Theo thông tin từ Sở VHTTDL Lai Châu, trong năm 2023, Sở VHTTDL vẫn tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổng hợp, xây dựng đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh.
Năm 2023, Sở VHTTDL Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17-2-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 59/2021/NQ- HĐND ngày 10-12-2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định 562/QĐ- UBND ngày 17/05/2021 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2023.
Sở đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị di tích: hoàn thành công tác sưu tầm, công nhận, nhập kho 2.054 hiện vật, trong đó 30 hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng và 2.024 hiện vật thuộc 6 dân tộc Lào, Lự, Giáy, Kháng, Mông, Khơ Mú (nâng tổng số hiện vật có tại Kho cơ sở lên 34.567 hiện vật); thực hiện việc phục dựng, tái hiện phim tư liệu về lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì theo quy định của pháp luật. Tính từ đầu năm đến nay, đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh thực hiện 8 cuộc trưng bày chuyên đề tại tỉnh và lưu động tại các huyện; thực hiện đón 15.650 lượt khách tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dân bản rộn ràng trong các điệu múa truyền thống trong lễ hội Tết Ngô của dân tộc Cống (Lai Châu)- Ảnh tư liệu của Tuấn Minh
Sở đã tổ chức 4 cuộc trưng bày chuyên đề gắn với sự kiện văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc tại thành phố Lai Châu; huyện Mường Tè; huyện Tam Đường: Tết cổ truyền dân tộc Thái gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”, “Lễ hội Tú tỷ dân tộc Giáy gắn với nghệ thuật trình diễn, trò chơi dân gian và nghề thủ công truyền thống”, “Tết cơm mới dân tộc Lự gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”, “Tết năm mới dân tộc Hà Nhì gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”.
Đồng thời, ngành VHTTDL Lai Châu đã lập 3 hồ sơ văn hóa phi vật thể trình các đơn vị có liên quan trong việc đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian về ẩm thực truyền thống dân tộc Thái xã Mường So, huyện Phong Thổ; Tri thức dân gian về y, dược học dân tộc Dao huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ; Nghệ thuật múa xòe dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè và huyện Phong Thổ.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí thực hiện dự án số 6 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổng hợp, rà soát, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với cơ quan thường trực và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ VHTTDL.
Đồng thời, triển khai thực hiện mở 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 200 học viên là cộng đồng dân cư, các hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ, công chức làm công tác du lịch tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ; tổ chức triển khai sản xuất và phát sóng phóng sự giới thiệu về văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu.
TÙNG LÂM