Từ ngày 23 đến 26-4, tại tỉnh Điện Biên, 42 đội thi đại diện cho người làm công tác thư viện công cộng, thư viện lực lượng vũ trang và thư viện đại học trong cả nước đã trải qua các phần thi tranh tài đầy hấp dẫn. Qua đó, nhiều cuốn sách hay, giá trị cùng nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc được giới thiệu tới công chúng và bạn đọc.
Theo Thể lệ Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách - Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), với chủ đề “Điện Biên - Vang mãi bản hùng ca”, Chương trình tham gia Liên hoan của mỗi đoàn bao gồm 4 phần thi: Giới thiệu đội hình; Giới thiệu sách; Giới thiệu một mô hình mới, hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc và phục vụ học tập suốt đời tại địa phương, đơn vị; Năng khiếu.
Thời gian thực hiện chương trình của mỗi đội từ 30-35 phút, trong đó phần giới thiệu sách phải đảm bảo ít nhất 15 phút. Tổng điểm cả chương trình của từng đội là 100 điểm gồm 5 tiêu chí, được phân bổ như sau: Giới thiệu đội hình: 15 điểm; Giới thiệu sách: 45 điểm; Giới thiệu mô hình: 20 điểm; Năng khiếu: 15 điểm; Cấu trúc tổng thể của chương trình: 5 điểm.
Ban Giám khảo Liên hoan
Ban Giám khảo của Liên hoan gồm: TS Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng Ban giám khảo; TS, Đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Trưởng Ban Văn hóa, Du lịch và Đào tạo, Viện Phát triển văn hóa dân tộc - Phó Trưởng Ban giám khảo; các thành viên: Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL; TS Nguyễn Trọng Phượng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiệp vụ, Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Điện Biên - mảnh đất phên dậu phía Tây Bắc của Tổ quốc, miền đất hoa ban tươi đẹp, nơi đã chứng kiến sự kiện vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 70 năm đã trôi qua, Điện Biên hôm nay đang từng bước chuyển mình với diện mạo đô thị khang trang, nông thôn đổi mới, xứng đáng với truyền thống “Điện Biên Phủ anh hùng”.
42 đoàn tham gia Liên hoan đã giới thiệu tới người xem 49 cuốn sách về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với những nội dung đa dạng, phong phú, nhiều hình thức thể hiện, từ những bằng chứng, tư liệu lịch sử, những ký sự, tác phẩm báo chí đến những tác phẩm văn học về đề tài này. Những tác phẩm đã đem đến cho độc giả thêm nhiều hiểu biết, nhiều góc nhìn đa chiều, dễ tiếp cận về chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và những chiến công chấn động địa cầu, hay về một dân tộc quyết tâm đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước; từ đó khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi vào chiều 7-5-1954 ấy đã đưa Việt Nam vang danh khắp thế giới, đó cũng là tiền đề để Việt Nam viết tiếp nên những chiến công trong công cuộc giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Bằng cách sân khấu hóa, các tiết mục của các đội thi đã thu hút được sự quan tâm không chỉ những người làm thư viện cả nước mà còn cả nhân dân và du khách tỉnh Điện Biên. Nhiều chương trình dự thi được dàn dựng công phu và tâm huyết, đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, không chỉ như được sống lại những giờ phút cam go của cuộc chiến, hay niềm vui khôn tả khi lá cờ của Việt Nam được cắm trên nóc hầm tướng Đờ-cát-xtơ-ri. Nhiều đoàn có sự sáng tạo trong cách thể hiện, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, công nghệ, tạo cho phần trình diễn trở nên thu hút, ấn tượng.
Là đội chủ nhà, Thư viện tỉnh Điện Biên mở đầu cho phần dự thi của Liên hoan với cuốn sách 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (Nxb Tài chính, 2023). Qua lời giới thiệu ngắn gọn, xúc tích về cuốn sách của những cán bộ thư viện tỉnh Điện Biên, người xem như thấy được cái nhìn toàn cảnh về chiến dịch không chỉ là khoảnh khắc khốc liệt trên chiến trường mà còn lột tả những đóng góp của các lực lượng dành cho chiến dịch. Đó là những năm tháng vô cùng đặc biệt khi cả đất nước theo chân người ra trận. Người dân Việt Nam hiền hòa, áo tơi, nón vải, chân còn vương mùi rơm rạ đều sẵn lòng đóng góp, hy sinh cho tiền tuyến. Mỗi chiếc xe đạp, bao tải, đòn gánh, dây thừng, mỗi hạt gạo, bắp ngô… đều trở thành mạch máu, nuôi dưỡng chiến trường. Bom đạn của kẻ thù không làm chiến sĩ, đồng bào sờn lòng mà khiến họ xích lại gần nhau hơn, đồng tâm cho một lời đồng vọng non sông “Quyết chiến quyết thắng”.
