Hội thảo quốc gia Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc.

Ngày 26-6, Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu, là các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… của các cơ quan Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà thiết kế thời trang, cộng đồng làng nghề tham dự.

Hội thảo đã nhận diện, đánh giá đầy đủ những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài; đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định rằng việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến áo dài này cũng giúp chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam.

Tác giả: Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;