Trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại của dân tộc ta, đã xuất hiện những danh tướng kiệt xuất, mãi mãi đi vào lịch sử, như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp... Họ là những anh hùng, không chỉ có tài thao lược quân sự xuất chúng mà còn là những nhà tư tưởng - văn hóa đậm chất nhân văn, đến cả kẻ thù cũng phải khâm phục. Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc, đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó, nét đặc trưng về văn hóa quân sự luôn được nhắc đến như những giá trị tiêu biểu nhất. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, văn hóa quân sự Việt Nam được bổ sung, phát triển và nâng lên ở một tầm cao mới, góp phần tạo ra sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng những kẻ thù xâm lược.
Những giá trị đặc sắc trong văn hóa quân sự Việt Nam được thể hiện sâu sắc ở một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của quốc gia, dân tộc
Để giữ vững sự toàn vẹn của giang sơn bờ cõi, chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều lần, các triều đại phong kiến Việt Nam đều nhất quán tư tưởng “bách tính vi binh”, khi đất nước lâm nguy thì trăm họ đều sẵn sàng tham gia đánh giặc giữ nước. Chính tinh thần và truyền thống cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của thế trận lòng dân đã tạo nên sức mạnh vô địch để đánh bại kẻ thù xâm lược. Khi đề cập vấn đề này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã khái quát: “Trông vào lịch sử cũng dài nhiều nghìn năm của dân tộc Việt Nam, từ Văn Lang, Âu Lạc cho đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người quan sát có thể thấy ngay rằng các tư tưởng chủ đạo, cái lý thường hằng nhất, quán triệt cổ kim là chủ nghĩa yêu nước, chống xâm lăng, bảo vệ sự tồn tại của dân tộc, là tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do… Trong hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống, chủ nghĩa yêu nước là tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” (1).
Chính các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã cho thấy, kẻ địch luôn có tiềm lực về mọi mặt hơn hẳn chúng ta… Nhiều lần, kẻ thù còn sử dụng cả âm mưu đồng hóa về văn hóa đối với dân tộc Việt Nam, nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu và buộc nhân dân ta phải khuất phục, cam chịu kiếp nô lệ cho ngoại bang. Trước tình thế đó, phát huy tinh thần “uy vũ bất năng khuất”, quyết không sợ cường quyền để bảo vệ chủ quyền, các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng thực hiện nhiều kế sách giữ nước, trong đó khơi dậy tinh thần yêu nước, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất cho mọi người dân; tạo khí thế quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Tinh thần yêu nước vừa là tình cảm tự nhiên, vừa là sản phẩm được hun đúc từ chính lịch sử bi hùng của dân tộc, như mạch ngầm tuôn chảy, thấm đẫm vào mỗi người dân, khiến họ sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích riêng tư.
Văn hóa người Việt đã hình thành nên một nét đặc sắc “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, thể hiện rõ tinh thần hy sinh vì nghĩa lớn, vì vận mệnh dân tộc, không kể sang hèn, già trẻ hay trai gái… Đây là cơ sở để các nhà nước phong kiến tiến bộ động viên và tổ chức cho toàn dân tham gia vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành giá trị căn bản của văn hóa quân sự truyền thống, tiếp tục tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh và trở thành sức mạnh quật khởi, thúc đẩy toàn dân tộc tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Phát huy truyền thống này trong điều kiện mới, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và muốn có độc lập dân tộc phải “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (3).
Chỉ có dựa vào sức mạnh của chính mình, của toàn dân tộc mới có thể hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang. Vì vậy, đường lối xuyên suốt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc là xây dựng lực lượng chính trị của toàn dân. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đảng đã đề ra đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Nhờ có đường lối, nghệ thuật quân sự đúng đắn, Đảng ta đã huy động và tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến, đánh địch bằng ba mũi giáp công, bằng cả thế trận chiến tranh nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh đổ từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Hai là, luôn giữ vững tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước
Là một quốc gia đa dân tộc, lại được thấm đẫm bởi ba dòng chảy văn hóa chủ lưu, nhưng tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng chung lưng đấu cật, góp sức mình vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc đã trở thành giá trị chung và là nền tảng hình thành văn hóa quân sự đặc sắc. Cội nguồn của tinh thần đoàn kết được hình thành từ dòng giống con Lạc cháu Hồng, luôn đồng cam cộng khổ, chống thù trong giặc ngoài, cùng gánh vác trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi khẳng định: “Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp, hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con” (4).
