Trong xu thế toàn cầu hóa, cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, những hoạt động mang tính nhân văn của Phật giáo trong xã hội hiện đại, hơn bao giờ hết, lại có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống tinh thần của con người. Mục đích giáo dục của nhà Phật luôn hướng đến việc hoàn thiện nhân cách, đặc biệt là giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên, kế thừa tiếp nối truyền thống văn hóa, nền tảng đạo đức dân tộc để xứng đáng với vị thế của chủ nhân tương lai, góp phần kiến tạo một quốc gia văn minh thịnh vượng.
Tinh thần nhập thế
Theo từ điển tiếng Việt: “Nhập thế là dự vào việc đời, gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời…”. Với quan điểm Nho giáo, nhà nho nhập thế là ra làm quan gánh vác việc triều đình, không cáo quan ở ẩn. Nhập thế theo quan điểm Phật giáo, biểu hiện cụ thể ở sự dấn thân của các chức sắc, tín đồ trong những hoạt động xã hội thông qua các tổ chức: thiện nguyện, cứu trợ hậu quả thiên tai, giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và đặc biệt là các khóa tu tập nghe giảng pháp ở chùa. Các hoạt động này, được mở rộng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và xu hướng ngày càng được giới trẻ tham gia tình nguyện. Tinh thần nhập thế Phật giáo hướng đến mục đích cao cả là xây dựng pmột môi trường sống nhân ái vị tha; một chuẩn mực đạo đức cần thiết của xã hội hiện đại.
Qua khảo sát, chúng tôi lựa chọn và tập trung phân tích, đánh giá hiệu quả của hoạt động tu tập ở chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM bởi đây là một trong những hoạt động nhập thế nổi trội của giáo hội Phật giáo TP.HCM. Các khóa tu ở chùa Hoằng Pháp, nhất là các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, đã đem lại hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận.
Mục đích của khóa tu
Trong thời đại công nghiệp 4.0 và các nền văn minh đỉnh cao, con người không chỉ hưởng thụ thành tựu sáng tạo khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào đời sống mà còn đối diện với nhiều sự bất ổn như: biến đổi khí hậu, bệnh tật hiểm nghèo, sự biến tướng của văn hóa du nhập, sự bất quy chuẩn đạo đức truyền thống và quan niệm sống lệch lạc… Thanh thiếu niên là tầng lớp chịu ảnh hưởng trực tiếp của những bất ổn này.
Đồng hành cùng chính quyền thành phố, giáo hội Phật giáo TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động hướng thiện thiết thực như: tổ chức gia đình Phật tử tại các chùa, các khóa tu, trại hè… dành cho thanh thiếu niên. Với tinh thần hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, giáo hội Phật giáo đã có những hoạt động tích cực cùng cộng đồng xây dựng một thế hệ trí thức trẻ... Các khóa tu dành cho thanh thiếu niên là một trong những hoạt động nhập thế cụ thể, cần thiết của Phật giáo. Từ định hướng tốt đạo đẹp đời, hàng năm, cứ hai tháng một lần, chùa Hoằng Pháp tổ chức khóa tu một ngày và khóa tu mùa hè bảy ngày cho sinh viên, thanh thiếu niên. Những khóa tu ngắn hạn này đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.
Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, đã phát biểu khai mạc khóa tu, hướng đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách làm người, lòng hiếu thảo, chia sẻ rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn trẻ: “Trong khóa tu, các hoạt động thiết thực và gần gũi nhất để hướng các bạn trẻ nhận ra mục đích và lý tưởng sống. Tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích và hướng thiện. Tham dự khóa tu, các em không chỉ được giảng dạy giáo lý nhà Phật, giáo dục đạo đức nhân cách, lòng hiếu thảo, sự yêu thương, mà còn được giáo dục những kỹ năng sống và tính tự lập nhằm tạo cho các em có đủ vốn liếng cũng như định hướng được lối sống trong xã hội hiện đại ngày nay”.
Thày Thích Tâm Trọng, phó trụ trì chùa Hoằng Pháp, cũng đã cụ thể hóa nội dung của những bài giảng: “Tổ chức các khóa tu, mong ước duy nhất của các thày là xây dựng mục đích sống; thay đổi nhận thức, lối sống lệch lạc của tuổi trẻ trong thời hiện đại. Bên cạnh các bài học về chữ hiếu, sự biết ơn và kỹ năng sống, khóa tu còn chú trọng đến việc giáo dục tầng lớp trí thức trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Khóa tu còn quan tâm đến các vấn đề nóng của xã hội…Tôi nghĩ khóa tu dành cho tuổi trẻ thực sự là cơ hội quý báu để xây dựng những nét đẹp trong tâm hồn, là nền tảng vững chắc cho các bạn trẻ trong tương lai, hướng đến đời sống chân thiện mỹ, tạo dựng niềm tin về một lối sống lành mạnh và bảo tồn những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc”.
