Thời gian gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai được 19/27 thủ tục hành chính đối với đơn vị ở mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của ngành. Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước, BHXH đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với việc đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT tiến tới tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động.
Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ đến các cụm dân cư, hộ gia đình trong tình hình dịch bệnh. Trong năm 2020, toàn quốc đã tổ chức được trên 26.000 hội nghị truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN thu hút khoảng 1,4 triệu tham gia. Sang năm 2021, hình thức này tiếp tục được tăng cường trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 26.900 cuộc họp, hội nghị được tổ chức có sự kết hợp truyền thông trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại từng địa phương và xu thế hiện nay.
Ngành BHXH Việt Nam còn tổ chức các lễ ra quân tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên toàn quốc; đồng thời, công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trên mạng xã hội được chú trọng thực hiện với việc sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông online (các sản phẩm báo chí hiện đại; các chương trình livestream tuyên truyền; các viral clip, motion graphic,...). Đến nay, tổng số kênh truyền thông mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân trong toàn ngành là 6.780 trang, thu hút trên 135 nghìn lượt chia sẻ, tiếp cận thông tin của người dân, người lao động về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, BHXH các địa phương đã đôn đốc, chỉ đạo cán bộ BHXH, nhân viên đại lý thu tích cực tích áp dụng hình thức tư vấn, đối thoại qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,…), điện thoại, gặp gỡ truyền thông, vận động đến từng người dân, người lao động có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện được kịp thời, thuận tiện. Các kênh thông tin hiện nay người dân có thể liên hệ tiếp cận chính sách BHXH, BHYT một cách thuận lợi nhất đó là: Tại nơi cư trú người dân có thể liên hệ bộ phận hỗ trợ BHXH tại UBND xã, phường, đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH của, quận, huyện hoặc có thể gọi điện đến Tổng đài của BHXH: 1900.9068 để được hỗ trợ trực tiếp. Truy cập trang web của Bảo hiểm xã hội việt nam, cài đặt ứng dụng VssID, nhắn tin gửi đến tổng đài của BHXH.
Hiện nay, người lao động có thể tiến hành tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH) trực tuyến, qua nhắn tin bằng điện thoại hoặc qua ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Muốn tra cứu bảo hiểm xã hội, gồm các thông tin về thời gian đóng, mức đóng BHXH… trước hết người lao động cần biết được mã số BHXH của mình. “Tin nhắn theo cú pháp” dành cho các cá nhân, đơn vị tự tra cứu quá trình tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN của mình bằng cách soạn tin nhắn SMS gửi đến số tổng đài 8079. Đơn vị, cá nhân tiến hành quá trình tham gia BHXH qua hệ thống tin nhắn SMS với 5 cú pháp như sau:
Tra cứu thời gian tham gia BHXH bằng cách soạn cú pháp BH QT Mã số BHXH gửi 8079 - Ví dụ: Soạn BH QT 0110129425 gửi 8079; Tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ: BH HS Mã hồ sơ gửi 8079 - Ví dụ: Soạn BH HS 4486.G/2019/08708 gửi 8079; Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo năm: Soạn cú pháp BH QT Mã số BHXH Từ năm đến năm gửi 8079 - Ví dụ: Soạn BH QT 0110129425 2017 2018 gửi 8079; Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian: Soạn cú pháp BH QT Mã số BHXH Từ tháng - năm đến tháng năm gửi 8079 - Ví dụ: Soạn BH QT 11012942 012017 022018 gửi 8079. Ngoài ra bạn còn có thể tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng tin nhắn điện thoại: Soạn cú pháp BH THE Mã thẻ BHYT gửi 8079 - Ví dụ: Soạn BH THE HC4010110129425 gửi 8079. Dưới đây là hình minh họa dịch vụ tin nhắn Bảo hiểm xã hội phục vụ người dân.
Tra cứu mã số BHXH căn cứ khoản 2.13 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2020, mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Để biết mã số BHXH thì xem trên bìa sổ bảo hiểm xã hội. Hiện nay, sổ BHXH sẽ do người lao động tự giữ và bảo quản. Vì vậy, người lao động có thể tự xem mã số BHXH trên bìa sổ BHXH. Trường hợp người sử dụng lao động chưa giao sổ cho người lao động, có thể áp dụng cách, xem trên thẻ BHYT theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Quyết định 1351/QĐ-BHXH, 10 ký tự cuối của mã thẻ BHYT là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT. Như vậy, người tra cứu có thể xem được mã số BHXH bằng cách xem 10 ký tự cuối của mã thẻ bảo hiểm y tế của người cần xem.
Tra cứu bảo hiểm xã hội trực tuyến áp dụng đối với người lao động đăng ký đúng số điện thoại đang sử dụng với cơ quan BHXH. Bởi hệ thống BHXH sẽ yêu cầu nhập số điện thoại nhận OTP và gửi mã OTP về điện thoại để xác thực người dùng. Truy cập https://baohiemxahoi.gov.vn, chọn “Tra cứu trực tuyến”.
Tra cứu qua ứng dụng VssID: VssID là ứng dụng của BHXH Việt Nam, người lao động có thể đăng ký tài khoản để tra cứu các thông tin liên quan đến quá trình đóng BHXH của mình. Người lao động sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng ở cả hệ điều hành iOS và Android để cài đặt ứng dụng. Tại ứng dụng này người tham gia BHXH có thể xem được thông tin quá trình tham gia BHXH, xem chi tiết mức lương đóng BHXH. Người dân có thể tải ứng dụng VssID và cài đặt trên điện thoại thông minh. Ứng dụng VssID sẽ cung cấp hình ảnh thẻ BHYT thay thế thẻ BHYT giấy trên màn hình điện thoại, nếu họ có nhu cầu. Khi người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, người bệnh có thể đưa hình ảnh thẻ BHYT này cho cơ sở khám, chữa bệnh để làm các thủ tục hưởng quyền lợi BHYT của mình.
Với ứng dụng này, người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB với cơ quan BHXH; cập nhật các thông tin về thẻ BHYT, quyền lợi được hưởng khi đi KCB, lịch sử khám, chữa bệnh BHYT...; theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN; thông tin hưởng các chế độ BHXH (hàng tháng, một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); hỗ trợ tra cứu: mã số BHXH, cơ quan BHXH...; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam dành cho cá nhân; hỗ trợ trực tuyến 24/7: Chatbot - trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ 1900.9068, email, câu hỏi thường gặp, gửi phản ánh, kiến nghị đến cơ quan BHXH; theo dõi tin tức hoạt động ngành BHXH; các thông tin về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hướng dẫn sử dụng ứng dụng; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc, tham gia BHXH, BHYT tại Việt Nam có thể sử dụng ứng dụng VssID một cách dễ dàng, BHXH Việt Nam đã triển khai, tích hợp đa ngôn ngữ trên ứng dụng VssID. Tính đến nay, ứng dụng VssID đã triển khai 5 ngôn ngữ, gồm: Việt, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong quá trình phát triển ngành BHXH Việt Nam những năm gần đây đã rất nỗ lực tuyên truyền cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng phát triển các dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, ra đời các ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ tiếp cận và giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN đem đến sự kết nối thông tin, giải quyết chế độ chính sách giữa các cá nhân, đơn vị với cơ quan BHXH trở nên thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH, BHYT, giúp người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu; tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người dân, doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện.
LÊ THANH HUYỀN