Giáo dục Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho thanh niên quân đội trong công tác vận động đồng bào công giáo ở miền Đông Nam Bộ

Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho thanh niên quân đội là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Điều này có vai trò quan trọng không chỉ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, xây dựng ý thức sống, làm việc theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, mà còn trực tiếp củng cố động cơ phấn đấu, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện và năng lực tổ chức, quản lý, duy trì kỷ luật, thực thi pháp luật theo chức trách, nhiệm vụ; ngăn ngừa, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi vi phạm pháp luật, hoàn thiện nhân cách của đoàn viên, thanh niên quân đội.

   Trong các tôn giáo có mặt tại Việt Nam, đạo Công giáo do các giáo sĩ ngoại quốc truyền vào nước ta từ giữa TK XVI, trong đó chủ yếu là các giáo sĩ của hội truyền giáo nước ngoài tại Pháp (gọi tắt là MEP). Sự du nhập của đạo Công giáo đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và được đón nhận, đem lại cho một bộ phận người Việt Nam một niềm tin tôn giáo mới. Hiện nay, giáo hội Công giáo Việt Nam có 3 giáo tỉnh, 26 giáo phận, trên 7 triệu tín đồ, 46 giám mục, hơn 5000 linh mục, hơn 23.000 nam, nữ tu sĩ, hơn 3000 giáo xứ và khoảng 150 dòng tu, tu hội. Có 10 cơ sở đào tạo tôn giáo gồm 1 học viện, 9 đại chủng viện.

   Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho đoàn viên, thanh niên quân đội trong công tác vận động đồng bào công giáo ở miền Đông Nam Bộ đã được các đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm túc. Tổ chức đoàn các cấp trong quân đội đã nghiên cứu vận dụng linh hoạt, đa dạng các nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên sát với thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Ngoài việc tổ chức giáo dục lên lớp tập trung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, mô hình sinh động, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia như: sân khấu hóa Ngày pháp luật, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật vào biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hoạt động của các tổ chức quần chúng, thông tin truyền thanh nội bộ, pa-nô, thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện pháp luật, mô hình tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân... đã được triển khai ở nhiều tổ chức đoàn cơ sở.

   Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thì chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho đoàn viên, thanh niên trong quân đội ở một số đơn vị cơ sở còn nhiều hạn chế. Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của một số đoàn viên, thanh niên chưa nghiêm; nhận thức, ý thức tự giác rèn luyện, chấp hành pháp luật chưa cao dẫn đến vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong đơn vị và ngoài xã hội. Hoạt động tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức và phương pháp chưa sát với đặc điểm từng đối tượng và địa bàn cụ thể; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng với tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, đặc biệt đồng bào Công giáo ở miền Đông Nam Bộ. Một số đơn vị chưa linh hoạt trong thực hiện vai trò tham mưu cho các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào Công giáo. Chưa xây dựng được môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở lành mạnh, vững chắc để điều chỉnh hành vi, lối sống theo pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.

   Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho thanh niên quân đội hiệu quả, chất lượng tốt, cần thực hiện tốt những biện pháp:

   Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò của tổ chức đoàn các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

   Cấp ủy các cấp cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho đoàn viên, thanh niên, trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ với công tác này, bởi đây là nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cần xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp. Trên cơ sở đó xây dựng nội dung, biện pháp lãnh đạo sát đúng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác này, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị đến đoàn viên, thanh niên quân đội.

   Cấp ủy các đơn vị cần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo thành chế độ nề nếp hoạt động của đơn vị; lấy kết quả giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật làm một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của đoàn viên, thanh niên quân đội. Kết hợp kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật với quản lý, rèn luyện chấp hành pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường giáo dục, hình thành ở mỗi thanh niên nhu cầu tự học tập để nâng cao trình độ kiến thức pháp luật đáp ứng nhiệm vụ được giao.

