Khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã gặp phải nền văn hóa bản địa với những truyền thống học vấn khoa mục, tư biện, minh kinh bách học chứ không lan man như hệ thống tư tưởng gốc; cũng từ đó, các tông phái Phật giáo Trung Hoa dần ra đời. Đến thời Đường, với sự hiện diện của 10 tông phái đã hoàn thành hệ thống tổ chức Phật giáo nước này, đồng thời cũng là nét riêng có của Phật giáo Trung Hoa. Tư tưởng Tịnh Độ từ Trung Quốc truyền đến Việt Nam chỉ hình thành một pháp tu mà không thành tông như ở Trung Hoa. Vì vậy, bài viết này chú trọng xây dựng nội hàm của khái niệm: tông phái, tông Tịnh Độ, pháp tu Tịnh Độ.
Quan niệm về tông phái Phật giáo Trung Quốc
Đến cuối thời Đường (618 - 907) tại Trung Quốc đã thành lập 10 tông phái Phật giáo gồm:
Để một tông ra đời cần các yếu tố sau:
Tam thừa | Tên tông | Yếu tố thành lập tông |
Tiểu thừa | Câu Xá Thành Thật Luật |
Phát minh lý luận Kinh điển căn cứ Tổ sư khai sáng Tự viện trung tâm Quá trình truyền thừa |
Trung thừa | Pháp tướng (Duy Thức) Tam Luận | |
Đại thừa | Hoa Nghiêm Thiên Thai Chân Ngôn (Mật) Thiền Tịnh Độ |
Thứ nhất, mỗi tông phái của Phật giáo Trung Hoa đều có một tông chỉ, đường lối thực hành rõ ràng; tông chỉ đó phải có tính sáng tạo đặc biệt. Bởi vì, khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc bao bồm rất nhiều học thuyết, tư tưởng. Vị tổ sư nào phát huy một tư tưởng trong kinh điển từ đó phát triển lên thành một quan điểm mới, được mọi người chấp thuận tin theo thì tư tưởng đó có thể làm tông chỉ của tông phái. Ví dụ, Luật tông lấy việc nghiêm trì giới luật là tông chỉ; Tam luận tông phát triển lý trung đạo; Thiền tông lấy việc kiến tính thành Phật làm mục đích cuối cùng...
Thứ hai, mỗi tông đều lấy một vài bộ kinh, luật, luận làm cơ sở y cứ. Như Luật tông lấy Tứ phận luật làm nền tảng. Thiên thai tông nương vào kinh Pháp Hoa. Dẫu Thiền tông có chủ trương bất lập văn tự nhưng vẫn y cứ vào các kinh điển như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kinh Cương... làm cơ sở.
Thứ ba, tổ sư khai sáng. Vị đầu tiên lập tông gọi lại thủy tổ hay sơ tổ. Ví như Huyền Trang là thủy tổ của Câu Xá tông ở Trung Hoa, Thế Thân là thủy tổ của tông Câu Xá ở Ấn Độ, Cưu Ma La Thập là thủy tổ của tông Thành Thực, Đạo Tuyên là thủy tổ của Luật tông Trung Hoa, Tuệ Viễn là thủy tổ của tông Tịnh Độ...
Thứ tư, tổ đình tự viện trung tâm. Mỗi vị tổ sư khai sáng đều lấy nơi mình tu hành làm nơi trung tâm hành đạo. Sau này các đệ tử kế tiếp phát triển, lấy nơi phát tích làm tổ đình. Ví dụ: chùa Thê Hà (Nam Kinh), nơi ngài La Thập hành đạo là tổ đình của tông Tam Luận, chùa Đông Lâm ở Lư Sơn là tổ đình của tông Tịnh Độ...
Thứ năm, quá trình truyền thừa. Mỗi tông phái có sự truyền thừa dài ngắn, liền đoạn khác nhau. Tông thiền có sự kế thừa liên tục, đời nối đời không dứt. Thiền tông lấy mạch truyền thừa từ Phật Thích Ca đến Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28, đồng thời là tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa. Từ đó truyền đến Huệ Năng là tổ thứ 6. Từ các đệ tử của Huệ Năng lại chia thành 5 phái: Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng; đến nay pháp mạch còn lưu truyền mãi, phần lớn người xuất gia tu hành tại Việt Nam đều nhận là hậu duệ của tông Lâm Tế hoặc Tào Động. Nhưng có tông, sự truyền thừa chỉ đến một thời điểm thì dứt truyền như tông Tam Luận truyền thừa theo mạch sau: La Thập, Đạo Sinh, Đàm Tế, Đạo Lãng, Tăng Thuyên, Pháp Lãng, Cát Tạng, Trí Khải. Nhưng có tông truyền thừa không liền mạch như tông Tịnh Độ: Hoài Cảm, Thiếu Khang, Diên Thọ, Tĩnh Thường... Mỗi vị sư ở một triều đại khác nhau, có thể không sống cùng thời đại nhưng vẫn được tôn xưng là tổ sư của tông.