Phần thi Giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Điện Biên
Qua những trang sổ của Thượng tá Vũ Văn Đôn, từng câu chuyện trên đường vào hỏa tuyến được ghi lại chân thực và đầy cảm xúc. Ngày mở màn chiến dịch đã cận kề, công tác vận tải càng trở nên gấp rút. Từng đoàn xe khẩn trương đi trong đêm tối giữa âm u đại ngàn Tây Bắc. Bất chợt một cơn mưa trái mùa ập đến cùng với sự xuất hiện của kẻ thù. Ánh sáng đỏ rực của những trái bom đã xé toạc màn mưa, bẻ gẫy từng gốc cây. Một chiếc xe trong đoàn đổ gục dưới thân cây cổ thụ đè ngang. Người anh nuôi đã hy sinh, nằm lại cùng hàng ngàn liệt sĩ khác trên chiến trường này. Họ nằm xuống, nhưng lý tưởng của họ đã trở thành sức mạnh tinh thần, cổ vũ những người lính tiếp tục quên mình giành lại sự bình yên cho đất nước Việt Nam.
Thư viện Quân khu II là đơn vị đại diện khối lực lượng vũ trang đã giới thiệu tại Liên hoan cuốn sách thứ 2 trong bộ 3 hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về kháng chiến chống Pháp Đường tới Điện Biên Phủ (Nxb Quân đội nhân dân, 1999). Đây là cuốn hồi ký của vị tướng tài ba lỗi lạc được nhà văn Hữu Mai ghi lại. Cuốn sách phản ánh toàn bộ diễn biến giai đoạn từ cuối năm 1950 của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến kết thúc chiến dịch Thượng Lào mùa xuân năm 1953. Cuốn sách đã giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, sâu sắc về chặng đường đầy chông gai nhưng rất oanh liệt, quá trình xây dựng, phát triển lực lượng, từng bước giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng chiến dịch là một bước tiến trên con đường đi tới chiến thắng qua góc nhìn của người giữ cương vị đặc biệt - Tổng chỉ huy quân đội.
Thư viện tỉnh Đồng Tháp là đơn vị năng động, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương thức, mô hình tổ chức nhiều hoạt động phục vụ hiệu quả, cung cấp, mở mang những kiến thức thiết thực trong mọi hoạt động của đời sống, đặc biệt là kinh tế và du lịch. Tại Liên hoan năm 2024, Thư viện tỉnh Đồng Tháp giới thiệu chùm 2 tác phẩm: Không phải huyền thoại (Nxb Trẻ, 2022); Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên (Nxb Quân đội nhân dân, 2024).
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến đầy gian lao, vất vả nhưng được chuẩn bị một cách tổng lực, toàn diện. Dù phương tiện và vũ khí thô sơ, ít ỏi, nhưng với sự thông minh, sáng tạo của người lĩnh và nhân dân, quân và dân ta đã đương đầu với sức mạnh của vũ khí tối tân. Hình ảnh những chiếc xe thồ, những con cúi bằng rơm khổng lồ ngăn đạn, những đường hầm vượt hang rào thép gai, những chiến hào xiết chặt dần vòng vây với kẻ địch… Đó còn là những con người quả cảm, anh hùng như Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Tất cả đã được tái hiện trong phần thi của đội Thư viện tỉnh Đồng Tháp.
Cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hào hùng chống thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ. Đó không chỉ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi của các nước bị áp bức trên thế giới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. 70 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ vật mang dấu ấn ký ức một thời “hoa lửa”, những dấu tích của những cống hiến lớn lao, những tấm gương sáng của những anh hùng đã hy sinh trong lịch sử vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hệ thống bảo tàng quân đội sẽ giúp tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.
