Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu) và Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (TLKH TƯ) tổ chức sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 6 đến 14-9-2024 tại Hà Nội và TP.HCM. LHP lần này tiếp tục giới thiệu những tác phẩm tài liệu xuất sắc của châu Âu và Việt Nam đến với công chúng.
Đại diện các quốc gia tham dự LHP
LHP năm nay có sự tham gia của 9 quốc gia: Áo, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ (Wallonia-Brussels), Israel, bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam. Trong 9 ngày, khán giả sẽ được thưởng thức 22 bộ phim tài liệu, nhiều bộ phim trong đó đã giành được các giải thưởng danh giá.
LHP Tài liệu châu Âu – Việt Nam là sự kiện được tổ chức thường niên, năm nay Phái đoàn Wallonia-Brussels (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam là đơn vị điều phối cùng với Hãng phim TLKH TƯ tổ chức ở Hà Nội. Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM là đơn vị phối hợp tổ chức ở TP.HCM.
LHP được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước EU và Việt Nam. Thông qua các bộ phim, khán giả có dịp tìm hiểu về mọi mặt của đời sống, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam cũng như của các nước châu Âu và thế giới. Đây là cơ hội để hiểu biết hơn thế giới của chúng ta đang sống, mối quan hệ giữa con người và khám phá các vùng đất cũng như các vấn đề đương đại trong đời sống của chúng ta.
Năm nay, các bộ phim đề cập nhiều đến chủ đề bản sắc cá nhân và bản sắc văn hóa hoặc vai trò quan trọng của giáo dục. Các bộ phim Việt Nam được chiếu tại Liên hoan lần này gồm: Dòng sông ký ức, Ngọn lửa Đào Tấn, Trên đỉnh Phja Khao, Đi về phía mặt trời, Đồng vọng bài chòi, Nói với con về giới tính, Những tù nhân không số, Đường tới đích, Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian. 4 bộ phim tài liệu độc lập gồm: Giữa dòng phù sa, Trại ghe của bà Ba Liên, Con đường đi học, Mẹ yêu con nhất trên đời.
Toàn cảnh buổi họp báo LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam diễn ra vào ngày 30-8 tại Hãng phim TLKH TƯ
Các phim quốc tế được chiếu tại Liên hoan lần này có: Thiên đường karaoke (Phần Lan); Một người giữa triệu người (Đức); Historja - Mũi chỉ trên mảnh đất Sápmi (Thụy Điển); Tên tôi là Chance (Bỉ); Dàn giao hưởng từ rạn vỡ (Israel); Vòng tròn (Italy); Đừng lo mẹ nhé (Tây Ban Nha); Đội cổ vũ xứ Wales (Anh); Những học trò cưng (Áo). Đặc biệt, phim Thiên đường karaoke của Phần Lan từng giành giải Phim tài liệu hay nhất ở LHP Jussi 2023 (Phần Lan) và các đề cử Phim tài liệu hay nhất ở giải Magnolia 2023 (Trung Quốc), giải thưởng DocsBarcelona TV3 2022 (Tây Ban Nha), LHP châu Âu Calgary 2023 (Canada)…
Phim Tên tôi là Chance của Bỉ từng giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP quốc tế San José 2022 (Costa Rica), LHP tài liệu PAMPA 2023 (Argentina), LHP độc lập San Antonio lần thứ 7 Ecuador, giải Khán giả bình chọn tại Liên hoan điện ảnh IBIZA 2023 (Tây Ban Nha)… Phim Vòng tròn của Ý từng giành giải thưởng David Di Donatello cho Phim tài liệu xuất sắc nhất năm 2023.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty Hãng phim TLKH TƯ khẳng định: “Đây là hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, điểm nhấn của hành trình hợp tác giữa các nước châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh. Hoạt động này đã trở thành một sự kiện văn hóa, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong những năm qua. Mỗi buổi chiếu sẽ giới thiệu 1 bộ phim tài liệu của Việt Nam, 1 bộ phim tài liệu nước ngoài. Trong khuôn khổ LHP năm nay sẽ có một buối chiếu dành riêng cho phim tài liệu các tác giả độc lập của Việt Nam. Những bộ phim tham dự LHP năm nay tuy mang thông điệp riêng nhưng tựu chung, khán giả yêu điện ảnh tài liệu sẽ có cơ hội để khám phá thêm về đất nước, con người và những nền văn hóa khác nhau”.
