HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC PHƯỜNG Ở QUẬN 1, TP.HCM

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phường ở quận 1, TP.HCM hiện nay thực chất chính là phát huy vai trò của MTTQ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng; giám sát hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ công chức nhà nước; tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân các tổ, khu phố để phản ánh kiến nghị với cấp có thẩm quyền; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trên địa bàn quận 1.

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Thời gian qua, MTTQ phường ở quận 1, TP.HCM đã tổ chức quán triệt sâu sắc Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội (1), Quyết định 218-QĐ/TW về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Bộ Chính trị (2) và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ quận 1 và TP.HCM (3) đảm bảo công khai, khách quan, toàn diện và hiệu quả trên tất cả các mặt công tác.

Với đặc thù là một quận trung tâm của TP.HCM gồm 10 phường: Bến Nghé, Bến Thành, Cô Giang, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Đa Cao, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão, Tân Định trong đó phường Bến Nghé là phường trung tâm, quận 1 được xem là nơi sầm uất và có mức sống cao nhất của thành phố về mọi phương diện; với phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu thương mại tấp nập dọc hai bên đường Đồng Khởi. Nhiều cơ quan chính quyền, lãnh sự quán các nước và các tòa nhà cao tầng đều tập trung ở quận 1 như: Saigon One, Saigon Times Square, Vietcombank Tower và Financial Tower (cao nhất thành phố). Cho nên, hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ phường ở quận 1 giữ vai trò cầu nối trực tiếp trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng; giám sát hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ công chức nhà nước; tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân các tổ, khu phố để phản ánh kiến nghị với cấp có thẩm quyền; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hoạt động giám sát và phản biện xã hội nên MTTQ phường ở quận 1 đã tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát và phản biện hàng năm của MTTQ, chú trọng tới việc xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa Đảng - Chính quyền - Mặt trận để giám sát cho đúng, cho trúng. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị lần thứ 7, nhiệm kỳ X (2014-2019), Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang nhấn mạnh: “Giám sát và phản biện xã hội phải gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng đã triển khai, đặc biệt là 7 chương trình đột phá của thành phố”. Mặt khác, chương trình giám sát theo kế hoạch được phê duyệt, cần chủ động lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với thực tế của từng phường, tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND), quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) các phường. Sau mỗi chương trình giám sát, MTTQ phường đều có các ý kiến đóng góp thiết thực, mang tính xây dựng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ công chức trên địa bàn các phường.

Bên cạnh đó, MTTQ phường còn giám sát các báo cáo của HĐND, UBND và các ngành thông qua các kỳ họp. Tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri để tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh cho đại biểu quốc hội và cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; phát huy có hiệu quả vai trò của ban thanh tra nhân dân phường để giám sát, kiến nghị với chính quyền xử lý nhiều vi phạm, góp phần không nhỏ trong việc làm hạn chế những tiêu cực trên các lĩnh vực như: các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, đất đai, thu chi ngân sách; đầu tư xây dựng; chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác chấn chỉnh trật tự đô thị...

Đối với công tác phản biện xã hội đây là một nội dung mới cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ở cấp phường, MTTQ phường đã tổ chức tốt các hội nghị góp ý kiến phản biện đối với các dự thảo bảo cáo chính trị các cấp; tham gia góp ý kiến phản biện đối với một số dự thảo, nghị quyết, kế hoạch của phường. Các ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ phường đã góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và hành động của nhân dân và xã hội.

Trong năm 2017 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương; đặc biệt là vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phường đã góp phần quan trọng để quận 1, TP.HCM hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Cụ thể: “Thu ngân sách đạt chỉ tiêu giao 13.128 tỷ đồng; tích cực triển khai một loạt các giải pháp lập lại trật tự đô thị gắn với công tác an sinh xã hội, đạt 86% tuyến đường thông thoáng. 100% các em trong độ tuổi hoàn thành phổ cập tiểu học, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia; tổ chức cho các hộ nghèo và cận nghèo buôn bán tại các tuyến phố kinh doanh, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo bền vững”.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phường ở quận 1, TP.HCM vẫn còn những tồn tại, lúng túng trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện nhất là công tác phản biện xã hội. Việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa sâu rộng và toàn diện; công tác nắm, phản ánh tình hình tư tưởng và đời sống của các tầng lớp nhân dân có lúc còn chưa kịp thời, nhất là những sự việc bức xúc, tồn đọng lâu ngày chưa được giải quyết một cách triệt để, thỏa đáng; công tác phối hợp hoạt động giữa MTTQ với chính quyền và các tổ chức thành viên đôi khi còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ làm công tác giám sát và phản biện xã hội vẫn còn tâm lý ngại va chạm, chưa mạnh dạn nêu chính kiến của mình trước những vấn đề nhạy cảm và phức tạp.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phường ở quận 1, TP.HCM trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, MTTQ phường cần quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của quy chế giám sát, phản biện xã hội của Bộ Chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự nhất trí, sự đồng thuận cao trong xã hội, trong nhân dân trên địa bàn các phường; có các cơ chế và tạo điều kiện mọi mặt về phương tiện, con người để MTTQ phường và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng của mình, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt việc tuyên truyền về hoạt động giám sát và phản biện xã hội tới các tầng lớp nhân dân; định kỳ thực hiện tốt việc sơ kết và đề xuất các nội dung cần cụ thể hóa trong quá trình giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phường trong thời gian tiếp theo.

