Chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới vì một chế độ không còn áp bức, bóc lột. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, nhất là từ sau sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Song, thực tiễn ngày càng khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, những nguyên lý về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) nói riêng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng, đã luận giải sâu sắc lý luận về thời kỳ quá độ lên CNXH
Nghiên cứu lịch sử phát triển xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra xu hướng phát triển xã hội là sự kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao và tất yếu sẽ đi lên chủ nghĩa cộng sản. Từ đó, C.Mác chỉ rõ: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước trong thời kỳ ấy không thể khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” (1). Sau này, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định: “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định” (2). Không chỉ luận giải đúng đắn tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ rõ mục tiêu, con đường, lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới khỏi nô dịch và bóc lột.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, đòi hỏi phải thường xuyên bổ sung, phát triển
Là học thuyết khoa học và cách mạng, đồng thời cũng là sản phẩm của thời đại, của hoàn cành lịch sử nhất định, chủ nghĩa Mác - Lênin không thể đưa ra những giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ đối với mọi vấn đề, ở mọi thời đại. Vì vậy, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội” (3). Thực tế, khi chưa có cơ sở hiện thực, Mác chỉ đưa ra một số gợi mở có tính chất dự báo về thời kỳ quá độ, nhưng khi có thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.Lênin đã phát triển toàn diện lý luận về thời kỳ quá độ lên CNXH.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù
V.I.Lênin chỉ rõ: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ; vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội” (4). Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta” (5).
Thực tiễn cũng cho thấy, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do vận dụng giáo điều, thậm chí đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
Nguyên nhân chủ yếu sâu xa của sự sụp đổ chế độ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Và do vậy, sự sụp đổ đó không đồng nghĩa với “sự cáo chung của học thuyết Mác”.
Một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nên công cuộc cải cách, đổi mới đạt được những thành tựu to lớn
Ở Trung Quốc, từ Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc (1982), đã chỉ rõ phải “kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của nước ta, đi con đường riêng của mình, xây dựng chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc”. Đến Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) tiếp tục khẳng định: “Trung Quốc sẽ kiên định không thay đổi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”. Chính nhờ đó, Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành một trong những cường quốc thế giới.
Ở Việt Nam, từ Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới trên cơ sở trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó, sự nghiệp đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đến năm 2018 (so với năm 2017), tổng sản phẩm trong nước tăng 7,08%; sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4%; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 13,8%, xuất siêu 7,2 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 33,5% GDP (6). Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; vị thế và uy tín của đất nước được nâng cao. Đó là những minh chứng sống động khẳng định sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện mới
Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Muốn làm cho chủ nghĩa xã hội thành một khoa học thì trước hết phải đặt chủ nghĩa xã hội trên một cơ sở hiện thực” (7). Hiện nay, thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên trong quan hệ quốc tế. Những vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... có nhiều diễn biến phức tạp. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á tiếp tục diễn ra phức tạp (8). Trước những thời cơ, vận hội đan xen với những nguy cơ, thách thức mới, để tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cần tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, nắm vững bản chất khoa học, cách mạng trong những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH. Cần nhận thức sâu sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ rõ bản chất khoa học, cách mạng và giá trị bền vững trong các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH; không nhầm lẫn giữa quan điểm chủ nghĩa Mác với những nhận thức và cách làm sai của đảng này hay đảng khác. Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, xem xét, đánh giá và tìm ra câu trả lời đúng đắn cho những vấn đề mới đang đặt ra.
Hai là, vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH phù hợp với xu thế khách quan của thời đại và điều kiện đặc thù ở nước ta. Trước những biến đổi của điều kiện mới, cần dựa vào phương pháp luận, quan điểm, lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin để tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận, kịp thời giải đáp những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh. Trên cơ sở đó, kiên định con đường đi lên CNXH, mục tiêu độc lập dân tộc và mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Cần tránh tuyệt đối hóa tính phổ biến, không tính đến những yếu tố đặc thù của các dân tộc; hoặc chỉ tập trung vào quy luật đặc thù mà coi nhẹ những quy luật mang tính phổ biến. Đồng thời, phải có nguyên tắc trong quá trình vận dụng, phát triển, tránh nhân danh “vận dụng, bổ sung, phát triển” để xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ba là, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH nói riêng. Suốt hàng thế kỷ, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị xuyên tạc, bóp méo bằng nhiều luận điệu sai trái, phản động. Thực tiễn xác nhận, chỉ có xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức tốt thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, đấu tranh kiên quyết với các quan điểm sai trái là con đường duy nhất đúng để phát triển và bảo vệ lý luận cách mạng, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Do đó, cần tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt có đủ phẩm chất và năng lực; đa dạng hóa các hình thức phương pháp đấu tranh tư tưởng - lý luận, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
______________
1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.47.
2. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.309.
3. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 20, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.103.
4. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tr.140.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611.
6. nhandan.org.vn
7. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.293.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.70-73.
Tác giả: Trần Ngọc Ngân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019