   Hai là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo đủ về số lượng, có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên quân đội

   Hiện nay, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các đơn vị cơ sở chủ yếu là cán bộ chính trị, người phụ trách công tác đoàn viên, thanh niên quân đội. Họ vừa là những người chủ trì về chính trị, vừa là lực lượng nòng cốt trong giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến giáo dục, quản lý, rèn luyện chấp hành pháp luật đối với đoàn viên, thanh niên quân đội. Sự thiếu hụt về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn pháp luật, kỹ năng sư phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Hơn nữa, kiến thức pháp luật luôn được bổ sung, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, quản lý nhà nước và xây dựng quân đội, vì vậy báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phải được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên mới đáp ứng được yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với đối tượng thanh niên quân đội. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó chú trọng các văn bản pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và các quy định của Bộ Quốc phòng đã ban hành. Đồng thời, quán triệt cho thanh niên quân đội thấy rõ sự cần thiết cũng như yêu cầu của việc tăng cường công tác giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo trong tình hình mới và những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong các cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện phải bám sát thực tiễn sinh động trong môi trường quân đội để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với nhu cầu pháp luật của thanh niên quân đội và tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị.

   Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên coi trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc giao bài, viết bài, hoàn thiện giáo án, phê duyệt, giảng thử và giảng chính thức để nâng cao chất lượng bài giảng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật: chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực. Mỗi bước trong quy trình phổ biến, giáo dục pháp luật phải thực sự là sự lao động sáng tạo của từng báo cáo viên, tuyên truyền viên, khắc phục tình trạng sao chép giáo án, hình thức, chiếu lệ. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phương pháp sư phạm, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.

   Ba là, đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo phù hợp với đoàn viên, thanh niên quân đội và đặc thù của các đơn vị

   Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện theo hướng: tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình, cách làm đã được khẳng định trong thực tiễn kết hợp với xây dựng các hình thức mới phù hợp với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tạo ra nhiều kênh thông tin, giúp cho việc tiếp thu kiến thức pháp luật được thuận lợi, dễ dàng hơn. Vì vậy, cần vận dụng kết hợp các phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật như: thuyết trình với gợi mở nêu vấn đề; giới thiệu nội dung cơ bản với so sánh làm rõ những điểm mới của văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung; kết hợp giữa trang bị lý thuyết và xử lý tình huống, phân tích những ví dụ điển hình để luận giải làm rõ nội dung học tập...

   Cùng với đổi mới phương pháp cần đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài chương trình, nội dung theo kế hoạch, cần thường xuyên lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng của các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Hội đồng quân nhân... Tổ chức tốt các hoạt động thi đua đột kích trong các tháng cao điểm về chấp hành pháp luật, duy trì nề nếp chế độ đọc báo, nghe đài, xem truyền hình về các chuyên mục tìm hiểu, giải đáp pháp luật.

   Bốn là, kết hợp chặt chẽ phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo với quản lý, rèn luyện, chấp hành kỷ luật đối với đoàn viên, thanh niên quân đội

   Duy trì nề nếp các chế độ trong ngày, trong tuần, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu; quản lý chặt chẽ đoàn viên, thanh niên quân đội các giờ nghỉ, ngày nghỉ. Xử lý nghiêm minh, không bao che, né tránh các hành vi vi phạm pháp luật làm hạn chế hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý, rèn luyện chấp hành kỷ luật đối với đoàn viên, thanh niên.

   Trong quá trình hoạt động, cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, lực lượng có liên quan, đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra. Cùng với đó các đơn vị cần nâng cao chất lượng dạy, học môn Nhà nước và pháp luật trong các nhà trường quân đội. Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, duy trì nề nếp chính quy; chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, động viên thanh niên quân đội tự giác phấn đấu, rèn luyện theo đúng các chuẩn mực pháp luật đề ra.

   Để phát huy tốt vai trò của quân đội trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trước hết, cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị các cấp cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức về luật, nắm chắc luật, am hiểu phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, giáo lý, giáo luật, lễ nghi các tôn giáo, những chuẩn mực, quy định khi tiếp xúc với nhân dân, nhất là người có đạo, để khi thực hiện công tác dân vận đạt hiệu quả. Việc tuyên truyền Luật Tín ngưỡng tôn giáo cần gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào: Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, Hành trình quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng... Thực hiện tốt các nội dung, giải pháp trên sẽ bảo đảm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu quả, đưa luật vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân, góp phần tích cực xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác giả: Đỗ Mạnh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;