nghiệp lữ hành có mô hình quản lý công ty với mục tiêu là cung cấp giá trị lâu dài cho các bên liên quan mà không ảnh hưởng đến con người, hành tinh hoặc nền kinh tế.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành bền vững chú trọng thực hiện các hành động làm giảm tác động đến môi trường, tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan như nhà cung cấp, nhân viên và cộng đồng địa phương, thực hiện trách nhiệm xã hội ở cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, thực hành các phương thức kinh doanh bền vững để thúc đẩy lợi nhuận dài hạn thông qua các hoạt động tuân thủ pháp luật và quản trị tốt công ty, cân bằng giá trị giữa doanh nghiệp và các bên liên quan.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp lữ hành với các đơn vị cung ứng và khách hàng, theo như nghiên cứu của các chuyên gia Dự án EU (2015), có thể được thể hiện khái quát bằng biểu đồ dưới đây:
Biểu đồ: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp lữ hành với các đơn vị cung ứng và khách hàng (8)
Qua biểu đồ trên, có thể thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp lữ hành với khách hàng và các đơn vị cung ứng, đồng thời có thể thấy ảnh hưởng của doanh nghiệp lữ hành thông qua các hoạt động của mình có thể có tác động theo chiều tích cực hoặc tiêu cực đối với việc phát triển du lịch bền vững của ngành Du lịch. Với vai trò quan trọng trong mối liên kết giữa thị trường với chuỗi cung ứng dịch vụ, nếu các doanh nghiệp vận hành không quan tâm đến trách nhiệm xã hội, môi trường... sẽ làm gia tăng tác động tiêu cực đến cộng đồng, kinh tế, môi trường tại địa phương và ngược lại.
Việc vận hành kinh doanh lữ hành không bền vững có thể gây ra những tác động tiêu cực như:
Hạn chế phát triển kinh tế: Khi các doanh nghiệp lữ hành chi trả thấp cho nhân viên và các nhà cung ứng có thể cản trở kinh tế địa phương phát triển. Thêm vào đó, việc sử dụng lao động và sản phẩm dịch vụ cung ứng không phải từ địa phương sẽ làm thất thoát kinh tế và làm gia tăng tình trạng nghèo tại các điểm đến du lịch.
Mai một các giá trị xã hội và gây xung đột văn hóa: Nếu các doanh nghiệp lữ hành không thông báo hoặc hướng dẫn cho khách du lịch về cách ứng xử phù hợp với cộng đồng cư dân và văn hóa địa phương, với môi trường hoặc không khuyến khích quảng bá và tôn trọng văn hóa, cư dân địa phương đúng cách sẽ làm mai một tính đích thực của văn hóa địa phương, thúc đẩy những hành vi không phù hợp của du khách và tạo ra các xung đột văn hóa.
Ảnh hưởng đến sự an ninh, an toàn của khách: Các doanh nghiệp lữ hành thiếu quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn của khách sẽ dẫn đến các vấn đề như mất mát tài sản, tổn hại sức khỏe và sự an toàn của khách và có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến pháp luật, uy tín doanh nghiệp và hình ảnh quốc gia.
Tạo ra sự bất hợp tác và không tin cậy: Các doanh nghiệp lữ hành chỉ quan tâm đến mục đích lợi nhuận mà không có sự chia sẻ lợi ích thỏa đáng với cộng đồng cư dân và doanh nghiệp địa phương sẽ dẫn đến tình trạng không ủng hộ, thậm chí bất hợp tác của cộng đồng địa phương tại điểm đến.
Ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên: Các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn các điểm đến không có hệ thống quản lý môi trường tốt có thể làm xấu thêm môi trường tự nhiên. Thiếu khảo sát về tác động môi trường của chuỗi cung ứng trong phát triển các gói sản phẩm có thể dẫn đến việc sử dụng năng lượng và nước kém hiệu quả, gia tăng rác thải và làm mất đa dạng sinh học.
Sử dụng không hiệu quả các tài nguyên tự nhiên: Việc sử dụng lãng phí các tài nguyên tự nhiên của doanh nghiệp lữ hành như nhiên liệu, điện, nước... sẽ góp phần tạo sức ép đối với tài nguyên thiên nhiên tại điểm đến. Việc mua sắm và sử dụng kém hiệu quả các vật dụng cung cấp cũng có thể làm gia tăng rác thải và ô nhiễm.
Do vậy, với vai trò là cầu nối giữa khách du lịch và các nhà cung ứng dịch vụ, nếu các doanh nghiệp lữ hành vận hành có trách nhiệm sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động của khách du lịch, nhà cung ứng cũng như việc quản lý và sử dụng tài nguyên tại điểm đến thông qua sự ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ của khách du lịch, thực hiện của cơ sở cung cấp dịch vụ và cách thức phát triển của điểm đến. Với vị trí quan trọng trong ngành Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện của các đơn vị cung ứng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị du lịch và trở thành nhân tố thiết yếu thúc đẩy ngành Du lịch đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Doanh nghiệp lữ hành hoạt động, phát triển theo hướng bền vững là các doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm như tổ chức, xây dựng, bán và thực hiện các chương trình du lịch trọn gói cho du khách, cung cấp sản phẩm du lịch hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác, đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng trong quá trình du lịch của họ... nhằm mục đích mang lại lợi nhuận nhưng trong quá trình hoạt động và kinh doanh luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường với các bên liên quan, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
3. Lợi ích của doanh nghiệp lữ hành thực hành phát triển theo hướng bền vững
Thực hành bền vững có thể tạo ra một số lợi thế kinh doanh tức thì dưới hình thức tiết kiệm chi phí và cải thiện mối quan hệ với nhân viên và cộng đồng địa phương, nhưng thực hành bền vững còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài hơn cho các công ty, cá nhân và xã hội. Ngoài ra, không phải tất cả các lợi ích đều hữu hình mà một số lợi ích không thể đo lường một cách dễ dàng, điều này có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp lữ hành không quan tâm đầu tư trước tiên vào tính bền vững. Các lợi ích kinh doanh chính đối với một công ty lữ hành hoạt động bền vững đã được UNEP (2005) chỉ ra, bao gồm:
Tăng trưởng doanh thu: Được coi là bền vững có thể giúp tăng thu nhập bằng cách đảm bảo lòng trung thành của khách hàng hiện tại và thu hút khách hàng mới, dẫn đến tăng thị phần.
Tiết kiệm chi phí: Các hành động bền vững có thể giúp giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất và hiệu quả tổng thể bằng cách giảm sử dụng tài nguyên, giảm sản lượng chất thải và tránh bị phạt vi phạm.
Tiếp cận vốn: Khi các tiêu chí về môi trường và xã hội đang trở thành một phần tiêu chuẩn trong đánh giá rủi ro cho vay, các công ty lữ hành bền vững có nhiều khả năng thu hút vốn từ các ngân hàng và nhà đầu tư hơn.
Vốn con người: Nhân viên có nhiều khả năng cảm thấy tự hào hơn khi làm việc cho những doanh nghiệp coi trọng trách nhiệm của họ đối với xã hội. Các công ty lữ hành nổi tiếng với các chính sách bền vững có khả năng tăng cường thu hút và giữ chân các nhân viên có kỹ năng và tài năng cũng như lao động hợp đồng, do đó tăng khả năng đổi mới và cạnh tranh của họ.
Giá trị thương hiệu và danh tiếng: Danh tiếng bền vững làm tăng thêm giá trị cho thương hiệu của công ty lữ hành và củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giúp họ ít bị tổn thương hơn trước những thay đổi kinh tế và thị trường ngắn hạn.
Bảo tồn các điểm đến: Hoạt động bền vững giúp cho các điểm du lịch trở thành những nơi thú vị hơn để tham quan và sinh sống. Đảm bảo chất lượng lâu dài của điểm đến cũng là đảm bảo khả năng kinh doanh.