Quan điểm về Tịnh Độ tông
Cũng như tiêu chí thành lập các tông phái Phật giáo tại Trung Hoa, Tịnh Độ tông lấy tông chỉ tu hành là: Niệm Phật Di Đà, cầu sinh tịnh độ làm cương lĩnh thực hành. Giáo điển y cứ vào Tịnh Độ gồm 3 kinh: Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Kinh. Tổ sư khai sáng là Tuệ Viễn, tổ đình ở tại chùa Đông Lâm. Việc truyền thừa của tông Tịnh Độ theo như Chánh Trí Mai Thọ Truyền nghiên cứu trong Khảo cứu về Tịnh Độ tông cho biết: “Đến đời Tống, ngài Minh Hiểu mới chọn trong các bậc đồng tu tịnh nghiệp trải qua các thời đại cách nhau xa, được công nhận là đạo cao đức cả mà sắp thành một hệ thống 7 tổ”(1). Đó là Tuệ Viễn, Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Diên Thọ, Tỉnh Thường. Đến đời Trung Hoa Dân Quốc mới thống nhất bổ sung đến tổ thứ 13 bao gồm: Châu Hoằng, Trí Húc, Hành Sách, Thật Hiền, Tế Tỉnh, Ấn Quang.
Riêng tông Tịnh Độ cần có tiêu chí thứ sáu là phải có thực nghiệm chứng ngộ. Tức là vị nào tu hành đến cuối đời phải có thụy tướng vãng sinh như nhìn thấy Phật Di Đà, biết trước giờ vãng sinh, để lại xá lợi... Đơn cử như Tuệ Viễn: “Được ba lần thấy thánh tượng A Di Đà, lúc lâm chung lại thấy Tam thánh Tây Phương”(2).
Những tính chất của các tông phái Phật giáo Trung Quốc
Các tông phái đều là giáo lý đạo Phật. Đạo Phật như một gốc cây to, các tông phái giống như từng cành lớn của một gốc cây. Do đó, chúng đều chung một gốc, cùng hướng đến lý tưởng giải thoát, giác ngộ. Các tông phái cũng giống như nhiều ngả đường, mà con đường nào cũng đi đến đích, thành A La Hán, thành Phật. Các tông phái còn giống như vườn hoa, mỗi tông như một bông hoa để làm cả vườn hoa Phật pháp càng khoe sắc hơn.
Các tông phái không có sự mâu thuẫn, kích bác nhau mà ngược lại, bổ sung cho nhau, làm giáo lý đạo Phật sâu sắc, phong phú, dễ phổ cập hơn.
Các tông phái có tính dung hòa. Môn nhân của mỗi tông phái không bó buộc việc tu học trong tông của mình. Tu hành thụ giới theo luật tông, nhưng lại thực hành theo thiền, tịnh, mật. Sự tinh thông tam tạng, quán thông các tông phái sẽ giúp cho người tu học có cái nhìn khoan dung, rộng mở, toàn diện hơn về đạo Phật, từ đó việc giáo hóa đồ chúng linh hoạt, hiệu quả cao.
Về sự truyền thừa, các tông phái có sự hưng thịnh hay suy vong khác nhau nhưng giáo lý của các tông phái vốn không có thịnh suy mà nó luôn có giá trị như nó vốn có. Ví dụ Thành Thực tông ra đời trong bối cảnh lịch sử nhất định, đời nay môn nhân của tông Thành Thực không còn nhưng giá trị của bộ Thành Thực luận vẫn có giá trị rất lớn đối với người tu học đạo Phật.
Tông phái chỉ ra đời trong bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử nhất định. Đến thời Đường là kết thúc. Không có tông phái mới nào tuyên bố thành lập, có chăng chỉ là sự phát triển của các chi nhánh trong các tông.