Với người Việt, cố kết cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm đã trở thành lương tâm, tiềm thức, là tiêu chí đánh giá về lẽ sống và phẩm giá con người. Giá trị này được lan tỏa trong hoạt động quân sự, đoàn kết là chất keo kết dính những lực lượng trọng yếu của phong trào toàn dân đánh giặc.
Đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm là phương cách kỳ diệu để tập hợp muôn người như một nhằm chống kẻ thù chung, từ việc hóa giải mâu thuẫn nội bộ đến việc tổ chức bàn kế sách giữ nước như Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than thời Trần; Hội thề Lũng Nhai thời Lê, Lễ Thệ sư của Quang Trung - Nguyễn Huệ… Đoàn kết đã trở thành giá trị văn hóa quân sự truyền thống tiêu biểu và đặc sắc trong Lời thề danh dự ngày thành lập quân đội 22-12-1944: “Xin thề: hết sức ái hộ các bạn chiến đấu, trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận”(5).
Tổ chức và hoạt động quân sự mà trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Yêu cầu đoàn kết thống nhất cùng hành động không chỉ dừng lại ở nhận thức mà là ở vấn đề tổ chức và hiệp đồng tác chiến của tất cả các cấp. Trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, bất kỳ một chiến dịch lớn hay một trận đánh nhỏ, sử dụng cách đánh du kích hay tác chiến hiện đại, đều phải “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”; đều phải triệt để lợi dụng sơ hở và khoét sâu mâu thuẫn làm ly tán lòng địch, xây dựng và củng cố đoàn kết quyết tâm tác chiến của ta, tạo ra sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù.
Ba là, tính nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa và luôn lạc quan
Đây cũng là một giá trị nổi bật của văn hóa quân sự Việt Nam trong lịch sử, có tác động tích cực tới công cuộc dựng nước và giữ nước, đồng thời khẳng định cốt cách, khí phách của Việt Nam trước kẻ thù xâm lược. Sinh tụ trong nền văn hóa lúa nước, con người sống chan hòa với nhau, lấy nhân nghĩa làm trọng; đồng cam cộng khổ, thấu hiểu được những giá trị của cuộc sống, không lấy cái gì của ai làm của mình, không gây hấn cùng ai nhưng nhất định không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại xâm.
Trên thế giới này, hiếm một dân tộc nào lại có lòng nhân nghĩa, đối xử nhân văn với chính kẻ thù xâm lược như Việt Nam luôn bằng mọi cách để mở đường “hiếu sinh” cho binh sĩ đối phương về nước an toàn. Đó là điều kiện đầy tính nhân văn để hai nước xây dựng mối quan hệ hòa hiếu, hữu nghị, cùng phát triển, là niềm tin chính nghĩa vào lương tri và phẩm giá của con người. Khi đánh giá về vấn đề này, đề tài Tìm hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam chỉ rõ: “Có thể nhận xét rằng cả ba lần kháng chiến đời Trần, tư tưởng quân sự đánh đuổi địch là chính, chưa lần nào ta chủ trương đánh tiêu diệt địch hoàn toàn. Quân ta đối chọi với quân địch đông và mạnh, có nhiều trận đánh lớn nhưng là đánh tập kích, phục kích, đánh đuổi, nên thương vong của ta không nhiều. Dân ta phần lớn tránh vào rừng làm kế vườn không nhà trống, nên tuy có bị thiệt hại nhưng không quá lớn. Đó chính là một đường lối chiến tranh nhân ái” (6).
Trong Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi viết: “Đến như võ thần không giết, đức lớn hiếu sinh, nghĩ về kế lâu dài của đất nước, tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh, sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh, chỉ cần vẹn đất cốt sao an ninh…” (7) đã trở thành giá trị văn hóa quân sự truyền thống cao thượng, bao dung chứa đựng chất nhân văn trong đó.