Nuôi dưỡng tính thiện, hoàn thiện nhân cách cá nhân, ở mỗi buổi pháp đàm, thông qua những bài kinh, các giảng sư tập trung thuyết pháp theo những chủ đề chính như: lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo, kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách…
Nội dung tu tập luôn được cập nhật qua từng khóa. Những vấn đề thời sự tác động đến nhận thức của thanh thiếu niên, ví dụ như: hôn nhân gia đình - hạnh phúc và bất hạnh; hiện tượng phá thai phổ biến ở nữ học sinh, sinh viên… đã được chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai trao đổi với khóa sinh ở khóa tu hè năm 2017. Kỹ năng sống trong môi trường tập thể, nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông… luôn được các chuyên gia tâm lý truyền giảng theo từng chuyên đề.
Lý do tham gia khóa tu
Thày Thích Tâm Trọng đã cho biết lý do đầu tiên để các bạn trẻ tham gia khóa tu: “Lý do thứ nhất để các bạn đến tham dự khóa tu là do sự động viên của cha mẹ. Có một số em đi học vì đối phó, vì sau khóa tu cha mẹ hứa sẽ thưởng cho cái này, cái nọ, nên các em đến tu”.
Kết thúc các khóa tu, chúng tôi đã có những cuộc phỏng vấn thú vị với các môn sinh, để tìm hiểu thêm lý do vì sao các em lại tham gia tu tập. Bạn Hoài Linh, 20 tuổi, TP Huế cho biết: “Em biết đến khóa tu mùa hè và một số khóa tu khác ở chùa Hoằng Pháp từ hồi em còn học phổ thông, qua trang mạng. Em ao ước một lần vào đây tham gia khóa tu nhưng em chưa có đủ điều kiện và chưa sắp xếp thời gian được. Đến năm nay, em mới có dịp vào Sài Gòn thăm cô ruột của em, có cơ hội đến chùa Hoằng Pháp tham dự khóa tu này. Đây là dịp may để em hiểu biết thêm về giáo lý của Đức Phật và cũng là cơ hội giúp em được giao lưu học hỏi với các bạn đồng môn”.
Bạn Tuyết Nga, 21 tuổi, Kiên Giang, lại có lí do thật đơn giản và chân thành: “Lần đầu tiên được bạn bè rủ đi khóa tu mùa hè, tôi đã học được rất nhiều thứ. Dịp may này, tôi đủ duyên lành để dự khóa tu, thật là hạnh phúc. Tham dự các khóa tu dành cho tuổi trẻ, được các thày giảng dạy về đạo hiếu làm con, tụng Kinh Vu Lan báo hiếu… tôi mới biết mình quá nhiều sai trái. Tôi đã khóc thật nhiều vì đã làm cho mẹ tôi buồn. Tôi mong mẹ tha lỗi. Tôi sẽ cố gắng để trở thành con ngoan trò giỏi để mẹ vui lòng. Bởi đây cũng chính là mong muốn lớn nhất của mẹ. Qua khóa tu tôi biết thương mẹ nhiều hơn”. Đến chùa tu tập, tham gia các khóa tu với nhiều lý do khác nhau, nhưng điểm chung nhất của môn sinh là những chuyển biến tích cực trong đời sống tình cảm, trong quan hệ gia đình, bè bạn và cộng đồng.
Những chuyển biến tích cực
Các khóa tu, đặc biệt là khóa tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp, đã thiết kế một sân chơi lành mạnh, một kỳ nghỉ hè để lại nhiều dấu ấn. Đã có rất nhiều sinh viên, thanh thiếu niên về chùa tham dự khóa tu mùa hè, thay cho những chọn lựa như: đi du lịch cùng gia đình, về quê thăm người thân, tìm việc làm thêm để chi phí cho năm học mới hay tham gia các hoạt động thiện nguyện…
Bạn Ngọc Minh, 22 tuổi, sinh viên Cao đẳng Kỹ thuật nghề bộc bạch: “Sau khi tham gia khóa tu, tôi cảm thấy có sự thay đổi rất lớn trong bản thân. Qua những lời quý thầy, quý cô giảng dạy, tôi sống tốt và hiếu thuận với cha mẹ hơn. Trước đó, tôi không quan tâm nhiều đến lòng hy sinh của cha mẹ dành cho mình, thậm chí còn cãi lời cha mẹ nữa. Giờ thì khác rồi, tôi tự nhủ sẽ làm thật nhiều điều ý nghĩa để đền đáp công ơn của mẹ”.
Bạn Thanh Thảo, 24 tuổi, sinh viên Đại Học Y Dược TP.HCM, kể về những trải nghiệm cuộc sống tu hành ở chùa, về sự nuôi dưỡng tâm từ bi hỉ xả: “Được ngắm cảnh chùa, khoác lên người chiếc áo lam, được hòa nhập vào không khí trang nghiêm của thời khóa, niệm Phật, tụng kinh, nghe pháp... Tự nhiên trong lòng em có cảm giác thiêng liêng, an lạc và khó tả lắm. Cảm thấy mình sống tốt hơn, biết sống vì người khác hơn. Em rất mong càng ngày càng có nhiều bạn trẻ đến tham dự các khóa tu này”.
