Trong gần 10 năm trở lại đây cái tên biển Hải Tiến thuộc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh hóa đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch cho những ngày nghỉ dưỡng cuối tuần hay các ngày nghỉ lễ ngắn hạn. Ngoài tiềm năng về nghỉ dưỡng đơn thuần, Hải Tiến còn mang trong mình những nét đẹp về văn hóa tâm linh rất đáng được chú ý.
Bãi biển Hải Tiến được biết đến nhưng một trong những khu du lịch mới, chính thức đưa vào khai thác gần 10 năm nay. Sức hấp dẫn đặc trưng của biển Hải Tiến là vẻ đẹp hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên đất trời hòa quyện với không gian văn hóa làng chài của ngư dân, tạo nên một địa điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển lý tưởng. Đến đây du khách được tận hưởng những giây phút thoải mái trên bãi cát êm đềm, nước biển trong xanh, khí hậu mát lành, mang đến sự khác biệt và mới lạ so với các điểm du lịch khác của xứ Thanh. Và sau những giây phút nghỉ dưỡng, du khách có thể lựa chọn tham gia khám phá tìm hiểu các địa danh lịch sử, hay quần thể văn hóa tâm linh của vùng đất này như:
Đền thờ vị Trạng dân phong
Đối với những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử, thì Hoằng Hóa là một sự lựa chọn hợp lý. Du khách có thể đến tham quan khu di tích nhà thờ cụ Nguyễn Quỳnh được dân gian truyền tụng là hình mẫu của nhân vật Trạng Quỳnh nổi tiếng.
Nguyễn Quỳnh sinh tại làng Bột Thượng, nay thuộc xã Hoằng Bột, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Danh nhân Nguyễn Quỳnh có tên khai sinh là Nguyễn Thưởng. Ông sinh ngày 01 - 10 năm Đinh Tỵ (1677) niên hiệu Vĩnh Trị thứ hai thời Lê Trung hưng. Trong phần tóm tắt về thân thế sự nghiệp của ông đặt tại nhà thờ trên đất Hoằng Bột có viết: “Ông là người học vấn kinh luân, tài năng ứng biến. Khi tiếp xúc với xứ thần Trung Quốc, ông ứng đối hùng biện, lưu loát, về văn học từ chương, nghi lễ bang giao”. Đương thời, ông được danh phong là Quốc sư, dân phong là Trạng nguyên.
Nguyễn Quỳnh có sở trường thơ phú, ca dao, tài văn chương được xếp vào hạng ưu tú. Năm 14 tuổi, ông đậu khảo thí ở huyện. Năm năm sau, ông đậu thủ khoa kỳ thi hương, khoa Bính Tý (1696), niên hiệu Chính Hòa 17, thời Lê Trung hưng. Ông được triều đình bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thạch Thất, xứ Sơn Tây. Trong giai đoạn chính sự rối ren, xã tắc loạn lạc, chứng kiến lòng dân lay lắt, cơ cực, bần hàn, Nguyễn Quỳnh chọn cách cáo quan về quê sống cùng bá tính dân gian. Một danh nhân văn chương sống cùng trong cảnh lầm than của bách tính nên thấu hiểu nguồn cơn của nỗi khổ. Năm 1718, triều đình mở khoa thi hội cho các cống sĩ. Nguyễn Quỳnh dự thi, nhưng do chán ghét chốn quan trường hoạn nộ lúc bấy giờ, ở kỳ thi thứ 3, ông bỏ không thi tiếp. Đến những năm niên hiệu Bảo Thái, ông được triều đình cử giữ chức Giáo Thụ phủ Phụng Thiên. Về sau, ông được thăng chức Viên ngoại lang bộ lễ, thuộc hàng lâm tu soạn. Cuộc đời 71 năm của ông đã trải nhiều sóng gió cùng với thời cuộc. Ông mất năm Mậu Thìn (1748), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9.