Tông phái tạm phân ra làm tiểu, trung, đại thừa nhưng dù là gì đi nữa nếu người tu hết lòng chuyên cần thì chắc chắn sẽ gặt hái được kết quả tốt lành. “Các tông đều do Phật truyền dạy, chỉ khác biệt nhau ở chỗ là giáo pháp nào thích hợp hơn với chính bản thân mỗi người mà thôi. Người tu tập theo giáo pháp tiểu thừa mà thực sự có được đời sống an lạc thì vẫn là hơn xa so với những ai tự xưng là đại thừa mà không tự giải thoát nổi cho chính bản thân mình” (3).
Quan niệm về pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam
Nếu từ những nhận thức về tông phái Phật giáo Trung Quốc, quan niệm về Tịnh Độ tông như đã trình bày trên để soi chiếu vào Phật giáo Việt Nam thì không có bất cứ một tông phái nào được thành lập. Nguyên nhân là bởi đến thời Lý - Trần, văn hóa, tôn giáo tại Việt Nam mới hưng thịnh đến đỉnh cao, thời này tương đương với đời Tống, Nguyên ở Trung Quốc. Trong khi đó, đến đời Đường các tông phái đã hoàn chỉnh. Các tông phái Trung Hoa sau khi truyền sang Việt Nam chỉ trở thành các pháp tu chứ không thành các tông là vậy. Thứ nữa, văn hóa, chính trị, tôn giáo Việt Nam khác hẳn bối cảnh Trung Quốc nên việc hình thành một tông ở Phật giáo Việt Nam là không có mà chỉ trở thành phái như thiền phái Trúc Lâm, hoặc trở thành những pháp tu thiền, pháp tu mật...
Mười tông phái ít nhất sẽ có mười pháp tu truyền đến Việt Nam. Riêng đối với pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam có khác với tông ở chỗ không có người lập, không có tổ đình, không có quá trình truyền thừa liên tục, còn các yếu tố khác như: tông chỉ tu hành, kinh điển y cứ, tu hành cầu chứng nghiệm vẫn đầy đủ.
Vậy quan niệm của pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam bao gồm:
Một là, pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam đã song hành cùng thời với tông Tịnh Độ ở Trung Quốc. Tuệ Viễn viên tịch năm 416, Đàm Hoằng năm 422 đã sang Giao Châu tụng kinh Vô Lượng Thọ. Như vậy cho thấy, Tịnh Độ tông của Trung Quốc khi mới sơ khai hình thành thì tại Việt Nam đã có người thực hành pháp tu này. Hay nói khác, người Việt đã có người tin, thực hành pháp tu này sớm nhất trong khoảng năm từ năm 422 đến năm 455 (năm Đàm Hoằng viên tịch).
Hai là, pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam ban đầu lấy kinh Phật làm cơ sở để tu hành chứ không phải lấy từ tông Tịnh Độ của Trung Quốc. Cương lĩnh tu hành của pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam cũng vẫn là niệm danh hiệu Phật Di Đà, cầu vãng sinh Tịnh Độ. Nhưng về sau, những luận thuật về Tịnh Độ, các cách thức thực hành khác của các tổ sư Trung Quốc truyền đến cũng được người Việt tiếp thu, thực hành.
Thứ ba, pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam chủ trương ngắn gọn, thực tiễn, chủ yếu phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống người dân chứ không minh kinh bác học, chuyên nghiên cứu về một vấn đề: cước, chú, sớ sao... như của Trung Quốc.
Thứ tư, pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam lấy kinh nghiệm tu hành của người trước để phỏng theo chứ không có một vị tổ sư khai tông. Nếu hợp duyên với vị tu hành nào thì thực hành theo cách thức của vị tu hành đó.
Thứ năm, pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam lấy sự tu hành chứng nghiệm làm động lực thực hành. Thiền sư Quảng Đức để lại trái tim bất diệt, thiền sư Thiền Tâm để lại xá lợi... là những minh chứng cho sự tu hành chứng nghiệm để đời sau tin, thành theo pháp tu Tịnh Độ.
Việc làm rõ nội hàm các khái niệm cho chúng ta thấy cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt của pháp tu Tịnh Độ trong tiến trình phát triển Phật giáo từ Trung Quốc đến Việt Nam. Có lẽ, giới học giả, các nhà nghiên cứu, người học Phật cũng cần hiểu chính xác rằng tại Việt Nam chỉ có các pháp tu như pháp tu Tịnh Độ, pháp tu Mật, pháp tu Thiền chứ không dùng từ Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiền tông...
_____________
1, 2. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Nxb Tôn giáo, 2012, tr.10, 11, 12.
3. Đoàn Trung Còn, sđd, tr.156.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : NGUYỄN TIẾN SƠN