Hai là, nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân, xây dựng đội ngũ công chức cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư, thực sự là công bộc của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh và kiến nghị đưa ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ công chức thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân với chế độ; mở rộng quyền dân chủ và giám sát, tăng cường trật tự, kỷ cương; tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong đời sống của người dân, kiên quyết chống tệ quan liêu tham nhũng, lãnh phí; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.

Ba là, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng, nghị quyết đại hội MTTQ Việt Nam các cấp. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, đặt biệt là 7 chương trình đột phá mà hành phố đã triển khai, đặt ra cho MTTQ các cấp phải giám sát và phản biện. Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Vì người nghèo. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người ai cũng có điều kiện để lập thân, lập nghiệp, ai cũng thi đua lao động sản xuất, kinh doanh làm cho “Người nghèo thì thoát nghèo, người đủ ăn thì khá và giàu, người khá và giàu thì giàu thêm” góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các phường ở quận 1, TP.HCM.

Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng cơ bản, các nguồn lực do nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp để hạn chế thấp nhất những tiêu cực, lãng phí; quan tâm giải quyết tốt đơn thư, khiếu lại tố cáo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các phường thực hiện nghiêm túc về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, phường, thị trấn theo thông tư số 06 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 09/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. MTTQ phường ở quận 1 phải phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát của cộng đồng theo quy định của pháp luật. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để lựa chọn và bầu ra cho mình những đại biểu xứng đáng vào các cơ quan của nhà nước, phường, khu phố và tổ dân phố.

Năm là, cần tập trung hơn nữa vào một số vấn đề xã hội phức tạp, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn. Do là quận trung tâm của thành phố nên quận 1 có những nét đặc thù riêng như: mật độ dân cư đông đúc với nhiều tòa nhà cao tầng, nơi tập trung buôn bán của nhiều tuyến phố, khu thương mại sầm uất; có nhiều cơ quan của nhà nước, lãnh sự quán nước ngoài đứng chân trên địa bàn. Điều đó, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để cho quận phát triển kinh tế văn hóa xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết như: công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, công tác chấn chỉnh trật tự đô thị.

Đối với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Bên cạnh các khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, giao thương hàng hóa nhộn nhịp tiềm ẩn, chứa đựng những nguy cơ để tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập. Trong đó tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm, bệnh nhân bị lây nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng và xu hướng trẻ hóa đối tượng thanh thiếu niên độ tuổi 18-35. Đây là một vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Đối với MTTQ phường cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh tổ quốc trong điều kiện diễn biến phức tạp. Đồng thời thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi công vụ, duy trì kỷ cương pháp luật, góp phần từng bước hạn chế, đẩy lùi tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn công tác.

Đối với công tác chấn chỉnh trật tự đô thị, do hầu hết các phường ở quận 1 đều nằm trên vị trí đắc địa của thành phố nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, bãi đỗ gửi xe diễn ra nhiều năm nay, kéo theo cuộc sống của nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, muốn lấy lại vỉa hè dành cho giao thông cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, đảm bảo trước mắt cũng như lâu dài. Mặc dù đánh giá cao kết thực hiện được trong công tác chấn chỉnh trật tự đô thị trong thời gian qua, song quận 1 cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tình trạng tái lấn chiếm và việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị 10 phường, khu phố, tổ dân phố, người dân. Cho nên, để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa cần phát huy tính tích cực, chủ động của bí thư, chủ tịch và trưởng công an phường trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn phường, có sự tham gia của đoàn thể chính trị, khu phố, tổ dân phố, đặc biệt là vai trò giám sát phản biện của MTTQ phường đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch tạo nên sự thống nhất và đồng thuận của người dân và xã hội.

Có thể nói, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân là sự nghiệp thiết thân là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống và làm việc tại các phường, đồng thời cũng là trách nhiệm cả hệ thống chính trị các phường ở quận 1, TP.HCM. Để khẳng định vị trí, vai trò của mình, MTTQ phường phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; thực sự là cầu nối của Đảng ủy, HĐND, UBND phường với quần chúng nhân dân trên địa bàn dân cư.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hà Nội.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, TP.HCM, 2016 .

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

5. VOH, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, thứ 2, ngày 19-3-2018.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : VÕ VĂN MINH

;