Trong gia phả của dòng họ Nguyễn nói về gia tài văn chương nổi tiếng của Nguyễn Quỳnh gồm 6 bài văn bằng chữ Hán được lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, hai bài phú Vàng và lụa và Cung tần mỹ nữ được liệt vào hàng đầu trong Lịch Triều danh phú cho thấy Nguyễn Quỳnh là một kiệt nhân văn chương.
Đền thờ Trạng Quỳnh tọa trên đất của làng Bột Thượng là nơi nhiều người đến viếng thăm để tưởng nhớ vị danh nhân đã khuất. Bên cạnh đó, đây cũng là một địa điểm tâm linh mỗi khi cầu tài, cầu học hành của những người ở gần hoặc từ phương xa tìm đến nhất là vào những ngày tuần tiết, lễ tết, hay đi thi cử…
Chùa Hồi Long
Chùa Hồi Long được xây dựng từ TK XI dưới thời vua Lý Công Uẩn, tọa lạc giữa cồn cát, nơi địa thế cao, lưng tựa núi Linh Trường, mặt hướng nhìn ra sông Mã, sông Cung, thuộc thế “Tọa sơn, hướng thủy”. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa không còn giữ được nét nguyên sơ ban đầu. Hiện nay, việc trùng tu lại cảnh quan, kiến trúc ngôi chùa đang được tiến hành.
Được quy hoạch trên diện tích 1,4 ha, chùa thiết kế theo hình chữ công, gồm có 3 khu: khu tâm linh, khu từ thiện và khu dưỡng lão. Khu tâm linh được xem là khu trung tâm gồm tam bảo được hợp thành bởi 3 gian hậu cung, trung đường, tiền đường và 2 trái, hành lang lan can đá theo kiến trúc cung đình. Sau tam bảo là giảng đường và nhà thờ tổ, bên phải là nhà mẫu, lầu trống, điện hộ pháp; bên trái là nhà tứ ân, lầu chuông, điện hộ pháp. Tòa tam bảo được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá. Nền chùa được tôn cao 1,8m, mái chùa cao thoáng, màu sơn vàng - nâu là chủ đạo cộng với lối đắp vẽ mái đao rồng, phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt, có sự kết hợp nhuần nhị giữa văn hóa nhiều vùng, miền. Phía trong chùa 11 pho tượng lớn nhỏ được làm từ gỗ hoặc đồng, lớn nhất là tượng phật Di Đà cao 3,3m.
Sư thày Thích Đàm Ngoan - Trụ trì chùa Hồi Long cho biết: để xây dựng và hoàn thiện từng phần của công trình, nhà chùa đã phải huy động các thợ và nghệ nhân từ nhiều nơi, kể cả Nam Định, Huế. Bà con tăng ni, phật tử cũng tham gia đóng góp sức người, sức của để ngôi chùa nhanh chóng được hoàn thành.
Ngoài khu tâm linh, các khu từ thiện và dưỡng lão dự kiến sẽ được xây dựng nhằm mục đích nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật, người già neo đơn kèm theo hệ thống khám, chữa bệnh cho người nghèo ngay tại chùa.
Quần thể văn hóa đền thờ công thần Lê Trung Giang
Theo gia phả họ Lê, cuối thời Lê sơ, có người con trai họ Lê Trung, húy là Giang, thụy Quảng Xuyên, sức khỏe phi thường, giỏi vật và võ thuật. Lê Trung Giang trưởng thành gặp lúc triều Lê sơ đổ nát, Mạc Ðăng Dung tiếm ngôi làm xã hội rối ren, nạn cướp hoành hành dân làng. Ông liền triệu tập trai tráng, rèn vũ khí đánh đuổi bọn cướp, đem lại thái bình cho đất nước. Năm 1533, khi vua Lê Trang Tông chiêu mộ quân sĩ, Lê Trung Giang đã đưa quân bản bộ gia nhập và trở thành chiến tướng dưới thời Lê Trung hưng. Ông làm quan trải qua 4 triều vua, phục vụ 66 năm trong triều đình. Các triều vua rất ân sủng Tướng công Lê Trung Giang và họ Lê ở Hồng Đô, ban tới 13 đạo sắc, ban chữ “khải văn võ đường”, ngự dụng (4 đôi đũa) và sắc phong “khai quốc công thần thành hoàng Đô Thống Linh ứng hùng khẩu tối linh Thượng đẳng thần”. Nhớ công ơn đánh giặc, giữ yên bờ cõi, bồi đắp vùng đất biển hoang sơ thành vùng dân cư đông đúc, trù phú, dân làng tôn ông làm thành hoàng làng và lập đền thờ phụng. Đền thờ Lê Trung Giang tọa lạc trên diện tích gần 10.000m² tại xã Hoằng Ngọc và có tên gọi đầy đủ là khu quần thể văn hóa và di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang. Đây là khu văn hóa và di tích lịch sử được tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục Việt Nam bảo trợ.