Phần thi giới thiệu sách của Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội
Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đại diện cho Khối thư viện trường học tham gia dự thi tại Liên hoan với tác phẩm: Người lính Điện Biên kể chuyện (Nxb Kim Đồng, 2019). Tại Liên hoan, các cán bộ thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đã tái hiện lại một phần lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuốn sách gồm 21 câu chuyện giản dị và chân thật về những con người đã làm nên chiến thắng quyết định để đất nước được độc lập, tự do và hòa bình, do nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, người từng trực tiếp tham gia đánh cứ điểm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 kể lại. Cuốn sách là một hành trình đầy cảm xúc và hữu ích để giới trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc Việt Nam và tri ân những người lính đã hy sinh vì sự độc lập, tự do của đất nước.
Còn rất nhiều, rất nhiều những cuốn sách nữa được giới thiệu trong Liên hoan đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem như: Điện Biên Phủ - Tuyển tập hồi ký (Nxb Chính trị quốc gia, 2004); Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018); Chiến thắng Điện Biên Phủ toàn thắng và dưới góc nhìn của người nước ngoài (Nxb Thời đại, 2013); Đánh lấn: Tập hồi ký Điện Biên Phủ (Nxb Quân đội nhân dân, 1964); Ký ức Điện Biên (Nxb Hải Phòng, 2019); Điện Biên Phủ khúc tráng ca vang mãi (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2014)…
Phần thi giới thiệu sách của Thư viện KHTH Đà Nẵng
Phần thi giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Lào Cai
Phần thi giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Sơn La
Phần thi giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Thanh Hóa
Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng mỗi thư viện cần thực hiện thường xuyên và liên tục. Đến với Liên hoan năm 2024, các đội thi đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển văn hóa đọc tại thư viện mình. Từ mọi vùng miền khác nhau của Tổ quốc, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng những người làm thư viện đã vận dụng sáng tạo, đa dạng nội dung và hình thức phục vụ để phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất của đơn vị. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng phát triển, thu hút giới trẻ, mỗi thư viện từ điều kiện thực tế tại địa phương, đã xây dựng nên những mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng.
Mô hình thư viện lưu động Thắp sáng vùng cao của Thư viện tỉnh Điện Biên mang sách đến với nhiều đối tượng độc giả: học sinh, chiến sĩ biên phòng, lực lượng công an nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt là các đối tượng đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nà Tấu; Trại tạm giam Công an tỉnh.
Mô hình thư viện lưu động Thắp sáng vùng cao của Thư viện tỉnh Điện Biên
Thư viện tỉnh Thái Bình xuất phát từ ý tưởng “gieo mầm” văn hóa đọc cho lứa tuổi mầm non nên triển khai việc xây dựng phòng đọc dành cho mẹ và bé đến trải nghiệm thư viện. Đối với đối tượng mầm non, Thư viện đã tổ chức phối hợp hình thức tuyên truyền phù hợp với sở thích của các em. Hiệu quả từ mô hình mang lại là 80% số lượng trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm tại Thư viện tỉnh.
Thư viện tỉnh Thái Bình giới thiệu mô hình phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi mầm non
Để phát triển văn hóa đọc, Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mô hình Phát triển văn hóa đọc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và homestay tại Đà Lạt. Nhờ đó, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng có thể đọc sách trong lúc chờ check-in, check-out, chờ bạn bè… Thư viện còn phối hợp với khu nghỉ dưỡng đưa sách vào các phòng nghỉ để có không gian yên tĩnh cho du khách có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Dù mới hoạt động được hơn 1 năm, nhưng mô hình này đã mang lại kết quả tích cực: 4.078 lượt bạn đọc; 6.117 lượt sách luân chuyển.
Thư viện tỉnh Lâm Đồng giới thiệu về mô hình phát triển văn hóa đọc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và homestay tại Đà Lạt
Với vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục, đảm bảo việc tiếp cận thông tin và hưởng thụ sách, báo của nhân dân, Thư viện tỉnh Phú Thọ đã đặc biệt chú ý đến đối tượng bạn đọc là công nhân đang làm việc tại 7 khu công nghiệp và 28 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để triển khai mô hình này, Thư viện tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình “Tủ sách công nhân” tại Công ty TNHH Công nghệ COSMOS với gần 1.800 công nhân. Tủ sách được xây dựng với 200 bản sách hạt nhân và 300 bản sách do Thư viện tỉnh tặng. Thư viện đã cử 2 cán bộ xuống hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản cho cán bộ phụ trách tủ sách. Thông qua mô hình tủ sách công nhân, người làm thư viện tỉnh Phú Thọ mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc trong doanh nghiệp nói riêng cũng như tại tỉnh Phú Thọ nói chung.
Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Phú Yên đã luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong cách phục vụ người đọc. Đã có nhiều mô hình mới ra đời với phương châm đa dạng hóa, thu hút nhiều tầng lớp và đối tượng tham gia đọc sách. Thư viện tỉnh Phú Yên triển khai mô hình Phục vụ sách tại nhà cho người cao tuổi. Sách đối với người cao tuổi như một người bạn, người tri kỷ, tâm giao. Vì điều kiện sức khỏe, họ không tham gia vào việc đọc tại các thư viện. Do vậy, Thư viện tỉnh đã phân công cho đoàn thanh niên đơn vị tiến hành đưa sách đến phục vụ người già tại nhà, tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh; tại các Chi hội người cao tuổi các huyện, thị xã…
Thư viện Hà Nội luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công việc, chú trọng công tác phát triển văn hóa đọc, tạo sức lan tỏa về việc đọc sách đến với cộng đồng. Năm 2023, Thư viện Hà Nội đã tham mưu Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Kế hoạch số 695/KH-SVHTT về việc tổ chức hoạt động thư viện lưu động tại không gian công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần. Mỗi chuyến xe lưu động, Thư viện chuẩn bị từ 2.000-3.000 bản sách với nhiều thể loại. Ngoài ra, các cán bộ thư viện còn tổ chức các hoạt động: nói chuyện chuyên đề, viết cảm nhận về cuốn sách, các trò chơi dân gian, hướng dẫn bạn đọc kỹ năng đọc, lựa chọn sách phù hợp…
Phần thi giới thiệu mô hình phục vụ sách, báo tại các trại giam, trại tạm giam của Thư viện tỉnh Đăk Lăk
Với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân theo khẩu hiệu Sách góp phần giúp phạm nhân tự giáo huấn, cảm hóa chính bản thân mình, Thư viện tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các trại giam, trại tạm giam về công tác luân chuyển sách, báo phục vụ cho nhu cầu đọc của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đối tượng phạm nhân trong các trại giam. Thư viện tỉnh hướng dẫn các phạm nhân làm công tác thư viện, xây dựng phòng đọc/tủ sách phụ vụ bạn đọc, cung cấp hoặc cho mượn và định kỳ luân chuyển sách, báo, tạp chí phù hợp. Ngoài ra, Thư viện đã phối hợp với các trại giam tổ chức các hoạt động: giới thiệu sách, viết cảm nhận về cuốn sách, vẽ tranh… Đây là một mô hình mang ý nghĩa giáo dục cao và đầy tính nhân văn sâu sắc.
Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách năm 2024 đã thu hút được sự tham gia của đông đảo thư viện trong nước. Đây là dịp để các cán bộ chia sẻ những phương pháp giới thiệu sách hay đến với bạn đọc, đồng thời cũng giới thiệu những mô hình phát triển văn hóa đọc đã được triển khai hiệu quả tại địa phương. Hy vọng, sau Liên hoan, các mô hình hay, hiệu quả sẽ được áp dụng tại nhiều địa phương để văn hóa đọc ngày một phát triển hơn.
Bên cạnh đó, những người làm công tác thư viện cùng với các cán bộ ngành Văn hóa cũng rất thành công khi thể hiện phần thi năng khiếu với những tiết mục hát, múa, tiểu phẩm, hoạt cảnh, thơ, vẽ tranh đầy tính sáng tạo, mang nhiều màu sắc truyền thống địa phương, tạo nên bức tranh đa dạng của Liên hoan.
Phần thi năng khiếu của Thư viện tỉnh Lạng Sơn
Phát biểu tổng kết Liên hoan, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga, Trưởng Ban tổ chức mong rằng với những chương trình dự thi được dàn dựng công phu và nhiều tâm huyết, các đoàn tham dự sau khi trở về địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng… để tiếp tục giới thiệu, lan tỏa những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của các tác phẩm đến với cộng đồng, góp phần vào công tác phát triển văn hóa đọc cũng như khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN - HÙNG MẠNH