Khóa tu còn được coi là một không gian thiền, giúp cho các bạn trẻ giảm đi những căng thẳng của cuộc sống đời thường, tịnh hóa tâm hồn. Bạn nữ Anh Thư, 20 tuổi ở Kiên Giang đã chia sẻ tâm trạng sau khi tu tập: “Con đã bớt đi những nỗi buồn và hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, thông qua bài giảng của các thầy. Hơn nữa, con cũng học được cách giảm stress bằng cách ngồi thiền, niệm Phật, chia sẻ những điều khó nói với các sư thầy sư cô, với các bạn cùng tu. Đây là khoảng thời gian mà con tìm lại chính mình, lắng đọng tâm tư theo dõi từng nhịp thở của mình”.
Còn bạn Thành Nhân, 21 tuổi, Đại học Tôn Đức Thắng TP. HCM cho biết những kết quả bất ngờ có được sau khóa tu: “Trước khi tham gia khóa tu tôi không nghĩ là sẽ nhận được nhiều điều hữu ích đến vậy. Lúc ấy, tôi cảm thấy căng thẳng trong học tập và trong cuộc sống nên chỉ muốn tìm đến hoạt động này để thư giãn một chút. Nhưng không ngờ, sau một ngày tham gia tôi học được rất nhiều điều, nhất là lòng hiếu thảo, kinh nghiệm sống. Lúc trước ở nhà, cha mẹ nói gì tôi thường cãi lại vì nghĩ mình đã lớn. Học xong, tôi nhận ra sai lầm, tự hứa sẽ là người con hiếu kính cha mẹ. Qua khóa tu, tôi hiểu biết nhiều điều hay từ Phật pháp”.
Bạn Tuấn Anh, 24 tuổi ở Quảng Trị, cho biết những ứng dụng Phật pháp vào đời thường của bản thân : “Vào chùa em học được nhiều bài học bổ ích về đạo đức, trau dồi kiến thức căn bản, những kỹ năng cần thiết áp dụng vào cuộc sống qua những buổi pháp thoại, áp dụng những bài học ấy vào cuộc sống là tốt hơn”.
Bạn Vân Anh, 19 tuổi, nữ sinh viên Đại học Công nghiệp TP. HCM nói về những trải nghiệm đạo pháp của bản thân: “ Con thấy các bạn tham dự khóa tu này, đa số là những người trẻ tuổi và đang đi học. Và con nghĩ, những khóa tu này, giúp cho các bạn trẻ rất nhiều, ví dụ như: định hình nếp sống văn hóa lành mạnh, luôn hướng thiện, định hướng tương lai. Phật pháp là chốn an bình để con nương náu mỗi khi con cảm thấy khó khăn trong cuộc sống. Và hơn nữa, khóa tu này thể hiện tinh thần dấn thân của Phật giáo trong việc đem đạo vào đời…”.
Hiểu sâu sắc hơn về chữ hiếu qua bài giảng của các sư thày, không ít bạn trẻ đã khóc khi ngộ ra lời Phật dạy và hiểu hơn về bổn phận làm con. Bạn Võ Xuân Tùng, 21 tuổi, Quận 7 TP. HCM đã trải lòng: “Mỗi khóa tu đều có ý nghĩa riêng. Trong bản thân con có nhiều thay đổi. Con đã tích lũy được nhiều kĩ năng ứng dụng trong cuộc sống theo lời Phật dạy, ví dụ như biết lắng nghe hơn, biết đồng cảm, chia sẻ hơn. Tâm trạng con luôn thấy thoải mái, lạc quan, tràn đầy năng lượng sống. Con hiểu thêm về chữ hiếu, về bổn phận của người làm con. Con đã khóc rất nhiều khi nghe thầy dạy về tình thương cha mẹ đối với con cái. Quả thật trong đời này, không ai thương mình bằng cha mẹ mình”.
Kết luận
Các khóa tu do chùa Hoằng Pháp tổ chức hàng năm, ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của ban tổ chức khóa tu, số lượng khóa sinh đến tham dự càng ngày càng đông, có năm số môn sinh là gần 7.000 em. Những con số biết nói này, thể hiện sự chuyển biến tự thân tích cực của thanh thiếu niên sau các khóa tu tập, là ứng dụng Phật pháp của họ vào cuộc sống. Có thể nói, mục đích hoằng pháp lợi sanh, vẻ đẹp nhập thế của Phật giáo qua các khóa tu dành cho thanh thiếu niên ở chùa Hoằng Pháp chính là tinh thần dấn thân của Phật giáo, hướng đến mục đích cao cả tốt đạo đẹp đời.
Tác giả : Thích Nữ Huệ Ân
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018