Đền thờ chính có hàng trăm pho tượng sơn son thếp vàng. Phía tả, hữu có điện thờ vua Lê Thái Tổ, Trần Nhân Tông với nhiều cổ vật giá trị. Cạnh khu lăng mộ Đại vương có phối thờ các vị nhân thần có công với nước, đối diện đền thờ là tháp Bảo Minh Quang Thắng. Trong quần thể còn có chùa, nhà cổ vật, nhà văn hóa, hồ bán nguyệt, khu vui chơi và các động. Theo thày chủ trì đền cho biết: bức tượng hình Đức thánh Tản Viên đặt sau lăng mộ Lê Trung Giang là khuôn đúc tượng thánh Tản Viên, khi di chuyển tượng thánh Tản Viên lên núi Tản, người ta cũng có ý định rời cả khuôn đúc lên núi, nhưng điều kỳ lạ xẩy ra là không có máy móc nào có thể di chuyển được bộ khuôn này. Nghĩ là có điềm báo nên các thày đã cho xây dựng khuôn viên thờ và đặt khuôn đúc tượng đức thánh Tản Viên ngay sau đền thờ Lê Trung Giang.
Hội vật ở Đô Du, quê hương Tướng công Lê Trung Giang luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Nét độc đáo là võ sinh không đóng khố cởi trần mà mặc quần dài chớm gót khi vật, phô diễn những miếng võ điêu luyện, hạ gục đối phương mà vẫn ung dung, thư thái, không để bẩn lấm quần áo mới là thắng. Võ Nhất Nam được phát triển mạnh mẽ dưới thời nhà Lê (1428 - 1788), là môn võ đậm chất thuần Việt. Tương truyền, võ Nhất Nam do Thủy sư Đô đốc Lê Trung Giang quy tập, hình thành và phát triển mạnh mẽ thành một môn phái riêng.
Từ biển Hải Tiến du khách có thể kết nối đến nhiều di tích lịch sử văn hóa như: đền thờ Trạng Quỳnh tại làng Bột Thượng (xã Hoằng Lộc); đền thờ các nhân thần và nhiên thần như: Triệu Quang Phục, Lê Phụng Hiểu, Trần Khát Chân, Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Tô Hiến Thành...; các di tích lịch sử cách mạng như: tượng đài lão quân Hoằng Trường anh hùng - nơi các cụ bắn rơi máy bay Mỹ, cồn Ba Cây, cồn Mã Nhón - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa 24-7 giành chính quyền sớm nhất tỉnh... hay xa hơn nữa, Hải Tiến cùng với Sầm Sơn là trung tâm, điểm tiếp nối khám phá nhiều địa danh lịch sử, văn hóa và danh thắng thiên nhiên của mảnh đất xứ Thanh: di sản thế giới thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) …
Vùng đất cổ Hoằng xưa, địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hóa, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài lưu danh sử sách, nay trở thành điểm du lịch đầy tiềm năng. Dù mới đưa vào khai thác, còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhưng với tiềm năng vốn có và lộ trình phát triển phù hợp, nơi đây sẽ thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện, thu hút ngày càng đông du khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng trong thời gian sắp tới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017
Tác giả : BÙI HƯƠNG THẢO