Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước... Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng” (1). Cụ thể hóa Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 vào điều kiện cụ thể của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII (10-2015) chỉ rõ: “Xây dựng, bảo tồn và phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa quê hương và con người Bắc Giang, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” (2).
Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 800/QĐ-TTg Về Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu: “Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc... đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (3). Thực hiện Quyết định số 800, ngày 14-7-2011, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU Về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 với mục tiêu, nhiệm vụ: “Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng; quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đẩy mạnh hoạt động truyền thanh, văn hóa, nghệ thuật và phong trào thể dục, thể thao quần chúng” (4).
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU, ngày 30-8-2012 UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định số 1217/QĐ-UBND Về việc phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 với mục tiêu: Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, bản văn hóa; tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội (5). Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nhằm đẩy mạnh, phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu, có nội dung thiết thực, tránh hình thức, nâng cao về chất lượng và hiệu quả trong đời sống xã hội, ngày 18-1-2018, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2018 với mục tiêu: “87% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 70% làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 80% trở lên cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Phấn đấu 20% doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 40% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 60% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Vận động, thu hút trên 33% số người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên. 100% số làng, bản, tổ dân phố xây dựng được Quy ước văn hóa và sửa đổi, bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn” (6).
Trong quá trình tổ chức, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp triển khai xuống các các địa phương để đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí về văn hóa. Có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: hỗ trợ các thôn, xã xây dựng nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở địa phương. Giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hết năm 2014 là 5.118,5 tỷ đồng (7); chỉ riêng năm 2018 là 1.847,277 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương đầu tư trực tiếp cho chương trình nông thôn mới là 204,2 tỷ đồng, chiếm 11,1%. Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã): 727,932 tỷ đồng, chiếm 39,4%. Huy động đóng góp từ người dân (chưa gồm hiến đất, ngày công lao động...): 572,444 tỷ đồng, chiếm 31,0%. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn tỉnh: 227,701 tỷ đồng, chiếm 12,3%. Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình điện: 115 tỷ đồng, chiếm 6,2%. Ngoài ra, thực hiện huy động từ nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 08-9-2018 của Chính phủ và chính sách tín dụng khác, đến nay dư nợ trên 20.000 tỷ đồng (8).
Hiện nay, toàn tỉnh có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,8% (cao hơn bình quân chung cả nước hiện là 42,2%). Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, từng bước phát triển theo quy hoạch, đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng và đẩy mạnh. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức về giảm nghèo của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp. Nhiều hình thức đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo như: hỗ trợ vốn vay, giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật... đã tạo điều kiện cho người dân lao động, sáng tạo, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh còn 33.209 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,31%, giảm 2,22% so với năm 2017, số hộ cận nghèo còn 32.108 hộ chiếm 7,07%, giảm 0,9% so với năm 2017. So với cuối năm 2017, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 156 xã đạt tiêu chí thu nhập (tăng 4 xã), 153 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (tăng 6 xã) (9).
Quá trình tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả, các địa phương chủ động xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện như: Đề án xây dựng khu dân cư văn hóa điển hình sáng, xanh, sạch, đẹp giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo (huyện Tân Yên); Kế hoạch tổ chức đám cưới điểm thực hiện theo nếp sống văn minh (huyện Hiệp Hòa); Kế hoạch triển khai xây dựng khu dân cư văn hóa điển hình giai đoạn 2018-2025 (huyện Yên Dũng); nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ, 5/10 huyện, thành phố (Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế, TP Bắc Giang) triển khai, tổ chức thực hiện đám cưới điểm, tiêu biểu; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy; các mô hình làng văn hóa điển hình tiếp tục được triển khai, nhân rộng như: Làng văn hóa xanh-sạch-đẹp; Làng văn hóa điển hình về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Làng văn hóa an ninh trật tự… “Tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa là 390.755/442.646 đạt 88,3% (tăng 0,5% so với năm 2017), tỷ lệ thôn bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa là 1.896/2.479 đạt 76,5% (tăng 0,1% so với năm 2017), có 84/203 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới, đạt 41,3%. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 1.749/2.089 đạt 83,7% (giảm 0,2% so với năm 2017) (10).
Năm 2018, toàn tỉnh có “2.479/2.479 hương ước, quy ước được phê duyệt” (11). Đây là những thiết chế tự quản của cộng đồng, đã góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, bản, tổ dân phố và được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật, cùng pháp luật điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình, thôn, bản, khu phố văn hóa. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bài trừ thủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Ngoài ra, còn tạo động lực cho nhân dân nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phong trào thể thao quần chúng của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mãnh mẽ, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Đến nay, số người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên đạt 33,8%; số gia đình thể thao là 55.432 hộ; số câu lạc bộ thể thao là 2.658. Song song với đó, phong trào thể thao trường học cũng phát triển, 100% các trường trên địa bàn tỉnh có chương trình rèn luyện thể dục thể thao, giáo dục thể chất. Phong trào thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, cán bộ viên chức toàn tỉnh phát triển không ngừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ở đơn vị. Trong năm 2018, toàn tỉnh tổ chức thành công “26 giải thể thao phong trào, 3 giải thể thao toàn quốc (Giải vô địch cầu lông trẻ toàn quốc, Vô địch cờ vua đồng đội toàn quốc, Vô địch cờ vua các đấu thủ mạnh toàn quốc); 172 giải thể thao cấp huyện, thành phố và 1.884 giải thể thao cấp xã” (12).
Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. “Hiện nay, toàn tỉnh có 4 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 10/10 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện; 203/230 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt 88,26%); có 2.273/2.479 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (đạt 91,69%). Có 10/10 thư viện huyện, thành phố; 59/230 thư viện cấp xã và hơn 500 tủ sách cơ sở. Có 339 nhà luyện tập, thi đấu thể thao, 1.528 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời” (13). Các thiết chế văn hóa được khai thác và sử dụng có hiệu quả, là nơi phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được nâng lên, từng bước hiện đại hóa trong thiết bị, quan tâm xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp. “Tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 96,5%, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,2% dân số” (14). Chất lượng giáo dục duy trì ổn định, giữ vững trong tốp dẫn đầu cả nước, “tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88,5%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 85%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,1%, trong đó đào tạo nghề đạt 42,6%” (15). Hết năm 2018, có 194/230 xã chiếm 84,3% xã đạt tiêu chí giáo dục (tăng 2 xã so với năm 2017). Như vậy, tính đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 151 xã đạt tiêu chí văn hóa (tăng 4 xã so với năm 2017), có 194 xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo (tăng 2 xã), 190 xã đạt tiêu chí y tế.
Có kết quả của quá trình thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là do phong trào thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua đó làm chuyển biến nhận thức và nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, huy động và vận động nhân dân tích cực đóng góp các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, tạo chuyển biến rõ rệt thông qua việc đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế: chất lượng danh hiệu văn hóa trong các phong trào ở một số địa phương chưa phản ánh đúng thực chất, còn mang nặng hình thức và chạy theo thành tích, đặc biệt là danh hiệu Gia đình văn hóa. “Phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ở một số địa phương vẫn còn thấp, có nơi chỉ đạt trên 20%” (16). Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quyết định 74/2013/QĐ-UBND ngày 15-3-2013 của UBND tỉnh ở một số nơi chưa nghiêm túc, như: tổ chức đám cưới linh đình gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Việc triển khai xây dựng và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa còn vướng mắc do chưa có quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa vững chắc, thiếu chiều sâu.
Qua quá trình tổ chức thực hiện và kết quả đạt được trong phong trào, có thể rút ra các giải pháp khắc phục:
Một là, không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đây là nhân tố quyết định thành công và phát triển của phong trào. Quan tâm nâng cao vị thế và hỗ trợ điều kiện vật chất thuận lợi đối với đội ngũ công chức văn hóa cơ sở thực hiện công tác này.
Hai là, thường xuyên tổng kết thực tiễn để phát huy những ưu điểm, tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, phê phán những hành vi sai trái, tiêu cực. Chú trọng xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu; xã đạt chuẩn nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh.
Ba là, thường xuyên củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, nhất là vai trò của các thành viên thường trực trong công tác tham mưu, tư vấn các mục tiêu, giải pháp để triển khai, tổ chức thực hiện là yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả của phong trào.
Bốn là, tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong công tác xây dựng danh hiệu văn hóa và đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút nguồn đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.
Năm là, hoạt động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thường xuyên lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào khác như: khuyến học; ngày vì người nghèo; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chương trình xây dựng nông thôn mới... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và hiệu quả thiết thực.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.48-49
2. BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, Văn phòng Tỉnh ủy, 2015, tr.74
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, 2010, tr.1.
4. Tỉnh ủy Bắc Giang, Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, 2011, tr.1,6.
5. UBND tỉnh Bắc Giang, Chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 ngày 30-8-2012 (Ban hành kèm theo Quyết định 1217/QĐ-UBND ngày 30-8-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh), 2012, tr.3.
6. UBND tỉnh Bắc Giang - Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Kế hoạch số 05/KH-BCĐ ngày 18-1-2018 Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2019, 2018, tr.2.
7. UBND tỉnh Bắc Giang - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo số 106/BC-SNN ngày 6-5-2015 Kiểm điểm 4 năm thực hiện Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, 2015, tr.6.
8, 10, 14, 15. UBND tỉnh Bắc Giang - Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Báo cáo số 243/BC-BCĐ ngày 18-01-2019 Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, 2015, tr.3, 4, 7, 8.
9, 11, 12, 13, 16. UBND tỉnh Bắc Giang - Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Báo cáo số 354/BC-CBC ngày 24-12-2018 Kết quả thiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2018, nhiệm vụ năm 2019, 2018, tr.5, 7, 11, 9, 14.
Tác giả: Hoàng Công Vũ - Đinh Thị Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019