Những điều này được Đảng vận dụng trong điều kiện mới khi đề ra phương cách đánh Pháp đuổi Nhật, xua quân Tưởng về nước. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối quân sự độc đáo, sáng tạo, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, kết hợp giữa “đánh và đàm”. Thắng lợi trên mặt trận quân sự là điều kiện quan trọng để giành thắng lợi trên bàn đàm phán; ngược lại, giành thắng lợi trên bàn đàm phán tạo ra những điều kiện thuận lợi để giành thắng lợi trên chiến trường mà không chủ trương đánh triệt diệt. Điều này góp phần làm phong phú những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc trong nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bằng những hành động trên, dân tộc ta đã thể hiện nguyện vọng cháy bỏng: hòa bình, hữu nghị và ổn định với các quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước láng giềng. Tinh thần nhân văn, nhân đạo được nâng tầm và phát huy trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Sẵn sàng “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” vì hòa bình, ổn định và phát triển…
Năm là, nghệ thuật đánh giặc độc đáo, sáng tạo
Trong lịch sử, phép dụng binh “cử quốc nghênh địch”, “trăm họ ai cũng là binh”, “động binh tĩnh dân”… đã được các bậc tiền nhân sử dụng một cách sáng tạo và đạt đến mức nghệ thuật. Trước những đạo quân xâm lược lớn mạnh và hung hãn, nếu ta cũng dốc toàn lực ra mà đối chọi thì khác nào trứng chọi đá, châu chấu đá voi. Điều này đỏi hỏi dân tộc ta phải đề ra cách đánh phù hợp, thiên biến vạn hóa, buộc địch phải theo cách đánh của ta, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận tiến tới đánh đổ và giải phóng hoàn toàn.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam thực sự độc đáo ở chỗ lấy “ít địch nhiều” không chỉ thường “dùng mai phục” mà còn biết tận dụng thời gian để chuyển hóa lực lượng từ không thành có, từ yếu thành mạnh mà chiến thắng kẻ thù. Trong nghệ thuật đánh giặc truyền thống, nổi bật hơn cả là nghệ thuật dựng binh, dụng binh, nghệ thuật sáng tạo vũ khí và sử dụng trang bị vũ khí vào mục đích chính nghĩa.
Quá trình nuôi quân, luyện quân và sử dụng quân phải bảo đảm “dạy, dỗ, rèn, phản, phát” (truyền thụ tri thức, thuyết phục noi theo, rèn luyện kỷ luật, tự kiểm điểm vì sự tiến bộ và khuyết khích sáng tạo giá trị). Đồng thời, rèn luyện sự thống nhất muôn người như một trong cách “ngồi, dậy, tiến, lui” (trình độ kỹ xảo, kỹ năng tác chiến), lại được “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” (bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh…). Việc tổ chức quân là một trong những nét văn hóa độc đáo của tiền nhân. Đó là dựa vào thế núi thế sông, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt cũng như tố chất người Việt để sắp xếp lực lượng hợp lý, tạo ra thế bố trí chiến lược, đảm bảo phát huy thế mạnh tại chỗ vừa có thể hỗ trợ, bổ sung sức mạnh cho nhau.
Việc sử dụng lực lượng đánh giặc cũng là nét văn hóa quân sự độc đáo. Chúng ta thường không bằng địch về vũ khí, trang bị, vật chất kĩ thuật mà dám đánh địch để giành thắng lợi thì việc sử dụng lực lượng, phương pháp tác chiến, cách nắm địch, triệt để lợi dụng địa hình thời tiết, chuyển hóa của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trở nên quyết định để đảm bảo chắc thắng. Phương pháp luận quân sự của ông cha là biết địch, nắm rõ địch, lấy “đoản binh” mà “chế trường trận”, “đánh mai phục, trường kỳ kháng chiến”, “đánh địch lúc chiều tà, lúc địch mỏi mệt, tránh địch lúc ban mai”... Sử dụng tổng hợp nhiều hình thức tác chiến, nhiều mũi nhiều hướng, “thiên la địa võng” để cùng đánh kẻ thù.
Giá trị văn hóa quân sự truyền thống Việt Nam được biểu hiện sinh động ở tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân văn và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc. Là biểu trưng nét đẹp sáng tạo và nhân văn, khẳng định bản sắc, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Những giá trị văn hóa quân sự truyền thống sẽ nhập thân vào nhận thức, tình cảm và tỏa sáng hành động của cán bộ chiến sĩ trong quân đội. Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, Bộ đội cụ Hồ ngày càng làm dày thêm giá trị văn hóa quân sự truyền thống, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(8). Đó là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
______________
1. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, tr.100.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.
4, 7. Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.79, 120.
5. Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.86.
6. Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Tìm hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.169.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.350.
Tác giả: Nguyễn Văn Trường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020