Cải thiện dịch vụ: Quản lý bền vững giúp các cơ sở du lịch an toàn, lành mạnh hơn cho nhân viên và du khách, đồng thời hỗ trợ cộng đồng địa phương, nâng cao phúc lợi kinh tế của họ làm tăng tinh thần của nhân viên, dẫn đến dịch vụ được cải thiện, do đó sự hài lòng của khách hàng cao hơn.
Quản lý rủi ro và cấp phép hoạt động: Các doanh nghiệp lữ hành có thể giảm bớt trách nhiệm pháp lý của họ bằng cách quản lý việc tuân thủ và áp dụng pháp luật có liên quan. Ví dụ, có thể giảm thiểu khả năng bị tổn thất do tổn hại đến danh tiếng của họ bằng cách thể hiện quan điểm chủ động hướng tới tính bền vững của điểm đến và chất lượng sản phẩm, có thể được sử dụng để bào chữa trong bất kỳ vụ kiện tụng nào.
Trước các quy định của chính phủ: Các chính phủ ngày càng phải chịu áp lực từ các tổ chức phi chính phủ (NGO), công đoàn và công chúng để điều chỉnh khu vực kinh doanh. Áp lực này càng gia tăng nếu các hành vi xấu bị phanh phui. Các doanh nghiệp lữ hành phát triển các quy tắc ứng xử của riêng họ và đưa ra các báo cáo kết quả hoạt động đã được xác minh độc lập có vị trí vững chắc để tác động đến các bộ luật, luật được đề xuất ban hành.
Đáp ứng nhu cầu khách hàng: Trong những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và hậu quả của việc khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên đã tăng lên đáng kể, dẫn đến sự thay đổi thái độ trên toàn cầu về môi trường và sử dụng tài nguyên. Về mặt du lịch, nhận thức này được thể hiện qua nhu cầu ngày càng tăng đối với những trải nghiệm kỳ nghỉ nhạy cảm hơn với môi trường và văn hóa. Nhiều khách du lịch hiện đang mong đợi các cân nhắc về tính bền vững được đưa vào các kỳ nghỉ của họ, có nghĩa là các công ty lữ hành phải hoạt động bền vững để duy trì tính cạnh tranh. Trong khi khách du lịch vẫn muốn có những kỳ nghỉ với giá cả cạnh tranh, họ không muốn trở thành tác nhân góp phần vào các vấn đề xã hội như nghèo đói và suy thoái môi trường.
Có thể thấy, phát triển doanh nghiệp lữ hành theo hướng bền vững mang lại những lợi ích to lớn mà các doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm xem xét, đồng thời các bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, khách hàng, điểm đến và các nhà cung cấp cũng cần khuyến khích, hỗ trợ đảm bảo các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hành tốt nhất phát triển bền vững.
________________
1. Tổng cục Du lịch, Thông tin du lịch tháng 12, images.vietnamtourism.gov.vn, 2022, tr.14.
2, 8. Dự án EU, Du lịch có trách nhiệm và ngành lữ hành Việt Nam, moitruongdulich.vn, 2015, tr.6, 3.
3, 4, 5, 6. Dẫn theo Altintaş, V., & Güzel, F. Ö, The Application Sustainable Energy Programmes on Travel Enterprises in the Concept of Sustainability: The Case of Travelife (Ứng dụng Chương trình Năng lượng bền vững cho Doanh nghiệp Du lịch theo Khái niệm Bền vững: Trường hợp của Travelife), International Journal of Applied Engineering Research, 13(2), 2018, tr.1305, 1305, 1305, 1305.
7. SSTP, Báo cáo nghiên cứu về Tiêu chí du lịch bền vững áp dụng cho doanh nghiệp lữ hành, Hoteljob.vn, 2020, tr.1.
ĐOÀN THỊ THẮM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024