Ngày 26-8-2024, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam khai mạc triển lãm “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” của 34 nghệ sĩ trẻ Việt Nam tại Trung Tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các họa sĩ tham gia triển lãm
Dự án Đối thoại với tranh Ukiyo-e lần này nhằm mục đích tiếp tục cuộc đối thoại với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e xuất hiện vào đầu thời kỳ Edo (đầu TK XVII). Trong thời kỳ bùng nổ “Chủ nghĩa Nhật Bản” ở châu Âu vào TK XIX, cách thể hiện không gian và sử dụng màu sắc độc đáo trong tranh Ukiyo-e đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng như Monet, Cézanne và Renoir, những người sau đó đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn từ Ukiyo-e.
Hơn 100 năm sau, lần này các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã tham gia vào thử thách mới để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Ukiyo-e, nhưng vẫn giữ được truyền thống Việt Nam.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn giới thiệu về từng tác phẩm trong triển lãm
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Yoshioka Norihiko - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Các tác phẩm ở đây được lấy cảm hứng từ dòng tranh Ukiyo-e - một dòng tranh rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Ngày hôm nay, khi tôi được thưởng thức triển lãm này, tôi cảm thấy rất ấn tượng với những tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi tin rằng trong số các nghệ sĩ ở đây, có nhiều người có thể đi theo con đường truyền thống. Tuy nhiên, cũng từ những tác phẩm này, tôi hy vọng các bạn có thể tự mình mở ra những con đường mới và trở thành một trong những nghệ sĩ xuất sắc về nghệ thuật đương đại”.
Dự án Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e đã ra mắt thành công tại Nhà Thái Học của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám vào tháng 1 năm nay, và tháng 8 vừa qua, triển lãm đã tiếp tục được giới thiệu tới công chúng địa phương và du khách quốc tế tại Thành phố Hội An trong khuôn khổ Tuần lễ giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.
Tại góc trưng bày tác phẩm "Công thành danh toại", người xem có thể tương tác với tác phẩm thông qua việc viết, vẽ lên thẻ
Lần này, triển lãm với 37 bộ tác phẩm với đa dạng chất liệu: lụa, sơn mài, gốm, giấy dó, sắp đặt, hoạt hình được trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, mang thêm cơ hội thưởng thức cho những khán giả yêu thích dòng tranh này, cũng như quan tâm tới những sáng tạo độc đáo và đầy bất ngờ thú vị của thế hệ sáng tác trẻ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển dự án chia sẻ tại buổi triển lãm, “Đây là một dự án mà chúng tôi muốn thực hành về nghệ thuật đương đại. Với dự án này, chúng tôi trân quý giá trị từ truyền thống, muốn nối dài, lấy cảm hứng từ truyền thống của Việt Nam cũng như các dân tộc khác trên thế giới, cụ thể ở đây là nền nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản - dòng tranh Ukiyo-e. Dự án này xuất phát điểm từ truyền thống đối thoại với truyền thống, lấy chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó… đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e của Nhật Bản. Tôi tin rằng các nghệ sĩ sẽ có thêm niềm tin vào việc phát triển sự nghiệp nghệ thuật đương đại của mình lấy cảm hứng từ chính giá trị truyền thống, không những của nghệ thuật Việt Nam mà từ nghệ thuật của các dân tộc khác trên thế giới. Rất hy vọng triển lãm này sẽ có cuộc du ngoạn xa hơn nữa, như ở TP.HCM hay ở đất nước Nhật Bản”.
Triển lãm mở cửa miễn phí đến hết ngày 15-9-2024.
Tác phẩm điêu khắc và tranh sơn mài "Tựa sơn vọng thủy" của tác giả Bùi Kim Hiền
Tác phẩm tranh lụa "Trùng điệp" là sự kết hợp các hình tượng nổi bật trong văn hóa tranh Ukiyo-e và không gian mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
Tin, ảnh: LIÊN HƯƠNG