Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI: Vinh danh 30 tập thể và cá nhân

Sáng ngày 4-4-2024, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của các cá nhân, tập thể cho việc phát triển văn hóa đọc tại các bộ, ngành, địa phương, vùng miền và trong cộng đồng.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn; Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Đạo; Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga; đại diện các cục, vụ thuộc Bộ VHTTDL; các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI.

Toàn cảnh buổi lễ

Từ năm 2018, Bộ VHTTDL đã tiến hành trao giải thưởng Phát triển văn hóa đọc cho các tập thể, cá nhân có đóng góp quý báu trong việc phát triển văn hóa đọc, tạo động lực để kết nối và lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc trong cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI được thực hiện theo Quy chế mới do Bộ VHTTDL ban hành năm 2023. Quy chế đã có nhiều điểm mới, chú trọng hướng tới hiệu quả thiết thực và sự bền vững của các hoạt động phát triển văn hóa đọc, ưu tiên những nhân tố mới thông qua các tiêu chí: có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc tối thiểu 3 năm liên tục và chưa được tặng Giải thưởng trong khoảng thời gian 3 năm tính đến năm đề nghị xét tặng; tổ chức được các mô hình hoạt động văn hóa đọc hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, và đặc biệt hơn nữa là cá nhân đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có ít nhất 1 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI được Bộ VHTTDL triển khai từ tháng 9-2023. Đến hết ngày 31-12-2023, Ban Tổ chức đã nhận được 78 hồ sơ từ địa phương, bộ ngành đề nghị xét tặng (tăng 14,7% so với năm 2022); trong đó có 36 hồ sơ tập thể (19 hồ sơ thư viện công cộng, 14 hồ sơ cơ sở giáo dục, thư viện cộng đồng, thư viện lực lượng vũ trang, đơn vị khác mỗi loại 1 hồ sơ); 42 hồ sơ cá nhân (21 hồ sơ là lãnh đạo quản lý và viên chức thư viện công cộng; 15 hồ sơ khối cơ sở giáo dục, 2 hồ sơ từ lực lượng vũ trang, 2 hồ sơ từ khối thư viện cộng đồng, 2 hồ sơ người làm công tác khác)…

Các tập thể, cá nhân đã bám sát những tiêu chí của Quy chế và hướng dẫn của Bộ, chú trọng đánh giá thành tích của các tập thể, cá nhân thông qua những số liệu, thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc; các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua việc triển khai thực tiễn; các dịch vụ, sản phẩm thông tin - thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, thước phim cụ thể.

Các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông đa dạng đến các nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt, đòi hỏi chất lượng cao; Các hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng.

Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng như: “đem sách đến người đọc” thông qua mô hình xe ô tô thư viện lưu động, mô hình thư viện xanh, thư viện lớp học, tủ sách phụ huynh trong cơ sở giáo dục, mô hình thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; mô hình tủ sách yêu thương, thư viện miễn phí, thư viện xã phục vụ cộng đồng…

Các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối tượng người yếu thế (người khuyết tật, trẻ em - đặc biệt trẻ em mầm non, người dân tộc, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo…) và tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể như người cao tuổi, đoàn thanh  niên, cựu giáo chức, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, qua 5 năm tổ chức, Bộ VHTTDL đã vinh danh 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc có những đóng góp tích cực, nổi bật cho phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt, có những cá nhân, tập thể sau khi nhận giải thưởng vẫn tiếp tục bền bỉ, tâm huyết, luôn đổi mới tìm tòi cách làm hay, sáng tạo để tiếp tục phục vụ người đọc và đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện phát triển phong trào đọc sách cho học sinh.

Thứ trưởng cũng hy vọng qua việc trao giải thưởng này, mỗi tập thể, mỗi cá nhân được vinh danh sẽ là ngọn lửa cùng thắp sáng và lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc để ý nghĩa của giải thưởng sẽ là động lực thúc đẩy học sinh, sinh viên, các cá nhân, tập thể cùng chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn trao giải cho các tập thể xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trao giải cho các cá nhân xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc

Căn cứ vào Quy chế Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc và thành tích đạt được của các tập thể, cá nhân, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc đã lựa chọn được các hồ sơ và trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL trao tặng Giải thưởng. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho 30 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao giải thưởng, Ban Tổ chức đã trưng bày, triển lãm một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày, triển lãm hình ảnh hoạt động khuyến đọc

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

;