Cảnh phim "Trên đỉnh Phja Khao"
Ông Oliver Brandt – Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội đánh giá: “Loạt phim Việt Nam được chọn tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật và trò chơi truyền thống, như một phương tiện để kết nối các thế hệ và hàn gắn những đứt gãy lịch sử. Các phim châu Âu khám phá sức mạnh của thực hành nghệ thuật, bao gồm ca hát, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật truyền thống và thể thao, để đối mặt với sự tha hóa của thời hiện đại, thúc đẩy kết nối, chữa lành và phát triển tập thể, trong một thế giới đầy phức tạp và mâu thuẫn. Trong thế giới ấy, nhiều cá nhân trở thành anh hùng khi vượt qua nghịch cảnh, từ đại dịch và chiến tranh cho tới những hủ tục nguy hại, để sống sót, đấu tranh cho sự thay đổi, và kiến tạo di sản. Tuổi thơ, giáo dục, và trải nghiệm thành niên cũng là chủ đề nổi bật, khám phá những thách thức và cơ hội khi điều hướng trong một thế giới càng ngày càng đa dạng và siêu liên kết”.
NSƯT Trịnh Quang Tùng – Phó Tổng Giám đốc Hãng phim TLKH TƯ chia sẻ: “Với chúng tôi đây là cơ hội rất tốt để quảng bá những phim của Hãng sản xuất trong thời gian qua, là chiếc cầu văn hóa, kết nối các nhà làm phim cũng như khán giả Việt Nam với những nền văn hóa khác thông qua phim ảnh. Đây còn là dịp để những nhà làm phim tài liệu Việt Nam học hỏi cách thể hiện, ngôn ngữ kể chuyện của phim tài liệu châu Âu. Chúng tôi mong muốn có thêm các khóa đào tạo để các nhà làm phim Việt Nam có thể tiệm cận với cách làm phim của thế giới”.
Cảnh phim "Dòng sông ký ức"
Về 4 bộ phim tài liệu độc lập tham dự LHP lần này, NSƯT Trịnh Quang Tùng cho biết, sau mỗi buổi chiếu đều sẽ mời các đạo diễn đến giao lưu cùng khán giả. Đây là một sự kiện rất quan trọng với các nhà làm phim tài liệu độc lập, thông qua những bộ phim này, chắc chắn có thể tìm được những đạo diễn trẻ có thể đóng góp cho điện ảnh Việt Nam trong tương lai. Sau bộ phim rất thành công Những đứa trẻ trong sương từng tham dự LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 13, năm nay đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm tiếp tục có phim Con đi trường học tham dự. Bộ phim Con đi trường học từng giành giải Cánh diều bạc năm 2013 hạng mục phim ngắn (không có Cánh diều vàng).
Ông Tùng cũng hy vọng những bộ phim tài liệu của các tác giả độc lập sẽ tạo ra sức hút mới, thu hút sự quan tâm của khán giả bởi sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân... Một điều đáng mừng là qua các kỳ LHP gần đây, khán giả của điện ảnh tài liệu có xu hướng ngày càng tăng lên và trẻ hóa, cho thấy sức hấp dẫn của điện ảnh tài liệu, bởi đây đều là những bộ phim mang đến góc nhìn độc đáo về những chủ đề hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật, giúp nhìn nhận lại thế giới qua những lăng kính mới lạ. Bằng cách thể hiện những chủ đề ấy một cách nghệ thuật, phim tài liệu cung cấp những chiều sâu tư duy và khơi gợi phản ứng cảm xúc cho khán giả trước các vấn đề xã hội. Qua đó, giúp công chúng có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm về đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia khác, góp phần thúc đẩy đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước cũng chia sẻ, những năm qua, các nhà làm phim độc lập Việt Nam mang lại không khí điện ảnh rất đặc biệt, nhất là phim tài liệu. Những nằm gần đây, nhiều kịch bản chất lượng của các nhà làm phim độc lập đã được duyệt sử dụng kinh phí Nhà nước để sản xuất. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tạo cú hích cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Các phim tham dự LHP sẽ được công chiếu tại tại Hãng phim TLKH TƯ (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và DCine Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM).
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN